Tháng Chín: "Ăn xổi" với ballad, chờ những luồng gió khác

Nhạc Việt tháng Chín đánh dấu sự trở lại của rất nhiều nghệ sĩ, từ lâu năm như Noo Phước Thịnh, mới nổi như HuyR, Quân A.P hay đã lâu không phát hành sản phẩm như Trung Quân. Tuy nhiên, không có ai thực sự thống trị, tất cả đều là single lẻ thay vì một chiến lược dài hơi, khiến thị trường âm nhạc chỉ mới ở dạng “ăn xổi ở thì”.

Chuộng single hơn album

Khởi đầu với Trung Quân và Tình nào không như tình đầu, tiếp nối bằng một Quân A.P cùng Bông hoa đẹp nhất đã đạt được rất nhiều thành tích cao trên các trang nhạc số. Noo Phước Thịnh cũng tham gia cuộc đua với Em đã thương người ta hơn anh. Ballad cùng MV drama trở thành một công thức thành công rất an toàn tại nhạc Việt, nên đòi hỏi một sự thay đổi ngay lập tức là quá khó. 

Thị trường nhạc Việt tháng Chín cũng có những nghệ sĩ đi một hướng khác. Tận dụng sức nóng từ Người ấy là ai, kết hợp với âm nhạc từ hit-maker Khắc Hưng, Cara phát hành một ca khúc teen pop This Way khá đáng yêu và có một màu sắc thú vị riêng.

Dẹp chất pop ballad an toàn qua một bên, Gil Lê lựa chọn hướng đi sang R&B nhiều thách thức hơn cùng một đội ngũ sản xuất hoàn toàn mới trong Sao người ta nỡ làm mình đau. Dù giọng hát của Gil còn rất yếu, mỏng, thiếu kỹ thuật, nhưng chí ít, Gil còn dám mạo hiểm. Vài ngày trước, Jack hợp tác với nhóm DTAP cũng có một màn lột xác bất ngờ với Hoa hải đường. Những nốt luyến láy gây tranh cãi đã được kiểm soát hơn, âm thanh từ nhạc cụ truyền thống được xử lý tinh tế hơn, thêm thắt một chút âm thanh của future bass, ca khúc này ghi điểm hơn so với Là một thằng con trai phát hành hồi đầu năm, hứa hẹn sẽ thống trị các bảng xếp hạng trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, dù ballad hay không, các sản phẩm âm nhạc kể trên đều có một điểm chung, đấy là tính đơn lẻ, nhất thời. Không một sản phẩm nào báo hiệu một giai đoạn, một thời kỳ âm nhạc mới của nghệ sĩ. Không một sản phẩm nào đi kèm một kế hoạch phát triển dài hơi.  

Chờ đợi những điểm sáng 

Trong khi đó, ở cộng đồng indie, lại không hoàn toàn là một màn sương mù hỗn loạn thông qua những kế hoạch lẫn sản phẩm chất lượng. Có thể điểm danh Nguyên Hà, với dự án âm nhạc mới, kết hợp với nhạc của Trang trong vai trò sáng tác và nhạc sĩ Phạm Hải Âu trong vai trò sản xuất, mở màn với single Chưa từng yêu.

Dù vẫn có nhiều điều đáng bàn, nhưng nhạc của Trang hầu như áp đặt toàn bộ cá tính của cô lên Nguyên Hà; song, việc Nguyên Hà có một hướng phát triển rõ ràng là một điều đáng mừng. Và quan trọng hơn, Nguyên Hà luôn có sự tìm tòi để thay đổi. Sản phẩm âm nhạc sắp tới của Nguyên Hà chắc chắn đáng để trông chờ.  

Tùng - một nghệ sĩ từ indie, cũng công bố dự án âm nhạc sắp tới của anh trong tháng này. Kết hợp với Hãng đĩa thời đại cùng Universal Việt Nam, Tùng cho ra mắt album đầu tay 26: individualism ngày 26/9 dưới cả định dạng đĩa cứng lẫn trực tuyến. Single mở đường cho album này có tên Ở đây lúc này gần như rất khác với những gì người yêu nhạc biết về Tùng. Không còn là chàng trai mượn rap để thỏ thẻ những câu chuyện nhẹ nhàng, sử dụng nhạc cụ đơn giản, trong single này, anh chơi hẳn âm thanh phức tạp của jazz/blues và hát từ đầu đến cuối. 

Một đại diện của mainstream có hướng phát triển rõ ràng trong tháng Chín này phải kể tới AMEE. Cô là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi ở Việt Nam đang sử dụng cách thức quảng bá sản phẩm theo hướng US-UK, đó là phát hành một album, sau đó lần lượt quảng bá các single trích từ album đó.

Trước AMEE đã có Hoàng Thùy Linh từng rất thành công với phương án quảng bá này, và giờ AMEE tiếp tục phát huy với Mama Boy - single thứ 7 trích từ album DreAMEE. Âm nhạc có đầu tư, quảng bá chuyên nghiệp, có định hướng, thành công của AMEE đang tỏ ra rất bền vững và ổn định. 

Phát hành single một cách lẻ tẻ, thiếu định hướng không phải là một phương án lâu dài và chuyên nghiệp. Thị trường nhạc Việt hoàn toàn có thể trở nên chỉn chu, rõ nét hơn nếu việc phát hành sản phẩm đi kèm với một dự án dài hơi. Hoặc nếu nghệ sĩ muốn có những bước thử nghiệm, thăm dò thị trường, hãy làm một sản phẩm đột phá thay vì sử dụng ballad quá đỗi an toàn và nhạt nhòa như hiện nay. 

N.T (PNO)

Nhận xét