Phim truyền hình Nhật từng có giai đoạn phát triển huy hoàng tại Việt Nam trước khi thoái trào và gần như biến mất trong hai thập kỷ trở lại đây.
Nửa cuối thập niên 1990 là giai đoạn phim Nhật phủ sóng màn ảnh nhỏ Việt Nam, trở thành một bộ phận của văn hóa đại chúng.
Thập niên huy hoàng của phim truyền hình Nhật tại Việt Nam
Dấu ấn đậm nét của những bộ phim truyền hình Nhật với khán giả Việt còn lại đến ngày nay thể hiện rõ nhất trong danh từ “ôsin”. Oshin (1983) là series truyền hình được phát sóng tại Việt Nam từ năm 1994. Phim kể về cuộc đời Tanokura Shin, một phụ nữ tảo tần, vì gia cảnh nghèo khó đã đi ở đợ từ năm lên 7.
Oshin (1983) là bộ phim truyền hình Nhật nổi tiếng nhất với khán giả Việt Nam. Ảnh: NHK.Cuộc đời truân chuyên của Shin được tái hiện trong 297 tập phim ngắn. Cốt truyện phim đi theo mạch hồi tưởng của nhân vật chính - khi đã là một bà lão với tuổi già viên mãn, bình yên tận hưởng những ngày tháng cuối đời.
Nhân vật Shin, được gọi một cách kính trọng bằng tên “Oshin”, là biểu tượng của sự kiên trì vượt khó, không chịu khuất phục của phụ nữ Nhật Bản. Đó cũng là đức tính đã giúp nước Nhật trở thành cường quốc trong thập niên 1920 - cũng là những năm tháng thanh xuân của Shin.
Tại Việt Nam, nửa sau thập niên 1990 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong lối sống của thị dân. Nhiều gia đình thành phố bắt đầu tìm người giúp họ làm các việc vặt trong gia đình. Những người phụ nữ làm giúp việc được gọi bằng tên lóng “ôsin” dựa theo tình tiết nhân vật chính trong Oshin đã đi làm nghề bế em, hầu hạ nhà chủ từ khi lên 7 tới năm 16 tuổi.
Cảnh phim Ngôi sao may mắn. Ảnh: Outnow.
26 năm kể từ ngày bộ phim Oshin ra mắt khán giả Việt, “ôsin” vẫn là cách gọi được ưa chuộng để chỉ những người giúp việc. Cái tên bắt nguồn từ nhan đề một bộ phim Nhật từng cuốn hút khán giả Việt thuộc mọi tầng lớp, độ tuổi.
Bên cạnh Oshin, những tựa phim truyền hình Nhật khác cũng được khán giả Việt yêu thích nồng nhiệt còn có Chuyện nữ tiếp viên hàng không (1993), Dưới một mái nhà (1993), Ngôi sao may mắn (1995), Cô thợ làm bánh Asuka (1999), Sự trớ trêu của phép màu (2002)…
Phim truyền hình Nhật Bản mang lại cho khán giả Việt cái nhìn về cuộc sống của những thanh niên hiện đại đầy hoài bão và đam mê. Dù vấp phải không ít khó khăn trên con đường lập thân, họ vẫn kiên cường vượt qua và tiến về phía trước.
Chùm phim Nhật đã thổi một làn gió mới vào màn ảnh nhỏ Việt Nam - khi ấy vẫn tập trung khai thác những câu chuyện chiến tranh, hậu chiến hay mặt trái của thời mở cửa. Những bộ phim Nhật đã trở thành ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.
Lu mờ trước làn sóng Hàn Quốc
Năm 1997, màn ảnh nhỏ Việt Nam đón chào sự xuất hiện của hai phim truyền hình Hàn Quốc Mối tình đầu và Anh em nhà bác sĩ. Chùm phim là những bi kịch tình yêu lấy đi nước mắt người xem xoay quanh số phận éo le của nhóm bạn trẻ giữa vòng xoáy yêu, hận, tình, thù…
Đầu thập niên 2000, Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông, Giày thủy tinh, Ngôi nhà hạnh phúc… đã trở thành cơn sốt tại Việt Nam. Phim truyền hình Hàn Quốc, cùng với sự phát triển của dòng phim thần tượng Đài Loan, đã nhanh chóng chiếm trọn tầm ảnh hưởng vốn đang thuộc về phim Nhật ở màn ảnh nhỏ Việt.
Nữ diễn viên Takeuchi Yuko, nữ chính của bộ phim Cô thợ làm bánh Asuka (1999). Ảnh: Fuji TV.
Cuối thập niên 2000, phim thần tượng Đài Loan thoái trào, làn sóng văn hóa Hàn Quốc lan tỏa mạnh mẽ khắp châu Á và phim truyền hình Nhật Bản biến mất khỏi màn ảnh nhỏ Việt Nam. Một bộ phận khán giả trẻ vẫn tìm xem phim Nhật, tuy nhiên chủ yếu qua hình thức xem trực tuyến và tải lậu.
Giai đoạn từ cuối năm 2013 tới 2015, màn ảnh nhỏ có phát sóng một số phim Nhật mới vào các khung giờ: 13h, 17h và 19h. Những tựa phim được chọn phát sóng là Châu Nam cực, Ataru, Bác sĩ thú y Dolittle, Nữ phi công… nhưng không tạo được hiệu ứng và tiếng vang như mong đợi.
Kết quả, dù phát sóng liên tục trong hơn một năm, lần trở lại của phim truyền hình Nhật trên màn ảnh nhỏ Việt Nam đã không thể trở thành tiền đề cho sự phục hưng.
Sự thất thế được báo trước
Phim truyền hình không phải một loại hình giải trí tồn tại độc lập. Nó liên hệ mật thiết với âm nhạc và các bộ phận khác của ngành giải trí. Do đó, việc ca sĩ tham gia đóng phim, hay nghệ sĩ hoạt động trên nhiều lĩnh vực đã không còn lạ lẫm.
Nhờ một ca khúc bắt tai trong phim truyền hình, khán giả sẽ tìm nghe những sản phẩm khác của ca sĩ thể hiện ca khúc ấy. Vì hâm mộ một ca sĩ trên sân khấu, người hâm mộ sẽ đón xem những bộ phim có thần tượng của mình góp mặt.
Đón biết được tâm lý này, chính phủ Hàn Quốc đã quảng bá các sản phẩm văn hóa của họ song song trên cả hai lĩnh vực âm nhạc và truyền hình. Chính sách hướng ngoại đã giúp văn hóa đại chúng Hàn Quốc tạo ra làn sóng mạnh mẽ càn quét toàn thế giới.
Arashi là nhóm nhạc nổi tiếng nhất nhì Nhật Bản. Các thành viên đều phát triển sự nghiệp ở cả lĩnh vực âm nhạc và truyền hình. Ảnh: Johnny's Entertainment.
Ngược lại, ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản luôn thờ ơ với cụm từ “vươn tầm quốc tế”. Các sản phẩm của nghệ sĩ Nhật sẽ tập trung phục vụ đối tượng khán giả nội địa. Họ cũng không thực sự mặn mà với việc quảng bá cho nghệ sĩ hay sản phẩm của mình bằng một ngôn ngữ hay ở quốc gia khác.
Lớp khán giả Việt hâm mộ những bộ phim Nhật cuối thập niên 1990 cũng lần lượt trưởng thành, đối mặt với những vấn đề rất khác câu chuyện lập thân lập nghiệp trong phim và dần mất đi sự đồng cảm. Trong khi đó, lớp khán giả kế cận lại sớm tiếp xúc và bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, âm nhạc Hàn Quốc.
Những gương mặt diễn viên xa lạ trên phim Nhật không còn sức hút nếu đem so sánh với loạt diễn viên Hàn phủ sóng từ màn ảnh nhỏ tới các tờ báo in, từ bộ phim trên truyền hình đến những mẩu chuyện phiếm…
Bên cạnh việc không thể cạnh tranh với sức ảnh hưởng như vũ bão của phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc, bản thân nội dung các bộ phim Nhật cũng dần trở nên xa lạ với thị hiếu của khán giả châu Á.
Làn sóng những bộ phim truyền hình Hàn Quốc sướt mướt với cái kết ung thư, máu trắng thời kỳ đầu 2000 chính là cú sốc về mặt cảm xúc với người xem truyền hình. Các nhân vật đẹp tựa công chúa hoàng tử, yêu nhau đắm đuối, hy sinh tất cả để đến với nhau rồi lại bị chia cắt bởi định mệnh nghiệt ngã khiến khán giả cảm thấy không phục, và có thể day dứt, khóc như mưa trước các phim bộ Hàn.
Dù là Kimura Takuya là biểu tượng nam tính của Nhật Bản, nhưng tại Việt Nam, không nhiều khán giả xem các tác phẩm của anh. Ảnh: Victor Entertainment.
Nhưng tình yêu đôi lứa ít khi là chủ đề chính của những bộ phim truyền hình Nhật Bản. Hoặc giả, cách tình yêu được thể hiện trong đó quá khác biệt so với mô-típ khán giả đã quen thuộc trong phim Hàn.
Thêm vào đó, các bộ phim truyền hình Nhật Bản luôn phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa và bản sắc tính cách con người xứ sở mặt trời mọc. Khán giả sẽ luôn thấy dấu ấn văn hóa ẩn chứa trong trang phục, kiến trúc, ẩm thực, nghề nghiệp, hành xử hay suy nghĩ của từng nhân vật.
Điều này vô tình khiến khán giả khó tìm được sự đồng cảm. Khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung với nhân vật tạo ra định kiến nơi khán giả phim Nhật khó xem. Và khi khán giả đã e dè, thì các đài truyền hình cũng không còn động lực để nhập phim truyền hình Nhật về chiếu.
A.P (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét