Những thần tượng nhạc không lời một thời

Paul Mauriat, Richard Clayderman, Yanni và Kenny G là bốn cái tên thân thuộc, gắn với ký ức của nhiều thế hệ người yêu nhạc không lời tại Việt Nam.

1. Paul Mauriat

Sinh ra tại thành phố cảng Marseille và lớn lên tại thủ đô Paris, nhạc trưởng người Pháp – Paul Mauriat – bắt đầu chỉ huy dàn nhạc của riêng ông trong thời kỳ Thế chiến II. Paul được biết tới sau bản phối khí bài hát nổi tiếng L’Amour est bleu (Love is Blue) ra mắt năm 1968.

Paul Mauriat là một nghệ sĩ đa tài khi ông vừa là nhà soạn nhạc, sáng tác nhạc, nhạc trưởng cho dàn nhạc đại hòa tấu và còn là một nghệ sĩ thu thanh.

Trong sự nghiệp kéo dài gần 50 năm, Paul Mauriat đã cho ra đời hơn 100 đĩa nhạc. Tại Việt Nam, nhiều người đã biết tới Paul cùng dàn nhạc của ông từ những năm 1980 qua các bản nhạc như Love is Blue, I Say a Little Prayer for You hay Jours en France. Nhắc tới người nghệ sĩ Pháp này, khán giả thường hình dung tới sự pha trộn giữa âm thanh điện tử cùng dàn dây hài hòa. Ông cùng dàn nhạc của mình tạo nên những tinh âm mới mẻ trên những giai điệu quen thuộc và một khi đã nghe thì khó lòng dứt ra.

Một số bản nhạc của Paul Mauriat

* "Cerisiers Roses Et Pommiers Blancs"

* "Love is Blue"

* "I Say a Little Prayer for You"

* "Jours en France"

Nhạc của Paul dễ nghe, dễ nhớ nhưng không dễ quên. Từng giai điệu len lỏi, chạm tới cảm xúc người nghe. Mỗi bản nhạc để lại những hình ảnh khác nhau – những hương vị nồng nàn của mùa xuân, những cơn mưa mùa hạ trong veo, ngày gió trong quán café mùa thu hay những tia nắng ấm áp lạ thường giữa mùa đông lạnh giá…

Thời bao cấp, nhiều người Việt còn từng bỏ ra cả chỉ vàng hay chiếc xe đạp chỉ để có một chiếc đĩa than Paul Mauriat trong nhà, để ngày ngày đắm chìm vào những bản nhạc bay bổng.

Paul Mauriat qua đời năm 2006 khi bước sang tuổi 81.

2. Richard Clayderman

Từng có một thời kỳ ở Việt Nam, tiếng dương cầm của Richard Clayderman xuất hiện ở khắp mọi nơi – trong từng ngôi nhà, ngõ phố, ra tới những chiếc loa phường trên đường phố, ngoài quán café và cả trong thang máy khách sạn hoặc trung tâm thương mại. Richard Clayderman sinh năm 1953 tại thủ đô Paris của nước Pháp. Ông từng được học để trở thành một nghệ sĩ Piano cổ điển, nhưng sau đó lại chọn đi theo con đường trở thành nghệ sĩ chơi các bản nhạc Pop phổ biến, những tình khúc đương thời.

Richard từng nói: “Nhạc của tôi được mở trong thang máy khách sạn, siêu thị, phòng đợi máy bay, ga xe lửa… Nhiều người đã trở nên thoải mái sau một ngày làm việc và giảm căng thẳng khi vừa nghe nhạc của tôi vừa làm bếp, tưới cây. Tôi có thể trình diễn một trích đoạn hòa tấu cổ điển tại sân vận động và người nghe không cần ăn mặc trịnh trọng như vẫn thường mặc để đến nhà hát. Ðiều đó thật tuyệt vời!”.

Tiếng đàn của Richard Clayderman luôn gợi lên một cái gì đó đẹp đẽ, mơ màng và tạo cảm giác thư thái cho người nghe. Phong thái của ông khi ngồi bên cây đàn dương cầm và đắm chìm vào âm nhạc thể hiện cho vẻ hào hoa, lãng mạn đậm “chất” Pháp. Ông không chơi những gì cao siêu mà dùng những giai điệu quen thuộc để dẫn dắt người nghe. Chính vì thế, nhiều nhà phê bình đánh giá chuyên môn của Richard Clayderman rất hạn chế và cho rằng nhạc của ông là “nhạc thang máy” vì được chơi ở những nơi có không gian rộng và dành cho tầng lớp bình dân. Một số còn xem ông là biểu tượng của sự hào nhoáng, của vẻ ngoài mà rỗng tuếch bên trong.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Richard đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người đến với bộ môn Piano.

Một số bản nhạc của Richard Clayderman

* "Ballade pour Adeline" (phiên bản 1976)

* "Ballade pour Adeline" (phiên bản 2013)

* "Mariage d'amour"

* "Someone Like You"

Sự nghiệp của Richard Clayderman bắt đầu từ năm 1976 và vẫn tiếp tục tới nay. Album gần đây nhất của ông, Romantique, là sự tổng hợp giữa các bản nhạc ngày xưa (Spartacus Adagio, Ballade pour Adeline) cho tới những nhạc phẩm đương đại (Someone Like You, You Raise Me Up).

Sau nhiều năm, khán giả Việt Nam sẽ được trực tiếp thưởng thức tiếng đàn của Richard Clayderman trong một đêm diễn duy nhất tại thủ đô Hà Nội vào ngày 23/8.

3. Yanni

Cùng thời kỳ với Richard Clayderman, Yanni cũng là một trong những nghệ sĩ hòa tấu gắn với những ký ức của thời kỳ 1980 – 1990 tại Việt Nam. Sinh ra tại Hy Lạp, Yanni không chỉ là một nghệ sĩ Piano, nghệ sĩ Organ Keyboard mà còn là một nhạc sĩ. Năm 1994, Yanni phát hành album trực tiếp thu hình liveshow tên Yanni Live at the Acropolis. Đây được đánh giá là video âm nhạc bán chạy nhất. Hình ảnh vị nghệ sĩ người Hy Lạp biểu diễn giữa hơn 10.000 người tại nhà hát Herodes Atticus ở Athens đã tạo nên một dấu ấn khó quên.

Yanni còn là một trong những nghệ sĩ thu lợi nhất từ các phương tiện đại chúng khi nhạc của ông được trình diễn, sử dụng trong Thế vận hội Olympic từ năm 1988 hay nhiều sự kiện thể thao khác. Tại Việt Nam, bản nhạc Santorini của ông còn “đóng đinh” vào các buổi lễ trang trọng mà chỉ cần khi giai điệu của nó được cất lên, người nghe đã tự nhận thức được đó là khoảnh khắc trao giải thưởng hay tôn vinh các nhân vật, sự kiện.

Một số bản nhạc của Yanni

* "In the Morning Light"

* "Santorini"

Một bản nhạc khác của Yanni cũng được rất nhiều thế hệ Việt Nam yêu mến là In the Morning Light. Giai điệu của tác phẩm đã được sử dụng trong rất nhiều chương trình truyền hình ngày trước.

Tiếng đàn du dương, êm đềm của Yanni như đưa người nghe tới một không gian xanh thăm thẳm của biển Địa Trung Hải và chìm đắm trong một thứ ánh sáng mê hồn của buổi sớm. Khi giới thiệu về âm nhạc của mình, Yanni thường gọi là “nhạc hòa tấu đương đại”. Từ năm 2010 trở lại đây, vị nghệ sĩ người Hy Lạp đã có nhiều tour diễn quốc tế trước hàng triệu khán giả. Ông đã đi qua 33 quốc gia và vùng lãnh thổ.

4. Kenny G

Những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990, chàng nghệ sĩ người Mỹ có nghệ danh Kenny G cùng cây kèn soprano saxophone đã chinh phục hàng triệu khán giả trên khắp thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Mái tóc xoăn dài lãng tử, gương mặt nam tính cùng cây kèn phát ra những giai điệu ngọt ngào đã biến Kenny G trở thành thần tượng của nhiều cô gái trẻ lúc bấy giờ.

Kenny G từng sản xuất nhiều đĩa đơn và hợp tác với những ca sĩ tên tuổi như Whitney Houston, Toni Braxton, Natalie Cole, Peabo Bryson hay Aretha Franklin. Album thứ năm của ông có tên Breathless, phát hành năm 1992, được coi là album nhạc hòa tấu bán chạy nhất mọi thời đại với 15 triệu bản được tiêu thụ trên toàn cầu.

Một số bản nhạc của Kenny G

* "Going Home"

* "Songbird"

Tiếng kèn của Kenny G thường mang theo những cảm xúc cả vui lẫn buồn. Những bản nhạc như Songbird, Forever in Love, Sentimental hay Gravity luôn chất chứa nhiều tâm sự. Âm nhạc của ông có thể thưởng thức trong rất nhiều không gian khác nhau – trên những chuyến tàu, trong một khu vườn yên tĩnh, khi đứng trên một ngọn núi nhìn xuống quang cảnh bao la, hay đơn giản chỉ là trong một căn phòng nhỏ vào buổi đêm khuya thanh vắng.

Kenny G có đến hàng trăm bản nhạc nhưng nổi tiếng, nổi bật hơn cả ở rất nhiều nước châu Á là Going Home – phát hành năm 1989. Từ hơn 20 năm qua, những giai điệu êm đềm, mượt mà ấy vẫn khiến những con người xa xứ cảm thấy nhớ quê nhà mỗi khi nghe. Một số người còn gọi bản nhạc này là “công tắc ký ức”, bởi mỗi lần Going Home vang lên, nhiều người như thấy được trở lại một thời kỳ đã qua, trở lại với mái nhà thân yêu của thời thơ bé.

N.M (VNE)

Nhận xét