Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam vừa ra mắt khán giả thủ đô Hà Nội vở nhạc kịch kinh điển “Những người khốn khổ” với 4 đêm diễn liên tiếp.
Chàng trai bán trà sữa và cú liều làm nhạc kịch 'Những người khốn khổ'Vở nhạc kịch gần 200 tuổi được ‘thay áo’ khi đến Việt NamXem trọn vở nhạc kịch “Bóng ma trong nhà hát” chỉ trong 48 giờ
Bước ra từ những trang tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào nước Pháp Victor Hugo, nhạc kịch Những người khốn khổ (tên gốc: Les Misérables, hay Les Mis) đã trở thành một trong những biểu tượng của sân khấu đương đại, một tác phẩm mẫu mực về nội dung, cấu tứ, xây dựng nhân vật, âm nhạc và biểu diễn.
Ra mắt lần đầu tại Pháp cách đây 40 năm, Những người khốn khổ sau đó đã “công phá” hàng trăm nhà hát lớn nhỏ trên khắp thế giới và chưa bao giờ khiến khán giả ngừng say mê.
Nhạc kịch 'Những người khốn khổ" quy tụ dàn diễn viên chất lượngThừa hưởng bề dày đáng kể về văn hóa, ngôn ngữ của một kiệt tác văn chương, vở nhạc kịch đem đến những thông điệp nhân bản, mang tính phổ quát cao độ về lòng từ bi, sự bao dung, tình yêu, lòng tin, sự hy sinh và sự đấu tranh không ngừng nghỉ cho quyền được sống, cho lẽ công bằng. Do đó, dù bén rễ vào đời sống xã hội nước Pháp thế kỷ XIX, Những người khốn khổ vẫn được đón nhận nồng nhiệt ở những nền văn hóa khác nhau.
Với tất cả những thành công đó, Những người khốn khổ là thách thức không nhỏ đối với ekip của Tổng đạo diễn - NSƯT Trần Ly Ly, đạo diễn Nguyễn Triều Dương và nhạc trưởng Đồng Quang Vinh.
Và cuối cùng, mọi nỗ lực đã được đền đáp. Những người khốn khổ trên sân khấu Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho thấy sự chuyên nghiệp mang tầm quốc tế và đủ sức chạm đến cảm xúc của khán giả như những gì tác phẩm gốc đã làm được.
Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, dàn nhạc giao hưởng đã khiến cả khán phòng đắm chìm trong không khí cách đây hai thế kỷ, vừa bi tráng vừa lãng mạn, với chất lượng âm thanh sắc nét, ấn tượng.
Dàn diễn viên chính đều là những giọng ca đáng nể, đủ sức truyền tải tính cách, cảm xúc của nhân vật qua sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt giữa giọng hát, diễn xuất, biểu cảm và ngôn ngữ hình thể. Sân khấu khá đông diễn viên, nhưng mọi sự phối hợp rất nhịp nhàng, sự tương tác chính xác với bạn diễn... là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của tác phẩm.
Hai màn trình diễn cá nhân ấn tượng nhất thuộc về Lê Phác (vai Marius) với bài Empty Chairs at Empty Tables, và Ngô Hương Diệp (vai Eponine) với bài On My Own. Nếu Ngô Hương Diệp truyền tải trọn vẹn nỗi cô đơn, bẽ bàng của cô gái bị chối từ tình cảm, thì Lê Phác lại lột tả được sự đau đớn tột cùng, trong khoảnh khắc chàng Marius hào hoa gần như gục ngã trước sự hy sinh của bè bạn.
Những người khốn khổ đủ sức chạm vào trái tim người xem
Nghệ sĩ Nguyễn Anh Vũ (vai Enjolras) và giọng ca nhí Đỗ Phạm Mai Vy (vai Gavroche) cũng có những lớp diễn đầy ấn tượng.
Enjolras của Anh Vũ có sự mạnh mẽ, cứng rắn, kiêu hãnh của một thủ lĩnh kháng chiến, tuy không xuất hiện nhiều nhưng lại là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh của nhân dân.
Còn cô bé Mai Vy được kỳ vọng như viên ngọc quý đang chờ mài giũa. Còn bé nhưng kỹ năng trình diễn và hát tiếng Anh của Mai Vy rất đáng để khen ngợi.
Những người khốn khổ cho thấy sự đầu tư, chuyên nghiệp của những nghệ sĩ Việt Nam. Phần hậu cảnh được thiết kế tối giản, nhưng đạt hiệu quả nhất định trong trình diễn. Chiếc thang là đạo cụ xuất hiện nhiều nhất trên sân khấu, được tận dụng tối đa cho những mục đích khác nhau. Nó vừa biểu thị sự phân chia giai cấp trong xã hội Pháp - khi Javert (Phan Mạnh Đức) đứng trên thang và quay lưng về phía những người hành khất, vừa thể hiện sự thăng hoa trong tình yêu giữa Marius và Cosette (Trần Trang), khi hai người gặp lại nhau tại nhà Cosette.
Một trong những điều thú vị khác ở Những người khốn khổ là khi khán giả được mời tham gia vở diễn, trở thành một phần của tác phẩm ở cảnh kết.
Một vài chi tiết chưa thật hoàn hảo, ít nhiều cũng để lại những nuối tiếc. Phát âm tiếng Anh của một số diễn viên chưa thật tròn trịa, tuy nhiên đây cũng là nỗ lực đáng ghi nhận của nhà hát và tập thể những người tham gia sáng tạo khi "can đảm" thể hiện một tác phẩm hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Khá đáng tiếc khi vở diễn đã lược bỏ đoạn Javert đeo huy hiệu lên xác Gavroche. Đây là một chi tiết đắt giá, giúp người xem hiểu thêm về nhân vật tưởng chừng đóng vai trò phản diện này.
Nhiều cảnh diễn khá đông diễn viên nhưng luôn có sự phối hợp nhịp nhàngSự thành công của Những người khốn khổ không chỉ đặt một dấu mốc trên chặng đường phát triển của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, đặc biệt khi cả thế giới đang bị đảo lộn bởi COVID-19.
Những người khốn khổ được yêu mến trên khắp thế giới, bởi nó phản ánh những khát vọng chân chính mà con người, ở bất cứ nơi nào, bất cứ hoàn cảnh nào cũng nuôi dưỡng. Đó là khát vọng được sống, được yêu, được cất lên tiếng nói, được đấu tranh vì tương lai tươi sáng hơn.
Trên hết, tác phẩm mang lại niềm hy vọng lớn lao trong thời kỳ khủng hoảng này, bởi như câu hát khép lại vở nhạc kịch, "Cuộc đời mới sẽ bắt đầu khi ngày mai đến".
Minh Trang/Ảnh: Bùi Quang Huy (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét