4 ALBUM NHẠC VIỆT XUẤT SẮC NĂM 2020

“DreAMEE” (AMEE), “Ở trọ” (Hà Lê), “Ai mang cô đơn đi" (K-ICM, APJ) và “Human” (Tùng Dương) là những album nổi bật ở thị trường nhạc Việt trong năm 2020.

Nhạc Việt năm 2020 sôi động với nhiều album, bao gồm cả những album phát hành đĩa vật lý lẫn nền tảng số, online. Nhiều nghệ sĩ góp phần vào sự sinh động của thị trường album năm qua như Tùng Dương, Hà Lê, Hồ Ngọc Hà, K-ICM, APJ, Khánh Linh, Lân Nhã, AMEE, Dương Triệu Vũ, Hoàng Dũng, Phùng Khánh Linh... chúng tôi chọn ra 4 album nổi bật nhất về chất lượng, hiệu ứng.

“Ở trọ” và cách Hà Lê làm mới nhạc Trịnh

Album Ở trọ của Hà Lê gồm 7 ca khúc: Ở trọ, Diễm xưa, Mưa hồng, Biển nhớ, Tuổi đá buồn, Nhớ mùa thu Hà Nội và Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Tất cả đều là những sáng tác nổi tiếng của nhạc Trịnh, được nhiều người yêu thích nhưng được làm mới thông qua cuộc chơi mạo hiểm và “cách mạng” đúng nghĩa của Hà Lê.

Hà Lê và producer Tùng Tic đã thay đổi toàn bộ giai điệu nhạc Trịnh bằng cách hòa âm - phối khí, chia câu, tạo nhịp hoàn toàn khác. Nền giai điệu truyền thống, đi qua năm tháng của 7 ca khúc nhạc Trịnh đã được chuyển sang R&B, world music, thậm chí là cả dream-pop, reggae, chill-out, trong sự xuyên suốt, chủ đạo của EDM - nhạc điện tử.

Dù vậy, một giá trị vẫn được giữ nguyên trọn vẹn đó là nội dung ca từ của nhạc Trịnh. Tinh thần văn ca của nhạc Trịnh được Hà Lê và ê-kíp trân trọng tối đa. Mà với nhiều người, giá trị sau cùng, cũng là “khuôn vàng thước ngọc” của nhạc Trịnh nằm ở ca từ với tầng tầng lớp lang ý nghĩa, hơn là phần giai điệu.

“DreAMEE”: AMEE không chỉ trong trẻo

DreAMEE là album đầu tay của AMEE ra mắt năm 2020. Tên album là sự kết hợp của cách chơi chữ, vừa lồng ghép được nghệ danh của ca sĩ, vừa đồng âm với "dreamy", nghĩa là mộng mơ.

DreAMEE giữ concept như đúng tinh thần của tựa đề, tôn vinh những gì tích cực, dễ thương và đáng yêu nhất của cô gái mười chín, đôi mươi, hồn nhiên bước vào âm nhạc, đùa vui với đời và đến với tình yêu bằng thái độ có cả mộng mơ lẫn khờ khạo.

Album tròn trịa 10 ca khúc, trong đó, DreAMEE và G9 giữ vai trò lần lượt như intro và outro, rất ngắn, không lặp lại và thuần tiếng Anh. 8 ca khúc còn lại đóng vai trò như chính nhạc với 5 single đã được giới thiệu trong khoảng 2 năm trở lại đây nhưng được làm mới, bao gồm Anh nhà ở đâu thế?, Đen đá không đường, Trời giấu trời mang đi, Sao anh chưa về nhà? và Yêu thì yêu không yêu thì yêu. 3 sáng tác lần đầu được giới thiệu ở album là Mama Boy, All my exes và Xuân hạ thu đông rồi lại xuân.

10 ca khúc đều thuộc thể loại pop đại chúng nhưng cũng đa dạng về màu sắc với ballad, R&B và cả một phần của rap, chill. Từ album, AMEE được giới trong nghề đánh giá là đang đi đúng đường, chuyên nghiệp và bài bản.

“Ai mang cô đơn đi” và bản sắc của K-ICM

Ai mang cô đơn đi là album đầu tay của K-ICM và cộng sự APJ, bao gồm năm ca khúc, Ai mang cô đơn đi, Xin cô đơn đi, Ai mang em đi, Tới lúc em đi và Lưu thủy vô tình. Đây là một album có số lượng bài tương đối ngắn.

Nội dung của album Ai mang cô đơn đi là nỗi buồn, sự cô đơn. Nhưng thay vì lụy trong những sầu vọng, trống trải cá nhân, album tập trung khắc họa vào cảm giác cô đơn của nhân vật trong sự rộng lớn của thiên nhiên. Thiên nhiên bao la, rộng lớn bất ngờ thành chứng nhân cho mọi cảm xúc. Thiên nhiên khiến nỗi cô đơn khó giãi bày hơn, khiến cho khát khao nhung nhớ cũng trở nên mãnh liệt hơn.

Khâu biên tập tương đối hợp lý, trước hết là trong cách chọn lựa ca khúc và sau là việc sắp đặt âm thanh. K-ICM trong vai trò producer sử dụng hiệu quả thế mạnh ngũ cung của mình. Chất liệu âm nhạc dân gian truyền thông phương Đông kết hợp nhuần nhị với cách thiết kế âm thanh đặc trưng của nhạc hiện đại, giúp tạo nên chất world music khá dễ nghe. Nhạc cụ dân tộc được đan cài hài hòa và hiệu quả với ba nhạc cụ chính, bao gồm đàn tranh, đàn nhị và sáo tiêu.

Sau những thử nghiệm với EDM, ballad hay funk, rõ ràng K-ICM luôn thuyết phục và là chính mình nhất khi trở lại với ngũ cung. Ngũ cung trong pop mới thực sự là K-ICM. Cũng chỉ ngũ cung mới khiến anh trở nên khác biệt giữa đại đa số producer trẻ đang theo đuổi nhạc điện tử, pop ballad hay R&B trên thị trường.

Tùng Dương mang giá trị riêng biệt trong “Human”

Sau 6 năm từ Độc đạo, Tùng Dương mới lại có album concept lấy tên Human. Tùng Dương và cộng sự đã mang Progressive rock, Industrial rock và Experimental rock đến thị trường nhạc Việt 2020 với những lớp lang sáng tạo, thông minh và đáng khen ngợi.

Tùng Dương thể hiện trình độ của người biên tập khi khéo léo chọn và đặt Bùi Caroon với Sa Huỳnh cạnh nhau. 11/12 ca khúc là của hai nhạc sĩ này, ngoài ra Trí tuệ nhân tạo của Duy Hùng cũng là nét chấm phá đẹp.

“Sợi chỉ đỏ” mà Tùng Dương tạo ra là câu chuyện về hành trình của con người. 12 ca khúc là hành trình của con người trên thế gian này. Mỗi ca khúc là nấc thang của câu chuyện, được đặt để khéo léo nhằm tạo thành một thông điệp rõ ràng nhất.

Để rồi, Human như cuốn tiểu thuyết về kiếp người, như hành trình của thân tứ đại, hợp thành từ đất, nước, gió, lửa rồi cất tiếng khóc chào đời, rồi sinh ra, rồi vẫy vùng, rồi thăng hoa lẫn khổ đau, rồi chết, rồi mục rã. Và rồi lại hoài thai đầy kiêu hãnh, đầy yêu thương.

Mỗi ca khúc đóng vai trò cho những biểu đạt khác nhau nhưng lại gắn kết đến lạ thường, tạo thành thông điệp xuyên suốt, như sợi chỉ nhỏ mà bền chắc, luồn lách vào mạch nguồn cảm xúc của người nghe. Human chứng tỏ sức mạnh của một album concept. Và cũng chỉ có album concept với lượng bài dày dặn mới đủ để người nghệ sĩ kể chuyện và xây dựng chân dung âm nhạc riêng biệt của mình.

Q.Đ (Z)

Nhận xét