Ca sĩ Trần Thu Hà- Chẳng nuối tiếc những điều không thay đổi được

Trần Thu Hà là một ca sĩ, đương nhiên, nhưng cũng là một người đàn bà trải nghiệm cuộc sống với những thăng trầm, từ tuổi thơ, cho tới cuộc sống nỗ lực một mình, nên tiếng hát của cô có phần nổi loạn nhưng chiêm nghiệm, đau đớn da diết mà mạnh mẽ, đầy quyền lực.

Một năm sống giản tiện, chăm con, lo cho gia đình

Phóng viên: Thật ngạc nhiên khi thấy chị có mặt tại Việt Nam khi nước Mỹ, nơi chị sống, vẫn đang trong những cơn bấn loạn vì COVID-19. Làm thế nào mà chị đã lại ở đây, uống tách trà ấm giữa một Hà Nội se se lạnh?

Ca sĩ Trần Thu Hà: Cuộc sống đúng là nhiều thứ không thể ngờ trước. Tôi về đây theo lời mời của một thương hiệu và kết hợp tham gia Human Concert của Tùng Dương, với tư cách khách mời. Nhân tiện thì tổ chức một vài mini show ở các thành phố để gặp gỡ người hâm mộ và làm dự án mới. Thật vui khi thấy Việt Nam đã khởi động lại một số hoạt động kinh tế và cả nghệ thuật. Đó là điều nghệ sĩ chúng tôi mong muốn sau sự đình trệ do ảnh hưởng COVID-19 trong suốt thời gian qua.

* Vậy cả thời kỳ COVID-19, chị đã làm gì? Tình hình lây lan ở Mỹ tới mức giãn cách lần ba khiến cuộc sống của chị thay đổi thế nào?

- Dịch bệnh làm ngưng toàn bộ hoạt động giải trí ở đây từ tháng Hai. Riêng tại Mỹ, tỷ lệ ca nhiễm quá cao và không có chính sách xử lý triệt để như ở Việt Nam nên tất cả ngành, công việc liên quan đến cộng đồng đều tê liệt. Các trung tâm hoặc cá nhân có cố gắng duy trì qua hình thức livestream cũng rất hạn chế về nội dung và độ lan tỏa, vì không thể nhiều người tham dự. 

Tuy nhiên, nhìn vào khía cạnh tích cực, chúng tôi có gần một năm chậm lại nhịp sống, sống giản tiện, nhiều thời gian hơn với gia đình - điều mà bình thường không thể trọn vẹn. Ai có khả năng điều chỉnh, sống hướng nội hơn thì cũng ổn vì tìm được thú vui và giá trị khác, củng cố những quan hệ thân cận. Ai quen bay nhảy, cần giao đãi xã hội thì chắc năm nay thê thảm. 

Nói chung, năm nay quá đặc biệt nhưng năm nào chẳng có chuyện gì đó xảy ra. Cuộc sống đầy chướng ngại vật. Cứ thích ứng và đơn giản hóa mọi vấn đề thì sẽ thấy an yên ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ vậy. 

Sâu lắng, tha thiết, mạnh mẽ, dữ dội, hoang dã... gia vị nào cũng có trong giọng hát và cá tính của Hà Trần - ảnh: internet

* Vấn đề kinh tế có làm Hà Trần lo lắng?

- Có chứ nhưng tôi cũng phải học cách bình tĩnh. Vì có nền tảng tự lập từ nhỏ nên tôi biết sắp xếp kinh tế và chi tiêu hợp lý để tồn tại. Năm nay, ai chẳng khó khăn. Gia đình tôi cũng chỉ là vài người trong hàng tỷ người đang đương đầu với thử thách của dịch COVID-19 ở các cấp độ khác nhau.

Không nghĩ nhiều tới quá khứ của gia đình

* Mẹ mất sớm, phải chăng điều đó khiến chị trở thành một phụ nữ mạnh mẽ, cho tới tận bây giờ?

- Mỗi người có số phận và sứ mệnh riêng trong cõi đời này. Tốt nhất ta nên nhanh chóng chấp nhận và xoay chuyển hợp lý để thực hiện sứ mệnh của bản thân, thay vì cứ giày vò, oán trách, nuối tiếc những điều không thay đổi được. Tôi có thể đã là một nhân cách khác ở một hoàn cảnh đầy đủ hơn nhưng nó sẽ không xây dựng nên những phẩm chất và sức mạnh mà tôi đang có. Tôi không nghĩ nhiều đến quá khứ của gia đình. Tôi sống với hiện tại và gây dựng cho tương lai. 

* Khi trở thành mẹ, hẳn chị có sự đồng cảm và thấu hiểu hơn hạnh phúc là gì, gia đình là gì nhỉ? 

- Ngược lại hoàn toàn thời trẻ, giờ tôi rất chú trọng gia đình. Thời thanh niên, việc lấy chồng với tôi là điều hoang đường. Quan niệm truyền thống về gia đình trong xã hội Việt Nam làm tôi thấy gò bó, ngợp thở. Tôi quan niệm chung sống là cùng xây dựng và tôn trọng tự do riêng của hai cá nhân. Tôi may mắn gặp được người phù hợp, cùng quan điểm ổn định cuộc sống gia đình, nên sự nghiệp với tôi bây giờ cũng nhẹ nhàng lắm. Chúng tôi làm vừa đủ để an hòa cuộc sống, tận hưởng hạnh phúc, biết thế nào là đủ, là vừa vặn với mình.

* Phải chăng chồng và sau này con chính là người lấp đầy nỗi chông chênh đó của chị? Anh ấy là người thế nào?

- Một người đủ tốt để níu chân tôi 17 năm nay. 

* Thông minh, cá tính và cả đơn độc, cả quãng thanh xuân của chị phải chăng đã quăng mình vào tiếng hát, những lúc lầm lũi đi tìm con đường cho mình?

- Chú Trần Tiến có câu: “Con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn”. Một người làm nghề sáng tạo mà lại sợ đơn độc thì hoang đường quá. Tôi không phức tạp hóa cuộc sống, cứ thuận theo bản năng, mà bản năng của tôi từ trong máu đã là một nghệ sĩ. Tôi không sống và suy nghĩ giống đám đông, không có những nhu cầu giao đãi của đám đông. 

* Chị quyết định theo chồng sang Mỹ lúc tên tuổi đang nổi, việc thay đổi cuộc sống như vậy có khiến chị bị sốc?

- Tôi mất một năm đầu để làm quen với môi trường và cuộc sống mới. Thế nhưng, tôi bắt nhịp nhanh và cũng may mắn tiếp tục nối dài sự nghiệp ca hát ở hải ngoại với sự hỗ trợ của các trung tâm ca nhạc lớn nhất, những bầu sô lớn nhất. Tôi thấy mình rất may mắn. 

* Cách trình diễn của Hà Trần như lên đồng. Nhiều lần chị đã chia sẻ rằng hát như một chất gây nghiện lành mạnh nhất và tới với âm nhạc thì hãy vứt bỏ tất cả rào cản, mặt nạ, địa vị, chỉ để “xõa” thực sự với âm nhạc thôi?

-Cái chất gây nghiện chính ở tâm hồn và tư chất của một nghệ sĩ, cộng thêm lòng kiêu hãnh của người đó. Sự kiêu hãnh khiến nghệ sĩ có một hình tượng khác biệt trong lòng khán giả. So sánh với những người tài năng, tư chất có thừa nhưng thiếu lòng kiêu hãnh thì một bên là người hát cho mình, đi gieo vào cuộc sống âm nhạc đẹp đẽ, được yêu bởi khán giả, thấy được mình trong họ; một bên là những người hát vì nhu cầu được ái mộ và chiều lòng tiếng vỗ tay. 

Bao năm qua, Hà Trần luôn tạo nên sức hút mãnh liệt mỗi lần xuất hiện trên sân khấu ảnh: internet

Mẹ là độc giả thơ đầu tiên của tôi

* Cầm tập thơ Hà Trần - Thập kỷ yêu, tôi hơi bất ngờ, không nghĩ chị cũng có tâm hồn đa cảm vậy?

- Tôi làm thơ từ tám tuổi. Mẹ tôi chính là độc giả đầu tiên và là nguồn cảm hứng của nhiều bài thơ mà tôi chưa từng công bố.  Tập thơ Hà Trần - Thập kỷ yêu xuất bản chín năm trước đến giờ vẫn được người hâm mộ và các bạn viết, bạn yêu thơ nhắc đến. Tôi hạnh phúc lắm. 

* Trong bài thơ Thập kỷ yêu có câu: “Thập kỷ yêu media mỗi ngày/ Tuyên truyền đủ thứ trò chơi phương tiện/ Blogger lảm nhảm giết thời gian/ Quay lưng khước từ thực tế/ Tự bảo mình nên cấm khẩu/ Lưỡi bén cắn nhầm môi…”. Cái nghĩa “quay lưng” ở đây nên hiểu như thế nào?

- Quay lưng khước từ thực tế có thể hiểu là sự nhát sống, hèn, không muốn đối diện vấn đề của một nhóm người. Thay vì hành động, thì họ “lảm nhảm giết thời gian” đằng sau bàn phím. Hay như cách gọi thời thượng hơn, là “anh hùng bàn phím”.  Đó không phải là cách sống của tôi. Tôi thích quan sát và hay châm biếm. Nên: “Tự bảo mình nên cấm khẩu/ Lưỡi bén cắn nhầm môi”.

* Chị có nói, bé Nala là một cô bé hạnh phúc. Làm mẹ khó đấy! Nếu gặp con ương bướng, có lẽ chị cũng có nhiều phương pháp dạy con hay có thể chia sẻ với mọi người?

- Cách nuôi con của tôi là luôn trò chuyện với con như bạn. Từ trong bụng, sinh ra đến giờ cháu gần chín tuổi, chúng tôi trao đổi và tranh luận mọi chuyện. Tôi không bắt con nghe lời, mà cùng nhau làm mọi thứ rồi tự phân tích, quyết định. Con sợ và yêu bố mẹ, đương nhiên rồi nhưng đồng thời con cũng coi bố mẹ là những người bạn đáng tin cậy nhất. 

* Có một người mẹ làm nghệ thuật, hay đi diễn xa chắc con cũng phải quen dần với việc mẹ hay vắng nhà?

- Tôi ít khi vắng nhà quá lâu trong chín năm qua. Nhiều nhất là hai, ba tuần. Tôi hoàn toàn yên tâm khi con ở nhà với bố. 

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Codet Ha Noi(thực hiện)
Ảnh: Tan Fr, Phục Nguyễn
(PNO)

Nhận xét