Điện ảnh Việt nỗ lực năm 2020

Thị trường điện ảnh trong nước bứt phá doanh thu với "Ròm", "Tiệc trăng máu"... bất chấp Covid-19 khiến rạp chiếu lao đao.

Ròm và Tiệc trăng máu "giải cứu" rạp Việt

Hai phim nổi bật của năm là Ròm và Tiệc trăng máu có doanh thu lần lượt là 63 tỷ và 180 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu tất cả phim Việt chiếu năm nay. Trong đó, Tiệc trăng máu là phim trong Top 3 tác phẩm nội địa có doanh thu cao nhất mọi thời. Các nhà phát hành nhận định hai phim đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy khán giả ra rạp sau giãn cách xã hội.

Theo Box Office Vietnam - chuyên trang chuyên theo dõi doanh thu phòng vé trong nước, tổng doanh thu thị trường phim trong nước ước tính đạt 1.800 tỷ đồng, khoảng 43% so với năm ngoái (4.200 tỷ đồng). Số lượng phim Việt ra mắt năm nay giảm xuống còn hơn một nửa so với năm ngoái (44 phim).


Khán giả ra rạp xem "Tiệc trăng máu" ở TP HCM hồi cuối tháng 10. Ảnh: Lotte.

Trong tình hình dịch, việc sụt giảm doanh số bán vé xảy ra ở hầu hết các quốc gia. Theo Box Office Mojo, tổng doanh thu thị trường Mỹ năm nay chỉ đạt 1,8 tỷ USD trong khi năm 2019 là 3,37 tỷ USD. Nhật cũng mất khoảng một nửa doanh số (884 triệu USD so với 1,774 tỷ USD). Khi đặt lên bàn cân so sánh, sự sụt giảm doanh thu của nhiều thị trường điện ảnh khác như Mexico (giảm 83%), Trung Quốc (giảm 86%), Đức (giảm 73%), Thái Lan (giảm 90%), điện ảnh Việt Nam vẫn có những tín hiệu khởi sắc thời dịch.

Trào lưu phim độc lập nở rộ

Phim indie (phim độc lập) là các dự án có ngân sách khiêm tốn, đến từ các studio vừa và nhỏ, trong đó các nhà làm phim có cơ hội sáng tạo nhiều hơn với chất liệu họ có trong tay thay vì chạy theo khuôn mẫu áp lực doanh thu.

Thành công của Ròm và Trần Thanh Huy giúp các nhà làm phim mới thêm động lực bước vào cuộc chơi điện ảnh. Tháng 11, năm phim - đều là sản phẩm đầu tay - ra rạp. Sài Gòn trong cơn mưa (6/11) của Lê Minh Hoàng thuộc thể loại ca nhạc - tình cảm, kể nỗi niềm của những bạn trẻ ngoại tỉnh đến TP HCM lập nghiệp. Trái tim quái vật của Tạ Nguyên Hiệp chọn đề tài kịch tính - trinh thám, xoay quanh vụ án mạng kỳ bí tại khu chung cư cũ. Chồng người ta đánh dấu lần đầu diễn viên Nguyễn Hữu Tiến ngồi ghế đạo diễn, lấy chủ đề đồng tính. Hoa Phong Nguyệt Vũ được đạo diễn Phạm Thanh Hải kỳ vọng là phim đầu tiên trong mô hình "điện ảnh du kích" (tiết kiệm tối thiểu kinh phí cho diễn viên và bối cảnh), kết hợp ba thể loại trinh thám - hành động - kinh dị.

Mẫu số chung của loạt phim là kịch bản không tốt, không phù hợp với khán giả đại chúng, gây thất bại tại phòng vé. Trừ Trái tim quái vật trụ tốt qua tuần công chiếu thứ hai nhờ tên tuổi của ba sao lớn tham gia phim (B Trần, Hoàng Thùy Linh, Hứa Vĩ Văn), các phim còn lại đều có số suất chiếu hạn chế ngay từ tuần đầu tiên, và chỉ còn một - hai suất mỗi ngày trong tuần thứ hai.

Ngoài ra, hai phim tài liệu tạo hiệu ứng tốt trong mặt bằng chung. Màu cỏ úa, công chiếu 30/11, tạo nét riêng khi dõi theo những thăng trầm cuộc đời của nhạc sĩ Trần Tiến. Tại buổi ra mắt ở Sài Gòn và Hà Nội, phim được giới mộ điệu đánh giá cao nhờ hình ảnh mộc mạc, mang tính hoài niệm, đồng thời đường dây câu chuyện nhiều cảm xúc.

Trước đó, ngày 18/10, Đoạn trường vinh hoa ra rạp và được những khán giả đam mê bộ môn cải lương đón nhận. Phim tài liệu của đạo diễn Lê Mỹ Cường theo chân một gánh cải lương tuồng cổ lưu diễn ở miền Tây, khắc họa được những nỗi đau âm thầm, sau cánh gà của người nghệ sĩ. Sau khi kết thúc 14 ngày công chiếu, Đoạn trường vinh hoa bán được 2.000 vé. Đại diện cụm rạp BHD nhận định phim tài liệu có bước phát triển tốt tại thị trường trong nước, dù vẫn kén khán giả.

Phim Việt hướng ra quốc tế

Sau Ròm, đến lượt Chị chị em em của đạo diễn Kathy Uyên tham dự Liên hoan phim Busan 2020, được chiếu ở hạng mục Cửa sổ Điện ảnh châu Á. Đại diện ban tổ chức nhận xét mạch phim kịch tính, nhiều bất ngờ.

Theo thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố chiều 10/12, phim Mắt biếc được chọn dự sơ tuyển Oscar lần thứ 93 vào năm sau. Dự án chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh do Victor Vũ đạo diễn, dẫn đầu phòng vé 18 ngày liên tiếp, sánh ngang kỷ lục của bom tấn Avengers: Endgame khi chiếu tại Việt Nam.


"Mắt biếc" được chọn dự sơ tuyển Oscar 2021. Ảnh: Galaxy.

"Đấu trường" cân sức của phim Tết

Mùa phim Tết Tân Sửu (2021) có bốn phim điện ảnh gồm Bố già, Gái già lắm chiêu V, Trạng Tí, Lật mặt 5: 48h - số lượng phim phát hành ngang với Tết 2020. Trấn Thành, đóng chính kiêm nhà sản xuất của Bố già, nói: "Các anh em trong nghề khuyên tôi nên làm phim khi vẫn còn 'đủ nhiệt'. Giả sử có vì dịch mà phim dang dở, thì cứ để đó, hết dịch mình làm tiếp. Nếu cứ chần chừ sản phẩm sẽ không bao giờ thành hình. Tôi nghĩ thế mạnh của tôi là sự ngây thơ. Khi làm phim, tôi không quan tâm đối thủ là ai. Quay xong, tôi mới nhận ra, Tết này phải cạnh tranh với ba phim Việt, chưa kể bom tấn quốc tế Kingsman. Nhưng tôi tin cứ làm tốt nhất có thể, mọi thứ ông trời sẽ an bài".


Tạo hình Trấn Thành trong "Bố già" bản điện ảnh. Ảnh: Galaxy.

Bố già bản điện ảnh hứa hẹn mang đến tiếng cười giản dị, xoay quanh chuyện người lao động. Còn phần mới loạt Gái già lắm chiêu khai thác sự "sang chảnh" của tầng lớp thượng lưu. Trạng Tí của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thu hút nhờ bộ truyện nguyên tác quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả. Phần năm Lật mặt tiếp tục là "phép thử" cho khả năng đạo diễn của Lý Hải. Giới phê bình phim nhận định khó biết trước kết quả cuộc đua vì cả bốn đều có nội lực, đối tượng khán giả riêng.

P.N (VNE)

Nhận xét