Lê Cát Trọng Lý hát kêu gọi du khách đến Đà Nẵng

Lê Cát Trọng Lý cùng người dân thành phố sông Hàn bày tỏ nỗi nhớ du khách qua MV "Đà Nẵng nhớ bạn".

Lê Cát Trọng Lý sáng tác ca khúc hồi tháng 8, khi Đà Nẵng giãn cách xã hội trong đợt bùng phát dịch lần hai. Lúc đó, cô xa quê, ông bà ở nhà một mình suốt hơn một tháng, em trai và anh chị cô cũng mỗi người một nơi. "Cứ nghĩ lỡ mình không gặp lại được ba mẹ, lòng thấy nặng nề, người nóng lên...", cô nói.

Nhạc phẩm mở đầu bằng nỗi nhớ những góc quen của thành phố: "Mong được đi lại nhìn con phố/ Mong được bước lại trên con đường thân quen/ Mong gặp anh chị nhà bên ngõ/ Mong được ôm mẹ chặt trong tay...". Ở điệp khúc, ca sĩ hát về lời hẹn hội ngộ: "Con phố nhớ bạn thật lâu/ Ta sẽ gặp lại sớm thôi/ Tôi ước mong bạn bình yên/ Tôi vẫn xanh tươi chờ bạn". Ca khúc mang giai điệu chậm rãi, giàu chất tự sự với tiếng đàn guitar chủ đạo.

Lê Cát Trọng Lý ôm đàn hát về quê hương Đà Nẵng. Ảnh: Danang FantastiCity.

Trong MV, Lê Cát Trọng Lý ôm đàn dạo phố, chứng kiến nhịp sống náo nhiệt với cảnh ngư dân kéo lưới trên biển, hàng quán xôm tụ... Cuối video, cô cùng người dân hát ca bên bờ biển, hẹn ngày du khách trở lại đông đúc như xưa. Nửa sau MV, cô hát tiếng Anh với nội dung chuyển ngữ tương tự phần đầu. Sản phẩm nằm trong chiến dịch Đà Nẵng nhớ Bạn - Danang Miss You - chuỗi dự án quảng bá thành phố của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng.

Lê Cát Trọng Lý sinh năm 1987, quê Đà Nẵng. Năm 2006, khi đang là sinh viên khoa tiếng Nga ở đại học quê nhà, cô bỏ vào TP HCM thi Nhạc viện. Cô chọn ngành viola cổ điển theo mong muốn của bố. Năm 2008, cô gây chú ý trong chương trình Bài hát Việt với ba giải cho nhạc phẩm Chênh vênh. Cô tiếp tục được yêu mến qua các bài giàu triết lý, đậm chất thơ: Chuyến xe, Giấc mộng lớn, Cơn bão nghiêng đêm, Lúng ta lúng túng, Trời ơi... Các tour của cô thường cháy vé, đa số khán giả là giới trẻ. Năm 2017, sau khi du học ở Đan Mạch, cô thay đổi phong cách sáng tác, hướng về thiên nhiên, môi trường. Năm 2020, cô trở lại với album Đừng mua nhiều nhà hơn mình cần.

T.K (VNE)

Nhận xét