Nhạc Việt 2020: Năm của rap

Rap mang làn gió mới cho nhạc Việt trong năm qua. Từ thế giới "ngầm", nay rap đã có đời sống thực sự, bước lên sân khấu lớn.

Rap lên ngôi nhưng pop/ballad cũng không thất thế

Năm 2020, làng nhạc Việt có sự thay đổi rõ nét, rap nổi lên như một hiện tượng. Đầu tháng 8, hai chương trình Rap Việt và King of rap lên sóng, nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khán giả.

Hai chương trình vẫn giữ được sức hút trong suốt mùa giải, thu về hàng triệu cho đến hàng chục triệu lượt xem mỗi tập và nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu. Thành công của những chương trình rap, đến từ nhiều yếu tố, nhưng điều quan trọng nhất là đã thổi được một làn gió mới vào làng nhạc Việt, vốn dĩ trước nay vẫn do pop, ballad nắm vị trí chủ đạo.

Thực tế, rap đã tồn tại từ nhiều năm qua trong đời sống âm nhạc Việt, nhưng là một dòng chảy âm thầm. Năm 2018, 2019, một số hiện tượng như: Đen Vâu, Karik... đã nhen nhóm cho sự phát triển của rap. Và năm 2020 với sự tiếp sức từ 2 chương trình giải trí, rap có một bước tiến dài.


Dế Choắt - quán quân Rap Việt 2020 là một trong những cái tên đang ăn khách

Hàng loạt cái tên mới bắt đầu được chú ý trong làng nhạc Việt như: Dế Choắt, Pháo, Sóc Nâu, G Ducky, ICD, Hieuthuhai... Từ hai chương trình truyền hình, rap bắt đầu len lỏi vào cuộc sống.

Nhiều ca sĩ theo dòng pop/ballad khi ra mắt sản phẩm đều kết hợp với rap để tăng thêm dư vị khi đến với khán giả, chẳng hạn: Mlem Mlem (Min kết hợp cùng Justatee, Yuno Bigboi), Khi tình yêu đủ lớn (Hoàng Thuỳ Linh kết hợp với DTAP, RTEE, PRUDENTIAL), Ngải tình (Thuỷ Tiên kết hợp với DTAP, BadBz)...

Trên những sân khấu thời trang như: Elle show, show diễn của NTK Thanh Huỳnh, tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam... rap được ưa chuộng để mở màn, hoặc sử dụng làm nhạc trình diễn. Rap cũng được các nhãn hàng đưa vào chiến dịch quảng cáo. Từ hàng tiêu dùng, dịch vụ vận chuyển, ứng dụng mua hàng... đều có sự xuất hiện của rap cùng những tên tuổi kỳ cựu, cũng như mới nổi của dòng nhạc này. 

Rap nổi lên, cũng kéo theo một số ồn ào. Sự phóng khoáng, cái tôi trong những sáng tác, đôi khi đi quá giới hạn. Điển hình, ca khúc Bigcitiboi của Binz bị phản ứng với những ca từ dễ khiến người nghe liên tưởng đến những điều dung tục.

Cách hành xử thiếu lễ độ của một số rapper trên mạng xã hội như: Gonzo, MCK cũng khiến dư luận cảm thấy không hài lòng. Một số chương trình kết hợp, hoặc sử dụng rap làm chủ đạo dành cho trẻ em, dự kiến ra mắt trong thời gian tới cũng kéo theo nhiều nỗi lo của người lớn, lẫn người trong nghề bởi loại nhạc này có nhiều điểm không phù hợp với độ tuổi quá nhỏ.

Dịch bệnh tác động không nhỏ đến làng nhạc trong năm qua. Nhiều đêm nhạc, liveshow, concert bị hoãn trong hai đợt dịch. Tuy nhiên, phương thức phát hành qua YouTube, thông qua các chuyên trang nhạc số đã giúp nghệ sĩ vẫn có thể tiếp cận được khán giả.

Rap nổi lên, thể hiện sự dịch chuyển nhất định, nhưng pop, ballad vẫn giữ thế chủ đạo trong làng nhạc Việt. Chỉ trong khoảng trung tuần tháng 8, có hơn 20 sản phẩm ra mắt trên YouTube theo dòng pop, ballad. Như thế, đủ để thấy rằng, trong cả năm qua, con số sẽ lớn hơn rất nhiều.

Nhiều ca khúc nổi bật trong năm qua, đều chủ yếu thuộc hai dòng nhạc nói trên như: Không thể cùng nhau suốt khiếp (Hoà Minzy), Anh không sai chúng ta sai (Erik), Bông hoa đẹp nhất (Quân A.P), Trên tình bạn dưới tình yêu (Min), Hơn cả yêu (Đức Phúc), Anh thanh niên (HuyR), Tình nào không như tình đầu (Trung Quân Idol), Gặp nhưng không ở lại (Hiền Hồ), Hoa nở không màu (Hoài Lâm)...


Hình ảnh của Hiền Hồ trong MV  "Gặp nhưng không ở lại" 

Bên cạnh phần nhạc bắt tai, các ca sĩ đều đi theo xu hướng chung là xây dựng phần nhìn bắt mắt, có câu chuyện để thu hút khán giả. Trong các đề cử của những giải thưởng âm nhạc cuối năm, rap và các rapper có phần yếu thế hơn so với các ca khúc và ca sĩ của những thể loại âm nhạc khác.

Việc pop, ballad vẫn giữ thế chủ đạo không quá khó để có câu trả lời. Bởi đây là dòng nhạc dễ được lòng khán giả Việt nhất, hơn hết chúng đều là yếu tố cơ bản nhất của một nền âm nhạc.

Những nhân tố mới đầy thú vị

Năm 2020, ngoài cuộc chạy đua của những tên tuổi đã có chỗ đứng. Làng nhạc Việt còn chứng kiến sự vươn lên đáng nể của một số gương mặt mới toanh.

Trước khi nổi tiếng tại Rap Việt, rapper Pháo từng được biết đến với ca khúc 2 phút hơn, khi kết hợp cùng Masew. Bản hit thu về gần 30 triệu lượt nghe, xem trên YouTube. Giọng hát mang màu sắc ma mị của Pháo được kỳ vọng sẽ mang màu sắc mới cho V-pop. Sau King of rap, cô nàng là một trong những cái tên được săn đón.

Không quá rầm rộ về truyền thông nhưng DatKaa là đối thủ đáng gờm. Anh chàng thường hát những ca khúc nhẹ nhàng về tình yêu. Mỗi sản phẩm luôn thu về con số đáng nể như: Dừng thương (26 triệu lượt nghe, xem), Người có thương (9 triệu lượt)...


DatKaa - gương mặt mới toanh có nhiều ca khúc được yêu thích trong năm qua

Doãn Hiếu, chàng trai chuyên cover các ca khúc, cũng có nhiều sản phẩm ấn tượng như: Tình sầu thiên thu muôn lối (gần 50 triệu lượt nghe, xem), Em chỉ cần nói có (6 triệu lượt)...

Lil Z Poet cũng là cái tên được chú ý nhờ một số ca khúc được yêu thích như: Kẻ điên tin vào tình yêu, Yêu từ đâu mà ra... Long Nón Lá cũng ghi điểm với: Góc sân trường, Hành lang cũ.

Điểm chung của những cái tên này đều là những giọng hát mộc mạc, diện mạo cũng không quá thu hút, MV cũng chẳng được đầu tư khủng, nhưng mang đến màu sắc âm nhạc riêng. Nếu như DatKaa đưa người nghe vào thế giới của những dòng tâm sự nhỏ to ấm áp, Doãn Hiếu mang đến âm nhạc tình cảm trong trẻo thì Lil Z Poet hay Long Nón Lá lại ghi điểm nhờ những giai điệu lạ tai, đặc trưng của mỗi người.

Sự xuất hiện và được đón nhận của những nhân tố mới này phần nào cho thấy được sự đa dạng, tính cởi mở của nhạc Việt. Đặc biệt, âm nhạc không phụ thuộc hình thức (thông qua MV, trang phục...) vẫn có chỗ đứng. Các nhân tố này có thể vụt sáng như Pháo hay không, vẫn là câu hỏi khó trả lời, nhưng ít nhiều họ đã cho khán giả một bàn tiệc âm nhạc với nhiều món ngon hơn.

T.S (PNO)

Nhận xét