Bộ phim “Minari” đem đến thông điệp ấm áp và cảm động về tình người từ hành trình lập nghiệp của một gia đình nhập cư Hàn Quốc trên đất nước Mỹ vào thập niên 1980.
Minari là bộ phim độc lập được báo chí quốc tế khen ngợi trong năm qua và là ứng cử viên tiềm tàng cho mùa giải Oscar 2021.
Minari trong tiếng Hàn là cây rau cần. Đó là loại rau dễ trồng, dễ mọc như cỏ dại, chỗ nào có nước là mọc được. Rau cần dùng nấu canh, xào, ăn kèm lẩu, có mùi ngai ngái mà ai đã ghét thì ghét thậm tệ.
Mang dáng dấp một cuốn hồi ký, bộ phim của đạo diễn Lee Isaac Chung dựa trên ký ức của anh về những ngày tháng lớn lên tại trang trại hẻo lánh ở Arkansas, Mỹ. Dưới góc nhìn của cậu bé David, cuộc sống trong gia đình nhập cư Hàn Quốc những năm 1980 đầy ắp khó khăn nhưng cũng rất đỗi nên thơ.
Không bàn trước với vợ, người bố Jacob (Steven Yeun) dẫn cả gia đình chuyển từ California đến Arkansas xa xôi, mua một mảnh đất lớn với ước mơ đổi đời, thay vì cứ phải đi soi lỗ huyệt gà con hàng ngày.
Nhưng cái giá phải trả cho giấc mơ Mỹ của Jacob là nguy cơ cả gia đình có thể tan vỡ. Giấc mơ của anh, tuy thật cao thượng và đáng tự hào, nhưng lại ích kỷ biết bao. Người vợ Monica nhẫn nhịn dù cô mong muốn sống ở thành phố hơn là ở thôn quê, mong muốn ở gần bệnh viện để chăm sóc cho David bị bệnh tim, mong muốn ở gần nhà thờ để có thể nói chuyện với những người đồng hương.
Sự xuất hiện của bà mẹ vợ Soon-ja (Youn Yuh-jung) từ Hàn Quốc bay sang ở cùng ban đầu khiến lũ trẻ khó chịu. David nghĩ rằng bà kiểu gì mà không biết nướng bánh, không biết nấu ăn, không biết đọc. Soon-ja đã thay đổi mối quan hệ trong gia đình bởi tật nói huyên thiên, tính cách táo bạo, sự ân cần, và cả một chút khôn ngoan.
Chính bà còn hiểu rõ đứa cháu mình mới gặp hơn là Jacob - người vốn đầu tắt mặt tối ở công ty, rồi đến cuối tuần lại lúi húi bên cánh đồng rau màu. Vốn thường bị che chở quá mức vì bệnh tật, David tuy rất nhỏ tuổi nhưng đã là một đứa trẻ sống nội tâm và khép kín. Soon-ja là người giúp cậu bé mở lòng.
Câu chuyện ấm áp về sự tử tế
Cuộc sống tại nơi ở mới không hề dễ dàng. Khó khăn nối tiếp như muốn đánh gục một người đàn ông quyết tâm như Jacob. Monica dường như cũng đã chịu đựng đến cực hạn. David ngày càng ít nói và ngỗ ngược. Những chi tiết về phân biệt chủng tộc và định kiến được cài cắm khéo léo tuy không quá nặng nề nhưng vẫn đủ để lại nhức nhối cho khán giả.
Chính bà ngoại Soon-ja là người đã kết nối các thành viên bằng sự mộc mạc đến sỗ sàng, với tình yêu thương vô bờ bến. Như rau cần nhổ rồi lại mọc, lụi tàn rồi lại trở lại um tùm, tình cảm gia đình là thứ không bao giờ mất đi, mà chỉ bền vững thêm trước thử thách.
Trung tâm của câu chuyện, và cũng là nguồn cơn của gần như mọi tranh cãi, là Jacob và Monica. Hai diễn viên đã thể hiện xuất sắc chân dung hai con người tốt bụng, nhưng lại bất đồng với nhau về quá nhiều mặt.
Định nghĩa thành công của người chồng là làm chủ vùng đất trù phú, làm chủ cuộc đời bản thân; trong khi đó, người vợ lo lắng giấc mơ ấy chưa thành hình thì căn nhà mỏng manh đã bị bão cuốn đi mất.
Sau tất cả khó khăn, họ nhận ra rằng sẽ chẳng có một “happy ending” nào viên mãn mãi mãi chờ họ phía trước. Sau mỗi lần va vấp, người ta phải học cách hàn gắn và nâng đỡ nhau để đối mặt với thử thách tiếp theo. Đó chính là bài học tuyệt vời mà Minari gửi gắm, thay vì một cái kết trọn vẹn như nhiều tác phẩm điện ảnh khác.
Bộ phim được lấp đầy bởi gam màu xanh mướt mát của đồng cỏ, rừng cây và hoa màu như thái độ sống tích cực của gia đình nhỏ người Hàn Quốc. Minari là chân dung những con người vượt qua giông bão để đùm bọc lấy nhau, học cách chấp nhận sự khiếm khuyết của mỗi cá nhân để yêu thương với tất cả trái tim. Nhân vật người hàng xóm kỳ quặc và tốt bụng Paul (Will Patton) đại diện cho sự tử tế mà đôi khi con người không ngờ được đãi ngộ.
Giấc mơ Mỹ qua lăng kính người nhập cư
Kết hợp giữa trí nhớ và tưởng tượng của Lee Isaac Chung, khán giả theo dõi Minari có cảm giác như đang mở ra chiếc lọ đom đóm dẫn về những tháng ngày xưa cũ. Ở đó, ngay cả những ngọn cỏ đu đưa trong gió cũng là ngọn cỏ của quá khứ, lấp lánh hoài niệm và đặc biệt nên thơ. Phần hình ảnh của Minari gợi nhắc những tác phẩm mang đậm triết lý hiện sinh của Terence Malick.
Giống như Nomadland hay Soul năm qua, Minari là hành trình con người tìm kiếm ý nghĩa của sự tồn tại. Với nhân vật Fern của Frances McDormand, người góa phụ lặng lẽ tìm thấy mục đích trong hành trình vô định của giới du mục (nomads) sau khi dành nửa đời người mắc kẹt ở khu công nghiệp Nevada. Còn Minari là nỗ lực của người nhập cư để gây dựng cơ ngơi, sống sao cho xứng đáng như Jacob nói, không như lũ gà trống con bị cho vào lò đốt.
Mảnh đất mà Jacob dốc cạn túi, có thể là miền đất hứa với người này, nhưng là vùng đất quỷ dữ cho người khác. Thứ mà Jacob thực sự tin tưởng giống như ý chí mạnh mẽ mà nhiều thế hệ người nhập cư tại Mỹ mang đến, là nỗ lực của con người phải đến từ trí tuệ và bàn tay.
Giấc mơ Mỹ của mỗi thế hệ lại khác nhau, nhưng tập hợp lại đã làm nên giá trị và truyền thống cho xứ sở cờ hoa. Fern hay Jacob là một phần của nền văn hóa Mỹ, mà trải qua năm 2020 đầy biến cố, nhiều người dường như quên mất ngoài kia vẫn còn những điều lớn lao tồn tại.
N.N (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét