Tác phẩm của Chloé Zhao khắc họa hình ảnh lớp người “vô gia cư” du ngoạn trên những chiếc xe tải với đầy đủ cung bậc vui buồn, cho khán giả cái nhìn khác về ý nghĩa cuộc sống.
Fern (McDormand) là một phụ nữ trung niên gần 60 tuổi, bị mất việc tại khu nhà máy Empire, Nevada (Mỹ) sau khi nơi này đóng cửa. Chồng vừa qua đời, việc làm không còn, khu phố cho công nhân bị bỏ hoang, Fern quyết định bán đi tất cả, mua một chiếc xe tải (van) và sống như dân du mục nay đây mai đó.
Hành trình vô định đưa Fern tới những vùng đất mới, gặp gỡ nhiều người, đồng thời khiến chị phải vật lộn với thiếu thốn bằng hàng loạt công việc tạm bợ.
Nomadland là bộ phim do nữ đạo diễn Chloé Zhao chỉ đạo, biên kịch và sản xuất. Zhao cũng chính là đạo diễn bom tấn siêu anh hùng Marvel Studios mang tên Eternals dự kiến ra mắt vào năm nay sau khi bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19.
Ngoài hai gương mặt chuyên nghiệp là Frances McDormand và David Strathairn, hầu hết dàn diễn viên trong Nomadland là những cư dân du mục thực sự, sống trên những chiếc ôtô lăn bánh rong ruổi khắp nước Mỹ.
Điều đó giúp bộ phim của Chloé Zhao vừa mang tính lãng mạn siêu thực, vừa như một thước phim tài liệu về những người bị nền kinh tế Mỹ bỏ lại đằng sau. Họ quyết định sống cuộc đời tự do nhưng cũng rất bấp bênh. Có người lựa chọn điều đó dù còn rất trẻ, có kẻ bị đưa đẩy đến tình huống bất đắc dĩ, chạy trốn nỗi đau và từ chối sống cuộc đời “ngựa thồ” làm việc đến chết.
Cuộc sống đầy màu sắc của người du mục thế kỷ XXI
“Nomad” là cụm từ chỉ những người du lịch toàn thời gian, từ chối các khái niệm rường cột vị trí xã hội như nghề nghiệp, nhà cửa, gia đình, con cái để theo đuổi lối sống vô định, miên man trên những dặm đường thiên lý. Những cư dân của giới du mục chống lại cách kinh tế xã hội vận hành, sống tối giản và lấy giá trị tinh thần có được từ trải nghiệm mới thay cho thước đo vật chất.
Christopher McCandless trong những năm tháng tuổi trẻ đã viết rằng: “Hai năm anh ta đi bộ trên Trái đất. Không điện thoại, không hồ bơi, không thú nuôi, không thuốc lá. Chỉ có tự do cực hạn. Một kẻ lãng du yêu cái đẹp, lấy mặt đường làm nhà. Không còn bị đầu độc bởi nền văn minh, anh ta chạy trốn, và đi bộ một mình trên vùng đất để rồi lạc vào nơi hoang dã”.
Cuộc sống của những kẻ lãng mạn bay bổng ấy đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ, là một phần làm nên lịch sử nước Mỹ. Vùng đất hoang dã một thời chứng kiến những kẻ táo bạo dám bỏ lại tất cả để khai phá, sống trên đường, để rồi tạo nên thế hệ tinh hoa là hình mẫu của giấc mơ Mỹ.
Nhưng cũng chính xứ sở này khi cuộc Đại Suy thoái xảy ra đã thanh lọc không thương tiếc những cư dân không còn đóng góp nhiều cho xã hội. Đám người trung niên, hay còn bị người trẻ Mỹ chê cười gọi là “boomers”, phải “làm việc quần quật từ năm 12 tuổi”, để rồi đầu bạc trắng mà nhận ra khoản hưu trí ít ỏi của mình.
Nomadland không tô hồng cuộc sống của những cư dân kỳ lạ ấy. Họ khắc khổ, nhưng không khổ hạnh. Họ táo bạo, nhưng thực tế. Họ vô tư, nhưng đầy quan tâm. Để sống một cuộc đời du mục với cơ hội nhìn ngắm thế giới mỗi ngày, họ phải đánh đổi nhiều thứ.
Christopher McCandless có được sự tự do vĩ đại và chết đói ở vùng hoang dã Alaska vào năm 24 tuổi. Không liều lĩnh như vậy, nhân vật Fern của McDormand nuôi sống cuộc đời trên xe tải của mình bằng những công việc thời vụ.
Mùa đông, chị chạy xe sang kho xưởng của Amazon để làm thợ đóng hàng. Mùa hè, chị đi thu hoạch củ cải, rán burger hoặc cọ nhà vệ sinh của khu du lịch. Nhân vật sinh hoạt trong một chiếc ôtô bé tẹo, đi vệ sinh trong thùng nhựa và ăn uống dè sẻn. Đôi lúc chiếc xe lăn ra hỏng, và đó là cả một câu chuyện tiền nong đau đầu. Có được bạn hữu dọc đường, thì Fern lại đánh mất dần các mối quan hệ với bạn bè, người thân.
Cuốn sách mà bộ phim lấy cảm hứng, Nomadland: Surviving America in the Twenty-First Century (tạm dịch: Dân du mục: Sinh tồn tại Mỹ trong thế kỷ XXI) của Jessica Bruder có đoạn: “Nếu ở Mỹ mà bạn không có một căn nhà, bạn không phải là người”.
Những cá nhân như Fern, Linda May hay David được ca tụng là dũng cảm, truyền cảm hứng, lãng mạn, thú vị, nhưng đồng thời bị coi là những kẻ ngoài lề xã hội, ích kỷ, ngu ngốc, vô tổ chức. Khai thác cả hai mặt của cuộc sống giữa cái đẹp của sự tự do và làm chủ, với khó khăn khi sống dưới mức tối thiểu, bộ phim không nhìn nhận những cư dân du mục bằng con mắt thiên kiến.
Diễn xuất đỉnh cao của Frances McDormand
Vai diễn Fern của McDormand thêm một lần nữa khẳng định tài năng của nữ diễn viên trong việc khắc họa nội tâm nhân vật. Nếu như nhân vật người mẹ khao khát công lý trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri (2017) gai góc và ồn ào, thì một góa phụ lặng lẽ trong Nomadland khiến khán giả như chìm vào trong những khoảnh khắc đối diện với cuộc sống.
Thế giới này rộng lớn hơn thứ chúng ta đang có, và cách mà Fern chạy trốn khỏi nỗi đau mở ra chiêm nghiệm về ý nghĩa của cuộc đời cho mỗi ai đang thưởng thức tác phẩm.
Tại đó, Fern như một người quan sát và lắng nghe cuộc sống xung quanh mình vận động theo mỗi nhịp lăn bánh của chiếc xe tải. Sự cô đơn được khỏa lấp bởi cuộc sống lướt đi tới những vùng đất mới. Nỗi đau hằn lên khuôn mặt của người phụ nữ trung niên, nhưng nhân vật không cầu xin sự thương hại từ khán giả.
Khi con của bạn mình tiến đến và hỏi: “Cô có phải là người vô gia cư không?”, Fern suy nghĩ một lúc và đáp lại: “Không, cô chỉ không có nhà. Đó là hai chuyện khác nhau đấy nhỉ?”
Cuộc sống mở ra cho Fern những gam màu khác, thấm đẫm sự tử tế và chiêm nghiệm tới từ những bạn hữu trên đường. Những người không nhà không cửa như Fern giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, thưởng thức niềm hạnh phúc đơn sơ như ngắm sao, thu nhặt mẫu đá, lạc trong khu rừng sâu, ngắm nhìn những cánh chim bay rợp trời…
Frances McDormand thể hiện vai diễn xuất sắc đến mức ở đoạn cuối, khi gặp gỡ người thân trong gia đình và lắng nghe họ điền nốt vào những chỗ trống còn thiếu trong quá khứ của Fern, khán giả tưởng như đã nhìn thấy chân dung trọn vẹn của một lớp người ngay trước mắt.
Vấn đề với những bộ phim lấy đề tài “phượt thủ” nằm ở cốt truyện cố tình gây kịch tính và choáng ngợp quá mức. Nomadland, với phần hình ảnh, âm nhạc nên thơ và câu chuyện “chẳng đi tới đâu”, có thể khiến những ai chờ đợi thứ gì đó lớn lao cảm thấy hụt hẫng. Chuyện tình cảm giữa Fern và David cũng không thành, bởi một người vẫn còn mê mải với những chuyến đi, còn người kia như đã tìm thấy bến đỗ cuối cuộc đời.
Nhưng như các tác phẩm trước của Chloé Zhao là Songs My Brothers Taught Me hay The Rider, Nomadland mang dáng dấp một thước phim tài liệu hòa quyện giữa diễn viên chuyên nghiệp và người không chuyên để kể về những khoảnh khắc nhỏ nhặt.
Khi cố gắng giành lấy những thứ quan trọng, người ta thường quên rằng chính nhiều điều giản dị mới làm nên giá trị của cuộc sống. Ấy vậy mà trong câu chuyện về những con người bé nhỏ ấy, nữ đạo diễn vẫn có thể khắc họa được hình ảnh tiêu điều của hệ thống giá trị nước Mỹ.
N.N (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét