Chơi nhạc trực tuyến: Hướng đi của tương lai

Như một phép thử bản lĩnh nghệ sĩ, khi hình thức biểu diễn truyền thống “đóng băng” trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các show diễn trực tuyến thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số theo kiểu “nhà hát internet”, “nhà hát truyền hình” đã được nhiều nghệ sĩ quan tâm, sáng tạo.

Âm nhạc đã vượt qua những rào cản về không gian (ảnh ITN)

Với mong muốn dòng chảy âm nhạc không bị đứt gãy, họ đã tận dụng công nghệ để tổ chức các chương trình nghệ thuật và được đông đảo công chúng đón nhận.

Hàng triệu khán giả theo dõi từ xa

Từ năm 2019, với format tiêu chuẩn âm thanh và chất lượng nghệ thuật như ở nhà hát, chuỗi chương trình Music Home đã được ứng dụng công nghệ truyền hình tương tác, tính năng tùy chọn góc nhìn và khán giả có thể chủ động lựa chọn góc máy quay khi xem chương trình trực tiếp, trải nghiệm không gian âm nhạc giống như tham dự buổi biểu diễn trực tiếp. Và sự sáng tạo này cũng đặc biệt phù hợp khi bắt buộc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Nhờ lợi thế công nghệ, khán giả không cần ra khỏi nhà hoặc phải bỏ chi phí tiền triệu mua vé vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn một buổi hòa nhạc đỉnh cao. Bởi phù hợp với xu thế thời đại, các chương trình như vậy đã thu hút hàng vạn lượt khán giả theo dõi. Hướng đi này cho thấy nỗ lực của các nghệ sĩ Việt trong việc tiếp cận và hòa nhập với các xu hướng mới của đời sống âm nhạc thế giới, cũng như góp phần lấp đầy những thiếu hụt của thị trường tổ chức và biểu diễn hiện nay.

Hòa nhạc Giai điệu Tổ quốc lần đầu tiên biểu diễn không có khán giả đến xem trực tiếp, tuy nhiên, các nghệ sĩ đã thực sự thăng hoa trong mỗi tiết mục, chuyển tải nhiều cung bậc cảm xúc qua màn hình tivi. Dù không đến rạp nhưng khán giả vẫn được thưởng thức một đêm nghệ thuật chất lượng về âm thanh và mãn nhãn về hình ảnh. Tiếp đó, các hình thức livestream âm nhạc cũng phát triển rầm rộ. Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng Công ty cổ phần RSVP tổ chức liveshow âm nhạc trực tuyến Kiên cường Việt Nam – Stay Strong Vietnam trên kênh YouTube “RSVP Vietnam” và kênh của các đối tác. Chương trình với những ca khúc và phần trình diễn đặc biệt dành tặng khán giả qua hình thức livestream biểu diễn tại nhà của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: Thanh Lam, Đông Nhi, Thảo Trang, Hồ Trung Dũng, Trọng Hiếu, ISAAC… Nhiều nghệ sĩ như Hồng Nhung, Cẩm Vân, Đức Phúc… cũng có những buổi livestream để hát cho khán giả nghe. Riêng ca sĩ Đức Tuấn thì tổ chức buổi livestream như một liveshow mini tưởng niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ nhà riêng của nghệ sĩ, âm nhạc đã lan tỏa đến hàng nghìn người theo dõi trực tiếp với cảm xúc dâng trào, giọng hát của ca sĩ cũng gần hơn đối với người thưởng thức.

Không chỉ đơn thuần là một buổi biểu diễn âm nhạc trực tuyến, mà một chuỗi chương trình âm nhạc kế tiếp nhau đã được tổ chức với 24 hour music marathon online. Nghệ sĩ piano Trang Trịnh chia sẻ: “Trong thời điểm cả nước thực hiện ở nhà, giãn cách xã hội hoặc một số người đang phải cách ly để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta có thể dùng âm nhạc để kết nối với nhau. Thông qua mạng xã hội, chương trình truyền hình, mọi người có thể chia sẻ nhiều hơn, mang lại được niềm vui và sự thư giãn khi ở nhà”. Cùng với nghệ sĩ Việt Nam, 24 hour music marathon online còn có sự tham gia của nghệ sĩ nhiều nước biểu diễn trực tuyến toàn cầu trong vòng 24 giờ. Theo đó, đúng 20 giờ (tại mỗi nước) các nghệ sĩ sẽ phát trực tiếp hình ảnh chơi nhạc, hát hoặc biểu diễn tác phẩm của mình lên trang mạng xã hội chương trình. Mục đích sự kiện này hướng tới là phủ kín 24 giờ trên trái đất bằng âm nhạc để khuyến khích người dân ở nhà không ra ngoài. Và cứ thế các giai điệu âm nhạc được chia sẻ tiếp nối nhau theo dòng thời gian…

Hướng đi của tương lai

Đại dịch Covid-19 đã khiến các nghệ sĩ phải “đi đường vòng” để đến với khán giả và nhiều người đã chọn cách tham gia các buổi hòa nhạc trực tuyến trên mạng. Tuy nhiên, để tạo ra lợi nhuận lại là một rào cản đối với các dịch vụ livestream. Nếu các buổi livestream của các nghệ sĩ khác hoàn toàn phi lợi nhuận, thì ca sĩ Tuấn Hưng đã làm một liveshow có tính phí. Chương trình mang tên Gửi ngàn yêu thương của anh đã thu về số tiền hơn 100 triệu đồng để dành tặng cho đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Hiện nay, đã có rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài thu được lợi nhuận từ các dịch vụ trực tuyến. Các nhóm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc như SuperM và BTS đã tổ chức các concert trực tuyến thông qua dịch vụ livestream. Qua đó, cho thấy, dịch vụ livestream có khả năng mở rộng thị trường cho ngành giải trí. Không chỉ là lựa chọn tối ưu cho khán giả yêu nhạc tại thời điểm dịch bệnh, thưởng thức âm nhạc online được nhận định sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, tiếp cận đông đảo khán giả hơn, vượt qua những rào cản về không gian. Ngoài ra, việc thực hiện những chương trình âm nhạc online sẽ có khả năng tương tác, kết nối với khán giả tốt hơn, bởi người hâm mộ có thể để lại những bình luận, góp ý cho Ban tổ chức hay trò chuyện với nghệ sĩ mình yêu thích.

Thời điểm này có lẽ sẽ là một bước ngoặt cho ứng dụng công nghệ 4.0 vào biểu diễn nghệ thuật. Dù còn nhiều hạn chế và chưa thể thay thế hoàn toàn biểu diễn trực tiếp, nhưng liveshow online vẫn là xu thế thời đại. Và thị trường âm nhạc Việt Nam đã nhanh chóng nhập cuộc, các liveshow trực tuyến đang được nhiều nhà sản xuất nhắm tới. Thực tế, người Việt cũng dần quen trả tiền để nghe nhạc trên mạng nên với những chương trình được đầu tư chỉn chu, chất lượng nghệ thuật tốt, thì dù có tính phí cũng chắc chắn thu hút được sự quan tâm của khán giả.

Theo ca sĩ Trọng Tấn, lâu nay các nghệ sĩ chỉ biểu diễn trực tiếp tại các sân khấu có khán giả tham dự. Nhưng giờ đây, với các chương trình được quay trực tiếp trên nền tảng công nghệ, nghệ sĩ đã có thể đến gần hơn với hàng triệu khán giả cùng lúc mà không cần phải tập trung đông người. Khán giả ngồi ở nhà vẫn có thể thưởng thức, thậm chí tương tác với chương trình và đây có thể sẽ là một hướng đi của tương lai. Nhìn theo hướng tích cực, dịch Covid-19 đã mang tới cơ hội tạo giá trị mới cho ngành âm nhạc. Tuy nhiên, để có thể mở rộng cánh cửa số hóa, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa những người làm nghệ thuật với các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin để thúc đẩy dịch vụ livestream và đảm bảo về chất lượng nghệ thuật.

(HNS)

Nhận xét