Âm nhạc của "Xuân hạ thu đông rồi lại xuân'' như một dòng suối mát lành giữa thành phố. Đôi khi, ca sĩ thả vào đó những tiếng cười để giữ chân khán giả, còn lại, âm nhạc làm tròn nhiệm vụ của mình là khơi gợi cảm xúc, ủi an tâm hồn.
Sân khấu Xuân hạ thu đông rồi lại xuân đôi khi là khoảng sân giữa công viên thành phố, trường đại học. Thiếu đi phần dàn dựng công phu, thiếu những chiêu quảng bá ầm ĩ, Xuân hạ thu đông rồi lại xuân chỉ có âm nhạc, nhưng thật bất ngờ, chính sự giản lược hình thức, linh động sân khấu biểu diễn đã tạo nên thương hiệu riêng cho chương trình.
Xuân hạ thu đông rồi lại xuân lên sóng từ tháng 1/2021, dài 10 tập. Mỗi tuần, bộ ba ca sĩ chính gồm Hòa Minzy, Anh Tú, Hứa Kim Tuyền sẽ kết hợp cùng khách mời thể hiện các nhạc phẩm theo một chủ đề nhất định. Đa phần, chủ đề được chọn không mới như: đêm dành cho các ca khúc nhạc phim, hát lại những nhạc phẩm nổi tiếng năm 2000, những ca khúc viết riêng cho thành phố... Dù cũ, nhưng cách chọn bài và màn thể hiện của ca sĩ đủ thuyết phục khán giả.
Hứa Kim Tuyền ngoài vai trò ca sĩ, còn là giám đốc âm nhạc của chương trình, đảm nhận phần lên ý tưởng, sắp xếp bố cục. Đôi khi, các ca sĩ trong chương trình được giao thể hiện dòng nhạc sở trường, nhưng thỉnh thoảng, họ được đá chéo sân sang các thể loại nhạc khác. Một sự hòa trộn giữa các ca khúc cũ - mới, và lần đầu ra mắt tạo cho chương trình sự hấp dẫn, đáng được chờ đợi.
Đơn cử trong tập 9, ca sĩ Uyên Linh - khách mời của chương trình - hát một sáng tác mới toanh: Giữa đại lộ Đông Tây (sáng tác Hứa Kim Tuyền), lập tức được khán giả yêu thích vì chưa bao giờ, cô ra mắt sản phẩm theo kiểu ngẫu hứng như thế.
Xuân hạ thu đông rồi lại xuân ăn điểm nhờ sự mộc mạc, và một trong những điều làm nên sự mộc mạc đó, chính là phần hát live của các ca sĩ. Không có phòng thu và các công nghệ hỗ trợ, nghệ sĩ phải thật sự làm chủ giọng hát và kết hợp ăn ý với ban nhạc. Đã có những bản live gây sốt sau khi được thể hiện tại chương trình như bản mashup Ngày chưa giông bão và Always remember us this way của Hòa Minzy và Văn Mai Hương; Biệt khúc chờ nhau (Tân dòng sông ly biệt) do Anh Tú và Văn Mai Hương thể hiện; Có chàng trai viết lên cây của Bùi Công Nam và Anh Tú...
Xuân hạ thu đông rồi lại xuân là sân chơi để những giọng ca nội lực, khéo léo trong cách xử lý định danh, cũng như thử thách chính mình. Trước khi Văn Mai Hương hay Uyên Linh tham gia, chương trình dù hay nhưng chưa thật nổi bật vì không có tiết mục đủ tốt để gây chú ý. Đến Văn Mai Hương, khán giả tìm nghe chương trình nhiều hơn, và bản mashup Ngày chưa giông bão - Always remember us this way cũng liên tục trụ trong top 10 trending nhiều ngày liền.
Khán giả truyền hình khát những chương trình tập trung khai thác âm nhạc chất lượng như cách Xuân hạ thu đông rồi lại xuân đang làm. Phải nhắc lại, truyền hình Việt không thiếu chương trình giải trí, nhưng hiếm có chương trình đủ chất lượng. Khán giả đã phần nào chán ngán các game show hài hước đến nhảm nhí, vận động gây cười nhưng không đọng lại giá trị nào cho người xem. Xuân hạ thu đông rồi lại xuân đánh trúng vào điều khán giả cần- một chương trình giải trí nhưng đạt yêu cầu về nghệ thuật, đủ tươi mới và cảm xúc.
Nếu khán giả từng xem các chương trình thực tế của Hàn Quốc, sẽ dễ dàng nhận thấy Xuân hạ thu đông rồi lại xuân có cách dựng giống nhiều show tại xứ kim chi. Về mặt hình ảnh, hiệu ứng âm thanh cũng như các câu slogan, biểu tượng cảm xúc được chèn trong mỗi tập đều mang màu sắc từ các show giải trí Hàn Quốc như Running Man, Family Outing, We got married... Điều này cũng dễ lý giải khi “cha đẻ” của Xuân hạ thu đông rồi lại xuân là đạo diễn người Hàn, đại diện nhà sản xuất Forest Studio - ông Kim Guk Jin.
Sau quá trình quan sát thị trường giải trí Việt Nam, ông Kim Guk Jin cho rằng các chương trình hiện tại có format khá giống nhau như thi giải câu đố, chơi trò chơi vận động, kể những câu chuyện dí dỏm... Trong khi ông nghĩ rằng, ca sĩ cần có sân khấu để thể hiện tài năng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh. Còn âm nhạc, trong mọi hoàn cảnh luôn là “thứ ngôn ngữ dễ dàng nhất để giao tiếp”, dễ chia sẻ nhất. Vì vậy, ông Kim Guk Jin muốn mang đến một sân chơi mới, gần gũi, giản đơn trong hình thức nhưng bài bản về nội dung, lấy âm nhạc làm trọng tâm.
Xuân hạ thu đông rồi lại xuân đang dần đến hồi kết cho mùa đầu tiên. Nhìn lại các tập, không phải màn trình diễn nào cũng xuất sắc. Đôi lúc, ca sĩ cũng chới với thể hiện các ca khúc khó, chưa thể kết hợp thật nhuần nhuyễn với nhau, nhưng số lượng này chiếm thiểu số trong tổng thể chỉn chu, cảm xúc của chương trình.
Thời gian qua, một số dự án âm nhạc trực tuyến khá chất lượng cũng được tổ chức như Phòng trà online hay Music home nhằm mang tới cho khán giả một hình thức giải trí mới. Tuy nhiên, để tạo được điểm nhấn, thu hút sự chú ý, nhất là từ khán giả trẻ, cần phải kết hợp thêm nhiều yếu tố từ nghệ sĩ, không gian biểu diễn, sự trẻ trung, tươi mới, như cách mà Xuân hạ thu đông rồi lại xuân đã làm được.
D.M (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét