Châu Âu đang có cơ hội cạnh tranh với Hollywood nhờ sự phát triển của các ứng dụng phát trực tuyến.
Lupin, bộ phim đề tài siêu trộm do Pháp sản xuất lấy bối cảnh thành phố Paris, đã đưa Omar Sy trở thành ngôi sao toàn cầu. Sự phổ biến của Lupin trong thời đại dịch và sự phát triển của những diễn viên Pháp đã nói lên một điều: châu Âu dần thực hiện ước mơ đã mất từ lâu - tự tin để cạnh tranh với Hollywood.
Châu Âu liệu có đủ sức?
Từ series siêu trộm Pháp, Netflix đã đủ can đảm thực hiện hàng loạt tác phẩm mang tính nhảy vọt, không chỉ là dựa vào các bộ phim do Hollywood sản xuất để thành công. Hiện tại, Netflix đầu tư ồ ạt với tham vọng trở thành ứng dụng phát trực tuyến đứng đầu toàn cầu.
Từ năm 2018, Liên minh châu Âu EU đưa ra quy tắc các nền tảng trực tuyến phải cung cấp cho người dùng ít nhất 30% nội dung châu Âu, đầu tư vào các chương trình địa phương trước khi tiếp cận thị trường này.
Trong cuộc cách mạng mang tính đột phá, Netflix tỏ ra lợi thế hơn so với các đối thủ là Disney+, Amazon... Với “đòn bẩy” Netflix, những biên kịch, đạo diễn châu Âu cũng say mê hơn, tìm kiếm đưa văn hóa nước nhà giới thiệu thế giới, không để Hollywood giữ vị trí độc tôn như trước đây.
Netflix hiện có 100 bộ phim và series đã và đang được tiến hành, chỉnh sửa hậu kỳ, với đội ngũ sản xuất và giám đốc điều hành cấp cao rải rác ở nhiều quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Italy.
“Khi phát triển những nội dung phát hành tại châu Âu, chúng tôi luôn nghĩ đến tính địa phương ở mỗi quốc gia. Người Đức thích gì, người Pháp muốn xem gì, và liệu những thứ đó có thực sự phù hợp với khán giả quốc tế không? Chúng ta phải gia giảm như thế nào…”, Larry Tanz, chuyên gia giám sát Netflix cho châu Âu, cho biết.
“Và những gì chúng tôi nhận thấy là không nên phân hóa quá mức các bộ phim. Thông thường, những nội dung gốc trên Netflix phân thành hai loại. Có những chương trình mang tính địa phương như Love and Anarchy (Thụy Điển), sau đó khán giả chứng kiến những series ăn khách như Barbarians, Casa de Papel - Money Heist - hay gần đây nhất là The Crown nói về Hoàng gia Anh được khán giả toàn cầu yêu thích.
Sự vận hành của Netflix hoàn toàn khác với mô hình Hollywood cũ. Trong đó, hãng phim lớn sẽ tung ra các bộ phim bom tấn hoặc phim truyền hình của họ mà không quan tâm đến việc thiết lập cửa hàng.
Mặt khác, Netflix muốn được xem là “ứng dụng của mọi nhà”.
“Bạn có thể xem phim của chúng tôi ở Los Angeles, sau đó gửi chúng sang một giám đốc điều hành ở Paris, sau đó họ dịch ra tiếng Pháp và vẫn có thể hiểu được, yêu thích toàn bộ nội dung”, Tanz nói.
Damien Couvreur, một trong những giám đốc điều hành Netflix ở Paris cho biết ông lớn phát trực tuyến đang truyền đi tín hiệu “chúng tôi sẵn sàng cam kết và tìm chỗ ngồi của mình trên chiếc bàn mang tên công nghiệp điện ảnh Pháp. Chúng tôi cố gắng không sao chép những gì có sẵn, Netflix đang tìm kiếm sự độc đáo và chân thực”, ông nói thêm.
Thế tương - hỗ giữa châu Âu và ứng dụng phát trực tuyến
Sanne Nuyens, biên kịch người Bỉ hiện tận hưởng sự nổi tiếng nhờ Netflix. Hotel Beau Sejour - bộ phim kinh dị, giả tưởng của nữ biên kịch đồng sáng tác với Bert Van Dael - giờ là tác phẩm ăn khách trên ứng dụng phát trực tuyến.
Bộ phim không chỉ gây chú ý ở nhiều quốc gia mà còn nhận được lời khen từ tác giả bán chạy người Mỹ Stephen King. “Bạn viết kịch bản, làm bộ phim lúc đầu dành cho người Bỉ, nhưng dần dà nhiều người nổi tiếng hơn ở châu Âu và thế giới biết đến, điều đó thật tuyệt vời”, Sanne Nuyens nói.
Tuy nhiên, việc tạo ra nội dung chất lượng thường rất tốn kém. Các công ty phải huy động nhiều nguồn lực để tạo ra những bộ phim “xứng tầm”. Đầu tiên, họ phải tự tìm cách thực hiện những dự án lớn, trước khi bắt đầu hợp tác với Netflix.
Elly Vervloet là người đang phụ trách mảng phim quốc tế cho đài truyền hình Flemish VRT - công ty tạo ra Hotel Beau Sejour ăn khách. Sáng kiến của Vervloet tại Liên minh Phát thanh Truyền hình châu Âu là phải huy động tiền, cho phép các đài truyền hình bắt tay vào các dự án tốn kém hơn và “đấu” với Netflix.
Nếu việc hợp tác và sản xuất thành công, Vervloet nói rằng Netflix là “đối tác tốt”. Tuy nhiên, việc hợp tác và đưa các bộ phim lên nền tảng lớn đi kèm nhiều thứ phát sinh, đặc biệt là chi phí. “Các công ty phải nói về quyền lợi của chính mình, về cách thương hiệu hoạt động ra sao… Nói chung, bạn phải mạnh mẽ, khôn ngoan trong các cuộc đàm phán với Netflix”, Vervloet nói.
Các nhà làm phim ở châu Âu lại nhìn ra rủi ro bị khán giả quay lưng nếu chỉ mãi quan tâm đến Netflix. “Khi bán nội dung trên nền tảng trực tuyến, các đài truyền hình công cộng khác sẽ mất vị thế. Đó là mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi”, Jerome Dechesne, người đứng đầu CEPI, hiệp hội dành cho những người sáng tạo châu Âu, cho biết.
Ông cũng khẳng định cách kinh doanh của Netflix là theo phong cách Hollywood - luôn duy trì thế độc quyền. “Họ tài trợ cho bạn mọi thứ, và tất nhiên, họ sẻ hưởng mọi thành quả mà không ai đụng chạm đến được”, Dechesne nói thêm.
Tuy nhiên, ông cũng ca ngợi cách làm thông minh của Netflix. Ông lớn công nghệ đã phá vỡ thế độc quyền của nhiều đài truyền hình lớn, đặc biệt là BBC và TF1. Đây là hai kênh lớn kiểm soát phim truyền hình ở châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Hơn nữa, ông cho biết, Netflix đã chấm dứt “mặc cảm, tự ti” về các chương trình không nói tiếng Anh, đưa những nội dung này ra toàn thế giới. “Những bộ phim bom tấn châu Âu sẽ phổ biến hơn và cạnh tranh với Hollywood. Điều đó sẽ rất thú vị”, ông nói thêm.
Trước đây, Pascal Breton, người sáng lập và là CEO công ty sản xuất Federation Entertainment từng nói với SCMP rằng ông hy vọng phim châu Âu sẽ tạo ra làn sóng mới, hoàn toàn có thể cạnh tranh với Hollywood. “Khoảng 10 năm trước, 90% sự sáng tạo là ở Mỹ. Một số series truyền hình ở các quốc gia khác có kịch bản tốt nhưng không được phổ biến. Hiện tại, cuộc chơi đã thay đổi", ông khẳng định.
Sự thay đổi về cách tiếp cận các bộ phim truyền hình cũng đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các công ty sản xuất phim đa quốc gia như Federation Entertainment. Đồng thời, sự bùng nổ về số lượng kênh và các nền tảng trực tuyến đã tạo “cơn khát thành công”.
"Những thứ mà 10 năm trước bị coi là thất bại giờ đây đã thay đổi", tiến sĩ Luca Barra của ĐH Bologna, Italy khẳng định.
T.D (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét