Giới chuyên gia cho rằng Vpop đang bắt đầu vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt sau thành công của Sơn Tùng hay Erik, Min.
Về sự phát triển của thị trường âm nhạc Việt Nam trong những năm gần đây, SCMP nhắc đến Sơn Tùng M-TP, Min, Erik. Họ là những nghệ sĩ có công lao trong việc đưa âm nhạc Việt Nam phát triển ra khu vực Đông Nam Á và châu Á.
SCMP trích dẫn nhận định của Tuấn Tăng, một chuyên gia quan sát ngành công nghiệp âm nhạc đại chúng của châu Á từ đầu những năm 2000. Anh cũng là nhà sản xuất của các chương trình Project Superstar, The X-Factor hay The Voice tại Việt Nam. Tuấn Tăng cho rằng Thái Lan có quy trình phân phối âm nhạc tốt hơn, trong khi Vpop còn gặp nhiều trở ngại dù một số nghệ sĩ như Sơn Tùng M-TP hay Erik đã gặt hái thành công nhất định.
Anh nói: “Thái Lan có quy trình phân phối âm nhạc và nghệ sĩ tốt hơn. Những công ty giải trí lớn, chẳng hạn GMM Grammy, có khả năng thu hút sự công nhận của khán giả quốc tế nhanh hơn nhiều so với Việt Nam”.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Sơn Tùng, Min, Erik… đang giúp rút ngắn khoảng cách. Sơn Tùng là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên có mặt trên bảng xếp hạng LyricFind Global của Billboard với ca khúc thuộc thể loại reggaeton là Hãy trao cho anh. Với sản phẩm này, nam ca sĩ hợp tác với rapper người Mỹ Snoop Dogg. Hãy trao cho anh hiện đạt 223 triệu lượt xem sau gần hai năm phát hành.
Một nghệ sĩ nổi bật khác của Việt Nam được nhắc đến trong bài viết của SCMP là Erik. Cựu thành viên nhóm nhạc nam Monstar đã thành công khi theo đuổi sự nghiệp solo. Anh thu hút khán giả bởi giọng hát nội lực, khác biệt trong âm sắc và kỹ năng vũ đạo tốt. Ngoài các sản phẩm solo thành công như Sau tất cả, Chạm đáy nỗi đau, Em không sai, chúng ta sai, Erik hợp tác với nhóm nhạc nữ của Hàn Quốc là Momoland trong bản ballad Love is Only You.
Trong khi đó, Min được truyền thông và khán giả biết đến với danh xưng “BoA Việt Nam”. Nữ ca sĩ đồng đều về kỹ năng ca hát lẫn vũ đạo.
Về thành công của ba ca sĩ kể trên, Tuấn Tăng nhận định: “Sơn Tùng, Erik và Min dường như đã mang màu sắc Kpop vào sản phẩm của họ bởi họ lớn lên cùng âm nhạc Hàn Quốc. Họ còn trẻ và có xu hướng thử những phong cách mới, thích ứng nhanh với khán giả Việt Nam”.
Tuấn Tăng cũng nhắc đến việc những bản ballad tình yêu truyền thống được yêu thích ở Việt Nam, đặc biệt các vùng nông thôn. Theo chuyên gia, đây chính là một trong những lợi thế giúp Vpop phát triển. Anh nói: “Vpop kết hợp âm thanh bản ngữ và rất ít nghệ sĩ thu âm bằng tiếng Anh. MV cũng thường được quay bằng những gam màu đậm và giữ gìn những yếu tố Việt Nam, từ trang phục, đạo cụ đến giá trị truyền thống. Nhờ thế, âm nhạc trở nên chân thực hơn”.
Trước câu hỏi: “Vpop sẽ tiếp tục phát triển và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam?”, Ông Tuấn trả lời: “Các nghệ sĩ Việt hiện tại có đủ yếu tố cần thiết để phát triển ra quốc tế, nhưng vì âm nhạc còn gắn liền với truyền hình địa phương nên cần thêm thời gian để Vpop vượt ra khỏi biên giới”.
Về vấn đề này, Kenny Ong cho biết các nghệ sĩ Đông Nam Á có thể tìm khán giả mới bằng cách nhắm mục tiêu vào các thị trường ngách (PV: Phân đoạn nhỏ của thị trường mục tiêu và sản phẩm được tập trung vào nhóm khách hàng cụ thể).
M.H (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét