Noo Phước Thịnh, BigDaddy, Sơn Tùng là những ca sĩ có MV từng bị ẩn vì yếu tố bản quyền hoặc hình ảnh nhạy cảm.
Trong năm 2021, hai MV của Sơn Tùng gặp sự cố, khiến khán giả thắc mắc. MV Em của ngày hôm qua biến mất không rõ lý do. Từ ngày 27/5, hai sản phẩm mới nhất của BigDaddy và Emily bị ẩn. Vậy đâu là lý do của những ồn ào này?
MV chứa hình ảnh nhạy cảm
Khi Mẩy thật mẩy (BigDaddy) và Hâm nóng (Emily) ra mắt, hai MV này đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng nghe nhạc. Dù ê-kíp thông báo: "MV thích hợp cho người trưởng thành", ca từ và hình ảnh của những sản phẩm này vẫn bị nhận xét khiêu khích, gần ranh giới phản cảm.
MV của Emily thậm chí tràn ngập hình ảnh gợi cảm quá mức, nhiều chi tiết ẩn dụ. Chính vì vậy, khi hai MV cùng được chuyển về chế độ riêng tư, không thể truy cập, khán giả cho rằng nguyên nhân đến từ hình ảnh nhạy cảm, gây tranh cãi thời gian qua.
Hiện, đại diện của BigDaddy và Emily cho biết chưa thể đưa ra câu trả lời cụ thể.
Hình ảnh nhạy cảm cũng là lý do khiến MV Em đã thương người ta hơn anh của Noo Phước Thịnh gặp rắc rối vào tháng 9/2020. Khoảng ba ngày sau khi lên sóng, sản phẩm bị ẩn khỏi top trending.
MV có cảnh nữ chính (người mẫu Thu Anh) bắn chết tình nhân và hai cảnh ân ái. Một số phân đoạn diễn viên ôm hôn tình tứ được làm mờ để nổi bật biểu cảm của Noo Phước Thịnh. Không ít ý kiến cho rằng đây chính là chi tiết khiến hệ thống quét tự động nhầm lẫn là cảnh 18+.
Khi gặp sự cố, quản lý của Noo Phước Thịnh khẳng định đây là sơ suất của hệ thống quét tự động trên YouTube. Sau khi họ liên hệ với đơn vị đăng tải để giải quyết vấn đề, MV được đưa trở lại top trending.
"Trước khi ghi hình, tôi đã lường trước vấn đề trên. Vậy nên, ê-kíp đã gửi các video cho đại diện YouTube kiểm duyệt trước khi dựng MV", quản lý của nam ca sĩ bày tỏ.
Bên cạnh sản phẩm của những giọng ca chuyên nghiệp, một số trường hợp từng cố ý thực hiện MV theo hướng hở hang, thậm chí dung tục để được chú ý. MV Em muốn cho anh xem này (Nhã Tiên), ra mắt vào năm 2019, là một ví dụ. Chỉ ít ngày sau khi ra mắt, video nhận lượt dislike (không thích) gấp nhiều lần lượt like (thích). Nhiều thành viên mạng để lại bình luận chỉ trích, phản đối cách đánh bóng tên tuổi của cô gái này. MV sau đó buộc phải gỡ bỏ để chỉnh sửa.
Vấn đề bản quyền
Bản quyền là vấn đề MV Chúng ta của hiện tại (Sơn Tùng M-TP) vướng mắc vào đầu năm 2021. Một khán giả chỉ ra giai điệu bài hát giống video Bruno Mars Type Beat ''IS YOU MINE" đăng trên kênh GC từ tháng 9/2020 và đã thông báo cho kênh này.
Sau khi nhận thông báo, GC khiếu nại vi phạm bản quyền, khiến MV biến mất trên YouTube. Tuy nhiên, theo GC, hai bên sau đó đã làm việc để giải quyết vấn đề. Một ngày sau, Chúng ta của hiện tại xuất hiện trở lại.
Trước sự việc ồn ào này, Sơn Tùng M-TP cũng như công ty đại diện chọn cách im lặng, không lên tiếng.
Điều trùng hợp là chỉ khoảng nửa tháng sau, MV Em của ngày hôm qua, bản hit đầu tiên trong sự nghiệp đạt hàng trăm triệu lượt xem của Sơn Tùng, cũng bất ngờ biến mất. Đến nay, khán giả vẫn không biết lý do cụ thể là gì.
Năm 2018, ê-kíp của Noo Phước Thịnh gặp vấn đề bản quyền với MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi. Nhạc sĩ người Mỹ Zack Hemsey gửi đơn khởi kiện Noo Phước Thịnh vi phạm quyền sở hữu. Zack Hemsey cho biết MV sử dụng một phần của ca khúc The Way để làm nhạc nền cho phân đoạn từ phút 6:05-7:30.
The Way được phát hành năm 2011 và thuộc quyền sở hữu của Zack Hemsey. Zack yêu cầu Noo Phước Thịnh xóa bản MV có sử dụng đoạn nhạc khỏi mọi phương tiện truyền thông, đồng thời bồi thường tổng số tiền 850 triệu đồng.
Sản phẩm Chạm khẽ tim anh một chút thôi bị gỡ khỏi kênh YouTube trong 2 tuần. Khi đó, đại diện truyền thông của nam ca sĩ giải thích: "Do không hiểu rõ về luật nên ê-kíp sản xuất đã sử dụng một đoạn nhạc ngắn cho phân đoạn chiếc xe hơi bốc cháy ở cuối MV mà chưa xin phép đơn vị giữ bản quyền. Đây thật sự là một sai sót mà Noo Phước Thịnh cảm thấy mình phải nhận trách nhiệm vì không kiểm tra kỹ lưỡng từ đầu".
Tương tự, vào tháng 1/2018, MV Ngốc của Hương Tràm cũng biến mất khi đã đạt được 70 triệu lượt xem. Khi truy cập vào đường link của MV, khán giả nhận thông báo: "Video này không sẵn có do xác nhận quyền sở hữu bản quyền bởi Epic Elite". Tuy nhiên, sự việc này sau đó lắng xuống và MV cũng xuất hiện trở lại.
Ba sản phẩm của Min - Ghen, Chưa bao giờ mẹ kể và Có em chờ - từng bị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khiếu nại bản quyền vào năm 2018. Sau khoảng 3 ngày, Min thông báo sự việc do hiểu lầm. Các MV này được trả lại và khẳng định sở hữu đầy đủ bản quyền.
L.N (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét