Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của bài hát Mưa Hồng (Trịnh Công Sơn) – “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…”
“…Anh hát lại bản Mưa Hồng mà anh đã viết cho những ngày tháng Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn. Có lẽ Ánh chưa nghe bản ấy vì từ dạo đó về sau anh chỉ gặp Ánh một hai lần gì đó rất ngắn và bặt tăm luôn. Có lẽ anh sẽ đổi lại đầu đề Tuổi đá buồn. Ánh nghĩ sao? Ánh có giận gì anh mà lâu thế anh không được tin. Hãy viết thư cho anh dù rất ngắn cũng được. Anh mong lắm” – Trịnh Công Sơn
Đó là những lời thư da diết nhớ thương mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết gửi cho người tình bé nhỏ 15 tuổi Dao Ánh sau những tháng ngày xa cách. Bức thư được viết vào ngày 6/12/1964, là năm bản nhạc Mưa Hồng ra đời. Những nhớ mong, tha thiết thầm kín kéo dài suốt mấy tháng trời giận dỗi, bặt thư nhau của chàng nhạc sĩ nơi vùng đất cao nguyên giá lạnh B’lao đã cô đặc lại, co kéo lại trong những lời hát trầm buồn của ca khúc.
Suốt những ngày tháng ẩn mình tại B’lao, trong những bức thư gửi về cho nàng thơ Dao Ánh, trong những ca khúc ra đời vào khoảng thời gian này, thứ ám ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhất chính là sương mù, là mây, là những con đường cô quạnh, đặc quánh hơi sương, là nỗi cô độc, giá lạnh đến ám ảnh. Những ngày tháng đó, không gian đó càng khiến nỗi nhớ quê nhà, nhớ người tình nhỏ trở nên da diết, dữ dội. Những cánh thư từ bè bạn, người thương, gia đình có lẽ là cứu cánh duy nhất cho tâm hồn nhạc sĩ. Vậy nên việc bặt thư bặt tin người tình nhỏ suốt mấy tháng trời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giống như một cực hình giáng xuống tinh thần và tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ.
Ngay từ tựa đề của ca khúc Mưa Hồng đã gợi cho người nghe những cảm xúc và suy đoán khác nhau. Mưa sao lại màu hồng? Phải chăng đó là những cơn mưa bay thoáng qua, bất chợt rơi xuống khi trời đang nắng tươi, những hạt mưa rải xuống, xuyên qua ánh nắng tạo thành một màn mưa hồng. Trong một lần trò chuyện, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói rằng ông sáng tác Mưa Hồng trong nỗi nhớ về Huế, nhớ người yêu, nhớ lại một chiều xưa đi ngang qua trường Đồng Khánh, vừa lúc có một tốp nữ sinh áo dài thướt tha đang buớc ra mặt đường thì từ hàng cây phượng vĩ trên cao cả nghìn cánh hoa theo cơn gió đổ xuống mặt đường, trên những tà áo trắng tinh khôi, cả nghìn cánh phượng bay khắp không gian. Đó là khoảnh khắc của “mưa hồng”, của “đường phượng bay mù không lối vào…”
"Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm
Mây âm thầm mang gió lên"
Tình yêu như là bừng sáng lên một sắc hồng tươi, rực rỡ như màu phượng vĩ, lấp lánh như là áng mây hồng mùa hạ, rồi mau chóng tan đi theo gió mây, bởi “em nghiêng sầu” làm cho mưa xuống vào một “hôm nào” đó, để lại chàng nhạc sĩ một mình với đám “mây âm thầm” với nỗi nhớ mong, sầu bi, cô quạnh. Từng câu hát ngân lên dịu dàng, tinh tế, đẹp đến ngỡ ngàng lột tả trọn vẹn nỗi niềm, tình cảnh của chàng nhạc sĩ. Xuyên suốt bài hát, hình ảnh MƯA như là tượng trưng cho cơn giận của người yêu, một cơn mưa màu hồng:
"Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng"
Những câu hát bật ra trầm buồn vang vọng. Có thể hình dung có một chàng trai trẻ tuổi 25 tuổi ngồi nghiêng nghiêng bên thềm nhà, vóc dáng gầy mỏng, ánh mắt nhìn xa xăm vào khoảng không vô định phía trước. “Người ngồi đó, trông mưa nguồn”, hoàn toàn bị động. Chàng trai chỉ biết ngồi đó nhìn cơn “mưa nguồn” giận hờn của người yêu trút xuống như thác lũ, cam chịu và chờ đợi. Chờ đợi người yêu nguôi ngoai cơn giận, chờ đợi thư tình, chờ đợi tình yêu trở lại trong niềm yêu thương tuyệt vọng, xa vắng chìm trôi. Nhưng vì xa cách muôn trùng về mặt địa lý nên đó là nỗi chờ đợi không biết đến bao giờ, và người chỉ biết mông lung gửi hồn theo con nước cuốn trôi ngoài sông vắng.
Câu hát “ngoài kia lá như vẫn xanh” phải chăng là một lời trách móc, ám chỉ người tình nhỏ, dù gây bao giông gió cho nhạc sĩ mà “lá như vẫn xanh”, vẫn vô tình, hờ hững, vẫn quyết “nghiêng sầu” xuống trên cuộc tình đang “ươm nắng cho mây hồng” để “sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng”. Sự trách giận này trong một bức thư gửi Dao Ánh sau đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã không ngần ngại tỏ bày như sau:
“Anh đã ngồi suốt buổi chiều chủ nhật ở nhà để đợi Ánh. Bạn bè rủ anh qua phố lần cuối nhưng anh cũng từ chối để chờ Ánh. Không phải anh chỉ chờ Ánh có buổi chiều mà thôi mà đã chờ suốt gần 4 tháng hè ở đây. Như thế mà chỉ cần một buổi Ánh sang không gặp anh là Ánh đã giận anh rồi. Anh rất buồn bởi vì ngày cuối anh đi, Ánh không có mặt để hàn huyên một lần nữa rồi vắng nhau đến bao nhiêu là tháng.
Anh không hiểu Ánh đã nghĩ gì để có thể bỏ bê anh đến thế. Sao Ánh không nghĩ rằng chúng mình cần bao dung cho nhau để đỡ phải bỏ những buổi ngồi mong ngóng đến sa sút cả đời. Anh đã nhớ Ánh trong từng ngày mùa hạ mùa thu ở đây như vẫn còn xa cách. Ánh đã tạo nên khoảng cách đó. Bây giờ anh chỉ biết tập làm người chẳng hề giận hờn. Xem giận hờn như một ân huệ trời dành riêng cho Ánh. Trong hai người phải có một kẻ biết nhịn nhục và kẻ đó bao giờ cũng là anh, anh biết thế….
Anh chưa bao giờ nghĩ rằng Ánh có thể độc ác với anh đến thế. 110 ngày nằm ở đây thật quá thê thảm….
Làm sao để Ánh hiểu hết những tha thiết thầm kín trong anh”
Sau khoảng thời gian khó khăn này, dẫu họ đã tái hợp nhau qua những trang thư, nhưng tại thời điểm Mưa Hồng ra đời, nhạc sĩ dường như đã sầu thương đến tuyệt vọng.
"Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau"
Những giọt nước mắt giận hờn của người yêu đã hòa tan vào một “chiều mưa đỉnh cao”, nhấn chìm tất cả, cuốn trôi tất cả, che mờ tất cả, nên nhạc sĩ viết: “còn gì nữa đâu sương mù đã lâu”. Và chiều mưa ấy cũng chính là buổi chiều “hôm nào em đến thăm”, là cột mốc chia ly, đặt dấu chấm hết cho cuộc tình hoa mộng. Hình ảnh người con gái dáng gầy mỏng manh đi dưới mưa, những giọt nước mắt chảy xuống vỡ tan trong dòng mưa lạnh, trên con đường “phượng bay” mờ mịt, hư ảo, hoang lạnh như chính con đường tình của họ đẹp và buồn đến nao lòng. Nó ám ảnh, day dứt, chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí nhạc sĩ.
Nhưng trong khoảng khắc chia ly của “chiều mưa đỉnh cao” đó, ta như ngầm thấy một sự níu kéo đầy tình tự của nhạc sĩ, bởi dường như khi cô gái quay lưng bước đi cũng là lúc trái tim nhạc sĩ quặn thắt, lạc nhịp đến cao độ, tình yêu dành cho người tình nhỏ bất chợt thăng hoa, bất chợt vút lên, nồng đượm hơn bao giờ hết. Vậy nên, việc cô gái im bặt suốt mấy tháng trời sau buổi chiều hôm ấy khiến nhạc sĩ quay quắt, nhớ mong, sầu bi, tuyệt vọng đến vô cùng.
“Em đi về cầu mưa ướt áo, đường phượng bay mù không lối vào”, mong em hãy “ướt áo”, mong em hãy đừng nhìn thấy đường về để “hàng cây lá xanh gần với nhau”, để níu giữ nhau lại trong yêu đương, tình tự…
Câu hát “em đi về cầu mưa ướt áo” đầy gợi cảm gây ra một sự tranh cãi, bàn luận vô cùng thú vị trong giới mộ điệu. Là ai đã cầu? Anh mong cầu mưa ướt áo em, hay em tự cầu cho mưa ướt áo mình? Có một câu chuyện kể khá thú vị liên quan tới câu hát này. Đó là trong một cuộc gặp gỡ thân tình của giới nghệ sĩ, bà Đặng Tuyết Mai (phu nhân phó tổng thống) đã đặt mình vào tâm trạng của nàng thơ trong ca khúc Mưa Hồng để luận bàn: “Riêng tôi thì cho rằng chính cô gái mới là người cầu mong cho mình bị mưa ướt, bởi lẽ người xứ Huế rất coi trọng gia phong lễ nghĩa, nhất là trong cách ăn mặc. Lúc nào cũng phải thật kín đáo, không bao giờ dám để lộ thân thể dù chỉ là một chút xíu. Cô gái trong bài hát tự biết mình có hình dáng đẹp, muốn khoe nhưng không biết làm cách nào nên chỉ dám cầu mưa cho mình bị ướt áo để khoe vẻ đẹp cơ thể một cách tự nhiên mà vẫn giữ được sự ngượng ngùng, e ấp…”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa nghe xong, liền nở một nụ cười mãn nguyện, đứng dậy bắt tay bà Tuyết Mai ra chiều tâm đắc.
Lời cắt nghĩa đầy thú vị của bà Tuyết Mai cho thấy nhạc Trịnh đúng là một “món ăn tinh thần” đầy ma mị, mê hoặc. Mỗi người khi nghe nhạc Trịnh sẽ chìm đắm trong những dòng suy cảm khác nhau, biến đổi theo thời gian, độ tuổi, những trải nghiệm, tâm tư và nhân sinh quan.
Dòng tâm trạng của nhạc sĩ trong cơn thất tình, hoang mang, lạc lõng trồi sụt lên xuống, chìm trôi trong những ký ức lóng lánh xưa cũ, rồi lại bừng tỉnh trong không gian hiện hữu u sầu với “mây ngang đầu”, với nỗi nhớ mong “bao nhiêu chiều”, dài đằng đẵng. “Vòng tay đã xanh xao nhiều”, đã hoang lạnh từ bao giờ, ko còn ấm áp, hạnh phúc nữa:
"Người ngồi xuống mây ngang đầu
Mong em qua, bao nhiêu chiều
Vòng tay đã xanh xao nhiều
Ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du"
Hình ảnh “vòng tay” trở đi trở lại khá nhiều lần trong âm nhạc Trịnh, giống như một thứ biểu tượng cho mối tình Sơn – Ánh. Việc chọn lựa hình ảnh những vòng tay ôm dịu dàng, thanh nhã, không quá trần trụi, mang màu dục tính, cũng không quá xa cách, bẽn lẽn, e dè mà không phải là những hình ảnh yêu đương, tình tự khác cho thấy với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tình yêu dành cho Dao Ánh không chỉ là những rung động, cuộn trào từ trái tim mà còn là sự trân trọng, nâng niu vô cùng tinh tế, nhẹ nhàng dành cho người tình nhỏ.
Trong ca khúc “Xin Trả Nợ Người” viết cho Dao Ánh vào năm 1993, sau mấy chục năm đứt đoạn tình yêu, khi tóc đã bạc, da đã chùng, nhạc sĩ vẫn rất dịu dàng và nâng niu như vậy: “Trả nợ một đời xa vắng vòng tay”.
Những ngôn từ thường nhật của đời sống, của nghệ thuật, thơ ca chưa bao giờ là đủ để Trịnh Công Sơn bộc bạch tâm trạng của mình, vậy nên trong âm nhạc Trịnh Công Sơn ta thường xuyên bắt gặp những hình ảnh rất lạ, rất mới. “Phiếm du” là một từ như vậy, “gót chân mòn trên phiếm du” là một hình ảnh khá ảo, bật ra từ dòng tâm tưởng của nhạc sĩ. Đó là cuộc hành trình viển vông, không tới đâu, không ích lợi gì. Bởi tình yêu là thứ không thể cưỡng cầu, không thể tìm kiếm, chỉ có thể chờ đợi và hy vọng:
"Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ"
Vì vậy, nhạc sĩ chỉ có thể tiếp tục ngồi đó, cầu mong “mưa đầy”, đầy rồi thì thôi mưa, cầu mong em hãy trút đầy cơn giận rồi thôi, để tình yêu trở lại, trên đôi tay anh. Đôi tay dù đã mỏi, đã đau, đau cơn đau dài vẫn không thôi cầu xin, không thôi mong đợi. Cho đến tận khi mệt mỏi, rã rời, nằm xuống thì từ trong tiềm thức, trong sâu thẳm vẫn nghe tiếng lòng vẫy gọi, tiếng tình vẫy gọi: “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”… Đó là một trong những câu hát được trích dẫn nhiều nhất trong những dòng tâm trạng của nhiều người, thể hiện trạng thái cảm xúc mà chính nhạc sĩ họ Trịnh đã từng nói với Dao Ánh: “Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn…”
Toàn bộ ca khúc là những lời ca khi trầm khi bổng, khi mong cầu khi tuyệt vọng, lên lên xuống xuống theo những cơn sóng tình cuồn cuộn trong lòng. Cuộc tình đó dù có là những ngày tháng đợi chờ, mong mỏi không thôi, tưởng như vô vọng, cho đến tận cùng vẫn không hề tuyệt vọng mà ngân lên một khúc ru tình da diết, ám ảnh, tựa như một hồi chuông thức tỉnh dành cho tất cả mọi người.
Mỗi ca khúc của Trịnh dù vui tươi hay sầu giận, dù hạnh phúc hay thương đau, đều có một thông điệp rất đẹp để lại, để vỗ về, chăm chút tình yêu thương của con người với đời sống, của con người với con người. Những thông điệp đó tựa như kiệt tác chiếc lá cuối cùng vô cùng giản dị trên bờ tường mùa đông mà cụ Behrman đã đổi cả sinh mạng của mình để vẽ tặng cho nữ hoạ sĩ nghèo Johnsy.
Ai đã từng một lần đắm mình vào những lời ca của Mưa Hồng qua giọng hát của nữ ca sĩ Khánh Ly hẳn đã biết những lời ca như rót mật vào tim ấy mênh mông, bay bổng, ngọt lịm đến chừng nào.
N.Q (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét