"A Spoonful of Sugar"

"Mọi công việc mà ta phải làm đều có niềm vui. […] Niềm vui ấy như thìa đường làm thuốc đắng trôi tuột xuống" - Mary Poppins hát líu lo trong cảnh phim kinh điển cùng tên của Disney năm 1964.

Câu chuyện về sự ra đời của bản nhạc nổi tiếng A Spoonful of Sugar ấy sau này được con trai cố nhạc sĩ Robert Sherman kể lại rằng nó được gợi cảm hứng từ một lần cậu tới bệnh viện uống vắc xin bại liệt, và khi cha cậu hỏi thuốc có khó nuốt không thì cậu bảo cha rằng các bác sĩ và y tá đã bỏ vào đó một viên đường để dễ uống hơn.

Cảnh trong phim Mary Poppins

Có lẽ công việc của bác sĩ và y tá có thể gói gọn qua một hình tượng như vậy: viên đường và ống thuốc - vừa xoa dịu, an ủi, vừa chữa lành những nỗi đau.

Họ như những Mary Poppins - người bảo mẫu bay xuống từ trời, mang những phép mầu kỳ diệu giúp gia đình nhà Banks vượt qua bao hoạn nạn tưởng khó lòng vượt qua.

(Ảnh: internet)

Khi nhà soạn nhạc George Gershwin thực hiện vở opera lớn đầu tiên của nước Mỹ là Porgy and Bess, ông đã viết một bản gospel có tên là Oh Doctor Jesus, nghĩa là Ôi bác sĩ Jesus.

Cụ thể, ở phân đoạn nhân vật Bess nằm trên giường với cơn sốt kéo dài cả tuần không dứt, các nhân vật khác bắt đầu cầu nguyện tới Chúa.

Họ gọi Chúa chính là một vị bác sĩ, người trục xuất quỷ dữ khỏi một thời đại lắm tai ương, người cứu giúp mọi người và nâng đỡ những ai yếu đuối.

Oh Doctor Jesus rõ ràng là một bản thánh ca, nhưng đặt bản nhạc ra ngoài bối cảnh vở kịch, nó cũng là lời tán tụng không thể cao hơn cho những người hành nghề y - những người đang cáng đáng công việc mà bình thường Chúa Cứu thế vẫn làm, chẳng khác chi những sứ giả, những thiên thần được phái xuống để dẫn dắt con người qua thống khổ.

Hẳn cũng bởi phép chữa lành thần kỳ mà ẩn dụ bác sĩ thường xuất hiện trong những bản nhạc tình yêu. Từ Modern Talking của thập niên 1980 đến Doja Cat - ngôi sao của thế hệ Gen Z, tất cả đều ví người tình như là vị bác sĩ cho trái tim tan vỡ.

Trong ca khúc Doctor my eyes - bản hit đầu tiên của nhạc sĩ/ca sĩ huyền thoại Jackson Browne, người sau này bán được hơn 18 triệu đĩa nhạc trên toàn cầu, là lời tâm sự của một người đàn ông đã hứng chịu nhiều dâu bể cuộc đời với vị bác sĩ của mình.

Ông hỏi bác sĩ rằng phải chăng việc đôi mắt của ông không còn nhìn thấy bầu trời nữa là phần thưởng cho việc ông đã học cách thôi không khóc. Suốt cả bài hát, người bác sĩ chẳng nói gì mà chỉ im lặng lắng nghe và hiện ra trên tư cách một đại từ nhân xưng.

Nhưng chừng đó cũng là quá đủ để ta cảm nhận được nhân vật ấy như một hiền giả nắm giữ bí mật lớn lao về nỗi đau, có khả năng nhìn xuyên thấu qua cả sự sợ hãi lẫn sự mong manh của con người, và nhiều điều sâu kín trên đời ta chẳng thể trút vào ai, trừ một người bác sĩ bao dung.

Còn trong A Nurse Life’s Full of Woe của nhạc sĩ người Anh Billy Bragg, một nữ y tá hiện lên tựa Mẹ Teresa hiền từ trong bộ đồ màu trắng phải nếm trải nhiều thất vọng và kiệt quệ hơn cả những con người làm việc hùng hục 36 tiếng đồng hồ liên tục.

"Nếu bạn thấy mọi chuyện thật khó khăn, bạn hãy nghĩ về cuộc đời đầy nỗi phiền muộn của một người y tá" - Bragg viết.

Và họ lấy đâu ra sức mạnh để hoàn thành tất cả những vai trò đó - vai trò của một người lắng nghe, một người cứu chữa, một người xoa dịu?

Có lẽ lại phải quay lại phần lời ca mà anh em nhà Sherman đã đặt cho bản A Spoonful of Sugar, trong đó có đoạn về những đàn ong mải miết kiếm mật ngày đêm mà không bỏ cuộc: "Vì từ mỗi bông hoa, chúng đều tìm thấy chút ngọt ngào nên chúng không cảm thấy việc mình làm là hành xác".

Sự bình an và yên lành của con người, đó là viên đường mà những bác sĩ và y tá dùng để pha loãng cho mọi nhọc nhằn của họ.

H.T (TTO)

Nhận xét