Bản chất của nghệ thuật âm nhạc là mang lại cái đẹp cho con người. Không chỉ mang cái đẹp để con người thưởng thức, sảng khoái tinh thần, âm nhạc lành mạnh còn làm cho con người có nhân cách hơn, thiện hơn, xã hội văn minh hơn. Hoạt động âm nhạc không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo với người nghệ sĩ sáng tác mà cả với người biểu diễn cũng phải sáng tạo mới có thể hấp dẫn người nghe; không chỉ đòi hỏi sáng tạo với những người làm âm nhạc chuyên nghiệp mà cả với nghiệp dư, trong những buổi trình diễn trong cộng đồng, cho bạn bè… Bởi vậy, ở một phương diện khác, nghệ thuật nói chung hay âm nhạc nói riêng là động lực phát triển năng lực sáng tạo của từng cá nhân, từng cộng đồng người, cũng đồng nghĩa góp phần là động lực phát triển xã hội. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, giai điệu hào hùng của những bài ca cách mạng đã thôi thúc bao thế hệ thanh niên Việt Nam cầm súng ra đi bảo vệ Tổ quốc. Khi đó, âm nhạc trở thành vũ khí đấu tranh.
Qua những điều trên cho thấy âm nhạc có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Vì thế, đã từ lâu, giáo dục âm nhạc là một thành phần không thể thiếu trong chương trình phổ thông ở hầu hết các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, do những nguyên nhân khách quan và cả chủ quan, cuối thế kỷ XX, nghệ thuật mới được đưa vào dạy học chính thức ở phổ thông nhưng cũng chưa trở thành bắt buộc trên toàn quốc. Nhờ nỗ lực Bộ Giáo dục đào tạo, sự tâm huyết của các nhà sư phạm, năm 2002, giáo dục phổ thông ở nước ta thực hiện chương trình cải cách, âm nhạc và mỹ thuật đã trở thành hai môn học chính thức, được triển khai trên phạm vi toàn quốc, dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Dù rằng là muộn, thậm chí là rất muộn, nhưng đó cũng là điểm đáng ghi nhận trong sự đổi mới tư duy về chiến lược giáo dục phổ thông, đặc biệt là trong quan niệm về giáo dục toàn diện, giáo dục nhân cách.
Gần 20 năm thực hiện đưa âm nhạc vào Tiểu học và THCS, chương trình giáo dục cải cách đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Môn Âm nhạc không chỉ góp phần giúp cho học sinh phát triển nhân cách toàn diện, nâng cao thẩm mỹ lành mạnh, làm sảng khoái tinh thần mà còn góp phần nâng cao dân trí, giúp học sinh hiểu thêm nhiều kiến thức về đất nước, con người, về lịch sử thông qua các bài hát, âm nhạc thường thức… Đặc biệt, qua các bài dân ca và kiến thức về dân ca Việt Nam, môn Âm nhạc đã bồi đắp cho học sinh tình cảm với di sản âm nhạc cổ truyền, góp phần tăng thêm sự hiểu biết cũng như sự yêu mến, trân trọng nền âm nhạc truyền thống Việt Nam và có ý thức hơn với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, một vấn đề khác cũng cần phải đề cập đến ở đây về vai trò giáo dục âm nhạc cho học sinh phổ thông. Trong thời đại toàn cầu hóa, thế giới phẳng, thời đại của internet, facebook, youtube…, thông tin lan truyền nhanh đến mức chóng mặt, người ta có thể nghe bất cứ loại nhạc nào nếu muốn: cổ điển, cách mạng, dân ca, nhạc vàng, nhạc sến, nhạc rock-pop…; nhạc trong nước, nước ngoài (Âu Mỹ, Hàn quốc, Trung Quốc…). Có thể nói, thông tin nói chung và âm nhạc nói riêng tràn ngập trên mạng, ngay cả trên các phương tiện truyền thông nhà nước như TV, Đài phát thanh… rất phong phú với đủ các loại kênh, đủ các loại âm nhạc cũng khiến người thưởng thức thoải mái tìm kiếm. Tuy vậy, bên cạnh cái hay, cái lợi cũng có mặt dở, mặt không tích cực của nó. Trong một rừng mênh mông các loại âm nhạc như vậy, có âm nhạc lành mạnh và cũng có âm nhạc không lành mạnh. Nếu như không được giáo dục âm nhạc, lứa tuổi học sinh phổ thông sẽ khó có thể có định hướng đúng đắn.
Trong bài viết này tôi muốn nêu ra một số vấn đề về giáo dục âm nhạc cho học sinh phổ thông.
1. Về vấn đề sáng tác âm nhạc cho lứa tuổi học sinh phổ thông
Không phải chỉ có trước kia mà hiện nay, rất nhiều nhạc sĩ vẫn tâm huyết với âm nhạc cho thiếu nhi, cho lứa tuổi học sinh phổ thông. Có thể kể tới các nhạc sĩ thuộc tầng lớp gạo cội như: Phạm Tuyên, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Long, Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Phan Trần Bảng…; một số nhạc sĩ thuộc lớp sau đó, có tên tuổi như Cao Minh Khanh, Vũ Trọng Tường, Phạm Trọng Cầu, Nguyễn Ngọc Thiện… Bên cạnh đó, xuất hiện thêm một số nhạc sĩ khác có thể coi như đại diện cho lớp nhạc sĩ trẻ như Nguyễn Hải Phong, Đỗ Hòa An, Bùi Anh Tú, Ngọc Lễ… Như vậy, có không ít nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi và số lượng bài cũng không ít, nhiều bài có chất lượng nghệ thuật cao nhưng dường như có nghịch lý là các bài hát cho thiếu nhi hay cho học sinh phổ thông lại khó khăn đến với các em, hầu như các em ít được tiếp xúc với những tác phẩm mới. Hiện tượng các em học sinh (có cả học sinh lớp 1) tại một trường Tiểu học ở Hà Nội thuộc và đồng thanh say sưa hát bài Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng MTP viết cho lứa tuổi thanh niên, có những lời ca về tình yêu “anh xa em quá, em xa anh quá” cho chúng ta suy nghĩ: Tại sao lại như vậy? Phải chăng vì thiếu vắng các bài hát mới trong giáo dục âm nhạc mà các em lại thích những bài không hợp lứa tuổi không? Tất cả những vấn đề này là do đâu?
Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề trên:
- Sáng tác của các nhạc sĩ khá nhiều nhưng lại ít được hoặc không đến được với thiếu nhi. Có lẽ bởi tại bây giờ người ta ít nghe đài, chủ yếu xem tivi mà TV lại không dạy bài hát thiếu nhi, ít phát các tác phẩm thiếu nhi, ít có chương trình cho thiếu nhi, có chương trình cho thiếu nhi như Gương mặt thân quen nhí, Giọng hát Việt nhí thì đa số các em lại hát bài của người lớn. Ngoài ra, nhạc sĩ sáng tác xong, in thành quyển riêng của mình, tặng bạn bè là chính, tác phẩm cũng khó đến được với đông đảo quần chúng, họ cũng không thể có điều kiện để dàn dựng và đưa lên mạng bởi khá tốn kém.
- Sáng tác cho thiếu nhi khá nhiều nhưng các tác phẩm thật chất lượng, được học sinh và lớp trẻ yêu thích cũng không phải là nhiều. Một thực tế là Bộ Giáo dục đào tạo phát động phong trào sáng tác về ngành Giáo dục năm 2007-2008 và tuyển chọn 100 bài hát, in thành tập Tiếng hát về thầy cô và mái trường do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành 10.000 bản năm 2009 nhưng trong số 100 bài đó chỉ có một số ít bài có dấu ấn, ít được giáo viên sử dụng và tập bài hát này cũng không được phổ biến rộng rãi trong nhà trường.
- Học sinh phổ thông giờ đây nhờ có mạng internet, các em tự tìm hiểu và nhiều em tỏ ra thích xem nhạc nước ngoài, đặc biệt với loại nhạc có tính chất sôi động, nhảy múa. Không ít em thần tượng “sao” Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu… dẫn đến thờ ơ, lạnh nhạt với tác phẩm Việt Nam.
- Trong chương trình âm nhạc ở Tiểu học và THCS cũng khá ít sáng tác mới mà nhiều sáng tác cũ, thậm chí rất cũ. Nhiều giáo viên khi dạy âm nhạc cũng nêu còn khá nhiều bài cũ xưa quá mà ít hơi thở thời đại, trong khi học sinh ngày nay rất thích bài hát mới.
- Giáo viên dạy âm nhạc ở trường phổ thông cho biết chính họ cũng muốn sử dụng bài hát mới để dàn dựng chương trình nghệ thuật trong nhà trường mà không biết tìm ở đâu, tìm trên mạng thì quá “mênh mông” nhưng họ cũng chỉ biết dựa vào đó và bằng cách truyền bảo nhau, không có sách, tài liệu nào để họ dễ tìm hơn.
Để khắc phục vấn đề này, tôi mạo muội có mấy ý kiến sau:
- Hội Nhạc sĩ cần có sự chung tay đưa âm nhạc mới vào với lớp trẻ, vào trong nhà trường. Đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông, tiếng nói của Hội làm sao tác động được với truyền hình, có kênh dạy hát cho thiếu nhi để tuyên truyền các bài hát có chất lượng, để quảng bá tác phẩm mới, có kênh thường xuyên biểu diễn âm nhạc đích thực của thiếu nhi cho tầng lớp năng khiếu âm nhạc vừa phải, hát bài thiếu nhi chứ không phải cho các cháu năng khiếu đặc biệt, hát cả bài khó của người lớn.
- Các nhạc sĩ ngoài sáng tác cho thiếu nhi đại trà cũng cần quan tâm sáng tác những ca khúc thiếu nhi nghệ thuật để các em có năng khiếu được thể hiện tài năng. Hiện nay, trên truyền hình, trong các cuộc thi cho thấy các em hầu như hát bài của người lớn và các em đã chứng tỏ khả năng có thể hát bài kỹ thuật khó của người lớn.
- Đài truyền hình lâu nay dường như đứng ngoài cuộc vấn đề này. Truyền hình giáo dục âm nhạc tuy gián tiếp nhưng lại có tính phổ biến rộng rãi hơn, dễ đi vào tâm thức số đông quần chúng, hướng người thưởng thức theo tư tưởng của mình. Có vẻ như các nhà tài trợ, các giải thưởng, quảng cáo đã làm truyền hình xem nhẹ giáo dục âm nhạc cho đại trà thiếu nhi. Đành rằng các chương trình truyền hình thực tế hiện nay cho thấy nhiều tài năng, dàn dựng rất công phu nhưng “món ăn” âm nhạc “bình dân”, gần gũi nhất cho các em lại thiếu vắng. Chưa kể cái không hay là các em xem chương trình thực tế nhiều, toàn bắt chước hát bài người lớn và chán bài hát cho lứa tuổi của mình. Điều này rất mong các nhà lãnh đạo truyền hình có sự quan tâm chỉ đạo: Cần phải thay đổi, phải dành cho thiếu nhi, lứa tuổi học sinh phổ thông một chương trình âm nhạc nhất định trên truyền hình mà không phải chỉ là những chương trình “nhí” tài năng như hiện nay.
Khác với Đài Truyền hình, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam lại quan tâm đến chương trình âm nhạc cho thiếu nhi và lớp trẻ. Tiếc là dân Việt Nam giờ đây ít nghe đài mà xem TV nhiều hơn.
2. Vấn đề thưởng thức âm nhạc hiện nay của học sinh phổ thông
Đây cũng là vấn đề có khá nhiều điều cần bàn. Nhiều em quan tâm đến âm nhạc “ngoại” hơn “nội”. Ai cũng hiểu rằng đó là xu thế toàn cầu hóa, xu thế thời thượng, khó tránh khỏi. Mặt khác, đó cũng không phải là dở mà còn có nhiều mặt tích cực. Song, quan tâm nhạc ngoại đến nỗi thần tượng các “sao” một cách cuồng dại, khóc hơn cả cha mẹ chết khi không được giáp mặt “thần tượng”, bỏ cả ăn học để đi đón “thần tượng”, xin bố mẹ rất nhiều tiền để đi xem “thần tượng”; trở thành phong trào, thành tâm lý bầy đàn… thì quả là điều mà người lớn và các nhà giáo dục âm nhạc chúng ta phải xem xét, suy ngẫm và có biện pháp uốn nắn.
Bên cạnh đó, do chỉ thích nhạc nhảy, nhạc ngoại nên các em không thích và thờ ơ với dân ca Việt Nam, với âm nhạc truyền thống. Khảo sát ý kiến của học sinh một số trường THCS, khá nhiều em cho biết là thích nhạc nhảy, trên TV có chương trình dân ca thì các em chuyển kênh và không bao giờ xem. Có những em học sinh đã được học âm nhạc nhưng không nhớ tên một bài dân ca nào, nhầm lẫn ca khúc sáng tác mới là dân ca… Dĩ nhiên, thưởng thức âm nhạc là “gu”, là sở thích, song sở thích cũng có thể thay đổi nếu được giáo dục đúng hướng và đúng đắn.
Hiện nay, học sinh phổ thông còn bị học thêm quá nhiều, chương trình học nặng nên ít có thời gian thưởng thức và hoạt động nghệ thuật, thể thao. Điều đó làm các em bị mệt mỏi, phát triển không cân bằng, thậm chí bị stress, nặng hơn nữa là còn tham gia vào những việc làm không tích cực như bạo lực trong nhà trường, đánh nhau mà bao vụ thực tế xảy ra làm chúng ta đau lòng.
Bộ Giáo dục đào tạo đã quy định không dạy thêm học thêm nhưng thực tế không giải quyết được đúng mức. Nhiều trường Tiểu học áp dụng dạy cả ngày nhưng vẫn lại là học chính cả hai buổi, ít dành cho hoạt động nghệ thuật, buổi tối về học sinh tiểu học vẫn phải làm bài tập và học thêm dẫn đến còn nặng nề hơn.
Giải quyết những vấn đề vừa nêu trên thực sự không dễ và mang tính vĩ mô. Cần có sự góp sức của toàn xã hội, các Bộ, Ngành, Sở giáo dục, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh…, đặc biệt là về nhận thức vai trò của giáo dục nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Một minh chứng rất rõ về nhu cầu học nghệ thuật được chuyển biến trong các bậc phụ huynh và học sinh là ngày càng nhiều gia đình cho con em học đàn, múa hát ngoài giờ, vào ngày nghỉ và không chỉ có ở thành phố lớn như trước kia mà ngay ở các thị trấn, các tỉnh cũng có nhiều em học thêm âm nhạc. Nhiều gia đình có điều kiện còn mua piano để con được học cây đàn được coi là hàng đầu trong các nhạc cụ này. Nhiều người cho ý kiến rất muốn con được học âm nhạc để phát triển tốt hơn nhưng hiềm nỗi học chính nhiều, không còn thời gian. Như vậy, muốn điều đó được phát triển hơn thì các em phải được giảm áp lực học chính và học thêm.
Với các giáo viên âm nhạc, tôi mong muốn cần có sự năng động hơn, sáng tạo hơn, chịu khó hơn. Ai cũng hiểu môn Âm nhạc trong nhà trường là môn phụ nên tiếng nói và vị thế của giáo viên âm nhạc rất yếu ớt, chưa kể là thu nhập thì xếp vào top cuối so với giáo viên dạy nhiều bộ môn khác. Điều đó ảnh hưởng dến tâm lý và đời sống của giáo viên âm nhạc. Tuy vậy, đã theo nghề thì hãy có tâm với nghề, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh để rồi thành người thiếu nhiệt tình, hoàn thành nhiệm vụ một cách bất đắc dĩ. Chính các giáo viên âm nhạc sẽ là nguồn cảm hứng để học sinh yêu âm nhạc hơn và chuyển biến nhận thức. Giáo viên cần nâng cao khả năng truyền đạt cũng như dàn dựng các bài dân ca sao cho hay, hấp dẫn và tác phẩm có chất liệu dân ca sao cho vừa mang bản sắc dân tộc và mang tính thời đại sẽ khiến học sinh yêu âm nhạc truyền thống.
Chúng ta cần góp thêm tiếng nói cũng như thúc đẩy phong trào sáng tác biểu diễn lành mạnh, đích thực cho lứa tuổi học sinh phổ thông, đẩy mạnh hoạt động phê bình âm nhạc để giảm thiểu phần nào sự tiêu cực và phát huy tính tích cực trong giáo dục âm nhạc ở trong và ngoài nhà trường.
Nguyễn Thị Tố Mai (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét