Việc xây dựng và triển khai mô hình nhà hát online được xem là hướng đi phù hợp để tiếp nối dòng chảy biểu diễn nghệ thuật trong đại dịch.
Hiệu ứng từ chương trình nghệ thuật trực tuyến "Cháy lên" do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với các đơn vị nghệ thuật công lập tổ chức (thu hút gần 50.000 lượt khán giả theo dõi cùng hàng trăm ngàn lượt người xem trên trang cá nhân của nhiều nghệ sĩ) cho thấy chương trình nhà hát online thật sự đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong đợt giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.
Thắp sáng niềm tin
Sau chương trình "Cháy lên" vào đầu tháng này, niềm vui chung của các nghệ sĩ tham gia là sự hưởng ứng tích cực, sự phản hồi tốt đẹp mà khán giả dành cho nỗ lực của nhà hát online. Tiếp theo đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn giới thiệu kế hoạch trong 2 tháng 8 và 9 với 28 chương trình, vở diễn chất lượng cao được chọn để phát sóng trên nhiều kênh truyền hình. Thông tin này một lần nữa thắp sáng niềm tin của nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập.
Vở cải lương "Bão ngầm" ngợi ca lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy dự kiến được phát sóng trên Đài Truyền hình VOV vào ngày 20-8. Vở diễn này được kỳ vọng sẽ là dấu ấn mới của nhà hát online.
Tương tự, chương trình "Sắc màu thổ cẩm" của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; "Những người khốn khổ - Những điều muốn nói" và "Hồ Thiên Nga - Sau cánh màn nhung" của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam; trích đoạn các vở "Macbeth", "Vũ Như Tô", "Othello", "Lôi Vũ"... của Nhà hát Kịch Việt Nam; vở "Trung thần" của Nhà hát Tuồng Việt Nam; tác phẩm "Dây tràng hạt diệu kỳ", "Giai điệu Tổ quốc" của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam... là những điểm nhấn khiến người hâm mộ chờ đợi bởi uy tín, chất lượng của từng thương hiệu.
NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng khi khán giả chưa thể đến rạp, sân khấu chưa thể sáng đèn, việc xây dựng và triển khai mô hình nhà hát online được xem là hướng đi phù hợp để tiếp nối dòng chảy biểu diễn nghệ thuật trong đại dịch.
"Qua đó, người nghệ sĩ giữ lửa đam mê và nắm bắt cơ hội thể hiện những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, nếu không phải trong đại dịch thì khó quy tụ đông đủ lực lượng khi họ bị phân tán bởi phim truyền hình, sô cá nhân" - NSƯT Ca Lê Hồng nhận định. Bà nói thêm việc chọn vở cũ để tái dựng cũng là cách để có đủ chương trình phát trực tuyến nhưng đòi hỏi sự tập luyện giữa mùa giãn cách lại là một thử thách đối với nghệ sĩ tham gia.
Trong khi đó, NSND Trần Minh Ngọc cho rằng sau đợt công diễn các chương trình, vở diễn của 12 đơn vị nghệ thuật công lập, nên chọn lọc thêm vở diễn của các sân khấu xã hội hóa trong cả nước, ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. "Phải đa dạng hóa kịch mục, không chỉ đóng khung ở những vở theo chủ đề hưởng ứng chủ trương. Bởi trong đại dịch, tính giải trí với tiếng cười nhẹ nhàng, sảng khoái cũng là mục tiêu để khán giả tiếp nhận nguồn năng lượng tích cực, đoàn kết chống dịch" - ông gợi ý.
NSND Thanh Tuấn cho biết ông sẵn sàng tham gia khi có lời hiệu triệu từ nhà hát online. "Chúng tôi từng phối hợp với nghệ sĩ miền Bắc diễn thành công vở cải lương "Thầy Ba Đợi" thì việc phối hợp với nhà hát online để cải lương ba miền Bắc - Trung - Nam hội ngộ sẽ làm phong phú thêm chương trình trực tuyến" - NSND Thanh Tuấn nói.
Gắn kết với người xem
Ðể tháo gỡ những khó khăn trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng dịch, song song với duy trì nhà hát online về nghệ thuật biểu diễn trên nền tảng số và truyền hình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn triển khai việc thu phát, ghi hình các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phát sóng.
Tuy nhiên, một nỗi lo không nhỏ là hệ thống âm thanh, ánh sáng, trang trí sân khấu bị ngôn ngữ truyền hình "phá nát" khi thiếu sự phối hợp đồng bộ. Đạo diễn Vũ Minh (Sân khấu IDECAF) từng phản ứng mạnh về việc các vở diễn cải lương truyền hình lạm dụng màn ảnh LED và hệ thống ánh sáng ghi hình, từ đó làm hỏng tất cả ý tưởng về bố cục của đạo diễn.
"Phải tuân thủ theo kịch bản ánh sáng của từng vở. Nếu xem nhẹ yếu tố này và hạn chế sự đa dạng trong việc bố cục các vở diễn, chương trình thì nhà hát online sẽ đi lệch hướng" - NSND Trần Minh Ngọc, người có nhiều kinh nghiệm trong việc dàn dựng chương trình "Dưới ánh đèn sân khấu" mà HTV từng tổ chức truyền hình trực tiếp mỗi tháng một vở, cho biết.
Cùng với việc tìm giải pháp để vượt qua rào cản về kỹ thuật ánh sáng nhằm đưa nghệ thuật đến gần khán giả hơn, lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa của chương trình, nhà hát online còn phải tạo nhiều khung chương trình đa dạng để tạo thành chuỗi sự kiện mang ý nghĩa gắn kết với người xem. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, ban tổ chức nên kêu gọi khán giả gửi những lời bình để có sự tương tác, tạo hiệu ứng trực tuyến. "Ứng dụng công nghệ ngày nay là cầu nối hiệu quả để ghi nhận sự phản hồi của người xem, qua đó biết khán giả cần gì ở nhà hát online" - bà nhấn mạnh.
Theo NSND Minh Vương, một thách thức của nhà hát online là khi biểu diễn, khán giả và diễn viên không có sự tương tác. "Nếu diễn không có khán giả, khó lôi cuốn, hấp dẫn người xem, nên tinh thần nghệ sĩ phải hết sức vững vàng. Vở mới tập, chưa thẩm thấu thì khó mà diễn cho hay được" - NSND Minh Vương quan ngại.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia sân khấu cho rằng để nhà hát online thật sự trở thành kênh quảng bá nghệ thuật hiệu quả, cần cẩn trọng hơn trong khâu lựa chọn vở diễn, chương trình, tác phẩm để bảo đảm phù hợp tâm lý người xem trên thiết bị nghe nhìn, nhất là với các tác phẩm sân khấu vốn có thời lượng khá dài.
Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết điều kiện hiện nay, ngay cả khi sàn diễn cho phép hoạt động trở lại, các đơn vị nghệ thuật vẫn cần xây dựng những nhà hát online trên nền tảng công nghệ số và truyền hình trực tuyến phục vụ 2 đối tượng: khán giả trực tiếp đến rạp và khán giả tiếp cận qua các kênh thông tin truyền thông. Vì thế, việc chuẩn hóa các khâu tổ chức, chọn lựa kịch bản, đa dạng hóa trong các khung giờ phát sóng là mục tiêu hàng đầu.
Thanh Hiệp (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét