Tùng, "Tree Talks" và những chuyện chỉ được kể trong rừng

Một thế giới trương nở những bí mật, những câu chuyện tưởng cũ hóa ra không. Yêu sống và mê chơi những khoảng trời tự do, đầy ánh sáng, âm thanh, mùi vị. Trong những ngày ngột ngạt vì dịch bệnh, Tùng (tên thật là Nguyễn Bảo Tùng) đã gửi tới chúng ta một giấc mơ thắm thiết ngày nào - vẫn còn đó - qua "Tree Talks".

Tùng viết dự án Tree Talks từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, trong những ngày giãn cách vì COVID-19 và “thèm đi rừng”. Sau đợt giãn cách đầu tiên của Sài Gòn, tháng Ba, Tùng và những người bạn của mình rủ nhau lên Đà Lạt bấm máy. Những ngày Sài Gòn căng thẳng vì dịch bệnh, sau đó cũng là khoảng thời gian cậu và các bạn mình lọ mọ xử lý khâu hậu kỳ, để rồi, tập đầu tiên của Tree Talks đã ra mắt vào ngày 31/7. Những tập tiếp theo sẽ được phát hai tuần/lần trên kênh YouTube cho tới tháng 11 năm nay.

Vào rừng hát và kể chuyện là ý tưởng chủ đạo của Tree Talks. Đây cũng không phải là ý tưởng mới. Chẳng hạn trước đó, Hà Anh Tuấn cũng thành công khi vào rừng hát và kể chuyện với dự án See Sing Share qua các mùa. Tuy nhiên, ít nhiều, khán giả vẫn có thể tìm ra sợi dây liên quan giữa ca khúc và câu chuyện người nghệ sĩ kể. Còn ở mỗi tập của Tree Talks, Tùng sẽ kể một câu chuyện cực ngắn, có thể liên quan hoặc không hề liên quan đến bài hát, nằm trong cuốn sách Những câu chuyện chỉ được kể trong rừng - một dạng truyện thiếu nhi nhưng không dành cho trẻ em. 

Trong mỗi tập của Tree Talks, Tùng sẽ kể một câu chuyện cực ngắn, có thể liên quan hoặc không hề liên quan đến bài hát

Tùng nói, khi xem các live session của những nghệ sĩ khác, địa điểm ở Đà Lạt, cũng theo hình thức kể chuyện rồi hát, Tùng nhận ra, cậu không biết cách mở đầu một câu chuyện cuốn hút hay dẫn dắt cảm xúc như họ. Tùng muốn làm một điều gì đó khác và gần mình hơn. Tùng tự nhận, “mình cũng khá kỳ cục, chẳng giống ai”. 

Mỗi câu chuyện của Tree Talks được bắt đầu từ thuở “ngày xửa ngày xưa”, “hàng triệu năm trước”…, có các nhân vật cây cỏ, động vật. Thoạt nghe, đậm màu sắc thiếu nhi; nhưng lại “không dành cho trẻ em”, ẩn ngầm những triết lý sâu cay. Được bắt đầu từ một câu nào đó hoặc một ý hướng nào đó có vẻ ngược ngược, không theo tuyến tính thông thường, Tree Talks giống như một trò chơi - chơi để đi qua những ngày ngột ngạt - thì đúng hơn.

Trong tập đầu tiên, Tùng đã bắt đầu bằng cách viết gây tò mò, nghe có vẻ rất nghiêm túc và khả tín: “Đây là câu chuyện về trăm triệu năm trước. Một câu chuyện gần như trở thành huyền thoại nhưng có thật. Xoay quanh một khu rừng hứng chịu những cuộc đánh nhau của khủng long bạo chúa và cá sấu đầm lầy”. Nhưng khi nghe xong, chắc hẳn, phải “ngẩn tò te” ra một lúc khi hiểu thông điệp của tác giả. Rồi rất nhanh sau đó, là tiếng hát vang lên, nối vào dòng tự sự như một dòng suối biết xoa dịu. 

Chọn Anh có bao nhiêu % để mở đầu Tree Talks, Tùng nói, đây là bài hát có giai điệu rất dễ chịu, dễ nghe, ngắn gọn. Cậu nghĩ nó thích hợp để mở đầu một điều gì đó. Một lời thì thầm từ trong rừng cất lên. Một riêng tư thầm kín nào đó dậy lên vị thân mật, cộng cảm từ cõi lòng. Một ước mong âm nhạc có thể chữa lành những vết thương.  

Mười ca khúc trong dự án này đều thuộc album đầu tay 26: Individualism - phát hành năm ngoái của Tùng. Đây cũng là dự án live session đầu tiên của cậu kết hợp với hoạt hình (do The Tripod Guy team, họa sĩ hoạt hình Tina Pham và họa sĩ Khim Dang đảm nhận). Ngoài chuyện kể, âm nhạc, dự án còn phát hành áo, sách - cũng nằm trong tổng thể ý tưởng những câu chuyện chỉ được kể trong rừng.

Tùng cho biết, đây là cuộc đối thoại đầu tiên, được diễn ra trong rừng, nên được gọi là Tree Talks. Có thể sau này sẽ có những cuộc đối thoại khác diễn ra ở một nơi khác, có thể Roof Talks chẳng hạn.

Toàn bộ dự án Tree Talks được quay nhanh trong vòng mấy ngày, nhưng là những ngày rất vui của Tùng và hội bạn. Dẫu chuẩn bị kế hoạch từ trước, nhưng khi lên đến Đà Lạt, dòng cảm xúc đưa đẩy, nên có những thay đổi đầy ngẫu hứng. Tùng nói với bạn, vui là chính. Và thực tế thì ai cũng vui, mọi điều xảy đến đều có lý do của nó.  

Rừng là khoảng không gian rất khác nơi Tùng sống. Nhất là sau những ngày dịch bệnh căng thẳng, nó giống như một lối thoát, một điều gì đó gần với tự do tràn chảy. Có những lúc chuẩn bị thu âm trực tiếp, sợ nhất là tiếng ồn, nhưng có những địa điểm rộng đến nỗi, khi thu xong, không bị dội vọng âm thanh. Nghe rất sạch, tưởng như trong phòng thu. Trải nghiệm đó gây nên một niềm khoan khoái hiếm có. 

Trong những ngày dịch bệnh ngột ngạt này, Tree Talks, bằng cách kể chuyện đặc biệt của mình, đã gọi dậy những khoảng trời tự do và trong lành. Điều thú vị nhất là những điều đẹp đẽ vẫn ở đó, ngay cả trong những khoảng tối tù mù, u ám nhất. Nó vẫy gọi cả những giấc mơ tưởng chừng đã mất, không bao giờ quay trở lại. 

C.V (PNO)

Nhận xét