Mozart – vị Chúa âm nhạc của Tchaikovsky

Trong suốt cuộc đời mình, nhà soạn nhạc Nga Petr Il’ich Tchaikovsky đã đi qua trên 150 thành phố, viết hàng nghìn bức thư, thiết lập mối quan hệ rộng rãi và thân thiết với nhiều nhà soạn nhạc, đồng thời chịu ảnh hưởng và ảnh hưởng lên nhiều nhà soạn nhạc, trong đó người ông ngưỡng mộ, tôn sùng như một vị Chúa âm nhạc là Mozart. Tình yêu với Mozart đã đi suốt cuộc đời Tchaikovsky và góp phần làm nên âm nhạc Tchaikovsky.

Với Tchaikovsky, âm nhạc Mozart như là hiện thân của cái đẹp thiêng liêng ở hình dạng con người gợi cảm hứng tình yêu hơn là nỗi kính sợ (như trường hợp với Beethoven). Điều này đã được Tchaikovsky ghi trong nhật ký ngày 29-9-1886 (lịch mới là 2-10): “Tôi cúi đầu trước sự vĩ đại của một số tác phẩm ông viết nhưng tôi không yêu Beethoven… Và nếu Beethoven chiếm hữu một chỗ trong trái tim tôi tương tự như Đức Chúa thì Mozart mà tôi yêu giống như một vị Chúa của âm nhạc. Tôi nghĩ không có gì là báng bổ nếu đưa ra sự so sánh này. Mozart thực sự là một thiên thần và trẻ thơ bởi âm nhạc của ông luôn ngập tràn trong cái đẹp thiêng liêng. Đó chính là niềm tin khiến tôi nghĩ rằng Mozart là đỉnh cao của cái đẹp mà âm nhạc có thể chạm tới. Không ai có thể khiến tôi khóc, khiến tôi tiến gần tới lý tưởng sống như cách Mozart đã đem lại. Tôi yêu tất cả những tác phẩm âm nhạc của Mozart, nhưng tôi cũng không đòi hỏi rằng mọi tác phẩm của ông là kiệt tác. Không, tôi biết rằng nhiều sonata của Mozart không phải là kiệt tác nhưng tôi vẫn yêu tất cả các bản nhạc ấy bởi vì đó là âm nhạc của Mozart, bởi vì vị Chúa của âm nhạc đã chạm vào nó với đôi bàn tay rạng rỡ của mình. Trên tất cả, tôi yêu Don Giovanni, tôi muốn cảm ơn chính tác phẩm này vì đã khiến tôi hiểu âm nhạc là gì. Đến tận lúc đó (khi tôi 17 tuổi), tôi mới chỉ biết một phần từ thứ âm nhạc Italia vui vẻ dễ thương. Dù đương nhiên là tôi yêu tất cả mọi tác phẩm của Mozart”.

(Ảnh: internet)

Những tình cảm tôn thờ mà Tchaikovsky dành cho Mozart có từ ngày thơ ấu, khi ông mới 5 tuổi và từng khóc vì xúc động khi nghe trích đoạn từ Don Giovanni, đặc biệt là aria “Vedrai, carino” của cô gái Zerlina. Cậu bé Petr đã bị thôi miên bởi giai điệu này, ngay cả khi nó đến từ một thứ “dụng cụ cơ khí kém sức sống”. Sau đó, mẹ của Petr đã chứng kiến cảnh con trai mình tập chơi giai điệu đó trên cây đàn piano. Lắng nghe âm nhạc của Mozart luôn khơi dậy cho Tchaikovsky “sự tôn thờ cuồng nhiệt với nhà soạn nhạc thiên tài” và cảm xúc ấy đi suốt cuộc đời ông, như lời kể của em trai Modest trong cuốn sách tiểu sử Cuộc đời Tchaikovsky.

Tuy nhiên, không thể bỏ qua chi tiết rằng trong một cuốn tự truyện ngắn xuất bản năm 1889, Tchaikovsky tự thú rằng có thời kỳ, ông quá say mê các vở opera belcanto Italia đồng thời thiếu hiểu biết về âm nhạc cổ điển Đức nên đã có lúc nghi ngờ chính Mozart. Quan niệm ấy hoàn toàn thay đổi khi Tchaikovsky, lúc ấy chừng 16, 17 tuổi, xem vở Don Giovanni. Ông nhớ lại cảm xúc ấy trong cuốn tự truyện: “Tôi không thể miêu tả cảm xúc, sự say mê choáng ngợp mà tôi có được. Suốt trong nhiều tuần lễ sau tôi đã không thể làm được gì ngoại trừ chơi chính vở opera ấy qua các trang tổng phổ viết cho piano, thứ âm nhạc thiêng liêng ấy đến với tôi ngay cả trong giấc ngủ. Trong số những thiên tài, Mozart là người cuốn hút tôi nhất; và nó luôn luôn như thế. “Sự khám phá” về âm nhạc trong Don Giovanni trong ngưỡng cửa của tuổi thanh xuân đã đưa ông đến quyết định sẽ trở thành nhà soạn nhạc trong vài năm sau.

Trong bức thư gửi người bạn, nhà bảo trợ Nadezhda von Meck vào năm 1878, ông viết: “Tại sao bà lại không yêu Mozart? Với Mozart, rõ ràng là chúng ta đã không có cùng chung một ý nghĩ, bạn thân mến của tôi ạ. Tôi không chỉ yêu Mozart – tôi tôn thờ ông ấy. Với tôi, vở opera tuyệt vời nhất đã từng được viết chính là Don Giovanni. Với sự nhạy cảm của mình, bà phải yêu người nhạc sỹ thuần khiết đến lý tưởng này chứ. Sự thật, đôi lúc Mozart đã viết những thứ không theo cảm hứng của mình. Dẫu vậy, hãy đọc cuốn tiểu sử đã được viết một cách tuyệt diệu bởi Otto Jahn về Mozart, và bà sẽ hiểu rằng vì sao ông ấy đã phải làm như thế. Vả lại, Beethoven và Bach, cũng từng viết nhiều tác phẩm quá ư mờ nhạt so với nhiều kiệt tác của họ vì sự bắt buộc của hoàn cảnh, vì để kiếm sống. Nhưng hãy nhìn vào các vở opera, hai hoặc ba symphony cuối cùng, Requiem, 6 tứ tấu đàn dây đề tặng Haydn và bản tứ tấu giọng Đô thứ của ông. Chẳng lẽ bà không tìm thấy bất cứ điều gì đẹp đẽ từ những tác phẩm ấy? Sự thật là Mozart không phải sâu sắc như Beethoven nhưng trong suốt cuộc đời mình ông là một đứa trẻ vô tư lự, vì vậy âm nhạc của ông không tồn tại những tấn thảm kịch, thứ được bộc lộ một cách mạnh mẽ và uy quyền trong âm nhạc của Beethoven. Dẫu vậy, điều đó cũng không ngăn cản Mozart miêu tả sinh động qua âm nhạc một hình thái giàu tính nhân đạo. Âm nhạc từ vở opera Don Giovanni là thứ âm nhạc đầu tiên đem lại những ấn tượng mãnh liệt. Qua thứ âm nhạc này tôi đã bước vào thế giới của thứ nghệ thuật đỉnh cao mà chỉ có những thiên tài cư ngụ. Tôi biết ơn Mozart và vì điều đó mà tôi đã dâng tặng cả cuộc đời mình cho âm nhạc. Ông ấy đã khiến tôi yêu âm nhạc hơn bất cứ điều gì trên Trái đất này”.

Trong một bức thư khác gửi Nadezhda von Meck đề ngày 16-3-1878 (tức là ngày 28-3-1878 theo lịch mới), Tchaikovsky viết: “Trong bản ngũ tấu giọng Son thứ, Mozart đã quyến rũ người nghe bởi sự tinh tế, bởi vẻ đẹp đầy kinh ngạc của thanh âm chủ đạo, khiến sẽ có nhiều lúc trong đôi mắt của bà những dòng lệ dâng trào. Không ai trước và sau ông có thể thể hiện được vẻ đẹp của buồn đau bằng âm nhạc như ông. Khi Laub chơi khúc Adagio, tôi đã phải thường ngồi ở một góc khuất trong phòng hòa nhạc bởi tôi không muốn người nào thấy những tác động của âm nhạc Mozart lên bản thân tôi”.

Về bản giao hưởng cuối cùng của Mozart, Tchaikovky viết trong một bài phê bình âm nhạc: “Jupiter của Mozart là một trong những bản giao hưởng kỳ diệu, đặc biệt là chương kết, nơi thể hiện thiên tài của nhà soạn nhạc vĩ đại, người có khả năng xây dựng những tòa lâu đài khổng lồ từ những vật liệu bình thường nhất. Điều đáng chú ý là mặc dù sự phức tạp của âm nhạc đối âm, chủ đề của bản giao hưởng đã được phát triển với sự giàu có vô song của sự tương phản với một dàn nhạc có quy mô khiêm tốn không thể tin nổi. Dàn nhạc trong bản giao hưởng của Mozart chỉ bằng một nửa về số lượng nhạc cụ so với dàn nhạc của thời đại chúng ta nhưng ông đã đạt được điều đó bằng sự tinh thông và sức mạnh của sáng tạo trời cho, thứ mà một dàn nhạc ngày nay với tất cả những chiếc kèn trumpet, cornet, trombone, ophicleide và bombardon mới có thể làm được”.

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1892, Tchaikovsy đã khiến chính người phỏng vấn mình ngạc nhiên khi nói rằng mình làm việc 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày: “Nhiều bạn trẻ bây giờ cứ ngồi chờ đợi cảm hứng sẽ đến với họ, nhưng tôi nghĩ rằng đó là một nhận định sai lầm. Ngay cả Mozart, người đã qua đời khi còn quá trẻ, sẽ không thể có được nhiều kiệt tác nếu ông ấy cũng ngồi chờ cảm hứng đến”.

Một cách tự nhiên, sự trẻ thơ và sự thuần khiết trong tinh thần của Mozart là những phẩm chất khiến Tchaikovsky ngưỡng mộ ông và không ngạc nhiên khi nói rằng cuốn tiểu sử Mozart của nhà văn Otto Jahn, theo lời kể của Laroche, không bao giờ rời khỏi chiếc bàn làm việc của Tchaikovsky.

Vào năm 1875, Tchaikovsky đã dịch libretto của vở Le Nozze di Figaro (Đám cưới Figaro) sang tiếng Nga cho một buổi biểu diễn của sinh viên Nhạc viện Moscow, và bản dịch này cuối cùng đã được Petr Jurgenson, nhà xuất bản và người bạn thân thiết, cho in vào năm 1884, cùng với phần âm nhạc cho piano và giọng hát của vở opera này.

Tchaikovsky còn say mê Le Nozze di Figaro và nghe vở này ít nhất ba lần trong suốt thời gian ở Paris năm 1883. Trong bức thư gửi nhà soạn nhạc, nhà lý luận âm nhạc Sergei Taneev, người cũng hết sức ngưỡng mộ Mozart, Tchaikovsky đã ghi lại ấn tượng về một buổi trình diễn: “Ôi Chúa ôi, thứ âm nhạc thiên thần này mới giản dị làm sao!”.

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày ra mắt vở Don Giovanni đã diễn ra khắp châu Âu vào năm 1887, nhưng nhiều năm trước đó, Tchaikovsky đã có nhiều dự án về Mozart. Tuy kế hoạch cùng Herman Laroche đón chào sự kiện này ngay từ mùa hè năm 1884 không thành nhưng Tchaikovsky vẫn muốn làm điều gì đó để kỷ niệm sự ra đời của Don Giovanni. Ông được thúc đẩy bởi cuộc gặp gỡ với Pauline Viardot tại Paris vào ngày 12-6-1886, khi nữ nghệ sỹ cho ông xem nguyên bản viết tay vở opera này bằng chính nét chữ của Mozart. Từ bức thư mà Tchaikovky gửi, Taneev thấy rằng có tới ba “món quà” mà Tchaikovsky dành cho lễ kỷ niệm đáng nhớ này: một tổ khúc kiểu Mozart, một bản dịch libretto Don Giovanni và một tiểu luận. Cuối cùng, chỉ có một dự án có kết quả, đó là tổ khúc số 4 mang tên Mozartiana.

Sự ngưỡng mộ Mozart của Tchaikovsky đôi khi không lý giải nổi. Trong bức thư gửi Nadezhda von Meck vào ngày 11 (23)-1-1883, Tchaikovsky viết: “Tôi mới trở về từ nhà hát Opéra-Comique tại Paris, nơi tôi đã xem Le Mariage de Figaro tới hai lần và nếu như vở đó còn tiếp tục được trình diễn, tôi vẫn sẽ đi tiếp. Tôi biết rằng sự sùng kính của mình với Mozart gây ngạc nhiên cho bà, bà bạn thân mến của tôi ạ. Nhưng sự thật là tôi cũng ngạc nhiên rằng điều đó không làm mất đi ở tôi những âm thanh riêng biệt của bản thân mình khi lắng nghe Mozart, người không có được chiều sâu hay sức mạnh của Beethoven, không có được sự nồng ấm và xúc cảm nồng nàn của Schumann, không huy hoàng tráng lệ như Meyerbeer, Berlioz, Wagner… Thật khó chuyển tải nổi chính xác những gì Mozart đem lại cho tôi nhưng trong suốt cuộc đời mà tôi sống, trong những gì mà tôi biết về ông ấy, tôi càng thấy yêu ông hơn”.

Trong chuyến đi thăm Prague đầu tiên vào tháng 2-1888 nằm trong tour diễn tại Tây Âu, Tchaikovsky đã tới biệt thự Bertramka ở ngoại ô thành phố và ngắm nhìn căn phòng mà Mozart đã từng ở trong nhiều năm. Cuối năm đó, khi Tchaikovsky đã ổn định cuộc sống của mình ở ngôi nhà mới tại Frolovskoe, Jurgenson đã đề nghị ông dịch sang tiếng Nga cuốn tiểu sử ba tập Nouvelle biographie de Mozart (1843) của Aleksandr Ulybyshev. Tchaikovsky cũng đã bắt tay vào công việc này nhưng do thời gian không cho phép, ông đã đề nghị Jurgenson chuyển công việc này cho em trai mình là Modest, và hứa sẽ biên tập thật chính xác những thuật ngữ âm nhạc nhắc đến trong tác phẩm. Ông còn nhận viết phần lời nói đầu của cuốn tiểu sử này nhưng cuối cùng do không đủ thời gian, cuối cùng Laroche đã đảm nhiệm phần việc này. Trong món quà Giáng sinh năm 1888, Jurgenson đã gửi đến Frolovskoe toàn tập tác phẩm của Mozart mới xuất bản. Tchaikovsky vui mừng khôn xiết và gửi cho người bạn thân thiết những lời cảm ơn của mình bởi đó chính là “những gì đẹp nhất, những giá trị lớn lao và những món quà tuyệt vời nhất mà tôi có thể hy vọng sẽ nhận được… Vị Chúa của tôi, thần tượng của tôi hiện diện trong những sáng tác thần thánh của mình. Tôi vui sướng như một đứa trẻ. Cám ơn anh, cám ơn, cám ơn!”.

Khi đến thăm nhà soạn nhạc tại Maidanovo vào tháng 2-1892, luật sư Vladimir Nápravník, con trai của nhạc trưởng Eduard Nápravník, nhận thấy rằng “Petr Il’ich tôn thờ Mozart” và khi cùng lắng nghe chương Andante từ bản piano fantasia số 4 của Mozart, Tchaikovsky nói rằng sẽ lấy cảm hứng từ đây để sáng tác một tứ tấu lộng lẫy cho giọng hát. Tchaikovsky đã theo đuổi ý tưởng này suốt trong năm đó và cuối cùng, từ cơ sở là chương Andantino bản Fantasie giọng đô thứ cho piano (KV 475) của Mozart, Tchaikovsy đã viết một tứ tấu cho giọng hát với tên gọi “Đêm” với phần lời do chính ông viết. “Đêm” lần đầu tiên được trình diễn tại nhạc viện Moscow vào ngày 9 (21)-10-1893. Cũng có mặt trong đêm ra mắt này, Nikolai Kashkin, người bạn đúng một tháng sau sẽ viết bản cáo phó cho nhà soạn nhạc, đã kể lại: “Tại nhạc viện, ông ấy nói với tôi rằng vẻ đẹp của giai điệu do Mozart viết luôn quyến rũ ông ấy, và ông ấy không thể giải thích hết được sự hấp dẫn không thể cưỡng lại được trong giai điệu quá đỗi bình thường của tứ tấu. Tất nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng mình sẽ không còn được nhìn thấy ánh sáng của âm nhạc Nga thêm một lần nữa. Ông ấy đã hẹn sẽ gặp lại tất cả chúng tôi trong một buổi hòa nhạc cũng trong tháng 10”.

Liudmila Korabel’nikova (Thanh Nhàn lược dịch)

(HNS)

Nhận xét