Mặc dù trong đời sống xã hội hiện nay, chúng ta có rất nhiều cách để thưởng thức một buổi hòa nhạc hay vở diễn với chất lượng cao mà không cần đến nhà hát (xem trực tuyến, xem tại các cinema theatre, các app nghe nhạc, các chương trình VOD hay các kênh chuyên về nhạc cổ điển,....) tuy nhiên việc đến nhà hát vẫn là một hoạt động không thể thay thế, và rõ ràng, bất cứ người nào đã từng đến nhà hát để xem/ nghe một sản phẩm sân khấu thực thụ với âm thanh dàn nhạc và giọng hát "tươi sống" đều có một trải nghiệm ấn tượng tuyệt vời mà các hình thức khác khó có thể đem lại được, dầu cho có thể những nghệ sĩ trình diễn không phải là những tên tuổi đình đám nhất.
Trong con mắt của rất nhiều người, việc đến nhà hát thưởng thức âm nhạc là một hoạt động văn hóa cao cấp có tính lâu đời, đặc biệt đối với người châu Âu nên thường đòi hỏi những quy tắc ứng xử khắt khe nhất định, khiến người ta có chút ngần ngại nhất là trong lần đầu tiên tới nhà hát. Nhưng những quy tắc này cũng thường bị thổi phồng đến mức quá cứng nhắc, nghiêm cẩn trong khi thực tế hiện nay hầu như tất cả các nhà hát đều cố gắng thay đổi, nới lỏng để thể hiện một bộ mặt gần gũi, thân thiện với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Vậy thì đến nhà hát ứng xử như thế nào là phù hợp và cảm thấy thoải mái, tự tin? Tất nhiên bạn có thể tìm kiếm được hàng trăm bài viết về quy tắc ứng xử trong nhà hát (opera etiquette) ở hàng chục các website hay những trang báo uy tín khác nhau, dưới đây là bài chia sẻ tổng hợp từ chính trải nghiệm của bản thân cũng như các bạn bè từ nhaccodien.info - những người đã từng tới các nhà hát và phòng hòa nhạc tên tuổi trên thế giới như Met, La Scala, Vienna State Opera, Bavarian State Opera, Zurich Opera house, Bolshoi Theatre, Mariinsky Theatre, Berlin Philharmonie, Musikverein, Boston Symphony Hall, Royal Concertgebouw, ...
Quy tắc duy nhất và quan trọng nhất
Là không ảnh hưởng đến trải nghiệm thưởng thức của người khác. Vì phần lớn các nhà hát và phòng hòa nhạc quan trọng đều có âm học rất tốt để thưởng thức âm thanh "tươi", bởi vậy, bạn nên hạn chế việc tạo ra âm thanh cá nhân (tiếng sột soạt cử động, trò truyện, bình phẩm với bạn đi cùng..., thậm chí nếu bạn lên cơn dị ứng và bị ho liên tục quá nhiều thì nên tạm rời khỏi khán phòng diễn để bình tâm lại), tránh tối đa việc ảnh hưởng tầm nhìn của người khác với mũ nón và phụ kiện cầu kỳ (đặc biệt với Opera và Ballet), không ghi âm và chụp hình có flash, có tiếng động (ở Berlin Philharmonie thậm chí còn có nhân viên thường xuyên nhắc nhở khách không chụp hình không gian khán phòng dù kể cả đang trong thời gian chờ hoặc nghỉ). Nếu bạn đảm bảo các hoạt động cá nhân của bạn không ảnh hưởng đến trải nghiệm của người xem cùng khác thì bạn... thích làm gì cũng được, kể cả việc lấy tờ chương trình quạt phành phạch như một chính khách trước đây của chúng ta đã làm (bạn hoàn toàn có thể sử dụng quạt không gây tiếng động vì thường phần lớn khán phòng của các nhà hát đều không sử dụng điều hòa vì có thể do ảnh hưởng tới giọng ca sĩ). Với ballet, bạn có thể mang theo ống nhòm nhỏ, nếu chỗ ngồi quá xa, dù các nhà hát cũng đều có dịch vụ cho thuê ống nhóm nhưng dùng đồ riêng vẫn thích hơn.
Đúng giờ
Không có nghĩa là bạn đến đúng vào giờ diễn ghi trên vé mời. Nên đến sớm trước đó ít nhất 15 phút để tìm chỗ và ổn định chỗ, một số phòng hòa nhạc sẽ đóng cửa khán phòng ngay khi tiếng chuông báo hiệu giờ diễn sắp bắt đầu, và lúc đó kể cả bạn có vé cũng sẽ không được phép vào.
Bạn nên đến sớm nhất có thể (khoảng 30 phút trước giờ diễn chính thức) dành thời gian tham quan nhà hát (sau khi đã định vị chỗ ngồi) và chụp ảnh (nếu được phép) vì phần lớn các nhà hát đều là các công trình kiến trúc đẹp và ấn tượng nhất của thành phố. Nhiều nhà hát lâu đời còn có museum bên trong, được tham quan miễn phí khi bạn có vé xem hòa nhạc, với nhiều hình ảnh, hiện vật thú vị của các huyền thoại opera, nhạc trưởng và các nhà soạn nhạc từng cộng tác với nhà hát. Nếu không hứng thú với việc tham quan, bạn cũng nên dành thời gian để đọc trước Brochure và Program giới thiệu về buổi diễn. Lưu ý là phần lớn quyển Brochure được bán chứ không phát miễn phí như ở Việt Nam và thậm chí ở nhiều nước châu Âu, nếu tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính thức thì cũng không có cả bản dịch tiếng Anh nữa. Một số nhà hát còn có các buổi nói chuyện miễn phí ngay trước buổi diễn (được thông báo ngay tại trang chủ nhà hát hoặc trong vé mới), do các chuyên gia hoặc chính các nghệ sĩ giải thích và giới thiệu về vai diễn, tác phẩm trong chương trình, giúp khán giả hiểu thêm và có cảm nhận sâu sắc hơn, rất nên đến sớm để tham gia những buổi nói chuyện như vậy, nếu bạn có thể hiểu ngôn ngữ của diễn giả.
Ăn mặc
Quy tắc ăn mặc (Dress code): chúng ta đều được khuyến khích mặc đầm dạ hội hoặc suit khi đến nhà hát? Điều này có đúng không? Ở thời điểm cuộc sống công nghiệp hóa ngày nay, phần lớn khán giả tới nhà hát sau khi kết thúc giờ làm việc và tranh thủ ăn tối, sẽ không có nhiều thời gian để người ta chuẩn bị một bộ trang phục rình rang. Một bộ đồ lịch sự như khi đi tới công sở hoặc thậm chí quần dài - kể cả jeans, áo chemise ngắn tay hoặc polo cũng không sao hết. Tất nhiên, bạn không nên mặc short, đồ thể thao, váy ngắn hở hang, áo ba lỗ... tới nhà hát (một số nhà hát như La Scala, nhân viên soát vé sẽ mời khán giả có trang phục như vậy ra các cửa hàng quần áo gần đó để mua bộ đồ phù hợp hơn). Dù sao chúng ta đến nhà hát cũng nên với một tâm thế tham dự một buổi lễ hội, chúng ta hoàn toàn có thể mặc gì thoải mái và tự tin nhất, nhưng cũng không nên làm lố và gây sự chú ý. Thực tế, mình đã từng chứng kiến ở Festspielhaus Baden-Baden hay Bavarian state Opera có cả những khán giả trẻ vào nhà hát với short, giày converse, áo phông... - sự cấm kỵ tuyệt đối về mặt trang phục là không có, nhưng nếu xung quanh 80% khán giả mặc đồ formal thì bản thân mình mặc đồ quá lếch thếch cũng trở nên lạc lõng với số đông.
Không nên mặc đồ nhiều lớp và các chất liệu có thể gây tiếng động (xem lại Quy tắc quan trọng nhất). Nếu lỡ mặc, hoặc do trời lạnh, bạn có thể gửi áo khoác ngoài và các đồ kềnh càng miễn phí tại cloakroom ở tất cả các nhà hát trước khi vào khán phòng. Nếu có điều kiện diện đồ đẹp và chỉn chu thì càng tốt, nhất là các bạn nữ, vì chả mấy khi chúng ta được diện một cách hợp lẽ mà, phải không? Một số sự kiện và buổi diễn đặc biệt sẽ yêu cầu "dress code", nhưng đừng lo vì chắc chắn thông tin sẽ được ghi trong vé mời, và kể cả giả bạn có vi phạm, nhưng hình thức không quá lố lăng thì vẫn có thể được vào xem bình thường.
Vỗ tay và ... "Boo"
Hầu như mọi khán giả đều gặp lúng túng với vấn đề này, ngay cả những người đã có kinh nghiệm vào nhà hát. Vấn đề - Vỗ tay thế nào? có nên vỗ tay giữa các chương nhạc hay không từng được tranh luận tại nhiều diễn đàn âm nhạc và thậm chí nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng bày tỏ quan điểm về nó, bạn có thể đọc thêm ở đây.
Quan điểm cá nhân của mình với chuyện này là: nếu bạn là một khán giả phổ thông, bạn thực sự thấy hay và rung động sau một chương nhạc đẹp bạn có thể thể hiện cảm xúc của mình bằng việc vỗ tay mà không cần quan tâm đến quy tắc nào cả - điều này không có gì là thất thố hay đáng xấu hổ hết. Việc vỗ tay giữa chương thỉnh thoảng còn xuất hiện ở ngay cả những phòng hòa nhạc đỉnh cao như Berlin Philharmonie, Musikverein và Carnegie Hall (thậm chí được ghi lại trong các buổi diễn live). Nếu bạn đã có kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết nhất định về kết cấu tác phẩm, bạn có thể không vỗ tay giữa các chương để đảm bảo tính liền mạch và cảm xúc của nghệ sĩ (dù không phải nghệ sĩ nào cũng thực sự nghĩ như vậy) nhưng cũng không nên dè bỉu hay tỏ thái độ rõ ràng với những người lỡ có vỗ tay. Thực sự cá nhân mình - một người nghe nhạc cổ điển lâu năm, thấy khó chịu với những người nhăn mặt, bĩu môi, lắc đầu với những người vỗ tay còn hơn là những người hồn nhiên vỗ tay sau một chương nhạc (điều mình thực sự không thấy vấn đề gì và cũng không hề ảnh hưởng đến cảm xúc khi nghe tác phẩm).
Với Opera và đặc biệt là Ballet - bạn nên hào phóng thể hiện sự tán thưởng, hô "Bravo, Brava" thật nồng nhiệt hoặc thực hiện standing ovation - đặc biệt sau các màn trình diễn có tính show-off của các nghệ sĩ virtuoso - điều đấy sẽ càng làm nghệ sĩ thăng hoa hơn - trong nhiều trường hợp, họ còn trực tiếp encore (hát lại, biểu diễn lại) ngay trên sân khấu trích đoạn đó. Việc vỗ tay thậm chí không nhất thiết phải chờ tới tận khi kết thúc hoàn toàn một aria hoặc một variation, tuy nhiên hãy nên cố gắng nán lại khi âm nhạc vẫn còn tiếp diễn (trong thực tế, nhiều khi sau một note cao, một chuỗi note hoa mĩ hay các động tác bravura khó ấn tượng, khán giả đã không kiềm chế được rồi - và việc tán thưởng này được cho là hoàn toàn bình thường, việc không vỗ tay mới bị coi là... bất thường).
Boo - la ó, thì phức tạp hơn một chút và thường chỉ xuất hiện ở một số nhà hát lâu đời của Ý mà thôi - khi một nhóm khán giả khó tính (thường ngồi ở khu vực tầng gallery - vé giá rẻ) không thoả mãn với phần thể hiện của một nghệ sĩ nổi tiếng. Đôi khi Boo cũng dành cho những thái độ quá ngôi sao, lồi lõm hoặc một màn diễn quá lố lăng từ phía nghệ sĩ (hoặc đạo diễn hoặc nhà hát và đơn vị tổ chức) khiến khán giả thấy ghê sợ, phản cảm, nhưng nhìn chung do quan điểm tự do về biểu đạt nghệ thuật - thường khán giả hiện đại sẽ ít khi "boo". Bạn không nên "boo" khi bạn không thực sự sinh trưởng trong văn hóa "boo".
Nếu bạn thực sự muốn vỗ tay đúng chỗ: hãy xem tờ chương trình và để ý số chương của mỗi tác phẩm. Vỗ tay khi nhạc trưởng làm động tác ra hiệu chào khán giả - tuy nhiên hãy đảm bảo điều đó không khiến bạn cảm thấy khó chịu, cứng nhắc hoặc ngăn cản bạn thưởng thức tác phẩm một cách trọn vẹn - nếu không cứ làm theo những gì trái tim bạn mách bảo.
Mua vé và chỗ ngồi
Riêng vụ này có thể viết cả quyển sách về nó rồi. Vé xem opera, ballet và hòa nhạc nói chung thực tế không hề đắt như mọi người tưởng tượng - các hạng vé thường dao động trong khoảng từ 30- 200++ Euro (thường opera là đắt nhất, sau đó đến ballet, hòa nhạc và cuối cùng là recital độc tấu cá nhân, tất nhiên đêm diễn mở màn mùa diễn, hoặc một số sự kiện đặc biệt vé có thể được đẩy lên khá cao, tầm vài nghìn Eu nhưng không phải là mức giá phổ thông, mà cũng không chắc là buổi diễn đó sẽ hay hơn buổi diễn bình thường đâu nên không cần bận tâm). Mức giá như vậy không hề là một mức giá cao ngay cả so với thu nhập của người Việt ở thành phố lớn bây giờ, hãy nhớ rằng ở Việt Nam giá vé xem nhạc của một ngôi sao nhạc Pop hoặc Bolero - thấp nhất ở hàng ghế xấu nhất cũng đã tầm 500.000đ-800.000đ (khoảng 20-35 Eu rồi). Vì phần lớn các buổi diễn hòa nhạc cổ điển đều được các mạnh thường quân hoặc/và nhà nước tài trợ nên mới có giá vé như vậy, nên đừng bạn nào nghĩ vé là đắt đỏ. Nhưng ko đắt không có nghĩa là dễ mua. Dưới đây mình có một số tips từ kinh nghiệm bản thân.
1/ Kinh nghiệm cá nhân mình thường thì mức giá tầm 40-60E với vị trí ở tầng 3-4, thậm chí gallery, khu vực gần chính giữa sân khấu nhất có thể là chỗ ngồi tốt nhất trong tầm tiền, đảm bảo được cả về view nhìn lẫn âm thanh. Ngay cả khi bạn có tiền và không quan tâm giá vé, cũng không nên chọn ngồi ở khu vực Lô sát hai bên sân khấu (view xấu) hoặc khu vực Parterre (tầng 1 ngay trước sàn diễn vì âm thanh càng trên cao thg càng hay hơn) - hãy chọn ghế ở khu vực chính giữa tầng 2 hoặc 3 (xung quanh hoặc ngay tại lô "vua") - thường là nơi có âm thanh và view toàn cảnh tốt nhất (với opera, ballet và hoà nhạc cổ điển nói chung, ngồi gần không có nghĩa là hay nhé, thậm chí một số phòng hòa nhạc cao cấp, hai hàng ghế đầu sát sân khấu còn là hàng ghế hạng trung, hàng ghế từ hàng thứ 5 trở đi mới là giá vé hạng cao).
2/ Thường vé chỗ đẹp với giá hợp lý sẽ hết khá nhanh (đặc biệt với Ballet ở Bolshoi và Opera ở các nhà hát A-class mà có ngôi sao tham gia hoặc concert của những solist và dàn nhạc hạng top như BP, VP, LSO... dưới sự chỉ huy của các nhạc trưởng nổi danh). Bạn thường sẽ phải lưu ý lịch diễn của nhà hát (hoặc nghệ sĩ bạn theo dõi) và đặt vé khoảng trước từ 2-3 tháng, cá biệt có những nơi như Bayreuth Baroque festival tại nhà hát cổ Margravial Opera House có khi phải book trước cả ...nửa năm. (Mình từng đặt hai chiếc vé còn lại cuối cùng của một vở opera với sự tham gia của Cencic, Fagioli và Lezhneva trước ngày diễn chính thức đúng 6 tháng).
3/ Phần lớn các nhà hát đều có phương thức bán vé riêng cho các opera aficionado - những người am hiểu và yêu opera cuồng nhiệt mà lại không... có nhiều tiền. Ví dụ như mua vé phút cuối (vé dư) ở La Scala, vé "no view of stage" ở Bavarian state opera, hay vé đứng (không có chỗ ngồi) ở Vienna state opera với giá vé chỉ khoảng 5-15E mà âm thanh không hề tệ chút nào, thậm chí view khá đẹp nếu biết cách, tuy nhiên bạn sẽ phải nhanh chân, biết cách xếp hàng và chọn chỗ. Riêng Bayreuth festival Theatre (thánh địa Mecca của những người yêu opera Wagner) là trường hợp siêu đặc biệt (nhà hát này cũng nổi tiếng với việc trả lương cho nghệ sĩ theo độ khó của vai diễn chứ không phải độ nổi tiếng của ngôi sao bởi vậy bất cứ Wagnerian voice nào cũng muốn được mời hát ở đây một lần) - đó là vé rất khó mua (dù giá vé thực tế không quá cao) bởi chế độ phân phối vé rất quái dị của dòng họ Wagner (những người quản lý festival âm nhạc này). Nhiều người phải chờ mất vài năm, hoặc phải mua gói du lịch nghỉ dưỡng kiêm xem opera ở Bayreuth với giá cả nghìn Euro mới sở hữu được tấm vé vào Bayreuth festival Theatre xem opera Wagner. Vé chợ đen cũng hầu như không thể mua được ở đây.
Lời khuyên cuối cùng
Thật ra, các quy tắc sinh ra và thay thế liên tục theo sự phát triển của xã hội vì thế các bạn không cần quá lo lắng về nó nếu như mình có không hiểu hết. Các quy tắc cũng có những điều chỉnh theo phong tục của từng địa phương và nhà hát khác nhau. Mục đích quan trọng nhất đến nhà hát là để thưởng thức văn hóa (âm nhạc hay một vở diễn) - hãy chuẩn bị tâm thế duy nhất cho điều đó là đủ - và hãy cố gắng đến nhà hát thường xuyên để thưởng thức nghệ thuật thực sự chứ đừng chỉ ngồi ôm dàn âm thanh, smart phone hay màn hình ti vi, máy tính suốt nhé.
Đông Nguyên (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét