Con tàu Titanic huyền thoại đã chìm trên biển Bắc Đại Tây Dương cách đây gần một thế kỷ sau khi va phải một tảng băng trôi, nhưng những câu chuyện về con tàu vẫn được kể đến ngày nay.
Nhắc đến Titanic, ai cũng biết về thảm kịch kinh hoàng khiến cả thế giới phải rúng động sau khi con tàu này va phải một tảng băng trôi và chìm trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương vào ngày 15/4/1912. Vụ đắm tàu này đã đi vào lịch sử như là vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong thời bình với hơn 1.500 người thiệt mạng.
Thảm họa Titanic đã là đề tài cho hàng loạt các cuộc điều tra, kiện tụng, giả thuyết ly kỳ đồng thời dẫn đến các thay đổi lớn trong quy định an toàn hàng hải quốc tế. Titanic cũng trở thành bối cảnh và đề tài cho rất nhiều tác phẩm văn học, hội họa và điện ảnh. Nổi tiếng nhất là bộ phim “Titanic” do James Cameron làm đạo diễn, ra mắt vào năm 1997. Câu chuyện tình buồn đầy xót xa giữa chàng Jack (Leonardo DiCaprio) và nàng Rose (Kate Winslet) đã khiến “Titanic” trở thành kiệt tác.
Tuy nhiên, không chỉ có trên phim, cũng có những cặp tình nhân ở đời thực đã phải chia cắt vì vụ đắm tàu Titanic. Một trong số đó là Wallace Hartley và vị hôn thê của anh Maria Robinson. Vào khoảng thời gian định mệnh đó, Robinson ở trong ngôi nhà xinh đẹp tại nước Anh, chờ hôn phu trở về trong vô vọng. Mối tình lãng mạn của họ có kết thúc bi thảm nhưng nhờ cây vĩ cầm của Hartley, mối tình đó vẫn được người đời nhớ đến dù cả hai đã sang thế giới bên kia.
Cây vĩ cầm sang trọng được Robinson tặng cho Hartley khi cặp đôi đính hôn vào năm 1910. Trên cây vĩ cầm có một tấm biển trang trí được khắc dòng chữ: “Dành cho Wallace, nhân dịp chúng ta đính hôn. Từ Maria”.
Năm 1912, Hartley đã mang cây vĩ cầm này lên tàu Titanic. Anh là trưởng nhóm nhạc của ban nhạc gồm 8 nhạc công, làm nhiệm vụ giải trí cho các hành khách trên chuyến hành trình băng qua Đại Tây Dương.
Thời điểm ấy, Titanic được mệnh là “chiếc tàu không thể chìm”. Khi thảm họa xảy ra, tất cả mọi hành khách trên tàu đều hốt hoảng. 2 tiếng 40 phút sau khi tàu đâm vào tảng băng trôi đã được nghiên cứu một cách triệt để và thuật lại một cách toàn cảnh những gì xảy ra trên tàu.
Hành khách được yêu cầu giữ bình tĩnh. Khi có quá ít thuyền cứu sinh, những hành khách giàu có, ở những khoang hạng sang được ưu tiên xuống thuyền cứu sinh. Rất nhiều khách ở khoang trung bình, hạng thấp phải bỏ mạng. Sự hỗn loạn, tiếng kêu gào xảy ra khắp mọi nơi.
Trong sự hoảng loạn đó, chỉ có ban nhạc là vẫn giữ được bình tĩnh. Họ đã tiếp tục chơi nhạc để trấn an hành khách. Dưới sự chỉ đạo của Hartley, ban nhạc đã di chuyển lên boong tàu để tiếp tục chơi nhạc. Nỗ lực duy trì sự bình tĩnh này đã được mô tả trong cả bộ phim “A Night to Remember” năm 1958 và cả phim “Titanic” năm 1997. Những người sống sót sau vụ chìm tàu khẳng định, ban nhạc đã chơi bài thánh ca “Nearer, My God, to Thee”, hoặc một giai điệu gần giống tác phẩm “Autumn”.
Khi boong tàu nghiêng và một tiếng nổ phát ra, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi, họ chơi đến tận giây phút cuối cùng. Trong bộ phim của đạo diễn Cameron, trong giây phút cuối, Hartley đã nói với thành viên trong ban nhạc rằng: “Các quý ông, tôi xin vĩnh biệt các bạn”. Tất cả tám thành viên đã chết khi con tàu bị chìm. Cuối cùng chỉ có ba thi thể được trục vớt.
Báo chí thời ấy đã khai thác rất nhiều về sự bình tĩnh, nghĩa vụ và tinh thần hy sinh của ban nhạc. BBC gọi họ là “những người anh hùng”.
Thi thể của Hartley được đưa lên khỏi mặt nước 10 ngày sau khi tàu Titanic bị chìm. Những người cứu hộ cũng vớt được chiếc vali bằng da có khắc chữ WHH, được quấn chặt vào người Hartley, bên trong là hộp đựng đàn vĩ cầm cũng như một số bản nhạc, cho thấy sự trân quý của ông với tình cảm của vị hôn thê. Đám tang của ông được diễn ra vào tháng 5/1912 tại quê nhà ở Colne, Lancashire. Đã có hàng ngàn người đến tham dự. Tượng đài của Hartley đã được dựng lên trong thị trấn để tưởng nhớ đến sự cống hiến của ông.
Cây vĩ cầm sau đó đã được trả lại cho Robinson. Bà qua đời vào năm 1939. Cây vĩ cầm đã được trao cho Đội quân Cứu tế địa phương, rồi đến tay một giáo viên dạy vĩ cầm và một người phụ nữ khác.
Trong nhiều thập kỷ sau đó, gần như không có ai biết về cây vĩ cầm của Hartley, cho đến khi con của người phụ nữ này phát hiện ra nó trên gác mái phủ bụi vào năm 2006. Thông qua các cuộc kiểm tra cặn nước mặn, quét hình và kiểm tra mảng bám, nó đã được xác minh là cây vĩ cầm mà Robinson đã tặng cho Hartley gần 100 năm trước.
Năm 2013, cây vĩ cầm đã được đưa ra bán đấu giá. Ý nghĩa lịch sử của cây vĩ cầm đối với tàu Titanic và câu chuyện tình buồn của Hartley và vị hôn thê của anh khiến mọi người cảm động và gây được sự chú ý lớn.
Trong số các đồ liên quan đến Titanic được bán đấu giá thì cây đàn vĩ cầm đã lập một kỷ lục mới. Nó được bán với giá khoảng 1,6 triệu USD cho một người mua giấu tên. Trước khi bán, nó cũng đã được trưng bày cho công chúng ở Belfast và các địa điểm khác.
Thanh Giang (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét