Năm 2022 nhiều khả năng là lần đầu thị trường trống vắng những tác phẩm mới, thay bằng các phim bị dời lịch.
Từ ngày 19/11, rạp phim ở TP HCM - thị trường lớn nhất nước - đã tái hoạt động. Tuy nhiên, tâm lý dè dặt vẫn còn ở một số khán giả và giới phát hành. Thời gian gián đoạn lâu trong năm 2021 đã ảnh hưởng mạnh đến ngành phim ảnh, cả cho hệ thống rạp lẫn nhà sản xuất.
Dự đoán sớm cho mùa Tết 2022
Một hệ quả của việc trì trệ là nhiều phim phải dời lịch, nhiều dự án chưa được sản xuất. Do đó, mùa Tết Nguyên đán năm 2022 có thể là lần đầu không có các phim Việt “mới”. Thay vào đó, đường đua sẽ là cuộc chiến của các phim được sản xuất từ khá lâu trước đó.
1990 của đạo diễn Nhất Trung là phim đầu tiên công bố ra mắt mùa Tết. Tác phẩm quy tụ Lan Ngọc, Nhã Phương và Diễm My 9x, từng dự kiến công chiếu dịp 30/4 năm nay. Tuy nhiên, nhà sản xuất quyết định dời lịch, sau đó dịch ập xuống khiến dự án phải chờ thêm nữa. Đạo diễn Nhất Trung vốn nổi tiếng mát tay mùa Tết với hai phim Cua lại vợ bầu và Đôi mắt âm dương. Trong đó, phim đầu từng giữ danh hiệu phim Việt ăn khách nhất tại thị trường nội (trước khi bị Bố già vượt qua).
Chìa khóa trăm tỷ quy tụ Thu Trang, Kiều Minh Tuấn cũng được đồn đoán ra mắt Tết 2022. Dự án từng được định vị là phim hè, trước khi Covid-19 buộc phim đổi kế hoạch phát hành. Qua những chất liệu đầu tiên, có thể thấy phim mang màu sắc hài hước pha hành động từng mang về thành công cho Thu Trang. Không khí của Chìa khóa trăm tỷ vô tình khá phù hợp với mùa Tết.
Thanh Sói của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng có thể góp mặt vào đường đua dịp này. Dự án này từng khởi động đình đám vào năm 2019, nhưng do điều kiện bất lợi nên phải ba năm sau mới có thể ra mắt. Ngô Thanh Vân hẳn cũng đang trông đợi Thanh Sói ra mắt để quên đi thành tích không như ý của Trạng Tí.
Tết quan trọng thế nào với phim Việt?
Tết Nguyên đán luôn là thời điểm sôi động nhất của rạp Việt, với giá vé cao và lượng người đi xem đông. Một thập niên qua (cho đến trước Covid-19), tổng doanh thu mùa Tết nhìn chung tăng dần đều. Trong đó, phim Việt ngày càng giữ vai trò đầu tàu về doanh thu.
Năm 2011, có tới 6 phim Việt phát hành dịp Tết, đánh dấu sự rộn rã của thị trường. Những năm sau, dịp này liên tiếp chứng kiến các phim đạt doanh thu cao như Mỹ nhân kế (2013, 52 tỷ đồng), Nhà có 5 nàng tiên (2014, 60 tỷ đồng), Tía tui là cao thủ (2016, hơn 50 tỷ đồng) hay Siêu sao siêu ngố (2018, 109 tỷ đồng).
Năm 2019, phim Cua lại vợ bầu bứt phá với 191 tỷ đồng, dẫn đầu bảng xếp hạng nội địa. Năm 2020, khi đã bắt đầu nỗi lo về Covid-19, phim Gái già lắm chiêu 3 của Bảo Nhân, Nam Cito vẫn thu hơn 160 tỷ đồng. Bộ phim đang dẫn đầu doanh thu mọi thời ở Việt Nam - Bố già - thực chất cũng được phát triển theo định hướng “phim Tết”. Tác phẩm của Trấn Thành không thể ra mắt vào đúng mùa Tết năm nay do dịch bệnh, nhưng đã công chiếu sau khi rạp mở lại và thắng lớn.
Do đặc thù xã hội, thời điểm ăn nên làm ra của phim Tết thường kéo dài số ngày nghỉ. Vào cuối kỳ nghỉ, một số người ở quê mới trở lại thành phố và bắt đầu đi xem phim. Không khí nhộn nhịp vì thế được duy trì trong một thời gian tương đối lâu. Đối với các nhà sản xuất, nếu gặt hái doanh thu lớn từ mùa Tết, đó sẽ là thuận lợi lớn giúp họ tự tin phát triển các dự án tiếp.
“Phim Tết bớt nhảm” là xu thế tích cực trong một thập niên qua. Cách đây vài năm, các phim Tết ăn nên làm ra song thường bị chỉ trích bởi nội dung hời hợt, chủ yếu gây cười mảng miếng. Theo đà đi lên của điện ảnh, các bộ phim ẩu, dở, dần đánh mất sức hút.
Nhà làm phim cũng không còn chỉ chú trọng khai thác tiếng cười vào dịp này nữa. Một số phim Tết ăn khách gần đây thuộc thể loại tâm lý (Gái già lắm chiêu 3, Bố già) hay kinh dị (Đôi mắt âm dương), chứng tỏ gu thưởng thức ngày càng đa dạng. Yêu cầu của khán giả cũng cao hơn dẫn đến tình thế phòng vé có thể thay đổi đột ngột. Như năm 2020, phim 30 chưa phải là Tết (có Trường Giang, Mạc Văn Khoa) ban đầu được đánh giá cao nhất nhưng rồi bị rớt hạng vì điểm trừ chất lượng.
Mùa Tết năm 2022 sẽ là thời điểm mà các nhà phát hành tiếp cận với tâm thế vừa háo hức, vừa lo lắng. Bất chấp tỷ lệ tiêm chủng cao và số người chết theo ngày giảm, không thể nói trước gì về Covid-19. Mọi thứ có thể diễn biến rất nhanh ngoài tầm dự đoán. Ngay như năm 2021, quyết định đóng rạp mùa Tết được đưa ra ngay trong ngày mà một số phim có buổi chiếu cho báo giới.
Do sự bất an này, các rạp đang hoạt động nhưng cũng chuẩn bị nhiều phương án phòng rủi ro. Ngoài ra, tâm lý thận trọng của công chúng, tình hình tài chính đi xuống của người dân và việc ngồi giãn cách (nếu có) cũng có thể thành trở ngại, khiến mùa phim Tết 2022 nhiều khả năng khó tái lập thành tích như cũ.
P.H (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét