Trong những năm gần đây xuất hiện nhiều dự án âm nhạc, album, MV ca nhạc dành cho giới trẻ khai thác yếu tố truyền thống, chất liệu lịch sử và dân gian. Điều này tạo cho bức tranh về âm nhạc đại chúng dành cho giới trẻ trở nên đa màu sắc và tạo sự ảnh hưởng nhất định đến công chúng.
Một hiện tượng khá phổ biến
Chỉ tính riêng trong khoảng thời gian một năm lại đây công chúng đã được đón nhận không ít sản phẩm âm nhạc có khai thác yếu tố truyền thống, chất liệu dân gian. Trong đó, những sản phẩm âm nhạc được ra mắt với nhiều hình thức khác nhau từ bài lẻ (MV - music video, lyric, audio...) cho đến cả một dự án quy mô được giới thiệu bằng nhiều hình thức khác nhau.
Đối với hình thức phát hành bài lẻ, chủ yếu các sản phẩm sản xuất ở dạng MV để phát hành trên hạ tầng số thông qua kênh mạng xã hội cá nhân hoặc của một đơn vị độc quyền. MV “đình đám” trong năm 2020 phải kể tới như Người ơi người ở đừng về của ca sĩ Đức Phúc, ra mắt tháng 10. Chỉ cần đọc tên của sản phẩm cũng đã thấy yếu tố dân ca Quan họ được khai thác vào trong ca khúc này. Cũng năm 2020 Đức Phúc còn ra mắt ca khúc Hết thương cạn nhớ lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
Nhắc tới năm 2020, còn phải kể tới Chi Pu ra mắt hai sản phẩm, MV Cung đàn vỡ đôi ra mắt tháng 6, khai thác chất liệu dân gian vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; và trước đó là MV Anh ơi ở lại dựa vào câu chuyện cổ tích Tấm Cám. Trong khi đó, Hòa Minzy ra mắt sản phẩm Không thể cùng nhau suốt kiếp tái hiện câu chuyện lịch sử của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương... Tháng 10/2020 ca sĩ Thu Phương đã trình diễn ca khúc Nam Phương Hoàng hậu của nhạc sĩ Việt Anh trong live show chung của nữ ca sĩ này với ca sĩ Quang Dũng tại Hà Nội. Nam Phương hoàng hậu là một trong số 8 ca khúc nằm trong dự án phim ca nhạc lịch sử cùng tên Thu Phương ấp ủ bấy lâu nay.
Trước đó, năm 2018 Bích Phương ra mắt MV Bùa yêu, một sản phẩm nằm trong dự án Việt Nam Việt Nam của nữ ca sĩ này. Trong MV ekip đã lồng vào đó những hình ảnh Việt Nam một cách có chủ ý. Ca sĩ Nguyễn Thu Hằng – giải Nhất Sao Mai 2015 dòng nhạc dân gian cũng đã ra mắt sản phẩm MV Nhà em ở lưng đồi (nhạc Đức Trịnh, lời thơ Lê Tự Minh) mang chất liệu âm nhạc Tây Bắc... Năm 2017, Bùi Công Nam (sinh năm 1993) tham gia chương trình truyền hình thực tế dành cho các bạn trẻ đam mê sáng tác ca khúc của Đài Truyền hình Việt Nam mang tên “Bài hát đầu tiên” tạo được ấn tượng khi sáng tác ca khúc Chí Phèo. Ca khúc đã giúp đưa tên tuổi của chàng trai lúc đó mới 24 tuổi vào đời sống âm nhạc đại chúng.
Không chỉ có các ca sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đại chúng dành cho giới trẻ, các nghệ sĩ đã có tên tuổi trong nhiều năm qua cũng góp phần tạo nên sự phong phú cho đời sống âm nhạc bằng các sản phẩm MV vừa mang hơi hướng hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Một trong số sản phẩm đáng chú ý là MV Giấc mơ trên lưng của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, đạo diễn Đào Thanh Hưng mới ra mắt đầu năm 2021. Trong khi đó, nhiều sản phẩm âm nhạc được thực hiện trên cơ sở khai thác âm nhạc dân gian kết hợp với âm nhạc hiện đại cũng đã ra mắt trong những năm gần đây. Tháng 10/2020 ca sĩ Hà Myo ra mắt tác phẩm Xẩm Hà Nội có sự kết hợp giữa xẩm với rap và EDM trong đêm chung kết Giọng hát hay Hà Nội. Sau đó không lâu, tháng 11 nữ ca sĩ trẻ này ra mắt MV Xẩm Hà Nội (đạo diễn Nguyễn Nhật Giang) với những hình ảnh đặc trưng mang giá trị lịch sử và văn hóa của Hà Nội. Trước đó, ca sĩ Tân Nhàn ra mắt MV Cô đôi Thượng Ngàn (đạo diễn Phùng Cường) qua phần hòa âm của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và sự thể hiện của dàn nhạc dân tộc kết hợp với dàn nhạc giao hưởng và ban nhạc điện tử.
Dẫu được thực hiện khá công phu với bối cảnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc nhưng MV Cô đôi Thượng Ngàn chỉ là một hoạt động nằm trong dự án lớn hơn của ca sĩ Tân Nhàn, đó là liveshow Trở về được tổ chức ngày 16/3/2019 tại Hà Nội. Trong liveshow này, Tân Nhàn dành hẳn một phần tôn vinh âm nhạc dân tộc khi chọn thể hiện Cô đôi Thượng Ngàn (Hát Văn), Mục hạ vô nhân (Hát Xẩm), Tương phùng tương ngộ (Quan họ)... Đáng chú ý ở đây, những tiết mục này Tân Nhàn không thể hiện đơn thuần theo lối truyền thống mà đã có sự kết hợp với ban nhạc điện tử, dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh. Điều đó đã tạo nên những âm hưởng mới mẻ với chủ đích thu hút sự chú ý của công chúng.
Một số album khai thác chất liệu âm nhạc dân tộc khá hiệu quả được công chúng biết đến trong những năm gần đây. Chẳng hạn như album Duyên của ca sĩ Hồng Duyên được phát hành năm 2017. Album này có định dạng là CD, bao gồm 9 tác phẩm. Bên cạnh hai sáng tác mới là Guốc mộc (Hồ Trọng Tuấn), Duyên (Dương Cầm) và hai bài hát đã quen thuộc với khán giả là Em tôi (Thuận Yến) và Em trong mắt tôi (Nguyễn Đức Cường) thì năm bài còn lại đều là những bài dân ca hoặc đậm đà chất liệu dân gian như Còn duyên (Quan họ), Giận mà thương (Ví Giặm Nghệ Tĩnh), Gió đánh đò đưa (dâm ca đồng bằng Bắc bộ), Mười thương (Ca Huế). Tháng 10/2019 ca sĩ Hoàng Thùy Linh ra mắt album Hoàng với ca khúc: Khởi đầu, Để Mị nói cho mà nghe, Duyên âm, Em đây chẳng phải Thúy Kiều, Lắm mối tối ngồi không, Kẽo cà kẽo kẹt, Tứ phủ, Kẻ cắp gặp bà già, Giải kết. Các bài hát trong album là sáng tác của các nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, Thịnh Kainz, Kata Trần. Album được đánh giá là đậm chất hồn xưa vốn cổ. Đáng chú ý, trước đó, Hoàng Thùy Linh đã ra mắt các MV Để Mị nói cho mà nghe, Bánh trôi nước tạo được thành công lớn, ghi dấu ấn vào đời sống âm nhạc đại chúng.
Cũng năm 2019, ca sĩ Vũ Minh Vương, trưởng nhóm nhạc Dòng Thời Gian, phát hành album thứ hai của mình mang tựa đề Giai điệu vùng cao gồm bảy bài hát mang âm hưởng dân gian của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc là: Chợ tình Sa Pa, Lung linh xứ Mường, Xứ Mường quê em (Tùng Lâm); Say câu hát người ơi! (Trần Lệ Chiến); Mùa hoa tam giác mạch (Nguyễn Anh Trí); Hà Giang miền biên cương (Trùng Thương); Bài ca trên núi (Nguyễn Văn Thương).
Cũng vẫn là những album mang đậm chất liệu truyền thống và yếu tố dân gian, năm 2020 giải Nhất Sao Mai 2015 phong cách nhạc nhẹ Sèng Hoàng Mỹ Lam “trình làng” bộ sản phẩm Mời anh về Tây Bắc gồm một album và một MV. Album Mời anh về Tây Bắc gồm tám ca khúc hoàn toàn mới như: Lào Cai thành phố trên mây (nhạc: Nguyễn Tùng, lời: Hoàng Hồng Ngọc), Sơn La - Tình ca phiên chợ ngày xuân, Hòa Bình gửi lời thương nhớ (Nguyễn Tùng), Về Yên Bái múa điệu xòe hoa (Nguyễn Thanh Minh), Mời anh về Tây Bắc (Hà Quang Anh)...
Giới underground rap Việt cũng không nằm ngoài “cuộc chơi”. Đầu tháng 3/2021 rapper Quân R.E.V ra mắt MV Chí nam nhi, khai thác chất liệu hát nói trong Ca trù để tạo thành bản rap kết hợp với Ca trù khá độc đáo. Nhưng nhắc đến “Việt hóa” rap, phải kể tới rapper “đình đám” bậc nhất hiện nay là Đen Vâu. Rapper này luôn thể hiện yếu tố cá nhân hóa rất cao, đặc biệt trong MV Trốn tìm mới ra mắt tháng 5/2021 đã nhìn thấy hình hài rất Việt Nam trong bản rap này. Cụ thể là những phần giai điệu rất đơn giản, đẹp, dễ nhớ, một trong những đặc biệt của dân ca Việt Nam nói chung, vùng đồng bằng Bắc bộ nói riêng. Thêm vào đó là cách chơi chữ, gieo vần rất gần gũi với đặc điểm thơ ca cổ điển Việt Nam; cộng với tốc độ bản rap rất chậm so với các bản rap thông thường...
Có thể nói, trong những năm gần đây, đặc biệt là khoảng thời gian từ 2018 trở lại, có nhiều nghệ sĩ cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc dành cho đại chúng khai thác chất liệu truyền thống. Đối tượng tham gia việc khai thác này khá đa dạng, đông đảo nhất là các nghệ sĩ trẻ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc giải trí. Ngoài ra còn có cả những nghệ sĩ uy tín trong nghề nghiệp, hoặc thậm chí cả những nghệ sĩ hoạt động âm nhạc chủ yếu ở nước ngoài... Điều đó đã góp phần tạo sự phong phú cũng như sôi động trong hoạt động nghệ thuật âm nhạc.
Một số đặc điểm nổi bật
Qua khảo sát các sản phẩm âm nhạc có khai thác chất liệu truyền thống và yếu tố dân gian phát hành trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy có một số điểm nổi bật như sau:
Một là, khai thác các tác phẩm văn học làm chất liệu để sáng tác nên những ca khúc. Có thể nói cách làm này chiếm ưu thế về số lượng trong giai đoạn hiện nay. Việc khai thác tác phẩm văn học cũng rất đa dạng, khai thác ở nhiều thể loại văn học khác nhau nhưng đều liên quan đến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cụ thể, khai thác tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam làm chất liệu sáng tác âm nhạc như Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã khơi nguồn cảm hứng tạo hành ca khúc Em đây chẳng phải Thúy Kiều; khai thác truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài vào ca khúc Để Mị nói cho mà nghe; khai thác truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao vào ca khúc cùng tên Chí Phèo (Bùi Công Nam), Hết thương cạn nhớ (Đức Phúc)... Một số ca khúc khai thác từ truyện cổ tích trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam như ca khúc Kẽo cà kẽo cọt (Hoàng Thùy Linh), Bống bống bang bang (Nhóm 365), Anh ơi ở lại (Chi Pu) khai thác chất liệu từ truyện cổ tích Tấm Cám... Khai thác thơ ca mang đậm tính dân gian của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương trong Bánh trôi nước (Hoàng Thùy Linh), khai thác từ kho tàng ca dao tục ngữ như Kẻ cắp gặp bà già, Lắm mối tối nằm không (Hoàng Thùy Linh)...
Hai là, khai thác đề tài lịch sử vào trong sản phẩm âm nhạc. Việc khai thác này cả ở khía cạnh nội dung ca từ cũng như hình ảnh. Dự án Nam Phương Hoàng Hậu mà ca sĩ Thu Phương đang thực hiện tái hiện cuộc đời của hoàng hậu Nam Phương kể từ khi bà trở thành vợ của vua Bảo Đại cho tới những hình ảnh ghi dấu chân của bà ở nước Pháp. Cũng từ nguồn cảm hứng trong câu chuyện lịch sử về Nam Phương Hoàng hậu, Hòa Minzy gợi lại một lát cắt về bà hoàng hậu Triều Nguyễn trong MV Không thể cùng nhau suốt kiếp. Đây là câu chuyện tình của vua Bảo Đại với Nam Phương Hoàng hậu. Trong MV hình ảnh Triều Nguyễn được tái hiện cách điệu. Thậm chí, ngay phía đầu MV ekip đã giới thiệu một đoạn ca Huế theo đúng lối cổ trước khi vào phần tác phẩm chính thức cũng tạo sự mới lạ cho sản phẩm.
Ba là, khai thác yếu tố văn hóa dân gian vào trong sản phẩm âm nhạc. Đây là sẽ là cách làm được khai thác nhiều bởi lẽ chủ ý của các ekip là lấy chất liệu truyền thống dân tộc. Cũng chính vì thế, trong hầu hết các sản phẩm âm nhạc kể trên đều ít nhiều có dấu ấn của yếu tố văn hóa dân gian. Điều này thể hiện ở nhiều khía cạnh như nội dung ca từ, tạo hình trang phục, bối cảnh thực hiện... Toàn bộ các ca khúc mới nằm trong album Mời anh về Tây Bắc của Sèng Hoàng Mỹ Lam ngập tràn sắc màu văn hóa dân gian từ trong ca từ đến âm điệu vùng cao. Trong khi đó, văn hóa sông nước Nam bộ được tái hiện khá sinh động trong MV Cung đàn vỡ đôi của Chi Pu...
Bốn là, khai thác tín ngưỡng dân gian. Việc khai thác ở đây tuy không nhiều nhưng cũng khá phong phú. Chẳng hạn như trong Cô đôi Thượng Ngàn của Tân Nhàn và Tứ phủ của Hoàng Thùy Linh. Cả hai sản phẩm đều được khai thác tín ngưỡng thờ tam tứ phủ của dân tộc, còn được gọi là Đạo Mẫu, để xây dựng thành một tác phẩm âm nhạc và sau đó thực hiện các cảnh quay MV để trở thành những sản phẩm âm nhạc được phổ biến đến công chúng. Tất nhiên, mức độ khai thác yếu tố tín ngưỡng dân gian ở mỗi sản phẩm là khác nhau. Cô đôi Thượng Ngàn là một tác phẩm được ra đời gắn với nghi thức diễn xướng dân gian hầu đồng trong thực hành tín ngưỡng của dân tộc. Toàn bộ tác phẩm này được khai thác y nguyên và làm mới bằng cách hòa âm và thể hiện bởi dàn nhạc giao hưởng, ban nhạc điện tử bên cạnh dàn nhạc với các nhạc cụ dân tộc. Còn với Tứ phủ là một ca khúc với hình ảnh mang màu sắc văn hóa tín ngưỡng, phần âm nhạc cũng khai thác chất liệu hát văn.
Năm là, yếu tố truyền thống hay dân gian xuất hiện trong tác phẩm chiếm tỉ lệ rất nhỏ, có thể chỉ là cách khai thác một đôi ý hoặc một câu hát, một tên bài dân ca đã quen thuộc của dân tộc. Chẳng hạn như ca khúc Người ơi người ở đừng về của Đức Phúc. Yếu tố dân gian chỉ hiện hữu ở đúng việc khai thác tên đồng thời cũng là ca từ của bài dân ca Quan họ rất nổi tiếng.
Sáu là, khai thác các tác phẩm âm nhạc truyền thống dân tộc được thể hiện ở hình thức mới với phần hòa âm hiện đại cũng là một trong những điểm nổi bật. Chẳng hạn như các làn điệu dân ca Còn duyên của Quan họ, Giận mà thương của Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Gió đánh đò đưa từ dân ca đồng bằng Bắc bộ, Mười thương ca Huế nằm trong album Duyên của Hồng Duyên được thể hiện với những bản hòa âm mang phong cách hiện đại kết hợp với nhạc acoustic, jazz, semi classic... hay cũng chất jazz kết hợp với semi classic được tăng cường cho phần hòa âm trong khi giai điệu chính và lời ca vẫn là của những bài dân ca như Cô đôi Thượng Ngàn (Hát Văn), Tương phùng tương ngộ (Quan họ), Mục hạ vô nhân (Hát Xẩm) của ca sĩ Tân Nhàn, hay trong sản phẩm Xẩm Hà Nội của Hà Myo khai thác điệu Xẩm chợ cùng lời thơ dân gian kết hợp với rap và EDM...
Bảy là yếu tố âm nhạc dân gian. Trên thực tế, ngoại trừ một số ít tác phẩm chúng tôi có nhắc tới trong quá trình khảo sát để thực hiện bài viết này chỉ được khai thác yếu tố dân gian nằm trong ca từ, hoặc chỉ là những hình ảnh dùng trong MV, thì hầu hết các ca khúc chúng tôi nhắc tới trong bài viết này đều mang trong mình những chất liệu dân gian ở nhiều vùng miền khác nhau. Định hình rõ nét nhất là màu sắc âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc bộ với chất liệu Quan họ, Chèo, Hát Văn..., hay âm nhạc dân gian Trung bộ với chất liệu Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Ca Huế hoặc Nam bộ với Đờn ca Tài tử, Vọng cổ được khai thác khá hiệu quả. Trong khi đó, chất liệu âm nhạc dân gian các tộc người thiểu số cũng được khai thác tương đối đậm nét trong nhiều dự án lớn cũng như trong những ca khúc cụ thể. Ở đó, đậm nét nhất là chất liệu âm nhạc dân gian vùng núi phía Bắc. Trong đó, đa số là chất liệu âm nhạc của tộc người H’mông.
Tất nhiên đây là những sản phẩm được ra đời với chủ đích là chinh phục giới trẻ, hay nói cách khác đối tượng chính của những sản phẩm này là bộ phân công chúng trẻ. Cho nên, dù là một bài dân ca đã có từ xa xưa của dân tộc được khai thác sử dụng thì cũng không thể hiện một cách đúng với những gì công chúng đã quen từ trước đó mà nó luôn được làm mới bằng sự kết hợp với nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau, đặc biệt là sự pha trộn với những dòng nhạc đang được giới trẻ yêu thích. Song song cùng chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam, âm nhạc mới được khai thác trong các tác phẩm này khá đa dạng và là một bức tranh đa màu sắc từ pop balade cho đến semi classic, aucostic, jazz rồi thậm chí cả rap, folktronica, EDM... Trong đó, các ca khúc, sản phẩm được chú ý nhất thường thiên về tác phẩm có tiết tấu chuyển động nhanh.
Mở ra nhiều hy vọng
Chất liệu dân gian, yếu tố lịch sử và nguồn cảm hứng từ văn học mang đậm yếu tố dân tộc là một kho tàng quý, góp phần khẳng định cái tôi của một nhạc sĩ, cái tôi của một dân tộc trong đời sống âm nhạc toàn cầu hóa của thời đại 4.0 như hiện nay. Vì vậy cần khuyến khích giới trẻ sáng tạo và phát hành những sản phẩm âm nhạc theo hướng này.
Trên thực tế, đây không phải những khám phá, đóng góp mới vì việc làm này đã rất quen thuộc, thậm chí đã thành đường đi của âm nhạc từ cổ chí kim từ trong nước đến thế giới. Hầu hết các nhạc sĩ thiên tài thế giới như W.A.Mozart, Beethoven, Schubert... đều khai thác triệt để chất liệu dân ca, dân vũ, những tác phẩm văn học cổ điển, dân gian vào sáng tác âm nhạc. Không chỉ có âm nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh từng chia sẻ rằng trên thế giới hầu hết các tác phẩm nổi tiếng của các ban nhạc châu Âu, Mỹ đều mang hơi thở dân gian, truyền thống của đất nước họ.
Ở Việt Nam, nhiều nhạc sĩ thuộc các thế hệ đi trước đã khai thác rất tài tình chất liệu âm nhạc, văn hóa dân gian vào trong sáng tác âm nhạc. Chúng tôi không thể liệt kê hết danh sách trong bài viết này và chỉ tạm nhắc một vài cái tên mang tính chất minh họa, chẳng hạn thế hệ nhạc sĩ tiền bối có Đỗ Nhuận, Lê Thương, Doãn Nho... Thời kỳ sau này có Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường... Thế hệ sau này có thêm: Quốc Trung, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Đức Trí... Trẻ hơn nữa có Đức Nghĩa (tác giả ca khúc Son), Nguyễn Duy Hùng (tác giả ca khúc Phố cổ, Thư pháp), Hồ Hoài Anh (tác giả ca khúc Tứ phủ)... Và đội ngũ sáng tác trẻ đang được yêu thích hiện nay đang bổ sung ngày càng nhiều cái tên.
Nhạc sĩ Giáng Son cho rằng: “Nếu biết khai thác thì chính chất liệu dân gian thông qua cách tiếp cận của mình sẽ tạo cho người nhạc sĩ một nét riêng”. Theo tác giả của ca khúc Giấc mơ trưa, chính việc sinh ra trong một gia đình có mối liên hệ mật thiết với nghệ thuật Chèo đã góp phần vun đắp trong thế giới tinh thần cũng như trong vốn sống của cô những giá trị truyền thống để rồi nó hiện hữu trong những ca khúc mới mà cô sáng tác một cách tự nhiên. Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng, dù sống ở thời đại nào các nhạc sĩ cũng thường tìm đến giá trị truyền thống kết hợp với những tinh hoa nhân loại để xây dựng hướng đi riêng mang hơi thở dân tộc. Cũng các nhạc sĩ, “nguồn” chất liệu dân gian không khó tìm, vì nó nằm trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam chúng ta. Có lẽ, cái cần thiết ở đây là làm thế nào để đánh thức nó dậy trong bộ phận giới trẻ hoạt động sáng tạo âm nhạc. Và để thực hiện tốt điều này, phần nhiều phụ thuộc vào chính những người hoạt động sáng tạo âm nhạc.
Vì vậy, cần nhìn nhận một cách khách quan, việc trong những năm gần đây xuất hiện nhiều sản phẩm âm nhạc đại chúng khai thác chất liệu dân gian, truyền thống, lịch sử dân tộc là một tín hiệu đáng mừng cho lĩnh vực âm nhạc đại chúng Việt Nam. Nó góp phần ghi dấu ấn Việt, tôn vinh giá trị Việt trong chính những sáng tạo nghệ thuật của giới nghệ sĩ trẻ Việt để rồi lại phục vụ đối tượng công chúng âm nhạc đại chúng Việt. Nói cách khác, chúng ta đang gợi ra cái tôi bản ngã vốn trước đó hoàn toàn mờ nhạt trong sáng tác và biểu diễn thuộc lĩnh vực âm nhạc giải trí. Bên cạnh đó, việc khai thác những yếu tố này một mặt chính là cách thể hiện tình yêu đối với dân tộc, với quê hương đất nước của người nghệ sĩ, một mặt khác sẽ dễ tạo được cảm xúc cho khán giả. Phát hành những sản phẩm này là góp phần truyền bá giá trị truyền thống đến với giới trẻ. Thậm chí, nếu hướng đi này tiếp tục phát triển theo hướng tích cực sẽ là một cánh cổng mở ra thế giới đối với âm nhạc đại chúng Việt Nam.
Vì thế cho nên, cần khuyến khích giới trẻ tiếp tục phát huy việc khai thác các chất liệu âm nhạc dân tộc, văn hóa truyền thống và lịch sử, tín ngưỡng bản địa vào trong các sản phẩm âm nhạc mới. Bên cạnh đó cũng cần bám sát và đồng hành cùng giới trẻ trong hoạt động nghệ thuật để kịp thời có những định hướng, những trao đổi về kiến thức chung về chuyên môn âm nhạc để giới trẻ luôn đi đúng hướng, góp phần tạo nên dấu ấn thời đại của mình trong âm nhạc đại chúng, ở đó vừa mang yếu tố hội nhập và vừa đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguyễn Quang Long (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét