Căn bệnh ung thư đáng nguyền rủa đã ngăn cản Dinu Lipatti cống hiến nhiều hơn cho âm nhạc cổ điển. Nhưng chỉ với những bản ghi âm hiếm hoi còn sót lại, chúng ta cũng nhận thấy được ở ông một tài năng vô song, một nghệ sĩ piano tài danh của thế kỷ.
Những câu chuyện về sự qua đời trong đau khổ về căn bệnh ung thư máu của Lipatti đã làm lu mờ tài năng âm nhạc sâu sắc, độc đáo của ông. Đương thời, ông là một nghệ sĩ piano năng động, hiện đại và mang tính cách mạng cao. Những bản thu hiếm hoi còn sót lại cho thấy ông chủ yếu tập trung vào các nhà soạn nhạc Bach, Mozart và Chopin, nhưng trong quãng thời gian ngắn ngủi của mình, ông đã biểu diễn từ Bach tới Bartók, từ Scarlatti đến Stravinsky và khoảng 20 tác phẩm dành cho piano và dàn nhạc. Đương thời, ông được những nghệ sĩ piano hàng đầu khác như Backhaus, Fischer, Kempff và Schnabel rất ngưỡng mộ. Menuhin, Poulenc, Honegger và Toscanini cũng dành cho ông những sự tôn trọng to lớn.
Bước khởi đầu của một tài năng thiên bẩm
Lipatti sinh vào ngày 19/3/1917 tại Bucharest trong thời kỳ đất nước Romania đang bị Đức chiếm đóng. Mặc dù tên khai sinh của cậu bé là Constantin nhưng thường được gọi là Dinu. Bố mẹ cậu là những nghệ sĩ nghiệp dư (bố cậu chơi violin và từng theo học với Pablo de Sarasate và Carl Flesch còn mẹ chơi piano) nên ngay từ nhỏ Dinu đã làm quen với âm nhạc. Cha đỡ đầu của cậu bé là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violin nổi tiếng Enescu. Sợ cậu bé làm hỏng bộ sưu tập violin của mình, bố cậu, ông Theodor, một nhà ngoại giao đã hướng con trai mình học piano từ rất nhỏ. Mẹ cậu, bà Anna chính là người thầy đầu tiên. Khi cậu bé bốn tuổi, trong lễ rửa tội của mình, Dinu đã chơi 1 minuet của Mozart và prelude của Bach. Lên tám tuổi, sau khi biết được những khái niệm cơ bản từ gia đình, cậu được học một cách bài bản và nghiêm túc hơn với giáo sư Mihail Jora. Jora đã dạy Dinu piano và hòa âm. Sau ba năm, cậu đã đủ trình độ theo học tại Đại học Âm nhạc quốc gia Bucharest (nay là Học viện Âm nhạc và Kịch nghệ). Tại đây, Dinu theo học piano với Florica Musicescu (người sau này cũng là thầy của một nghệ sĩ piano Romania lừng danh khác là Radu Lupu). Cậu vẫn tiếp tục duy trì các buổi học với Jora, nhưng giờ đây đã thêm môn sáng tác. Trình độ piano của Dinu phát triển rất nhanh. Tháng 6/1930, với tư cách học sinh xuất sắc nhất trường, cậu đã có buổi diễn với dàn nhạc đầu tiên khi chơi piano concerto của Grieg tại nhà hát opera Bucharest. Năm 1932, khi mới 15 tuổi, Dinu đã tốt nghiệp với tấm bằng danh dự. Trong lễ tốt nghiệp, cậu đã biểu diễn bản piano concerto số 1 của Chopin. Sự nghiệp chính thức của một nghệ sĩ piano diễn ra một năm sau đó, Dinu chơi piano concerto số 1 của Liszt cùng với nhạc trưởng Alfred Alessandrescu và Bucharest Philharmonic.
Năm 1933, Lipatti tham gia cuộc thi piano quốc tế tại Vienna. Ban giám khảo gồm rất nhiều những nghệ sĩ piano đỉnh cao thời kỳ đó như Rachmaninov, Cortot, Arrau, Gieseking, Backhaus và một số tên tuổi khác. Cuộc thi là sự so kè giữa Lipatti và chàng trai người Ba Lan Bolesław Kon, người từng giành giải ba cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin trước đó vào năm 1932. Lipatti rõ ràng tỏ ra xuất sắc hơn nhưng nhiều người trong ban giám khảo cho rằng anh còn quá trẻ, trong khi Kon (hơn Lipatti 11 tuổi) đã tiệm cận giới hạn độ tuổi của cuộc thi và rằng Lipatii còn nhiều cơ hội trong những lần sau nên đã tuyên bố Kon giành giải nhất, Lipatti đồng hạng nhì với Mykyscha Taras của Liên Xô. Phẫn nộ trước việc dùng một lý do phi âm nhạc để lựa chọn quán quân, Cortot đã phản đối và từ chức giám khảo.
Năm 1934 bắt đầu một sự khởi đầu mới cho Lipatti, anh chuyển đến Paris cùng mẹ và em trai. Cortot chào mừng chàng nghệ sĩ trẻ và đề nghị mình và người trợ lý Yvonne Lefébure sẽ dạy Lipatti các bài học piano nâng cao tại École Normale de Musique de Paris, ngôi trường do chính Cortot sáng lập. Lipatti nhận lời và anh còn theo học sáng tác với Paul Dukas và chỉ huy dàn nhạc với Charles Munch tại đây. Lúc này, Lipatti đã có ba tác phẩm giành giải thưởng trong cuộc thi sáng tác mang tên George Enescu, cha đỡ đầu của anh: piano sonata (1932), Sonatina cho violin và piano (1933) và tổ khúc giao hưởng Les tziganes (1934). Sau khi Dukas qua đời (1935), Lipatti tiếp tục học với Nadia Boulanger, người đã trở thành “mẹ tinh thần” của anh. Boulanger nổi tiếng với việc bắt các sinh viên của mình phải rơi nước bắt khi bắt họ chơi các fugue của Bach bị đảo ngược. Nhiều thông tin cho rằng chỉ có Lipatti vượt qua bài kiểm tra. Bên cạnh việc học, sự nghiệp biểu diễn của Lipatti cũng được duy trì. Anh có nhiều buổi diễn thành công tại Paris cũng như các thành phố lân cận. Các nhà phê bình không biết “điều gì nên được khen ngợi nhất, sự thành thạo về kỹ thuật hay hiểu biết sâu sắc về tác phẩm”. Trong quá trình học tập, Lipatti luôn tỏ ra khiêm tốn và chăm chỉ. Tiếng đàn của anh giờ đây đã có màu sắc cá nhân hơn rất nhiều. Cortot tỏ ra rất ưu ái Lipatti, giới thiệu anh là “Horowitz thứ hai” và tạo điều kiện cho anh có bản ghi âm đầu tiên của mình. Tại Paris, Lipatti đã gặp nghệ sĩ piano đồng hương Clara Haskil và họ đã trở thành những người bạn thân trong suốt quãng đời còn lại của ông. Anh cũng nhận ra mình không thể tập trung tinh lực cho cả ba công việc chơi piano, sáng tác và chỉ huy nên đã từ bỏ lĩnh vực cuối cùng.
Năm 1939, cũng là quãng thời gian cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, sau năm năm theo học tại Paris, những người thầy giáo giờ đây đã trở thành đồng nghiệp, Lipatti quay trở về Romania. Trước đó, buổi biểu diễn vào tháng ba tại Salle Chopin-Pleyal, Paris đã cho thấy bước tiến vượt bậc của ông từ một thanh niên tài năng thành một nghệ sĩ trưởng thành. Ông hiện diện nhiều hơn trong đời sống âm nhạc tại quê hương, nhiều lần lưu diễn với Bucharest Philharmonic và có được mối quan hệ ngày càng thân thiết với cha đỡ đầu của mình. Lipatti chơi các tác phẩm của Enescu cũng như biểu diễn hòa tấu thính phòng cùng ông. Nhưng với tư cách nhà soạn nhạc, Lipatti cố gắng tạo lập một phong cách riêng bằng cách kết hợp âm nhạc truyền thống của Romania với các kỹ thuật sáng tác hiện đại. Những tác phẩm như Fantasie cho piano, Sonatina cho piano tay trái hay Các vũ khúc Romania cho 2 piano được đánh giá cao. Lipatti cũng gặp nghệ sĩ piano Madeleine Cantacuzene, một học trò khác của Musicescu và sau này sẽ trở thành vợ ông, họ thường biểu diễn cùng nhau. Mặc dù cuộc chiến tranh đang khốc liệt nhưng Lipatti vẫn thường xuyên được mời biểu diễn tại nhiều thành phố lớn như Bratislava, Sofia, Vienna, Berlin và Rome.
Đích đến trong con đường nghệ thuật của ông có thể được đúc kết ngắn gọn trong từ “tái tạo”. Ông tiếp cận tác phẩm bằng cách yêu lấy nó trước, cố gắng tìm hiểu và biểu diễn theo đúng cách mà nhà soạn nhạc muốn.
Bước ra thế giới
Tháng 4/1943, cùng Madeleine, Lipatti thực hiện chuyến lưu diễn dự kiến trong mười ngày và không ngờ, ông sẽ không bao giờ trở lại quê nhà nữa. Sau sự cố một động cơ bị nổ khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp ở Hungary, ông tới Vienna, Stockholm và Helsinki trước khi tới Thụy Sĩ. Tận hưởng thành công ngoài mong đợi, ông đã định cư tại Geneva với sự hỗ trợ của nhiều người bạn như Ernest Ansermet, Edwin Fishcer, Igor Markevitch hay Nikita Magaloff. Tháng 4/1944, ông chính thức giảng dạy tại nhạc viện Geneva. Lipatti đang trên con đường vững chắc để xây dựng tên tuổi của mình như một nghệ sĩ piano và giáo viên vĩ đại. Thật không may, ngay khi ông tới Thụy Sĩ, những dấu hiệu đầu tiên của một căn bệnh bí ẩn đã xuất hiện. Từ khi sinh ra, cơ thể ông đã ốm yếu đến mức ông không đến trường mà cha mẹ thuê gia sư về dạy ông tại nhà. Khởi đầu là những trận sốt dai dẳng, ông được cho điều trị bằng liệu pháp tia X. Sau đó, các bác sĩ bối rối, trong nỗ lực tuyệt vọng để tìm ra phương thức điều trị đã thực hiện nhiều cách đặc biệt dẫn đến những phản ứng phụ nghiêm trọng. Bất chấp phải thường xuyên hủy bỏ chương trình do sức khỏe yếu, sau khi kết thúc chiến tranh, bất cứ khi nào có thể, bất chấp sự can ngăn của các bác sĩ, Lipatti liên tục tổ chức các buổi biểu diễn trên khắp châu Âu trong những phòng hòa nhạc chật kín khán giả, những người đã được nghe nói đến một nghệ sĩ biểu diễn piano sở hữu cách kiến giải siêu việt với sự sâu sắc không thể tưởng tượng. Thế giới âm nhạc biết đến ông nhiều hơn qua các bản thu âm, được phổ biến từ năm 1947. Nhiều người rất ngưỡng mộ piano concerto của Schumann được ông biểu diễn cùng Karajan (mặc dù chính Lipatti không hề hứng thú với tiết tấu “quá cổ điển” của vị nhạc trưởng). Ông nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại Mỹ, Nam Mỹ và Úc, nhưng vì điều kiện sức khỏe, ông không bao giờ vượt qua biên giới của châu Âu. Trong phòng thu của Columbia, London, Lipatti làm quen và trở thành bạn thân của giám đốc nghệ thuật Walter Legge.
Trong điều kiện sức khỏe ngày càng giảm sút, Lipatti đã phải từ bỏ công việc dạy học tại nhạc viện Geneva. Nhạc viện thông báo vô cùng hối tiếc về việc từ chức “của nghệ sĩ và giáo viên lỗi lạc, một trong những điều vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”. Tuy nhiên, Lipatti vẫn không ngừng biểu diễn. Không ai, ngoại trừ vợ và những người thân cận nhất có thể nhận ra sự tàn tạ ngày càng rõ rệt từ cơ thể của ông - sự hoàn hảo trong nghệ thuật biểu diễn của Lipatti là quá tuyệt vời để không quan tâm tới tất cả những thứ khác. Giữa những cơn nguy kịch, việc truyền máu và điều trị bằng tia X, ông không ngừng luyện tập để vượt qua những chướng ngại từ chính cơ thể mình: sưng hạch, cánh tay trái to lên, đau mỗi khi cử động. Căn bệnh giờ đây đã được xác định, đó là u lympho ác tính, còn gọi là Hodgkin, một bệnh ung thư hệ bạch huyết. Cơ hội bình phục rất nhỏ nhưng ông không hề mất đi tinh thần quả cảm của một người nghệ sĩ. Sự đau khổ ông phải gánh chịu chỉ có thể sánh được với chính tâm hồn sâu sắc của ông. Nhưng Lipatti luôn lạc quan, hài hước và mỗi khi không thể chơi đàn, ông lại sáng tác: Một số Mélodie, bản chuyển soạn các vũ khúc Romania cho hai piano trước đó thành tác phẩm cho piano và dàn nhạc và một tứ tấu kèn gỗ là những bản nhạc cuối cùng của ông.
Tại thời điểm đó, danh mục biểu diễn của ông trải dài từ Bach tới Bartók với khoảng 20 concerto. Trên thực tế, chúng có thể còn lớn hơn nhiều, nhưng ước muốn về một sự hoàn hảo khiến Lipatti coi mình mới chỉ thành thạo một phần nhỏ trong số đó. Nếu Lipatti chịu nhượng bộ thái độ của mình, bất cứ lúc nào ông cũng có thể chơi Prelude và Fugue của Bach, các Etude của Chopin hay Debussy và cả piano sonata của Beethoven. Các học trò ông cho biết, ông có thể biểu diễn tất cả những tác phẩm này và thậm chí, ở bất kỳ giọng điệu nào!
Phụng sự âm nhạc đến phút cuối cùng
Đầu năm 1950, ông bị kiệt sức nhưng sau một vài tháng điều trị và tĩnh dưỡng tại Montana, Thụy Sĩ, sức khỏe đã tương đối ổn định. Lipatti đã trở lại trong piano concerto của Schumann tại Victoria Hall, Geneva với Orchester de la Suisse Romande dưới sự chỉ huy của Ansermet, sau đó là piano concerto số 1 của Chopin tại Zurich. Mùa hè năm đó mang lại hy vọng lớn: cortisone được phát hiện và đã cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của Lipatti. “Chỉ cần nghĩ về điều đó, tôi đã cảm thấy khỏe mạnh một cách kỳ diệu. Đó là một cảm giác chưa từng có”, Lipatti đã viết như vậy cho người thân của mình. Ngay khi nhận được tin, Legge và đội ngũ kỹ thuật của Columbia đã xuất hiện, thực hiện những bản ghi âm đã bị trì hoãn từ lâu. Từ ngày 2 đến 12/7, với một nghị lực phi thường và lòng nhiệt huyết đáng kinh ngạc, Lipatti đã biểu diễn những tác phẩm là minh chứng cho chất lượng nghệ thuật của mình: Bach - Mozart - Chopin. Lipatti vô cùng hạnh phúc! Ông đã trở lại đầy sức sống.
Tuy nhiên, sau khoảnh khắc lạc quan chớp nhoáng này, tình trạng của Lipatti ngày càng trở nên tồi tệ hơn (các bác sĩ không còn tiêm thuốc cho ông nữa vì sợ cơ thể không chịu nổi). Ông biểu diễn thêm hai buổi hòa nhạc nữa. Ngày 23/8, Lipatti chơi piano concerto số 21 của Mozart cùng Karajan và Lucern Festival Orchestra. Và ngày 16/9, tại Besançon, một thị trấn nhỏ tại Pháp, Lipatti đã thực hiện buổi biểu diễn cuối cùng của đời mình. Trên thực tế, chiều trước buổi diễn, ông lên cơn sốt và tưởng như không thể chơi được. Dưới sự trợ giúp của các bác sĩ, Lipatti nỗ lực tuyệt vời và như một vật hy sinh trên bàn thờ nghệ thuật, ông đã hoàn thành đêm diễn. Chương trình gồm có partita số 1 của Bach, piano sonata 8 của Mozart, hai impromptu của Schubert, 13 waltz của Chopin, kết thúc bằng Jesu, joy of man’s desiring của Bach, một tiểu phẩm được Myra Hess chuyển soạn lại cho piano thường được Lipatti chơi như một encore để đáp lại thịnh tình của khán giả sau chương trình chính. Trên thực tế, chương trình dự kiến là 14 bản waltz của Chopin, nhưng ông quá mệt để có thể chơi waltz số 2 giọng La giáng trưởng nên đã thay thế bằng Jesu, joy of man’s desiring. Cả hai buổi biểu diễn này đều được ghi âm. Lipatti đã nói: “Âm nhạc không phải người hầu của bạn, chính bạn mới người phục vụ cho âm nhạc!” và ông đã hoàn thành trọn vẹn lời nói đó. ngày 2/12/1950, Lipatti rời xa chúng ta mãi mãi, để lại một sự tiếc nuối khôn nguôi cho những người yêu âm nhạc bởi người nghệ sĩ tài năng qua đời khi mới 33 tuổi, còn quá trẻ. Chúng ta sẽ không còn được chứng kiến những khoảnh khắc ông bừng sáng trên sân khấu nữa. Ông được chôn cất tại Chêne-Bourg, Geneva.
Di sản của Lipatti để lại không nhiều nhưng vô cùng rực rỡ, qua đó, chúng ta có thể thấy được phương thức tiếp cận của ông với piano. Đó là một sự nghiêm khắc đến vô cùng, ông luôn nỗ lực để đạt tới sự cân bằng hoàn hảo trong mọi khía cạnh, đôi khi tới mức cực đoan. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, điều này dẫn tới việc thiếu đi một chút cảm xúc sâu sắc. Đích đến trong con đường nghệ thuật của ông có thể được đúc kết ngắn gọn trong từ “tái tạo”. Ông tiếp cận tác phẩm bằng cách yêu lấy nó trước, cố gắng tìm hiểu và biểu diễn theo đúng cách mà nhà soạn nhạc muốn. Một nhà phê bình âm nhạc người Pháp từng thốt lên sau khi nghe Lipatti chơi “Tôi đã nghe chính Chopin diễn giải piano sonata giọng Si thứ”. Học trò của Lipatti, Jacques Chapuis cho biết câu nói yêu thích của ông luôn là “Nghệ sĩ piano hoàn hảo, làm sao tôi có thể rút một người phi thường như vậy từ trong túi ra? Phải có trí tưởng tượng và giọng điệu của Cortot, sự rực rỡ và say mê của Horowitz, màu sắc của Gieseking, bàn tay dẻo dai và điêu luyện của Backhaus, ngọn lửa và sự dịu dàng của Edwin Fishcher”.
Không còn nghi ngờ gì, nếu ông tiếp tục sống, ông sẽ còn vĩ đại hơn nữa. Sự hiện diện của Dinu Lipatti trong thế giới piano vẫn sống động và tồn tại mãi mãi; để diễn tả ký ức này tuyệt vời và sáng chói như thế nào có lẽ sẽ vượt quá sức mạnh của ngôn từ. Hãy lắng nghe để cảm nhận một trong những tâm hồn piano vĩ đại nhất của kỷ nguyên ghi âm. Như Kempff đã nói “Tất cả những gì còn lại chúng ta phải làm là ghi nhớ vẻ đẹp của những gì anh ấy đã cho chúng ta và thương tiếc”.
M.T (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét