Frédéric Chopin: Những bản Etude nên thơ

Trái ngược với những etude các thời kỳ trước, bản nhạc chỉ tập trung phát triển, rèn luyện kỹ thuật chơi đàn, thì etude ở giai đoạn âm nhạc lãng mạn như của Chopin hay Liszt là những tác phẩm nghệ thuật, được cô đọng từ nhiều cảm xúc khác nhau. Ấy là những áng thơ rạng rỡ, những hình ảnh như mơ, như thật, để lặng ngắm, để giữ chúng cho riêng mình.

27 bản Etude viết cho đàn piano của Chopin nhắm vào một hay nhiều mức độ khó của nhạc cụ. Tuy nhiên đối với những nghệ sĩ dương cầm có tài thời đó, việc kiểm soát kỹ thuật ngón tay không bao giờ là mục đích để chơi tác phẩm của Chopin. Nó chỉ là cái cớ, hay nói đúng hơn là phương tiện biểu đạt những dòng thơ âm nhạc.

Bộ Etude này được chia làm hai tập, opus.10 và opus.25, trong đó kèm thêm 3 bản Etude mới được viết riêng cho giáo trình piano. Mỗi tập Opus bao gồm 12 bài. Một phần không nhỏ trong opus.10 được sáng tác trước thời gian Chopin chuyển đến ở Paris. Là một giáo sư dương cầm có tiếng, đôi khi Chopin sử dụng tác phẩm của mình để dạy học sinh. Vì thế không có gì lạ khi ông viết nhiều Etude như vậy cho piano.

Mười hai Etude trong tập op.10 của Chopin không chỉ là những bài tập luyện ngón đơn thuần dành cho một điểm kỹ thuật cụ thể, mà còn là mười hai bức họa âm thanh tuyệt trác.

Lúc sinh thời, Chopin không bao giờ có ý định gọi tên hình tượng âm nhạc cụ thể cho từng đứa con tinh thần của mình. Tuy nhiên mỗi giọt âm thanh, mỗi ý nhạc của ông luôn khiến người nghe có cảm giác như xem một bức họa, đọc một áng thơ, liên hệ một hình ảnh nghệ thuật nào đó. Nói cách khác, ông có một tiếng đàn rất riêng, một thứ ngôn ngữ cô đọng từ trái tim khát khao yêu thương và một tâm hồn thanh tao mang tên Chopin.

Bản N°4 (op.10) được gọi là Thác lũ tập trung vào kỹ thuật di chuyển ngón cái trên phím đen, cũng như sự nhanh nhạy của các ngón tay ở tốc độ cực nhanh. Bài này nằm trong tập đầu tiên mà Chopin đề tặng Liszt, nghệ sĩ piano người Hungari nổi tiếng, đang làm mưa làm gió thời bấy giờ. Giai điệu Thác lũ cuồn cuộn được chơi luân phiên từ tay phải sang tay trái, thể như một sự đối đầu không ngừng nghỉ giữa lửa-nước, giữa sáng-tối, và giữa cái thiện-cái ác.

Nếu như bản số 4 là dòng thác dữ dội thì Etude số 5 (Op.10) lại là con suối loang loáng ánh nắng. Với tiêu đề Trên phím đen, tác phẩm này là một thách đố với các nghệ sĩ: tay phải chỉ được chơi trên phím đen (ngoại trừ 1 nốt trên phím trắng ở ô nhịp 66), bởi Chopin đã viết nó ở giọng sol giáng trưởng (6 dấu giáng), chạy trên nền hợp âm ở tay trái. Đây là một trong những trang sức yêu thích của hầu hết nghệ sĩ piano chuyên và không chuyên. Món đồ này khiến họ quên đi cảm giác phải chinh phục kỹ thuật chạy ngón, mà đơn giản chỉ như trò chơi con trẻ chạy theo những nét lướt thoăn thoắt, tinh nghịch của mười ngón tay.

Một trong hai Etude chậm duy nhất của Chopin, không thể không nhắc tới giai điệu đẹp sâu thẳm trong bài số 3 (opus.10) hay còn gọi là Etude Nỗi Buồn. Tiêu đề này được đặt tên bởi một trong những nhà xuất bản thời bấy giờ. Khi những nốt nhạc đầu tiên của Nỗi buồn vang lên, hiếm ai nghĩ rằng trước tiên hết nó là một bài tập luyện ngón: ưu tiên rèn luyện sự độc lập của từng ngón tay, mỗi tay chơi hai bè khác nhau. Nỗi buồn được viết ở thể ba đoạn: đoạn 1 và 3 là phần ballad trữ tình, mang nặng u sầu, đoạn 2 là phần phát triển về giai điệu cũng như kỹ thuật, nơi mà cảm xúc ngày càng đầy hơn, day dứt hơn và màu hòa thanh thì dữ dội, thôi thúc hơn.

Và những dòng tự sự Nỗi buồn ấy đã chạm thấu tâm hồn của biết bao thế hệ, vậy nên về sau giai điệu được nhiều nghệ sĩ đặt lời và chuyển thể cho thanh nhạc. Ví dụ như: Albert Valentin đã viết lời bằng tiếng Pháp mang tên Mon cœur vous dédie sa mélodie cho bộ phim La Chanson de l'adieu. Năm 1939, ca sĩ Tino Rossi đã trình bày nó với bài hát cùng tên Nỗi buồn, lời Loysel/Marcuse. Trong điện ảnh, nhiều bộ phim cũng sử dụng giai điệu này như: La Chanson du souvenir (1945), Un été italien (2008) và The Master (2012)…

Etude Cách Mạng số 12 (op.10) là một trong những tác phẩm dương cầm nổi tiếng của mọi thời đại. Bởi một phần, bản nhạc gắn liền với sự kiện lịch sử: đó là sự thất bại của nhân dân Ba Lan chống thế lực xâm lược Nga tháng 11 năm 1831. Do điều kiện sức khỏe không tốt, Chopin đã không thể tham gia cuộc chiến này. Thất vọng, cô đơn và bất lực, ông đã dùng âm nhạc làm vũ khí, dốc trọn cảm xúc của mình vào những đường chạy đầy bão tố (phần này do tay trái đảm nhiệm).

Giữa cảnh tượng khốc liệt của chiến tranh, giữa những tiếng ầm ì bom đạn, những tiếng người hỗn loạn, la ó, là bài ca yêu nước, vang lên, hiên ngang và bất chấp. Giai điệu bi tráng ấy được Chopin đặt trọn tình yêu, thêu vào chuỗi các hợp âm ở phần tay phải. Bản Etude Cách Mạng là cơn bão nội tâm và âm nhạc là người bạn tâm giao duy nhất giúp Chopin vợi đi nỗi đau mất mát quê hương.

Độ khó đáng gờm ở những bản Etude, mà Chopin đã gửi gắm vào tay những người trò giỏi của mình, không thể cản trở âm nhạc vang lên. Chúng được biết đến như một kiệt tác nghệ thuật nhiều hơn là bài luyện ngón thông thường. Mỗi Etude là một bài thơ, một bức họa, một câu chuyện được tạo nên bởi những nốt nhạc từ trái tim. Đó là thứ âm nhạc thuần khiết vượt ra ngoài những ràng buộc của kỹ thuật điêu luyện đơn thuần.

Mười hai bản Etude tập Op.25 mà Chopin đề tặng nàng Marie d’Agoult, người vợ sắp cưới của ông, một lần nữa minh chứng cho tài năng viết thơ bằng nhạc của nhạc sĩ xuất chúng đất Ba Lan.

Mở đầu tập này, bản Etude số 1 (op.25) Dòng suối hay còn gọi là Etude của đàn harpe với vô số dải hòa âm mờ ảo. Ở đây Chopin muốn ưu tiên kỹ thuật chơi hợp âm rải song song với giai điệu khá bay bổng ở phần tay phải. Theo như Schumann, nhà soạn nhạc lãng mạn người Đức, thì khi bản nhạc kết thúc, ta có cảm giác như vừa thấy điều gì đó nửa hư nửa thực, thoắt chạy trốn mất mà ta không kịp bắt lấy nó.  

Niềm an ủi - bản số 2 giọng fa thứ (Op.25) mà Schumann gọi nó là “bài hát của một đứa trẻ đang mơ ngủ”. Dưới nét lướt bồng bềnh của tiết tấu chùm ba, những nốt nhạc dịu nhẹ tựa theo đó mà trôi vào giấc nồng của bé. Cũng như những Etudes khác của Chopin, bản này là một trong nhiều lựa chọn thường xuyên trong các chương trình hòa nhạc. Bởi đó là sự hợp nhất hoàn hảo giữa yếu tố nghệ thuật và thử thách kỹ thuật.

Etude số 5 (Op.25) đôi khi còn được gọi là Nốt nhạc lỗi, là bởi hòa thanh của étude này có rất nhiều âm nghịch tai được đưa vào một cách cố ý. Tác phẩm có hai phần tương phản: phần thứ nhất với tiết tấu hoạt bát, có nhiều nốt chõi, đưa người nghe về với ký ức tuổi thơ, là nét mặt rạng ngời của những đứa trẻ đang nô đùa. Phần thứ hai, giai điệu thơ mộng (ở tay trái) trên nét chạy rộng dài (ở tay phải), là cánh đồng đầy gió, là chân trời xa vợi, chất chứa bao ước mơ thơ trẻ sáng trong.

Đôi khi mỏng manh tựa làn khói, khi thì rung động hạnh phúc, khi lại tinh khiết như pha lê, không thì ồn ào bận rộn. Tất cả được gói ghém trong bản Etude số 6 (Op.25) giọng son thăng thứ, còn gọi là Etude Quãng ba. Trong suốt toàn bộ tác phẩm, tay trái chạy quãng ba khi thì ở gam bán cung (gamme chromatique) khi lại ở gam nguyên cung (gamme diatonique). Cái khó ở đây là làm sao để không bị lẫn lộn giữa hai kiểu gam và việc sử dụng ngón tay thế nào cho phù hợp với từng gam. Trong khi đó, tay phải ngân nga giai điệu đồng quê: một điệu nhảy ngẫu hứng trên thảo nguyên ắt chăng sẽ buông đi những gánh nặng, lo âu thường nhật?

Một điểm lặng giữa ốc đảo étude thơ Chopin, bài số 7 (op.25) vang lên như một bản nocturne chậm rãi, u tối. Nỗi hoài niệm về cố hương với những đối âm xót xa và lời muộn phiền tuôn ra từ những ngón tay trên phím ngà. Bản nhạc này, đôi khi được người ta gọi tên là Trên đàn cello, do bởi giai điệu mang tính tự sự viết trên các nốt trầm. Một số nhạc sĩ sau này đã chuyển soạn nó thành tác phẩm song tấu cho đàn cello và piano. Mặc dù mang hơi thở nocturne nhưng bản thân vẫn giữ chức năng của một étude, cho phép người nghệ sĩ rèn luyện kỹ thuật chơi nhạc phức điệu, đối âm xen kẽ với vài tính năng điêu luyện khác.

Cánh bướm là tên gọi của Etude số 9 (op.25), một bản nhạc nhanh và nhẹ nhàng được yêu chuộng nhất. Độ khó về kỹ thuật của bài này nằm ẩn sau tiết nhịp 2/4, trong đó tay phải chơi hợp âm không ngừng nghỉ, xen kẽ với quãng tám, lúc phải đánh nhấn, liền tiếng (légato), lúc thì nảy ngón tay (staccato). Thế nên, để chinh phục bản này, người chơi phải rèn luyện sự mềm mại và dẻo dai đặc biệt ở phần cổ tay để đạt tới ngưỡng mà khi âm thanh thoát ra, nghe tựa hồ như những cánh bướm mỏng manh dập dờn, đậu rồi lại bay giữa đồng cỏ xanh. Một điều thú vị nữa mà không phải ai cũng biết, không hiểu do vô tình hay cố ý mà motif âm nhạc Cánh bướm của Chopin dường như cùng nguồn cảm hứng với bản Sonate giọng son trưởng, chương 3, opus 79 của nhà soạn nhạc Beethoven.

Chopin chưa bao giờ có ý nghĩ về một tác phẩm thơ văn khi đặt bút sáng tác. Tuy nhiên, mỗi nốt nhạc, mỗi câu đàn vang lên là bài thơ rất đẹp. Dù có buồn bã hay hạnh phúc, dù là nước mắt hay tiếng cười, những trang thơ đó cứ theo hoài nhân thế, để rồi vỗ về, để mà thủ thỉ như một người bạn đường của chúng ta trên quãng đời này.

H.D (HNS)

Nhận xét