Gần đây, những tác phẩm âm nhạc kết hợp giữa các yếu tố văn hóa - lịch sử, giá trị truyền thống với hình thức thể hiện mới mẻ, hợp thời như Nam quốc sơn hà từ “Bản tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của Việt Nam; Bánh trôi nước từ bài thơ cùng tên của Hồ Xuân Hương; Để Mỵ nói cho mà nghe lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ… đã được nhiều khán giả trẻ quan tâm, yêu thích, qua đó khơi gợi sự tò mò, tìm hiểu tác phẩm gốc.
Có thể thấy, sự kết hợp giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống trong âm nhạc không những làm cho tác phẩm trở nên tươi mới, ấn tượng hơn mà còn là cơ hội mở ra xu thế của tương lai, hướng tới một diện mạo nghệ thuật đương đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc Việt. Tuy nhiên, đây vẫn là con đường khá chông chênh và có lẽ chỉ dành cho những nghệ sĩ thật sự dám dũng cảm dấn thân.
Đạt vị trí số 1 trong top thịnh hành âm nhạc trên YouTube với gần 6 triệu lượt xem, ca khúc Nam quốc sơn hà do ca sĩ Erik và Phương Mỹ Chi thể hiện, phần lời do DTAP, Hành Or, RTee viết, biểu diễn tại chương trình The Heroes đang tạo nên cơn sốt trong cộng đồng nghe nhạc. Ca khúc dựa trên nội dung của bài thơ cổ Nam quốc sơn hà nhưng cũng không thiếu tính thời sự với câu rap: “Âm thầm lặng lẽ chẳng tiếng than (làm gì)/Chống giặc vô hình ta tiến bước (let’s go)/Việt Nam chung tay không thua đâu/Việt Nam đi qua chông gai/Ruộng bậc thang, hàng tre, búp măng non kia vẫn luôn xanh…”. Bản rap còn độc đáo hơn khi được kết hợp với những câu hò qua giọng ca mượt mà của Phương Mỹ Chi, khiến Nam quốc sơn hà vừa lay động người nghe vừa mang đến cảm giác “nổi da gà” ở những đoạn nhạc hào hùng, góp phần lan tỏa niềm tự hào dân tộc.
Phần lớn khán giả đều dành lời khen cho bài hát khi vừa có yếu tố lịch sử vừa lồng ghép yếu tố thời sự của thời đại mới, các yếu tố được kết hợp vừa đủ để tạo điểm nhấn. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những nhận xét tiêu cực về cách kể chuyện lịch sử bằng hình thức mới mẻ này. Về quan điểm trái chiều, đại diện nhóm sản xuất đã cảm ơn những góp ý của khán giả và mong muốn có một sản phẩm có thể truyền tải những quan điểm, suy nghĩ của những người con đất Việt; lại gần gũi, dễ nghe, dễ cảm với thế hệ trẻ.
Có thể nói, từ khi rap được du nhập vào Việt Nam và phổ biến trong giới underground, sự đa dạng về nội dung ngôn ngữ là một phần mang tính bản chất của thể loại nhạc này, nên đã được phổ biến một cách rộng rãi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tần suất xuất hiện của các sản phẩm có nội dung phản cảm, “vượt ngưỡng an toàn” xuất hiện ngày một nhiều. Và cũng không riêng gì rap, nhiều loại hình văn hóa ngoại lai du nhập vào Việt Nam cũng đang dần trở thành những cơn sóng mạnh mẽ, có thể cuốn trôi nền tảng văn hóa Việt trong giới trẻ vốn nhạy cảm, tò mò và thích khám phá cái mới, lạ. Chính vì thế, việc những ca khúc như Nam quốc sơn hà sử dụng nhiều yếu tố mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam, kết hợp giữa màu sắc hip hop, rap và hò Nam Bộ, cũng như bản phối có sử dụng một số âm sắc của Tây Bắc, Nam Bộ, Tây Nguyên thực sự là rất cần thiết. Không chỉ mang tính giải trí mà qua đó, những giá trị văn hóa sẽ có cơ hội đến gần hơn với các bạn trẻ để cùng nhau gìn giữ và phát huy tinh thần dân tộc.
Chúng ta cũng không nên quá “ác cảm” với xu hướng văn hóa ngoại lai du nhập, mà cần phải nhìn nhận ở những mặt tiến bộ để có thể tiếp thu và biến đổi chúng bằng chính sức mạnh văn hóa nội sinh như chúng ta đã từng làm trong suốt chiều dài lịch sử. Thể loại nào cũng vậy, cần được chấp nhận và có sự “giao duyên” trong cuộc sống hội nhập ngày nay. Trên thực tế, không phải bất cứ sự kết hợp nào cũng tạo nên những “chiếc áo” vừa vặn. Cũng tại chương trình The Heroes, nhiều khán giả bức xúc cho rằng Han Sara đã “phá nát” nhạc phẩm bất hủ Cô gái mở đường. Trước đó, nữ ca sĩ cho rằng việc chọn ca khúc này và viết thêm phần rap chủ đề nữ quyền nhằm truyền thông điệp khuyến khích phụ nữ noi gương các anh hùng trong sử sách, tự tin vào bản thân mình hơn. Thế nhưng sau khi lên sóng, sự mới lạ này đã vấp phải phản đối của khán giả. Nhiều người cho rằng, việc Han Sara thể hiện ca khúc Cô gái mở đường theo phong cách EDM, hiphop, mặc váy ngắn gợi cảm nhảy trên nền nhạc dance sôi động là hoàn toàn không phù hợp với một bài hát cách mạng ca ngợi lực lượng thanh niên xung phong, đó thực sự là “thảm họa”. Thậm chí, nhiều người còn gay gắt cho rằng, Han Sara và ekip đã “phá nát” bài hát và cũng không hiểu nữ ca sĩ muốn truyền tải thông điệp gì. Thật vậy, kết hợp không khéo, sản phẩm sẽ trở nên kệch cỡm, phản cảm, dị hợm trong mắt công chúng; khai thác vốn cổ không hợp lý thì cũng phá vỡ, bóp méo truyền thống. Vì thế, muốn thực hiện được điều này, người sáng tạo phải am hiểu sâu sắc từng loại hình nghệ thuật, để khi kết hợp thì truyền thống hay hiện đại đều được nổi bật và nâng đỡ nhau. Bên cạnh đó, việc tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn cũng vô cùng cần thiết. Với sự hiểu biết chuyên sâu ở các lĩnh vực văn hóa - xã hội, họ sẽ giúp các tác phẩm không bị bước qua lằn ranh giữa sáng tạo và phản cảm, từ đó làm giàu và gia tăng giá trị cho nền âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nước nhà nói chung.
H.H (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét