Ngày Tết, những giai điệu lại vang lên khắp nơi. Có những khúc ca vui tươi và cũng có những giai điệu da diết, nhớ mong.
Một dịp cuối năm hơn 10 năm về trước, tôi cà phê cùng người anh trên quận Nhất, TP HCM, nhìn dòng người khẩn trương trang trí đường hoa Nguyễn Huệ để chào đón năm mới. Nghe Happy New Year của ABBA tại CIAO cafe anh em tranh luận rằng đâu là bài hát tượng trưng như Happy New Year của âm nhạc Việt? Một câu hỏi vô cùng khó…
Anh em tôi sau một hồi tranh luận đều đi đến thống nhất rằng có ba bài hát có thể đứng đầu cho cuộc bầu chọn thiên về tâm trạng cảm xúc và cả sự phổ biến được công chúng ít nhiều ghi nhận trong suốt thời gian từ khi ra đời, đã đi qua cuộc chiến và cả những năm tháng nhọc nhằn của đất nước để âm thầm tồn tại trong lòng người nghe bao thế hệ và đến tận bây giờ, tiêu biểu nhất có thể kể đến ba lựa chọn: Ly rượu mừng - Phạm Đình Chương; Xuân và tuổi trẻ - La Hối; Mùa xuân đầu tiên - Văn Cao.
Chỉ là tiêu biểu chứ không phải là nhất vì nói đến nhất e hơi chủ quan, xét cho cùng âm nhạc là tâm trạng là cảm xúc, giá trị phổ quát không hẳn là nhất. Tiêu chí có thể coi là duy nhất để đánh giá sức sống một bài hát là bài hát ấy được công chúng ghi nhận theo thời gian.
Trước khi đi vào thứ bậc, thiết nghĩ cần phải điểm qua có bao nhiêu ca khúc phổ biến về mùa xuân đã và đang thịnh hành trong suốt từ những năm 50-60 của thế kỷ trước đến bây giờ...
Từ Bắc vô Nam theo địa lý sẽ dễ hơn. Trong khuôn khổ bài viết này tôi thuần túy chỉ đề cập đến các sáng tác về mùa xuân và Tết Việt qua âm nhạc chứ không mở rộng góc nhìn ra vì tôi e mình sẽ không đủ sức để viết vì giới hạn hiểu biết của mình.
Hương vị của ngày Tết, ngày xuân luôn thổn thức, dịu dàng và da diết trong câu hát của Đoàn Chuẩn - Từ Linh trong ca khúc Gửi người em gái. Một ca khúc đượm buồn vì mối tình rơi vào vô vọng giữa nhạc sĩ hào hoa và ca sĩ xinh đẹp tên Mộc Lan.
Bài hát ra đời từ năm 1956, mở ra một không gian mang đậm chất Hà Nội, phảng phất một không khí Tết truyền thống đậm chất miền Bắc nhưng lại khá phong lưu hệt cá tính nhạc sĩ: “Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng. Đượm đà phong kín cánh mong manh tấm hoa lòng. Hà Nội chờ đón Tết vắng bóng người đi liễu rũ mà chi. Đêm tân xuân Hồ Gươm sao long lanh”.
Tuy nhiên không khí Tết ở bài hát này có vẻ gì đó khá phong lưu và sang trọng không hợp với đại đa số đời sống người dân miền Bắc bây giờ, nên rất khập khiễng nếu như so sánh với đời sống đối lập trong Người ngựa ngựa người của Nguyễn Công Hoan. Do đó bài hát này không hợp với số đông nên nó chỉ khiêm tốn về độ phổ biến so với những bài hát khác.
Với nhạc sĩ Phạm Đình Chương có thể do tuổi thơ ông sống chủ yếu ở quê ngoại Sơn Tây, nhìn cảnh thanh bình êm ả của làng quê nên các sáng tác của ông trong ca khúc Ly rượu mừng, thấm đậm chất quê hương.
Trong cái nhìn “u uẩn chiều lưu lạc” (thơ Quang Dũng - Đôi mắt người Sơn Tây) nên mùa Xuân trong Ly rượu mừng đại đồng hơn, cận nhân tình hơn. Có lẽ vì lý do đó nên ca khúc đi vào công chúng, tứ thì cũng như sâu rộng hơn được yêu mến đến bây giờ.
Miền Trung có nhóm La Hối, Lê Trọng Nguyễn, Dương Minh Ninh, Lan Đài, Hoàng Tú Mỹ, Trương Đình Quang, Huỳnh Bá, Trầm Tử Thiêng, Phan Huỳnh Điểu nhưng phải nói thành công và tiêu biểu nhất phải là Xuân và tuổi trẻ.
Nhìn lại thì thấy âm nhạc, bài hát về Xuân thì thấy miền Nam có vẻ nhỉnh hơn về số lượng ca khúc và độ phổ biến so với các miền còn lại. Các sáng tác miền Nam gắn liền với xuân tha hương, hình tượng người lính khắc khoải về một cái Tết xưa...
Nhưng trong cảnh trăm hoa đó có những khoảnh khắc bất chợt sẽ làm cho người nghe dao động và cảm xúc trong mỗi hoàn cảnh và chiêm nghiệm riêng mình âm nhạc cũng theo cảm xúc và thời điểm.
Như một chiều Xuân ở khu trọ ngoại ô thành phố trong những cái tết xa nhà bất chợt nghe Anh cho em mùa Xuân thơ Kim Tuấn nhạc Nguyễn Hiền.
"...Đất mẹ đầy cỏ lúa
Đồng ta xanh mấy mùa
Ngoài đê diều căng gió
Thoảng câu hò đôi lứa
Trong xóm vang chuông chùa.."
Và tôi đã bật khóc trong buổi chiều "xuân tha hương" ấy. Tự dưng tôi thèm cảm giác Xuân quê nghèo đến vậy. Bây giờ sau 5 - 6 cái Tết xa nhà cho nên Tết với tôi luôn đậm đà và thiêng liêng dù xa quê.
Cũng có thể, khi con người ta đã đến một độ tuổi nào đó, cái cảm giác tri túc cũng dễ dàng có hơn. Chỉ cần nhìn cái màu nắng vàng óng lưu luyến trên mấy khóm vạn thọ chân quê cũng đủ thấy lòng bình yên một cách lạ kỳ.
Cũng như vậy, buổi tối giao thừa thèm được về ngồi bên bếp lửa hồng nghe tiếng pháo giao thừa đã mấy mươi năm mới trở lại, được ngủ trong căn nhà xưa, lắng nghe ngoài vườn con chim đêm nào đó gọi nhau cũng đủ thấy một cái tết sum vầy viên mãn.
Càng mong đợi nhiều, con người ta càng dễ thất vọng. Nên chi cũng cần tập biết đủ với những gì giản đơn nhất mà dâu bể cuộc đời đã bỏ rơi lại trên con đường chở tất cả đến miền quên lãng.
Hùng Cao (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét