"Mùa xuân đầu tiên" của Văn Cao

Có những thứ bình thường lại hóa thành bất thường. Một “mùa bình thường” để sum họp chỉ còn là ước mơ suốt bao năm ròng: “Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu”.

Có những cái bình thường bỗng trở nên khác thường. Một mùa thường kỳ như muôn năm cũ thôi mà lại là “đầu tiên” - mùa xuân mơ ước ấy nay đã thành đời thực.

(Ảnh: Lê Quang Châu)

Giai điệu dịu êm, bâng khuâng, thanh thoát. Nhịp valse đung đưa, khoan thai, nhẹ nhàng. Vài nét chấm phá cho không gian mênh mang “với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông”. Dân dã bình dị thế thôi mà khiến tâm hồn lâng lâng tỏa nắng cùng sắc xuân.

Mùa xuân theo chân con trở về bên mẹ. Mùa xuân long lanh nước mắt mẹ từng giọt sưởi ấm vai con. Ấy là mùa xuân đầu tiên của một đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến dai dẳng, để bồi hồi trước viễn cảnh từ đây người biết quê người, người biết thương người, người biết yêu người. Ấy là khúc hoan ca sang trọng cho một mùa vui đẹp như đang mơ, vui mà bâng khuâng man mác trong giọng thứ, vui mà lay động khắc khoải trên những nốt biến âm và quãng nghịch.

Đây là bài hát đầu tiên được nhạc sĩ Văn Cao hoàn thành năm 1976 sau 20 năm ông quyết định gác bút trong lĩnh vực ca khúc. Có lẽ đây cũng là ca khúc mùa xuân đầu tiên ngay sau thống nhất đất nước mà lại không tưng bừng hừng hực khí thế của bên thắng trận. Một bài ca của tình nhân ái. Một tình khúc của tinh thần hòa hợp dân tộc. Phải chăng vì thế mà vẻ đẹp dịu dàng thánh thiện dễ bị chìm đi trong không khí ồn ào tụng ca ngày đại thắng, để mãi đến 20 năm sau nữa, khi con người luôn có dự cảm đi trước thời đại ấy đã rời xa cõi này, thì bài hát cuối cùng của ông mới có một đời sống xã hội thực sự và trở thành bài ca đi cùng năm tháng.

Thời ấy người chưa đủ chiêm nghiệm cuộc đời chắc hẳn khó cảm nhận được hết ý niệm sâu xa tính nhân văn trong Mùa xuân đầu tiên. Tôi của hơn 40 năm trước cũng chưa đủ chín, nhưng tôi đã rất vui khi có được cuốn Bài hát của các nhạc sĩ Việt Nam: cho giọng hát với phần đệm piano do nhà xuất bản Âm nhạc Liên Xô ấn hành tại Moskva năm 1979 (kèm lời dịch tiếng Nga). Vui trước hết vì trong đó có Mùa xuân đầu tiên. Năm ấy chúng tôi vừa đặt chân đến Moskva, chị Hương Hương - bạn đồng môn thân thiết từ nhỏ của tôi, con gái nhạc sĩ Văn Cao, tất bật làm thủ tục lĩnh nhuận bút thay bố, một món tiền lớn hơn cả tháng học bổng sinh viên chúng tôi. Chị không giữ lại cho mình như bố dặn, mà dùng toàn bộ số tiền đó mua màu vẽ, chủ yếu là màu trắng - màu dùng nhiều nhất, lại khan hiếm nhất đã khiến chị phải lùng kiếm mãi: “Thế là bố Văn Cao có đủ màu vẽ cho cả năm rồi!”.

Bài hát với số phận lận đận như chính cuộc đời nhạc sĩ đã không kịp đem đến cho tác giả niềm vui chứng kiến đứa con tinh thần của mình được yêu thích nhường nào. Song thông qua sự chu đáo yêu thương của cô con gái rượu, Mùa xuân đầu tiên cũng đã góp phần “đầu tư tái sáng tạo” cho nhạc sĩ đa tài trong những tháng ngày khó khăn thời bao cấp.

Sau này, theo gợi ý của chị Hương Hương, bài hát được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chuyển soạn cho piano và trở thành tiểu phẩm không lời trong danh mục biểu diễn của hai nữ nghệ sĩ piano trẻ định cư ở châu Âu - cháu ngoại của tác giả Văn Cao.

Vậy là Mùa xuân đầu tiên đã lan tỏa không những trong nước, mà cả nước ngoài, cũng không chỉ ở thể loại ca khúc, mà còn như một tác phẩm thính phòng với một ngôn ngữ chung của nhân loại không cần đến phiên dịch.

N.T.M.C (HNS)

Nhận xét