Trong lịch sử phát triển và tồn tại của mình, có thể nói nhạc rock mang trong lòng nó không ít những nghịch lý, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả một số nước tiên phong khác trên thế giới.
Dường như luôn sở hữu một mãnh lực vô cùng thu hút đông đảo giới trẻ, rock luôn khiến các tín đồ hâm mộ trở nên cuồng nhiệt, đôi khi thái quá đến nỗi có thể để lại những hậu quả khôn lường và là mối quan ngại mang tính xã hội, trong một số giai đoạn lịch sử cụ thể. Tuy vậy, rock vẫn luôn là một ngọn lửa đam mê, lúc thì âm ỉ như những vỉa than hồng cháy đượm ẩn mình dưới lớp tro tàn, khi thì chỉ cần một làn gió nhẹ nó lại bùng lên dữ dội với tất cả sức sống mãnh liệt như chính bản chất rock của nó.
Rock khởi thủy từ sự kết hợp của nhạc rythm and blues của người Mỹ da đen với loại nhạc country của người Mỹ da trắng. Nhạc rythm and blues sử dụng nhạc cụ điện tử mà chủ yếu là guitar với tăng âm cực lớn, bộ gõ với sự nhấn lệch phách đã tạo ra sự kích thích cảm xúc và hưng phấn nhảy múa. Ca sĩ hát với giọng “khàn khàn”, có khi “gào thét” đối lập với lối hát bel canto bóng bẩy của nhạc cổ điển.
Ở Việt Nam, sự hình thành và phát triển nhạc rock hoàn toàn không phải là một sự lớn lên suông sẻ tự nhiên. Rock cũng đã trải qua nhiều phen thăng trầm, thậm chí trượt dốc thảm hại vào cuối những năm 1975.
Trở ngược lại thời gian hơn 40 năm trước, khi quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam, người Mỹ còn mang theo văn hóa lối sống kiểu Mỹ.
Với tâm lý chung của đa số giới trẻ Sài Gòn ngày ấy vốn đang quen văn hóa Pháp, thì văn hóa Mỹ là kiểu một văn hóa thực dụng, thế nên một số dị ứng với những điều đó. Và cũng thế, trong đời sống văn hóa giải trí, nhất là âm nhạc thì các sinh viên học sinh Sài Gòn này vẫn tiếp tục nghe nhạc Pháp như một kiểu phản kháng lại.
Âm nhạc từ những nhóm của Pháp như Les Chaussettes Noires, của Eddie Mitchell và Francoise Hardy, Sylvie Vartan… vẫn được giới trẻ ưa chuộng và theo đuổi, và với những người chơi nhạc, nếu có thành lập ban nhạc nghiệp dư thì cũng nặng chất thân Pháp (francophone), cụ thể như các nhóm Les Fanatiques (Công Thành), Les Pénitents (Ngọc Tuấn, Nguyễn Kiên, Trần Văn Phúc, Tuấn Khanh), Les Vampires (Đức Huy, Elvis Phương) toàn lấy tên Pháp và hát nhạc Pháp.
Năm 1954, dù người Pháp rút khỏi Việt Nam, nhạc Pháp vẫn còn hằn sâu trong sinh hoạt âm nhạc xã hội, nhưng khi sự hiện diện của người Mỹ tại miền Nam Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng thì nhạc Pháp cũng lùi dần nhường bước cho làn sóng văn hóa Mỹ. Cuối thập niên 1950 - đầu thập niên 1960 có thể nói nhạc trẻ Sài Gòn đã hình thành, nhưng nó thật sự gây được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng trẻ là từ năm 1963.
Thời gian cuối thập niên 1960 và nhất là vào đầu thập niên 1970, giai đoạn đầu các ban nhạc trẻ nói chung chủ yếu là hát nhạc ngoại quốc bằng tiếng Anh hoặc Pháp, các ban nhạc rock thì cover lại những bản nhạc chủ yếu của Anh, Mỹ. Dần dần theo thời gian thì các ban nhạc trẻ Sài Gòn cũng có những sự chuyển biến đáng chú ý: đó là trào lưu “Việt hóa” các ca khúc Âu - Mỹ.
Mở đầu cho trào lưu này có thể nói đến nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang… họ đã chuyển soạn lời Việt cho các ca khúc được nhiều người yêu mến như: Búp bê không tình yêu (Poupée De Cire, Poupée De Son), Gõ cửa 3 tiếng (Knock Three Times), Chuyện Phim Buồn (Sad Movies), Lãng du (L’Aventura), Anh thì không (Toi Jamais) v.v... Sau đó nhiều ban nhạc, nhiều nhạc sĩ khác cũng đã soạn lời Việt cho nhiều ca khúc ngoại quốc khác, trong đó có các nhạc sĩ như Trường Kỳ, Nam Lộc...
Như vậy, nhạc rock Anh - Mỹ đã len lỏi dần vào nhịp sống của một bộ phận không nhỏ thanh niên miền Nam ngày ấy, và ngay cả bản thân những người chơi nhạc thời ấy cũng không thể lường trước được sự ảnh hưởng to lớn của nó đến bản thân họ và đến thế hệ trẻ sau này như thế nào, khi mà thế giới cũng bắt đầu lên cơn sốt cùng rock.
Trong trào lưu “Việt hóa” có lẽ điều đáng chú ý nhất là các nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà, với ban nhạc Phượng Hoàng, đã đi một bước xa hơn là sáng tác những ca khúc nhạc trẻ Việt Nam đầu tiên với những bài hát đi vào lòng người như Hãy ngước mặt nhìn đời, Tôi muốn... đặt nền móng đầu tiên cho những ca khúc nhạc trẻ Sài Gòn.
Ban nhạc Phượng Hoàng của Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà ra đời khá trễ (1970). Tuy nhiên đây có thể nói là một ban nhạc “Việt hóa” triệt để: sáng tác ca khúc Việt cho rock, hát lời Việt và cái tên cũng “thuần Việt” giữa vô vàn các tên ban nhạc bằng tiếng Anh đang hiện hành. Ca khúc rock viết bằng tiếng Việt của Nguyễn Trung Cang, được nhiều người biết đến đó là bản Mặt trời đen, đây có thể xem là bản nhạc rock Việt đầu tiên khá tiêu biểu của giới rock Sài Gòn.
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay, chỉ một cái click chuột là chúng ta có thể biết rõ một nhóm nhạc nào, chơi thể loại gì, đã có bao nhiêu album, nội dung tư tưởng của họ, và kế hoạch sắp tới ra sao…
Các bạn đến với rock như thế nào? Có thể sẽ có 1001 lý do, nhưng còn nhạc rock đã đến với Việt Nam, nó đã sống và hòa nhịp cùng giới trẻ trong những ngày tháng khó khăn ban đầu ra sao… Chắc hẳn là đã có rất nhiều fan của rock Việt đã từng hỏi như thế. Mọi sự đều có nguồn gốc của nó, thật là bất công cho những người đã mang hơi thở của rock thổi vào mảnh đất Việt này, khi con cháu của họ ngày nay không biết hoặc chưa biết được những gì đã xảy ra trong qúa khứ, những thăng trầm của dòng nhạc này cùng với những người gắn bó với nó từ thuở khai sinh.
Đức Bình (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét