'Điện ảnh không tốt đâu. Fellini nói rằng điện ảnh làm sao nhãng hiện thực' - người anh trai cố gắng ngăn cản cậu em mới lớn như vậy khi biết cậu muốn trở thành đạo diễn điện ảnh để giải thoát khỏi những đau buồn sau thảm kịch của gia đình họ.
Đó là một cảnh trong bộ phim The hand of God (Bàn tay của Chúa) của đạo diễn người Ý Paolo Sorrentino, từng giành được Giải thưởng Lớn của ban giám khảo tại LHP Venice năm 2021 và mới được đề cử Oscar cho Phim quốc tế xuất sắc nhất.
Rời đi là cách để thoát khỏi nỗi đau
Vị đạo diễn từng thắng giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài gần 10 năm trước (The great beauty, 2013) quay trở lại cuộc đua năm nay với The hand of God, một bộ phim mang đậm tính riêng tư và hơi hướng tự truyện về những năm tháng tuổi trẻ của ông ở thành phố Naples (Napoli) miền trung nước Ý vào thập niên 1980.
Và ở cả hai bộ phim này, ta đều thấy được sự ảnh hưởng lớn của huyền thoại Fellini đối với Sorrentino.
Nếu The great beauty tái hiện một thành Rome với vẻ đẹp tàn lụi theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, mà ở đó ta thấy nhiều thừa hưởng từ kiệt tác La dolce vita (1960) thì The hand of God lại là sự kế thừa của bậc thầy đi trước về chủ đề ký ức, về tình hoài hương đeo bám trong não bộ và trái tim của người nghệ sĩ.
Ta cũng bắt gặp ở bộ phim này một chút của I Vitelloni (1953), một chút từ Amacord (1973) - hai bộ phim tiêu biểu khác của Fellini, tất nhiên theo một cách biểu đạt rất khác biệt, bởi bộ phim của Sorrentino suy cho cùng vẫn là một tác phẩm mang tính cá nhân đậm nét.
The hand of God dẫn dắt người xem quay lại Napoli - thành phố xô bồ hỗn tạp nhưng cũng đầy sức sống, đậm chất trần tục mà vẫn linh thiêng, quá nhiều nhục cảm đấy mà vẫn thấy thấp thoáng sự thanh cao.
Và ở đó, ta được chứng kiến câu chuyện của một gia đình như bao gia đình khác trên cõi đời này. Hạnh phúc và đau đớn, yêu thương và ghen tuông đan xen để rồi một thảm kịch xảy ra cuốn trôi tất cả, để lại cho cậu trai 17 tuổi Fabietto Schiesi (Filippo Scotti) một trái tim tan vỡ và loay hoay tìm kiếm danh tính của mình để tồn tại.
Phần đầu của bộ phim mang lại cho người xem những hình ảnh ngập tràn sức sống, ở thành phố này và cả ở gia đình nhỏ của Fabietto. Gia đình cậu phát cuồng vì bóng đá, thần tượng Maradona và coi huyền thoại này là sản phẩm từ "bàn tay của Chúa".
Nhưng "bàn tay của Chúa" qua mắt nhìn của Sorrentino còn mang một nghĩa ẩn dụ khác, về số phận của gia đình và bàn tay vô tình của Chúa trời.
Hình ảnh Fabietto "kẹp 3" chở ba mẹ của mình trên chiếc xe Vespa để đến xem một trận bóng đá có lẽ là hình ảnh tiêu biểu nhất cho cơn cuồng bộ môn túc cầu giáo của các tín đồ xứ sở chiếc ủng.
Cùng với cơn cuồng say bóng đá là tình yêu điện ảnh, nơi bóng dáng của Fellini - nhà làm phim vĩ đại - ngự trị khắp nơi, từ những bộ phim kiệt xuất cho đến các buổi thử vai cuồng nhiệt của những diễn viên vô danh cho những vai diễn không tên.
Sorrentino cũng xây dựng (hay tái hiện) nhiều nhân vật, đặc biệt là phụ nữ đầy sức sống, như người dì cuồng loạn Patrizia mà phần nào đó là hình mẫu phụ nữ mà chàng thanh niên mới lớn Fabietto ngưỡng mộ và đánh thức dục tính trong cậu.
Nhưng khi thảm kịch gia đình xảy ra, sự ngập tràn sức sống của nửa đầu bộ phim được thay thế bằng nỗi đau và thế giới nội tâm nhiều xáo trộn của Fabietto. Làm sao để sống tiếp khi bi kịch gia đình bám riết lấy cậu?
Làm sao để trưởng thành khi phía trước là một con đường mờ mịt? Quyết định trở thành một nhà làm phim trong tương lai có lẽ là sự dấn thân lớn nhất đối với chàng trai 17 tuổi, nhưng đó có vẻ cũng là một ước vọng có vẻ xa vời, là sự "sao nhãng hiện thực" như lời anh trai cậu khuyên nhủ.
Nhưng cuối cùng Fabietto cũng quyết định rời khỏi Napoli. Bởi Napoli lúc đó với cậu chỉ còn lại nỗi đau. Và rời đi là kết cục mà nhiều người làm để thoát khỏi nỗi đau.
Tái hiện ký ức là điều không dễ dàng
Nói như Fellini, điện ảnh là sự sao nhãng hiện thực. Nhưng bản thân ông là một ví dụ tiêu biểu nhất cho thấy ký ức là một nỗi ám ảnh, là một "bóng ma" luôn đeo bám. Nhà làm phim huyền thoại này cũng dành phần lớn cuộc đời của mình để tái hiện ký ức và tình hoài hương trong nhiều bộ phim của ông.
Ký ức mang màu sắc thi ca, đậm chất nghệ thuật, có hơi hướng triết học trong điện ảnh của Fellini đã ảnh hưởng tới rất nhiều nhà làm phim nghệ thuật sau này, tiêu biểu nhất có lẽ là Vương Gia Vệ, người luôn coi "ký ức nào cũng là những dòng lệ rơi".
Là một nhà làm phim tên tuổi và nhiều thành tựu của điện ảnh Ý đương đại, Paolo Sorrentino thừa nhận tái hiện ký ức trong bộ phim mang màu sắc cá nhân này là điều không dễ dàng gì đối với ông vì "thật khó để diễn tả lại cảm xúc của quá khứ", cho dù ông sống tới 37 năm ở Napoli.
Nhưng đồng thời, ông nói rằng chỉ cần quay lại thành phố quê hương này, mọi ký ức đều sống dậy và ông có cảm giác như chưa bao giờ rời đi.
"Mỗi khi quay lại Napoli, tôi phải đối mặt với những cảm xúc mâu thuẫn. Tôi có niềm vui vô bờ bến nhưng cũng có những nỗi đau khổ tột cùng. Và với tôi, nhiều nơi là biểu tượng hoặc của niềm vui, hoặc của nỗi đau".
Và điện ảnh (hay nghệ thuật) là gì nếu không tái hiện những biểu tượng của niềm vui và nỗi đau mang màu sắc cá nhân đó?
L.L (TTO)
Nhận xét
Đăng nhận xét