Đàn koto – nhạc cụ quốc hồn quốc túy của Nhật Bản

Trong các loại nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản, đàn koto có lẽ là loại nhạc cụ phổ biến nhất. Vào mùa hoa anh đào, người Nhật thường nghe những giai điệu quen thuộc chơi bằng nhạc cụ này.

Koto là một loại đàn Tam thập lục. Nó đã từng được dùng như một nhạc khí chính trong dàn nhạc thính phòng, chơi theo lối nhạc cổ truyền Nhật Bản. Chiều dài của koto vào khoảng 180 cm. Một cây đàn koto truyền thống có 13 dây, được căng ngang qua 13 thanh ngựa đàn có thể dịch chuyển được ở suốt dọc chiều dài đàn. Người chơi điều chỉnh âm cơ bản của đàn bằng cách di chuyển 13 ngựa đàn này trước khi chơi.

Các sử gia cho rằng Koto ra đời vào khoảng thế kỉ 15 – 13 TCN ở Trung Quốc. Ban đầu đàn chỉ có 5 dây, sao đó tăng lên 12, và cuối cùng là 13 dây. Đó là đàn koto 13 dây được du nhập vào Nhật trong thời Nara (710-794). Thời gian đầu, loại đàn này chỉ được chơi trong cung đình, sau đó nó được chơi chủ yếu bởi những nhạc công mù (hầu hết những dòng nhạc Nhật tiền cận đại đều được những nhạc công mù, thầy tu và người trong hoàng cung chơi).

Vào thế kỉ 17 (thời Edo), Yatsuhashi Kengyo (1614-1685), một trong những bậc thầy chơi Koto trong giới nhạc công mù, đã thành công trong việc chuyển Koto thành nhạc cụ độc tấu. Và vì vậy ông được biết đến như cha đẻ của phong cách chơi koto hiện đại. Đến thế kỉ 20, Michio Miyagi (1894-1956), cũng là một nhạc công koto mù, đã đưa phong cách nhạc phương Tây vào âm nhạc của Koto.

Ban đầu, koto thường được chơi cùng với các nhạc khí bộ dây và bộ khí khác, nhưng sau này, người ta đã dùng nó để độc tấu. Nó cũng thường được chơi với shamisen (đàn tam) và shakuhachi (sáo trúc) hoặc để đệm hát.

Trong các loại nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản, koto có lẽ là loại nhạc cụ quen thuộc và phổ biến nhất. Trong những ngày lễ hội đầu năm, người ta thường song tấu với shakuhachi làm nhạc nền, và vào mùa hoa anh đào, mọi người thường được nghe giai điệu quen thuộc, chơi bằng đàn Koto.

(HNS)

Nhận xét