Phim hoạt hình “Turning Red” mang lại tiếng cười từ nhiều tình huống hài hước và các nhân vật dễ thương. Tuy nhiên, nội dung phim chưa thực sự tạo được ấn tượng mạnh.
Câu chuyện trong Turning Red (Tựa Việt: Gấu đỏ biến hình) chọn mốc thời gian năm 2002. Nhân vật chính là nữ sinh trung học Mei (Rosalie Chiang lồng tiếng) người Canada gốc Hoa, đang sống tại khu phố Tàu ở Toronto.
Không chỉ là học sinh hạng A ở trường, cô bé 13 tuổi còn là cục cưng của bố mẹ vì là con một. Một buổi sáng sau khi thức dậy, Mei thấy mình trở thành gấu trúc đỏ khổng lồ. Sự việc khiến nhân vật gặp nhiều rắc rối nhưng cũng giúp cô phát hiện bí mật về nguồn gốc tổ tiên.
Kịch bản hoài cổ
Tác phẩm là phim đầu tay của nữ đạo diễn Domee Shi – nổi tiếng với phim hoạt hình ngắn Bao (2018) từng thắng Oscar 2019. Đây cũng là dự án đầu tiên của Pixar hoàn toàn do bàn tay một phụ nữ nhào nặn.
Ý tưởng kịch bản không mới, chịu ảnh hưởng từ một số tác phẩm manga, anime kinh điển. Nổi bật là truyện tranh Ranma ½ của Takahashi Rumiko, kể về cậu con trai có thể biến thành con gái còn bố hóa thành gấu trúc đen. Tương tự, phim hoạt hình Pom Poko (1994) của đạo diễn Isao Takahata từng khai thác loài gấu mèo có khả năng biến hóa vạn vật, kể cả con người.
Câu chuyện trưởng thành (coming-of-age) của Mei cũng đơn giản và quen thuộc như các tác phẩm cùng dòng. Tuy nhiên, Domee Shi và đồng biên kịch Julia Cho vẫn biết cách thêm thắt tình huống để tạo sự bất ngờ.
Chọn mốc thời gian năm 2002, phim khơi gợi ký ức tuổi thơ của phần lớn khán giả thuộc thế hệ Y (những người sinh năm 1981 đến 1996). Đó là thời điểm Kpop chưa lên ngôi, các nhóm nhạc nam Âu Mỹ đang nổi đình nổi đám như Westlife, Backstreet Boys, NSYNC, Boyzone,…
Trong phim, Mei và ba bạn thân đều hâm mộ cuồng nhiệt 4*Town – nhóm nhạc nam giả tưởng gồm năm thành viên. Bộ tứ quyết tâm dành dụm tiền để tận mắt nhìn thấy thần tượng tại show diễn. Thậm chí, Mei ưu tiên việc kiếm tiền mua vé nhiều hơn cả giải quyết vấn đề gấu trúc đỏ.
Các nhân vật không đắm chìm vào thế giới của mạng xã hội và điện thoại thông minh. Thay vào đó, Mei đam mê đồ chơi Tamagotchi (máy nuôi thú ảo), xem nó như vật bất ly thân. Học sinh trong trường thì khao khát được chụp hình chung với gấu trúc đỏ để lưu niệm.
Hình ảnh dễ thương, hút mắt
Suốt thời lượng 100 phút, kịch bản lồng ghép nhiều yếu tố huyền ảo xen lẫn phiêu lưu, hành động để dẫn dắt người xem. Nhiều lời thoại và tình huống hài hước được sắp đặt để tạo tiếng cười nhẹ nhàng.
Mọi suy nghĩ của Mei được thuật lại qua lăng kính hồn nhiên, dễ thương. Ban đầu, cô bé không quá lo lắng khi bản thân trở thành gấu đỏ mà nghĩ rằng mình đang mơ. Khi phát hiện mình có cảm xúc với con trai, Mei vẽ lại suy nghĩ vào trong cuốn tập với gương mặt ngại ngùng.
Tác phẩm phát huy thế mạnh của Pixar trong việc khai thác hình ảnh. Để lột tả cuộc sống màu hồng của cô bé mới lớn, đạo diễn sử dụng nhiều khung hình rực rỡ, hút mắt. Tạo hình các nhân vật được thiết kế với đôi má phúng phính, đôi mắt căng tròn, gợi nhớ Inside Out (2015), Coco (2017) hay Luca (2021).
Giống Kungfu Panda (2008) và Kubo And The Two Strings (2016), đạo diễn cũng khéo léo kết hợp các yếu tố Đông, Tây. Bối cảnh Khu phố Tàu giúp phim khác biệt các sản phẩm của Pixar. Các yếu tố văn hóa Trung Quốc được đan cài như đền thờ tổ tiên, lồng đèn đỏ, nhà mái ngói…
Nhiều hình ảnh được sử dụng để tri ân ngành công nghiệp anime của Nhật Bản. Thi thoảng, các hình ảnh 2D được chèn bên cạnh đồ họa 3D để thay đổi không khí. Khi gặp cảm xúc mãnh liệt, đôi mắt các nhân vật biến thành cỡ lớn với nước mắt dâng trào.
Câu chuyện cũng được nâng tầm nhờ phần âm nhạc do Ludwig Goransson – từng làm Black Panther (2018), Tenet (2020) - đảm nhận. Trong đó, Billie Eilish và anh trai Finneas O'Connell cùng viết ba ca khúc gốc cho phim.
Thông điệp ý nghĩa nhưng chưa sâu
Sau những tiếng cười, kịch bản cài cắm nhiều ẩn ý. Chẳng hạn, việc Mei hóa thành gấu trúc là ẩn dụ cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên của các bé gái. Màu đỏ được sử dụng thường xuyên, thể hiện cảm xúc hỗn loạn của nhân vật khi không thể kiểm soát bản thân.
Phim cũng lồng ghép ý nghĩa về tình bạn và gia đình. Khi Mei gặp vấn đề, các bạn không xa lánh mà còn tìm cách giúp đỡ cô. Lời động viên và sự chân thành của bạn bè là động lực để Mei vượt qua nỗi sợ hãi và mặc cảm.
Bố mẹ cũng là người liên tục hỗ trợ Mei vượt qua khó khăn. Đặc biệt, nhân vật mẹ Ming (Sandra Oh lồng tiếng) được xây dựng theo nguyên mẫu “mẹ hổ” - định kiến quen thuộc của phương Tây về người Trung Quốc. Hành trình của Mei giúp bà nhớ lại quá khứ, đồng thời nhận ra sai lầm trong việc nuôi dạy con. Theo đó, phim cho rằng cha mẹ không nên giám sát, chăm chút con quá nhiều mà cần đề cao sự tự do, để các bạn trẻ có không gian riêng.
Điểm trừ của phim là thông điệp vẫn cũ kỹ, quen thuộc. Ý nghĩa giáo dục còn đơn giản, dễ hiểu như được rút ra từ sách giáo khoa. Phim không yêu cầu khán giả phải động não nên cũng không gây được ấn tượng mạnh về cảm xúc.
Chính vì đặt nặng tính giải trí nên các nhân vật được xây dựng chưa sâu sắc, suy nghĩ còn đơn giản. Ở hồi cuối, kịch bản dần đuối sức, ít bất ngờ và không hấp dẫn như nửa đầu.
Nội dung phim phù hợp với học sinh trung học và phụ huynh hơn là các đối tượng khán giả khác. Ngoài ra, các tình tiết có thể gần gũi với thế hệ Y nhưng chưa chắc sẽ tạo cảm xúc mạnh với thế hệ Z.
S.P (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét