Tiếng nói dân tộc trong âm nhạc thế giới nửa đầu thế kỷ 20

Giữa những xu hướng cách tân của các trường phái Ấn tượng, Biểu hiện, và sự nổi loạn của âm nhạc phi điệu thức trong khoảng thời kỳ năm 1900-1950, chủ nghĩa dân tộc nảy nở từ thế kỷ 19 vẫn bám trụ và tự làm mới mình theo hơi thở hiện đại.

Có lẽ tình hình chính trị thời kỳ bắt đầu hai cuộc chiến tranh thế giới chính là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân tộc sinh sôi và phát triển. Ngay từ trước Thế chiến thứ nhất, khi mà quyền bá chủ của đế chế Đức và Áo-Hung ở châu Âu chuẩn bị lung lay mạnh mẽ, các nhà soạn nhạc đã bắt đầu có xu hướng đi tìm bản sắc dân tộc riêng của mình trong những nguồn âm nhạc bản địa để dần dần giải phóng khỏi ngôn ngữ âm nhạc cổ điển truyền thống Áo-Đức. Tính dân tộc mới lạ có thể thấy đậm nét nhất trong âm nhạc của các tác giả Anh và các nước Đông Âu như Hungary và Czechoslovakia (nay là hai nước độc lập Czech và Slovakia), thể hiện trong sự ưu ái những giai điệu dân ca, thánh ca, những vũ khúc mang âm hưởng ái quốc. Đặc biệt, thời kỳ này cũng chứng kiến sự trỗi dậy của tiếng nói dân tộc trong âm nhạc cổ điển từ một lục địa ngoài châu Âu là Mỹ. Nếu như trong thế kỷ 19, những tác phẩm mang tính dân tộc của Chopin, Liszt, Dvořák, hay các tác giả Nga như Mussorgsky, Rimsky-Korsakov, Borodin v.v. chủ yếu sử dụng các chất liệu dân ca theo hướng gọt giũa chúng để hài hòa vào với phong cách âm nhạc cổ điển truyền thống thì chủ nghĩa dân tộc bước sang thế kỷ 20 lại làm điều ngược lại, đó là giữ nguyên những gì độc đáo, gai góc, “dân tộc” nhất trong âm nhạc bản địa để mang đến làn gió mới cho nhạc cổ điển. Đến những năm 1920, 1930, sự phát triển của những công nghệ thu âm mới cho phép các nhà soạn nhạc – nhà sưu tầm nhạc dân ca như Béla Bartók, Percy Grainger, Vaughan Williams v.v. ghi chép lại những điệu dân ca với độ chính xác cao về tiết tấu và cao độ, để từ đó có thể tìm cảm hứng sáng tạo những phong cách mới và mở rộng vốn tiết tấu, điệu thức, v.v. cho âm nhạc của mình, hòa cùng xu hướng cách tân hiện đại của thế kỷ.

Anh: Tìm lại bản sắc trong di sản âm nhạc Phục hưng

Ở Anh, chủ nghĩa dân tộc đã được báo hiệu từ năm 1899 bởi tác phẩm Khúc biến tấu Enigma của Edward Elgar. Điều đặc biệt là, tuy Elgar thường không hề sử dụng chất liệu dân gian nào trong các tác phẩm của mình, âm nhạc của ông vẫn toát lên một hơi hướng rất riêng biệt và đặc trưng Anh. Có lẽ phần nào là bởi những giai điệu của ông có xu hướng mô phỏng ngữ điệu của lối nói chuyện của người Anh: trầm bổng rõ ràng và thường đi xuống ở cuối câu. Hai bản giao hưởng của ông (sáng tác năm 1908 và 1911), đã đặt nền móng quan trọng cho trường phái dân tộc Anh mới, dẫn đầu bởi Gustav Holst và Vaughan Williams. Cả hai nhà soạn nhạc này đều rất hứng thú với âm nhạc nguồn cội của nước Anh, từ nhạc dân ca cho đến âm nhạc thời Elizabeth I (nửa sau thế kỷ 16), thời kỳ đỉnh cao của văn hóa nghệ thuật Phục hưng ở Anh.

Trong hai người thì Vaughan Williams khai thác nguồn âm nhạc này theo một cách trực tiếp và hiệu quả hơn. Các tác phẩm của ông sử dụng rất nhiều chất liệu dân ca, ví dụ như trong Greensleeves, Năm khúc dân ca Anh (1913), hay bản soạn các điệu nhảy dân gian The Running Set (1934). Không chỉ dừng lại ở việc biên soạn các khúc nhạc và điệu nhảy dân gian, Vaughan Williams còn thể hiện chất dân tộc trong các tác phẩm nguyên tác của mình. Rất nhiều tác phẩm của ông có tựa đề nhắc đến các địa danh của nước Anh, gợi tả trực tiếp bầu không khí và cảnh quan đất nước, ví dụ như Norfolk Rhapsodies (1907) hay On Wenlock Edge (1909) – tác phẩm phổ nhạc cho sáu bài thơ của A.E.Housman với giai điệu gần với dân ca. Nhưng tác phẩm tiêu biểu nhất cho phong cách của Vaughan Williams phải kể đến bản Fantasia on a Theme by Thomas Tallis (Bản fantasy dựa trên một giai điệu chủ đề của Thomas Tallis), viết năm 1910. Ngoài việc sử dụng giai điệu trong một bản thánh ca của nhà soạn nhạc người Anh thế kỷ 16 này, tác phẩm cũng mang cấu trúc chia đoạn đặc trưng của các bản fantasy thời kỳ Elizabeth I. Phong cách Vaughan Williams cô đọng lại ở cách xử lý mang tính biến tấu tự do các chất liệu giai điệu dân tộc cơ bản. Phương pháp này được phát triển hơn lên trong các bản giao hưởng của ông và sau đó đã thành hẳn một trường phái sáng tác mới trong thể loại giao hưởng của Anh thế kỷ 20 với đặc trưng là tinh thần đồng quê và dân tộc. Ví dụ như Giao hưởng London (1914), với đường nét giai điệu định hướng bởi gam ngũ âm (pentatonic scale) và các âm giai (modes), đã khắc họa những nơi chốn và khung cảnh sinh hoạt ở thủ đô London như quảng trường Bloomsbury, công viên Hampstead Heath, hay con đường đê Westminster.

Đông Âu: Kho tàng ngôn ngữ dân gian nguyên bản

Chủ nghĩa dân tộc trong thế kỷ 20 diễn ra quyết liệt nhất ở Đông Âu mà nhân vật không thể không nhắc đến là Béla Bartók (1881-1945). Vùng lãnh thổ của Vương quốc Hungary vào thời kỳ của Bartók bao gồm nhiều nhóm dân tộc khác nhau với những ngôn ngữ riêng, đa dạng. Bản thân Bartók được sinh ra ở vùng nay thuộc Romania, bắt đầu sáng tác khi sinh sống ở vùng nay thuộc Ukraine, và đi học tại vùng nay thuộc Slovakia. Việc được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau có lẽ đã khơi nguồn cho tình yêu đặc biệt của ông với âm nhạc dân gian. Gạt qua bên ngoài những căng thẳng và tranh chấp chính trị, Bartók ưu ái những giai điệu Hungary, Slovakia, Romania hay Bulgaria như nhau. Các tác phẩm cho dàn nhạc như Phác họa Hungary (1931, chuyển thể từ sáng tác cho piano năm 1908-1911), Những điệu nhảy dân gian Romania (1915) vừa mang những nét đặc trưng riêng, vừa mang đậm hơi thở dân gian vùng Đông Âu. Ông viết về triết lý ‘dân tộc’ trong âm nhạc của mình như sau: “Điều mà tôi thực sự muốn hướng đến là tình anh em giữa các dân tộc… tôi cố gắng phục vụ lý tưởng này bằng âm nhạc của mình… và đó là lý do vì sao tôi không khép cửa trước nguồn ảnh hưởng nào, kể cả từ Slovakia, Romania, Ả Rập hay bất kỳ dân tộc nào khác.”

Cùng với nhạc sĩ đồng hương Zoltán Kodály, Bartók dành rất nhiều thời gian cho việc sưu tầm và hệ thống lại nhạc dân ca Hungary, đặc biệt là ở vùng Transylvania, nơi mà văn hóa dân tộc thiểu số Hungary được coi là thuần túy nhất. Khác với cách sử dụng chất liệu dân ca nguyên mẫu trong tác phẩm của mình như của Kodály (ví dụ như trong Tứ tấu số 1, 1909), Bartók sử dụng nhạc dân ca theo những cách khác nhau để làm phong phú ngôn ngữ âm nhạc theo xu hướng hiện đại của bản thân. Bartók tìm thấy trong nhạc dân gian cổ đại của Hungary các âm giai và ngũ âm để thay thế cho điệu thức âm nguyên (diatonic), và sự đa dạng cũng như linh hoạt của tiết tấu để thoát khỏi tính ổn định của tiết tấu trong âm nhạc cổ điển truyền thống. Âm hưởng của giai điệu, tiết tấu và phong cách trữ tình Hungary thể hiện rất rõ trong vở opera Lâu đài của công tước Râu Xanh (Duke Bluebeard’s Castle, 1911). Phong cách dân tộc của Bartók thực sự trưởng thành vào những năm 1920-1930 với các tác phẩm như Piano Concerto Số 1 và Số 2 (1926, 1931), Nhạc cho đàn dây, bộ gõ và Celesta (1936). Trong các tác phẩm này, cách sử dụng nhiều loại gam khác nhau, mở rộng tiềm năng của hòa âm và những tiết tấu mới đã thể hiện rõ phong cách hiện đại rất riêng biệt của Bartók so với phong cách đồng quê không sắc nét của các tác giả nhạc dân ca khác.

Ở Czechoslovakia, nơi mà chủ nghĩa dân tộc đã ăn sâu trong âm nhạc từ thời lãng mạn của Smetana và Dvořák thì đến thế kỷ 20, Leoš Janáček đã mang đến một tinh thần mới. Không chỉ yêu thích và khai thác các làn điệu dân ca, đặc biệt hơn, ông chú trọng đến ngữ điệu của lời nói và sử dụng những nhịp điệu đặc trưng của tiếng Moravia, ngôn ngữ mẹ đẻ của ông. Cũng chính nhờ sự gắn kết đó với ngôn ngữ mà Janáček đặc biệt thành công ở thể loại opera với các tác phẩm như Jenůfa (1903) hay Con chồn nhỏ quỷ quyệt (The Cunning Little Vixen, 1923).

Mỹ: Tiếng nói mới từ một châu lục khác

Vào gần giữa thế kỷ 20, chủ nghĩa dân tộc mở rộng phạm vi ra ngoài châu Âu. Một tiếng nói mới trong âm nhạc bắt đầu cất lên từ Mỹ, khác hẳn với âm hưởng châu Âu truyền thống. Một trong những nhà soạn nhạc người Mỹ đầu tiên có ảnh hưởng lớn là Charles Ives (1874-1951). Sinh ra và lớn lên ở New England, Ives gắn kết âm nhạc của mình chặt chẽ với văn hóa của miền đông bắc nước Mỹ – từ lịch sử, phong cảnh cho đến triết học và văn học của vùng. Ives quan tâm đến ý tưởng mà âm nhạc thể hiện hơn là bản thân phong cách âm nhạc. Điều này rất gần với triết lý sáng tác của các tác giả hiện đại, tiêu biểu như Schoenberg. Chính tư tưởng hiện đại này đã tạo nên nét khác biệt trong âm nhạc theo chủ nghĩa dân tộc của Ives. Tác phẩm Concord Sonata cho piano của ông hội tụ tư tưởng triết học transcendentalism (triết lý tin tưởng vào sự tốt đẹp của bản chất sẵn có trong con người cũng như thiên nhiên) của Ralph Waldo Emerson, Nathaniel Hawthorne, cha con nhà Alcotts, và Henry David Thoreau, với bốn chương được đặt tên lần lượt theo tên các danh nhân của vùng. Trong tác phẩm Ba nơi ở New England (Three Places in New England, 1914), gợi tả những kỉ niệm như một buổi dã ngoại của lũ trẻ hay những cảm xúc của một cậu bé khi chứng kiến cuộc chiến giành độc lập, Ives sử dụng rất phóng khoáng các hành khúc, những bài hát quen thuộc, các điệu nhảy và cả nhạc thánh ca.

Đến sau Thế chiến thứ nhất, dòng nhạc jazz lên ngôi ở Mỹ và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả những nhà soạn nhạc cổ điển. Một thế hệ các nhạc sỹ trẻ sinh ra trong kỷ nguyên jazz đã định hình lại “chất Mỹ” thể hiện trong âm nhạc. George Gershwin, tác giả nổi tiếng của Rhapsody in Blue (1928), đã tuyên bố: “Điệu dân ca Mỹ thực thụ chính là một bản nhạc ragtime.” Ragtime là một thể loại âm nhạc xuất xứ từ những người da đen Mỹ hồi cuối thế kỷ 19, với đặc trưng tiết tấu đảo phách, chủ yếu chơi trên piano, là tiền đề của thể loại nhạc jazz. Và quả thật nhạc jazz trong thế kỷ 20 đã trở thành tiếng nói Mỹ riêng và đặc trưng nhất, thể hiện tính đa sắc tộc, đa văn hóa và tinh thần tự do của đất nước này. Dòng nhạc cổ điển đành nhường cho jazz vị thế linh hồn âm nhạc Mỹ.

Khánh Minh (HNS)

————————————————

Tài liệu tham khảo:

Bayley, A. (2001) (ed) The Cambridge Companion: Bartók, Cambridge: CUP

Day, J. (1998) Master Musician: Vaughan Williams, Oxford: OUP

Griffiths, P. (1978) Modern Music: A Concise History from Debussy to Boulez, Thames & Hudson: World of Art

Grout, D.J. (1996) A History of Western Music, W.W.Norton

Morgan, R.P. (1991) Twentieth Century Music, W.W.Norton: The Norton Introduction to Music History

Ross, A. (2007) The Rest is Noise: Listening to the Twentieth Century, Harper Perennial

Nhận xét