Một nghiên cứu đánh giá 26 nghiên cứu đã tìm thấy những lợi ích về sức khỏe tinh thần mà âm nhạc đem lại cũng tương đương với tập luyện và giảm cân.
“Âm nhạc”, nhà khoa học thần kinh Oliver Sacks đã viết, “có một sức mạnh vô song trong biểu đạt những trạng thái nằm sâu bên trong của cảm xúc. Âm nhạc có thể tác động thẳng đến trái tim; không cần đến khâu trung gian”.
Một phân tích mới đã xác nhận một điều hoàn toàn đúng đắn với những người yêu âm nhạc – đó là hát, chơi nhạc hay nghe nhạc cũng có thể cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ.
Đó là một nghiên cứu đánh giá 26 nghiên cứu được thực hiện ở nhiều quốc gia, trong đó có Australia, Anh, Mỹ và tìm thấy là âm nhạc đã đem lại một cú thúc đẩy gia tăng sức khỏe tâm thần đáng kể về mặt lâm sàng. Bảy nghiên cứu trong đó về liệu pháp âm nhạc, 10 nghiên cứu tìm hiểu hiệu quả của việc lắng nghe âm nhạc, tám nghiên cứu kiểm tra việc hát và một kiểm tra hiệu quả của nhạc Phúc âm.
Phân tích này, được xuất bản trên tạp chí Journal of the American Medical Association Network Open, “Association of Music Interventions With Health-Related Quality of Life: A Systematic Review and Meta-analysis”, xác nhận “những can thiệp âm nhạc có mối liên hệ với những cải thiện đầy ý nghĩa về sức khỏe”, khi đo lường về mặt định lượng thông qua dữ liệu điều tra tiêu chuẩn chất lượng cuộc sống [1].
Những hiệu quả mà nó đem lại tương đồng với việc những người tham gia hát, chơi nhạc hoặc thậm chí là lắng nghe âm nhạc.
Các tác giả của phân tích mới này đề xuất là lợi ích của âm nhạc đối với chất lượng cuộc sống tinh thần gần với hiệu quả cải thiện sức khỏe tinh thần do tập thể dục hay giảm cân.
“Cần thiết có thêm những nghiên cứu trong tương lai để phân biệt được những can thiệp bằng biện pháp âm nhạc tối ưu và các mức phù hợp để cho các điều trị lâm sàng cụ thể và các kịch bản sức khỏe công cộng”, các tác giả cho biết trong công bố, đồng thời nhấn mạnh vào “sự khác biệt đáng kể về mặt cá nhân trong phản hồi các biện pháp can thiệp bằng âm nhạc” trong khắp các nghiên cứu được phân tích.
“Từ trải nghiệm cá nhân, nhiều người trong chúng ta đã biết một can thiệp bằng âm nhạc có thể ý nghĩa như thế nào tại những thời điểm khác nhau, trong đó có phẫu thuật, ốm đau hay có vấn đề về sức khỏe tâm thần”, Kim Cunio, một phó giáo sư tại trường đại học quốc gia Australia và không tham gia vào nghiên cứu này, nói.
“Nghiên cứu này tạo sự kết nối giữa các trải nghiệm cá nhân của chúng ta và một lượng dữ liệu về nghiên cứu có bình duyệt đang không ngừng gia tăng, qua đó khiến cho trường hợp này của âm nhạc đóng vai trò như một giải pháp can thiệp hàng đầu trong hệ thống sức khỏe của chúng ta.
Tất cả chúng ta là các chuyên gia âm nhạc bởi vì chúng ta đã dành hàng ngàn giờ để lắng nghe âm nhạc, mã hóa chúng trong não bộ chúng ta và phản hồi lại nó. Có bất kỳ thắc mắc nào xuất hiện khi chúng ta nghe nhạc, có cái gì đó đáng kể diễn ra không?
Khi có cảm giác có điều gì đó hơi bất ổn, tôi bật nhạc lên giống như mọi người vẫn thường làm. Đôi khi âm nhạc là một tiếng vọng có ý thức về cái mà tôi đang cảm nhận được… buồn bã và ảm đạm chẳng hạn. Nhưng thi thoảng thì tôi cũng cần âm nhạc đem lại cho tôi cho một cảm xúc hoàn toàn khác, có thể bứng tôi ra khỏi không gian này.
“Đó là điều kỳ diệu đích thực của âm nhạc – không có quy tắc quy định thể loại nào, tác phẩm nào là tốt nhất, phù hợp nhất để lắng nghe cả. Chúng ta chỉ có cách là nghe theo những gì trái tim mình mách bảo”.
Thanh Phương (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét