Với một cách tiếp cận mới, các nhà khoa học dữ liệu Hàn Quốc đã đặt một cái nhìn xuyên suốt ba thế kỷ, “cân đong đo đếm” 900 tác phẩm viết cho piano của 19 nhà soạn nhạc để giải đáp câu hỏi: Ai là nhà soạn nhạc có nhiều đổi mới sáng tạo bậc nhất? Cuối cùng câu trả lời có thể gây ngạc nhiên bất cứ nhà nghiên cứu âm nhạc và nghệ sĩ biểu diễn nào...
Con người thường có thói quen phân loại các sự vật, hiện tượng, con người xung quanh theo các cặp tính chất mang tính so sánh như vô dụng – hữu dụng, tốt – xấu, tốt – tốt hơn, đẹp – đẹp nhất… Thế giới âm nhạc cổ điển cũng không ngoại lệ. Từ lâu trong lịch sử, người ta đã cố tìm cách chọn ra “nhà soạn nhạc vĩ đại nhất”, “nhà soạn nhạc có nhiều ảnh hưởng nhất”, “nhà soạn nhạc có nhiều cách tân nhất”... Dựa trên những tiêu chí nhất định, mỗi người đều có một đáp án cho riêng mình và đôi khi người ta cũng nhầm lẫn: ngay cả các nhà soạn nhạc thiên tài cũng từng bị đương thời coi là tầm thường. Ví dụ lúc sinh thời, J. S. Bach chỉ được coi là người chơi đàn organ tài năng và nhà tư vấn về đàn organ hơn là một nhà soạn nhạc đích thực. Những người ở Leipzig tuyên bố tuyển ông vào vị trí giám đốc âm nhạc (Thomaskantor) danh giá của dàn hợp xướng nhà thờ St Thomas chỉ vì “người giỏi nhất [nhà soạn nhạc Telemann] vắng mặt”. Thế nhưng sau khi ông qua đời, những nhà soạn nhạc thế hệ sau đã tôn thờ ông: “Bach không phải dòng suối nhỏ mà là cả đại dương” (Beethoven), “Bach như một nhà thiên văn học với sự trợ giúp của các mật mã đã tìm thấy những ngôi sao kỳ diệu nhất” (Friederick Chopin), “Bach là điểm bắt đầu và kết thúc của mọi thứ âm nhạc” (Max Reger), “Các thể loại âm nhạc hiện đại vay mượn tất thảy từ Bach” (Niccolai Rimsky-Korsakov)...
Với một chút tò mò về thế giới âm nhạc cổ điển phương Tây, một nhóm gồm ba nhà nghiên cứu ở Viện KH&CN Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đã kiểm tra khả năng trợ giúp của các mô hình tính toán dựa trên mô hình hóa và phân tích dữ liệu không đồng nhất ở quy mô lớn, vốn hứa hẹn dẫn đến những hiểu biết mới về hành vi và tài năng của con người. Họ thử lật lại vấn đề “ai là nhà soạn nhạc có nhiều cách tân nhất” trong lịch sử âm nhạc, trải dài từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 qua những giai đoạn phát triển là Baroque (1700–1750), Cổ điển (1750–1820), Tiền Lãng mạn (1800–1820), và Lãng mạn (1820–1910) với 19 nhà soạn nhạc xuất sắc, mở đầu là Johann S. Bach, Georg F. Handel và khép lại bằng Maurice Ravel. Kết quả của nghiên cứu này là công trình “Novelty and influence of creative works, and quantifying patterns of advances based on probabilistic references networks” (Những tác phẩm mới và có ảnh hưởng, và những mẫu hình xác định số lượng của những tiên tiến dựa trên cơ sở các mạng tham chiếu xác suất), xuất bản vào ngày 30/1/2020 trên tạp chí EPJ Data Science 1.
Thuật toán "đo đếm" âm nhạc
Trong công trình nghiên cứu này, các tác giả đã sử dụng một mô hình tính toán để tìm ra tính mới của 900 tác phẩm viết cho piano của các nhà soạn nhạc, nghiên cứu sự tương quan của chúng với những đặc điểm đã biết của âm nhạc tại thời điểm họ sáng tác. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu đo lường ảnh hưởng của các tác phẩm đó tới những tác phẩm của các nhà soạn nhạc hậu thế và tìm ra sự “tiến hóa” của các phong cách sáng tác trong lịch sử ba thế kỷ âm nhạc.
Với nền dữ liệu mà theo sự miêu tả của ba nhà nghiên cứu Hàn Quốc là lớn, phong phú và không đồng nhất, họ đã “tháo dỡ” các tác phẩm âm nhạc, đưa những chương, phần mở đầu, phần kết, các đoạn phát triển chủ đề, thậm chí các nốt nhạc… vào một đơn vị cơ bản khác, các từ mã (codeword) – về cơ bản từ mã biểu thị tất cả các nốt được chơi liền mạch trong một đơn vị thời gian. Thuật toán của họ đã phân tích trình tự của các từ mã trong những tác phẩm của một nhà soạn nhạc cụ thể rồi so sánh chúng với những tác phẩm được sáng tác trước đó của nhà soạn nhạc cũng như các tác phẩm ra đời cùng thời kỳ. Sự tương đồng giữa các hợp âm phóng chuỗi (sequenses) được sử dụng để tạo ra những bản nhạc mang tính mới của từng nhà soạn nhạc và để xác định nhà soạn nhạc nào có tầm ảnh hưởng.
Theo quan điểm của họ, tính mới trong tác phẩm của nhà soạn nhạc được đo lường bằng sự khác biệt của nó với những tác phẩm trong quá khứ và sự khác biệt ấy phải là của riêng nhà soạn nhạc; sự ảnh hưởng được đo lường bằng cách tác phẩm đó “phủ bóng” lên các tác phẩm tương lai như thế nào, và nó truyền cảm hứng và khơi nguồn sáng tạo của các nhà soạn nhạc thế hệ sau như thế nào. Trong thông cáo báo chí của Viện KAIST về công trình này, TS. Jouyong Park – tác giả chính của bài báo, đã giải thích: “Mô hình của chúng tôi cho phép tính toán mức độ chia sẻ của giai điệu và hòa âm giữa các tác phẩm được viết trong nhiều thời kỳ và quan sát sự ‘tiến hóa’ của các phong cách âm nhạc cổ điển được thể hiện thông qua sự ảnh hưởng của các nhà soạn nhạc nổi bật lên những nhà soạn nhạc khác.”
Vậy rút cục những thuật toán mà họ áp dụng đem lại kết quả gì? Thật bất ngờ, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã có những mẫu hình mà gần như không nhà âm nhạc học, nghệ sĩ biểu diễn hay người yêu nhạc cổ điển có thể ngờ tới. Vượt qua những “ứng cử viên” mà mọi người có thể nêu lên như J S Bach – người thiết lập nền tảng cho âm nhạc, L V Beethoven – người tạo cuộc cách mạng trong những thể loại âm nhạc mà ông chạm tới…, Sergei Rachmaninoff - nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano Nga từng “khước từ” sự hấp dẫn của âm nhạc 12 âm, tân cổ điển và nhiều hình thức tiên phong khác thịnh hành vào đầu thế kỷ 20 để làm giàu cho phong cách lãng mạn cùng Piotr Ilyitch Tchaikovsky, Johannes Brahms…, đã trở thành nhà soạn nhạc có nhiều cách tân nhất (tiếp theo là Bach, Brahms và Mendelsohn. Kết quả này khác biệt với nhận xét của nhiều nhà âm nhạc học khi coi những tác giả cùng thời như Igor Stravinsky hay Arnold Schönberg vượt trội hơn Rachmaninoff về sự cách tân.
Thuật toán mà các nhà khoa học dữ liệu Hàn Quốc áp dụng cho thấy, Rachmaninoff là người tạo ra nhiều bản nhạc kết hợp nhiều nốt mang tính mới bậc nhất và các tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn cuối đời mang nhiều tính mới hơn so với những tác phẩm sáng tác thời kỳ đầu. “Điều đó gợi ý là không phải bao giờ tính mới, tính sáng tạo cũng là thuộc tính riêng có của tuổi trẻ”, các nhà khoa học Hàn Quốc nhận xét. Nhận xét này cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu về những người thắng giải Nobel Kinh tế của hai giáo sư kinh tế Bruce Weinberg (trường Đại học Ohio) và David Galenson (trường Đại học Chicago) trên tạp chí De Economist vào tháng 5/2019 khi phát hiện ra có những đổi mới sáng tạo mang tính thực nghiệm cần các quá trình thử và sai lâu dài, vì thế chúng có xu hướng xuất hiện vào giai đoạn cuối sự nghiệp của một nhà khoa học đoạt giải Nobel 2.
Các thuật toán còn đem lại cho họ một kết quả khác: tính riêng biệt và thành công là hai đặc điểm quan trọng của những tác phẩm giàu tính sáng tạo nhưng không phải bao giờ chúng cũng kết hợp với nhau một cách hoàn hảo. Ví dụ, Handel dường như ít tính mới hơn Bach và nhiều nhà soạn nhạc khác nhưng lại ảnh hưởng các nhà soạn nhạc thời kỳ Cổ điển và Lãng mạn nhiều hơn. Tương tự, Beethoven, Schubert và Liszt ít tính mới hơn Mendelssohn và Schumann nhưng rút cục lại có nhiều ảnh hưởng lên những sáng tác cho đàn piano và truyền cảm hứng cho những sáng tác tiếp theo. Bên cạnh đó, sự tách bạch giữa tính mới và sự ảnh hưởng thể hiện rõ nét trong thời kỳ Cổ điển, đặc biệt là Mozart: tác phẩm của ông có ít từ mã mang tính mới nhất và ông thường chọn sử dụng những kỹ thuật sáng tác từ thời kỳ Baroque tuy nhiên tác phẩm của ông lại có các giá trị nghệ thuật ở mức cao khiến ông có nhiều ảnh hưởng với hậu thế. Theo TS. Park, “dù cần thiết để tạo ra một tác phẩm giàu sáng tạo nhưng tính mới lại không làm nên các phẩm chất sáng tạo và nghệ thuật trong một tác phẩm, vốn là những yếu tố tạo ra các giai điệu và hòa âm có khả năng lan tỏa đến hậu thế. Điều đó giải thích tại sao việc có nhiều tính mới không nhất thiết dẫn đến kết quả nhà soạn nhạc có nhiều ảnh hưởng hay không”.
Do đó, để coi một nhà soạn nhạc là “vĩ đại nhất” thì không thể dựa vào một thuộc tính là sự cách tân, đó là trường hợp của Beethoven, người có tính mới ở tầm trung bình. Ông đặc biệt nổi bật ở thời kỳ Tiền Lãng mạn, các nhà soạn nhạc trẻ thời kỳ này học hỏi các từ mã của ông và ngưỡng mộ ông hơn bất cứ nhà soạn nhạc tiền bối nào khác. Sự ngưỡng mộ đó được duy trì ở cả thời kỳ Lãng mạn. Nhiều nhà soạn nhạc Lãng mạn có những tác phẩm mang nhiều tính mới, cũng hành xử tương tự. Vì thế Beethoven được coi là nhà soạn nhạc có nhiều ảnh hưởng nhất.
Có thể tin cậy cách tiếp cận mới?
Không rõ các nhà khoa học Hàn Quốc có dự đoán được tác động của bài báo này không nhưng giới nghiên cứu âm nhạc theo phương pháp truyền thống – nghĩa là dựa vào bản chất âm nhạc trên cơ sở các tài liệu ghi chép, dựa vào các tổng phổ, phong cách sáng tác, sự hình thành và phát triển của các thể loại âm nhạc…, đã phản ứng dữ dội. Trả lời phỏng vấn của The Telegraph, TS. David Trippett, một nhà âm nhạc học hàng đầu trường Đại học Cambrige và là tác giả cuốn “Wagner’s Melodies: Aesthetics and Materialism in German Musical Identity” (Những giai điệu của Wagner: Tính mĩ học và chủ nghĩa duy vật trong bản sắc âm nhạc Đức), đã lập tức chỉ trích công trình này là “nhàm chán”, không đủ khả năng xác định được chất lượng âm nhạc cũng như so sánh chất lượng âm nhạc. Là một chuyên gia về âm nhạc thế kỷ 19 và là một nghệ sĩ piano, ông nhận xét, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã quên bản chất của “cái độc đáo và sáng tạo vốn đã gắn liền với chất lượng âm nhạc”.
Mặc dù dự đoán “khả năng là vào một ngày nào đó, chúng ta có thể đặt tất cả các thang đo âm nhạc vào một cái nồi ma thuật và sử dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo để ‘chế biến’ chúng” nhưng ông cũng cảnh báo “hiện chưa có cách nào làm được điều đó. Tôi không muốn bác bỏ nghiên cứu của các nhà khoa học khác nhưng đây chỉ là những bước sơ khởi”.
Trong bài báo của mình, ba tác giả Hàn Quốc cũng thừa nhận, điểm thiếu sót nhất của nghiên cứu này là mới chỉ phân tích tính mới và tầm ảnh hưởng của các nhà soạn nhạc trên thể loại tác phẩm viết cho piano. Có thể, các tác phẩm thuộc những thể loại khác như giao hưởng, concerto, âm nhạc thính phòng và các tác phẩm viết cho dàn nhạc khác của 19 nhà soạn nhạc sẽ đem lại những kết quả khác.
Ở góc độ một nghệ sĩ biểu diễn, Nguyễn Đức Anh - từng theo học tại Nhạc viện Freiburg và hiện đang biểu diễn và giảng dạy tại Leipzig, Đức, nhận xét: “Đây là một nghiên cứu thú vị để cho thấy tầm ảnh hưởng của các nhà soạn nhạc vĩ đại trên một góc nhìn trọn vẹn”. Với hai vị trí dẫn đầu danh sách “nhà soạn nhạc cách tân nhất”, anh phân tích, không chỉ là người hệ thống và quy chuẩn hệ thống thang âm qua hai bộ tác phẩm “Bình quân luật cho đàn phím”, Bach còn có những sáng tác phức điệu xuyên suốt cuộc đời được coi là sách giáo khoa về đàn phím cho thế hệ sau. Còn Rachmaninoff là đại diện cho sự nghiêm ngặt mà lại gần gũi, hướng đến thẩm mỹ của đại chúng khi thường sáng tác trên các chủ đề âm nhạc Nga với niềm hoài nhớ và sử dụng các âm điệu trưởng và thứ thông thường. “Tiếng lòng của người viết nhạc được giãi bày nhiều hơn, được thừa hưởng từ toàn bộ nền tảng trước đó, hẳn là ông cũng có những dấu ấn khác đã được định vị trong lịch sử”, anh nói.
Tuy nhiên, nghệ sĩ Nguyễn Đức Anh cũng lưu ý, “nếu chúng ta coi công trình này là sự đánh giá toàn diện về các nhà soạn nhạc thì chưa đủ”. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tác phẩm âm nhạc, ngay cả tính năng của nhạc cụ trong thời kỳ âm nhạc mà các nhà soạn nhạc sống cũng ảnh hưởng đến tác phẩm của họ, “có ví dụ đơn giản về quãng âm trong nhạc đàn giữa thời kỳ của Bach (chỉ gồm khoảng 4 quãng) và Rachmaninoff (cây đàn đủ 88 phím hoàn chỉnh như hiện nay) thì tỉ lệ lặp lại những âm cùng khu vực cao hơn rất nhiều”, anh nói.
Bản thân các nhà khoa học dữ liệu và khoa học tính toán cũng đưa ra nhiều nhận xét trái ngược. Giải thích về sự khác biệt của kết quả nghiên cứu này với suy nghĩ thông thường của mọi người, TS. Nguyễn Quang (trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TPHCM) cho rằng, “các mô hình tính toán (cách định nghĩa tính mới) khác nhau có thể cho ra kết quả khác nhau. Ở đây tác giả xử lý dữ liệu từng nốt nhạc và tìm kiếm sự tương quan của các nốt theo thời gian, dựa trên khoa học mạng lưới. Do đó, kết quả phân tích có thể đưa ra một cách xếp hạng khác: Bach xếp thứ hai nhưng Beethoven đứng xa”.
Dù tương đồng với nghệ sĩ Lưu Đức Anh về điểm hạn chế của nghiên cứu khi mới nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh “cách tiếp cận này có thể không mô tả được hết ý nghĩa của các bản nhạc và sự cảm nhận âm nhạc của con người, ví dụ có khi phải nghe nhiều nốt, nghe hết một đoạn mới thấy hết cái hay chẳng hạn”, TS. Nguyễn Quang cũng nhận xét thêm: “Tuy vậy cái hay của nghiên cứu này là chỉ ra một hướng đi mới bên cạnh hướng đi truyền thống là dùng khoa học dữ liệu ứng dụng cho phân tích âm nhạc”. Đó cũng là quan điểm của GS. TS Nguyễn Xuân Hùng (Trung tâm nghiên cứu liên ngành, ĐH Công nghệ TPHCM) – năm lần liên tiếp lọt vào danh sách Các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới với những bài báo về các mô hình tính toán có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực như cơ học, toán ứng dụng, y sinh, khoa học vật liệu…, “việc dùng một phương pháp khác để nghiên cứu trên dữ liệu sẵn có như thế này rất thú vị. Nó cũng là cách kiểm chứng kết quả của các nghiên cứu trước hoặc phát hiện cách tối ưu hơn nữa những nghiên cứu hiện tại”.
***
Người ta có thể biết được cái nhìn của những nhà nghiên cứu, những nghệ sĩ hiện tại về kết quả nghiên cứu nhưng có lẽ không có cách nào để biết được những nhà soạn nhạc có mặt trong danh sách 19 người nghĩ gì. Có lẽ, riêng với Rachmaninoff, người được ba nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho là cách tân hơn cả Bach, Beethoven, Mozart, Brahms và những bậc thầy khác, hẳn ông sẽ bối rối hơn là tự hào, dù từng đau đớn vì bị coi là “một nghệ sĩ piano tài ba nhưng là một nhà soạn nhạc tồi, đến mức không còn dám chắc chắn về khả năng sáng tác của mình…” và đã nghĩ đến chuyện ngừng sáng tác hoàn toàn. Ông ngưỡng mộ Bach, Bộ Bình quân luật đã khơi gợi ông sáng tác 24 prelude trên 24 âm trưởng và thứ, đồng thời chuyển soạn cho piano phần prelude, fugue, gigue từ Partita số 3 cho violin độc tấu của Bach. Với bản tính khiêm nhường và nhút nhát, có thể ông cũng sẽ chờ đến kết quả mới, nơi những bậc tiền bối của mình tiếp tục được ghi nhận.
---------------------------
“Anh không thể coi Bach, Mozart và Beethoven là những nhà soạn nhạc được yêu thích nhất: đơn giản họ chính là âm nhạc”. (Nhạc trưởng Mĩ Michael Tilson Thomas)
“Tôi tin vào Chúa, Mozart và Beethoven”. (Richard Wagner)
“Vẻ đẹp trong khoa học chính là vẻ đẹp trong âm nhạc của Beethoven”. (Nhà vật lý Victor Weisskopf)
“Nếu chúng ta không thể tạo ra tác phẩm có vẻ đẹp như của Mozart, ít nhất chúng ta cố gắng sáng tác với độ thuần khiết như ông”. (Johannes Brahms)
“Mozart là vị Chúa của âm nhạc… Ông đã xây nên những tòa lâu đài lộng lẫy từ những vật liệu tầm thường nhất”. (Tchaikovsky)
Tô Vân (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét