Saint-Saens, học trò là Fauré, rồi học trò của học trò là Ravel, đều là những nhà hòa âm đại tài và vô cùng sáng tạo. Thế nhưng họ vẫn đều phải cúi đầu tỏ lòng kính trọng trước một người khổng lồ trong lĩnh vực nghệ thuật khác, là Victor Hugo - đặc biệt là Saint-Saens.
Bản ngợi ca Victor Hugo này nguyên thủy được Saint-Saens viết cho dàn nhạc có tới 8 (!) thụ cầm (harp), đại phong cầm (organ) và cả dàn đồng ca, có lẽ vì chỉ vậy mới xứng với tầm vĩ đại của nhà Đại Văn Hào. Nó đã được trình diễn tại cung điện Trocadero với sự hiện diện của chính Victor Hugo, và đã được ông rất ngợi khen.
Organ là nhạc cụ yêu thích của Saint-Saens, hay được ông đưa vào cả nhạc giao hưởng - như ở Symphony No.3, còn có tên là Organ Symphony. Bản Hymne à Victor Hugo trên, sau đã được chuyển soạn chỉ cho đàn organ rất thành công.
Mời các bạn nghe Hymne à Victor Hugo (arranged for organ) do Gerard Brooks đàn organ (được chế tạo 1890 bởi Cavaillé-Coll tại Saint-Ouen Abbey Church, Rouen, Normandy, France)
Có lẽ nhiều bạn sẽ có thắc mắc và nuối tiếc... vì chưa được nghe đàn pipe organ.
Về Đại phong cầm ở Việt Nam, trước năm 1974, tại nhà thờ Lớn Hà Nội, đàn pipe organ bị dỡ đi vì mối mọt. Năm đó, Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn đi họp tại Paris, ngài được gửi tặng một chiếc pipe organ nhưng Bộ Văn hóa không cho phép chuyển về. Ngoài ra, còn một chiếc đàn pipe organ khác tại nhà thờ Sở Kiện (Hà Nam) đang trong tình trạng không sử dụng được. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cũng có cây đàn này, nhưng bị hư hỏng từ lâu mà chưa trùng tu được. Hầu hết, các nhà thờ lớn tại Việt Nam đều đang sử dụng đàn organ điện tử với âm thanh mô phỏng từ pipe organ".
Có lẽ đã đến lúc nhà nước nên đầu tư xây dựng một cây đại phong cầm? Hay phải trông chờ vào sự quyên góp của cộng đồng?
Thế nào cũng được. Nhưng phải có một cây pipe organ thực sự thì những tác phẩm vĩ đại viết cho cây đàn này của Bach, Handel, Pachelbel, Frank, Saint-Saens... mới có cơ hội đến với người yêu nhạc Việt Nam trong vẻ đẹp đích thực của nó!
N.H.N (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét