Ở tuổi 59, Tom Cruise không hề lép vế so với các đàn em. Tài tử là yếu tố không thể thay thế, làm nên thành công của bom tấn “Top Gun: Maverick”.
Thập niên 1980 từng tạo ra hàng loạt ngôi sao hành động, "tử hình" mẫu người hùng cơ bắp như Sylvester Stallone, Arnold Schwarzenegger, Bruce Willis đến các tượng đài như Harrison Ford, Mel Gibson. Song, không có tên tuổi nào giữ được sức nóng đến thời điểm hiện tại như Tom Cruise.
Năm 1986, nhân vật phi công Maverick trong Top Gun (1986) giúp anh vươn lên hàng đầu trong số những ngôi sao sáng giá tại Hollywood. Dự án là một cơn chấn động tại phòng vé, thu về doanh số cao gấp hơn 20 lần so với kinh phí 15 triệu USD.
Chưa kể, phim còn để lại dấu ấn mạnh mẽ trong văn hóa đại chúng, ảnh hưởng đến nhiều tác phẩm ra mắt sau này. Nhưng phải mất 36 năm sau, Tom Cruise mới được trở lại với vai diễn để đời, từng giúp anh hớp hồn bao thế hệ khán giả yêu điện ảnh.
Biểu tượng hành động trở lại
Nội dung phim khá đơn giản. Trung úy Maverick trước kia nay là đại úy Maverick, đồng ý huấn luyện những phi công giỏi nhất trong lực lượng quân đội Mỹ. Sau đó, cả nhóm sẽ cùng thực hiện một nhiệm vụ trên không được cho là nguy hiểm nhất trong lịch sử xứ cờ hoa.
Đạo diễn phần một Tony Scott nay được thay bằng Joseph Kosinski – từng làm Tron: Legacy (2010) và cộng tác Cruise trong Oblivion (2013). Hai minh tinh Kelly McGillis và Meg Ryan đều không trở lại. Bộ ba biên kịch cũng là những cái tên mới.
Thế nhưng, linh hồn của Top Gun năm nào vẫn được giữ nguyên nhờ màn hóa thân giàu cảm xúc của Tom Cruise. Bước qua tuổi 59, tài tử khó thể giữ được vẻ ngoài trẻ trung như thuở còn đôi mươi. Song, gương mặt lẫn hình thể của anh đều không cho thấy nhiều dấu hiệu thời gian.
Ngay từ những cảnh quay đầu tiên, Tom Cruise xuất hiện và kéo về cả một bầu trời ký ức. Người xem có cảm giác không phải 36 năm mà dường như chỉ mới hơn 10 năm trôi qua. Thậm chí có khán giả còn đùa rằng tài tử thực sự là "ma cà rồng" vì vẻ ngoài quá trẻ trung so với độ tuổi.
Không như nhiều tác phẩm khác, vai Maverick không yêu cầu Tom Cruise phải lăn xả trong những cảnh hành động, cháy nổ. Đổi lại, tài tử có nhiều đất để thể hiện tâm lý nhân vật, giúp chàng phi công hiện lên chân thực và rất đời.
Bài toán đặt ra cho các nhà làm phim là phải lấp đầy khoảng trống hàng chục năm giữa hai phần phim. Nhiều khán giả hẳn sẽ thắc mắc vì sao hơn ba thập niên, một người tài năng như Maverick lại chưa lên cấp tá mà vẫn lẹt đẹt ở cấp úy?
Câu trả lời đơn giản chỉ vì anh thích thế. Qua hóa thân của Tom Cruise, Maverick luôn là một phi công bất tuân quy tắc, khao khát gửi gắm tâm hồn vào bầu trời tự do nhiều hơn là giam mình trong quân ngũ.
Sau hàng chục năm, tính cách ấy hoàn toàn không thay đổi. Vì muốn trực tiếp được lái máy bay, nhân vật cố tình giữ chức đại úy mà mặc kệ thế sự, không màng đến việc lên hàm.
Có điều, sự nổi loạn của Maverick dường như đã được kìm khá nhiều nhờ những kinh nghiệm cuộc đời. Nhiều lần vấp ngã dạy anh biết khôn ngoan hơn, cẩn trọng trong từng lời nói đến cử chỉ.
Các biên kịch cố tình không đào sâu vào quá khứ nhân vật, nhưng ẩn sau đáy mắt Tom Cruise luôn là một nỗi buồn mênh mang, khó giãi bày. Một số tình tiết cũ được lướt qua cho thấy anh từng chịu nhiều mất mát trong quá khứ.
Một điều nữa cũng không hề mất đi ở Maverick chính là lòng yêu nghề, yêu tổ quốc và tinh thần hết lòng vì đồng đội. Đó là lý do tại sao anh không hề do dự khi gật đầu đồng ý tham gia nhiệm vụ cảm tử, dù biết trước sẽ có nhiều hiểm nguy đang chờ đón.
Kịch bản hoài cổ
Cấu trúc phim có thể được chia làm hai nửa. Trong đó, nửa đầu thực sự là màn tri ân đặc biệt dành cho tác phẩm gốc. Khán giả yêu thích phần phim 1986 có thể gặp lại một số cảnh quay quen thuộc, từ những phân đoạn máy bay chao đảo trên bầu trời đến khoảnh khắc nhân vật chính cởi trần, chơi thể thao cùng các phi công khác.
Không khí phim điện ảnh thập niên 1980 được tăng lên nhờ yếu tố lãng mạn (romance). Sau nhiều năm bôn ba đường đời, Maverick tạm dừng chân ở bến đỗ là mối tình với Penny Benjamin (Jennifer Connelly) – bà mẹ đơn thân kiêm chủ một quán bar.
Đội ngũ biên kịch cũng thêm thắt khá nhiều chi tiết nhằm tăng gia vị cho phần hai. Chẳng hạn, chàng phi công có cơ hội gặp lại con trai người bạn quá cố là trung úy Bradley Bradshaw (Miles Teller). Anh cũng nhìn thấy hình ảnh chính mình khi trẻ trong lúc huấn luyện cho những phi công thế hệ mới.
Ngoài Tom Cruise, một yếu tố hút khách nữa là các cảnh hành động – chủ yếu đổ dồn vào nửa sau khi Maverick cùng cả nhóm thực hiện nhiệm vụ. Ê-kíp hoàn toàn không sử dụng phông xanh và kỹ xảo CGI. Điều này xuất phát từ yêu cầu của Tom Cruise khi muốn tạo ra những phân đoạn chân thực nhất.
Đó là lý do những màn hành động trong phim không chiếm nhiều thời lượng, nhưng tổng kinh phí đắt đỏ lên đến 170 triệu USD. Từ các phân đoạn trong buồng lái đến cảnh bay lượn thực tế trên không đều được xây dựng tự nhiên, đúng theo phong cách làm phim những thập niên trước.
Tuy nhiên, khán giả yêu thích các cảnh hành động thiên về kỹ xảo hơi hướm phim Marvel có thể sẽ không ưng ý. Chưa kể, cách xây dựng các màn không chiến còn đơn điệu, thiếu yếu tố bất ngờ. Đạo diễn chủ yếu luồn lái cảm xúc người xem bằng những góc máy chao đảo và phần âm nhạc dồn dập để tạo kịch tính. Đó là điều bất kỳ ai cũng có thể đoán được ngay cả khi chưa xem phim.
Bên cạnh Tom Cruise, dàn diễn viên trẻ đẹp giúp tác phẩm có thêm sức sống. Dù không phải nam chính, Miles Teller vẫn có khoảnh khắc tỏa sáng. Với khả năng diễn xuất được bảo chứng từ Whiplash (2014), anh biến nhân vật trở thành một con người có nội tâm giằng xé, phải tự học để thay đổi khi đối diện biến cố cuộc đời, tương tự Maverick.
Lần đầu đóng cặp Tom Cruise, Jennifer Connelly tạo nên một cặp đôi đẹp trên màn bạc. Giống tài tử, minh tinh cũng từng là biểu tượng một thời của Hollywood. Do đó, sự xuất hiện của cả hai mang đến cảm xúc bồi hồi cho người yêu điện ảnh. Tuy nhiên, mối tình của nhân vật chính được xây dựng khá gấp gáp, chủ yếu chỉ để thay đổi không khí phim sau những phút giây căng thẳng trong quân đội.
Dàn nam phụ đều là những diễn viên có nét đẹp thu hút, từ Glen Powell, Lewis Pullman đến Raymond Lee dù chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng đều toát lên năng lượng tươi mới, giúp thương hiệu cũ có thêm không khí của thời hiện đại.
Điểm trừ lớn của phim là kịch bản còn đơn giản và quen thuộc, nội dung dễ đoán. Cách xây dựng nhân vật Maverick vẫn đi theo mô-típ “người hùng nước Mỹ”. Mâu thuẫn giữa nhân vật và các học trò còn mang tính sắp đặt. Điệp vụ trên không là yếu tố đưa Maverick trở lại nhưng chưa thực sự gay cấn và nguy hiểm như lời giới thiệu. Điều đó khiến kết phim bị hụt, không tạo được sự bùng nổ cần có.
Ở ngoài đời, Tom Cruise cũng là một phi công chính hiệu, có phi cơ riêng nên không gặp khó khăn khi trở lại với vai diễn làm nên tên tuổi. Năm 1986, những cảnh bay lượn trên không trong Top Gun ra mắt được xem là món ngon hiếm thấy của thể loại hành động. Sau gần bốn thập niên, những cảnh không chiến dần mất đi “ma thuật” vốn có trước sự xuất hiện ồ ạt của các bom tấn siêu anh hùng.
Có điều, tác phẩm vẫn là lựa chọn tốt để giải trí, nhất là với những ai muốn được nhìn ngắm Tom Cruise trong hình ảnh phi công kinh điển một lần nữa.
S.P (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét