Tinh thần tích cực trong âm nhạc

Âm nhạc đánh thức tâm hồn

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 04/QĐXPVPHC ngày 5/5/2022 đối với Công ty TNHH M-TP Entertainment: Bản ghi hình “There’s No One At All” buộc bị tiêu hủy, đồng thời tháo gỡ dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số, Công ty TNHH M-TP Entertainment phải nộp lại số lợi thu được từ MV và nộp phạt 70 triệu đồng. Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình MV “There’s No One At All” của Sơn Tùng có hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội. Việc xử phạt nghiêm khắc của Thanh tra Bộ VHTT&DL đối với những sai phạm từ MV “There’s No One At All”, một lần nữa cho thấy âm nhạc có thể ảnh hưởng và tác động mạnh đến sức khỏe, tâm lý của con người, nhất là đối với thanh thiếu niên.

Âm nhạc tác động mạnh và trực diện vào lớp trẻ (Ảnh: VNE)

“Thường những bài hát giai điệu trong sáng, âm nhạc rộn ràng mang lại năng lượng tích cực hơn cho não bộ, và kích tố được các nơ ron thần kinh làm con người ta hứng khởi trong công việc cũng như giao tiếp. Còn bài hát u buồn ảo não sẽ kéo não trạng con người rối rắm tăng năng lượng tiêu cực và khó khăn khi hoà nhập với hoàn cảnh sống hiện tại”.

Đó là chia sẻ của bác sĩ Tâm thần tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách (thuộc Trung tâm Tâm lý lâm sàng Dr Bee).

Còn với ca sĩ Phạm Thu Hà, âm nhạc - những sóng âm tác động thẳng vào não bộ - theo những quy luật vũ trụ thần kỳ nào đó mà được con người lý thuyết hóa lại theo Bình quân luật - là món quà tạo hóa ban cho con người.

“Những sóng âm đó tác động trực tiếp đến linh hồn chúng ta gây nên những sắc thái khác nhau của sự hài hòa, đánh thức tâm hồn con người ở những cung bậc sâu kín và tinh tế nhất mà các tác động khác không thể so sánh nổi. Đó là món quà của Tạo hóa đã ban cho mỗi kiếp người may mắn được sống trong cuộc đời này” - ca sĩ Phạm Thu Hà nói.

Ca sĩ Phạm Thu Hà

Theo nhà soạn nhạc Trí Minh, âm nhạc với những âm sắc trầm bổng và với những giai điệu được thêu dệt nên bởi nhạc sĩ và những nghệ sĩ trình diễn: “Những âm thanh này có tác động vật lý và tâm lý tới cảm nhận của người nghe nó sẽ đem tới những cảm xúc nhất định và giúp cho người nghe tìm được những không gian âm nhạc của riêng mình, điều này rất có ích cho tinh thần và sức khỏe”.

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Trong khi đó, theo chia sẻ của nhà văn Hoàng Anh Tú, người đã dành tuổi thanh xuân để chăm sóc sức khỏe tinh thần lứa tuổi mới lớn, qua việc sáng tác, giữ chuyên mục trên một vài tờ báo, thì âm nhạc thực sự là một liệu pháp tinh thần, từ chính trải nghiệm của bản thân mình. Những khi buồn bã, anh luôn tìm những bản nhạc vui vẻ để giúp bản thân thoát ly với nỗi buồn, gia tăng động lực để vượt qua cảm xúc u tối: “Nhiều người cũng như tôi. Những bản nhạc buồn thường tôi chỉ nghe chúng khi bản thân mình lúc đó thoải mái. Bởi đang buồn mà nghe nhạc buồn thì tâm trạng lúc đó đúng là tụt “mood” thảm hại luôn. Nhất là với một người như tôi, mưa nắng cũng ảnh hưởng đến tâm trạng. Là một người viết, tôi hay bị cảm xúc chi phối mình”. Anh chia sẻ, có lần, đang chạy bộ, quên chọn nhạc, gặp những bản nhạc buồn, buổi chạy bộ đó như đeo đá vào chân vậy. “Ngược lại, khi nghe nhạc vui, tinh thần chạy bộ lên ầm ầm giúp tôi hoàn thành mục tiêu nhanh chóng. Nhất là mình là người viết nên mình nhiều khi cũng quan trọng cả ca từ chứ không chỉ nhạc nhẽo, nghe những ca từ u ám, quằn quại thì dù nhạc dance cũng thành nhạc đám tang thật sự”.

Đề cập đến câu chuyện MV ca nhạc “There’s no one at all” của Sơn Tùng, theo cá nhân của bác sĩ Bách, trong một bài hát, Sơn Tùng thể hiện 4 nhân cách khác nhau của đứa trẻ bỏ rơi, nhưng dở nhất là cái kết, lẽ ra cần giơ tay lên cao để nói tôi có thể bay hơn là làm động tác “rơi xuống”. Bài hát chỉ là thể hiện sự gò bó, chật chội về tinh thần. Điều đó khiến nhiều người nghĩ tới những bản nhạc chế của “giang hồ mạng” khi dùng những lời lẽ thô tục kích động kiểu sống ăn chơi sa đọa, sử dụng vũ lực, dao búa.

Về MV mới của Sơn Tùng và những ca khúc đầy oán giận buồn thảm thất tình khác hoặc ăn chơi đua đòi..., nhà văn Hoàng Anh Tú, chia sẻ: Nếu chúng ta nhớ lại hồi chúng ta 15,16 tuổi, chúng ta luôn tò mò và quan tâm đến sự quằn quại, cô đơn, thất tình. Khi mà trẻ mới lớn chưa có nhiều trải nghiệm cuộc sống, chúng sẽ nương nhờ trải nghiệm của người khác. Là cái tuổi bắt đầu học làm người lớn nên chúng quan tâm nhiều đến những thứ khác với thứ chúng được học ở trường. Những ca khúc “quằn quại” thường sẽ tác động đến chúng rất nhiều. Vì thế người làm nhạc cũng như người lớn nói chung lại càng phải lưu ý.

V.Q (HNS)

Nhận xét