“Lâu rồi hiếm thấy những ca khúc mới dành cho trẻ em được lan tỏa, phổ biến rộng. Giờ nhiều khi thấy con và mấy đứa nhỏ hàng xóm hát mấy ca khúc của người lớn mà giật mình…”. Lời than thở này của một phụ huynh dường như cũng nói đến thực trạng thiếu hụt các sáng tác mới dành cho thiếu nhi hiện nay.
Còn ai mặn mà?
Từ nhiều năm nay, không có nhiều ca khúc hay cho thiếu nhi được phổ biến. Các chương trình như Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí..., một số giọng ca nhí thường chọn các bài hát thiếu nhi cũ, thậm chí gồng mình hát những ca khúc của người lớn quá già dặn so với tuổi. Chưa kể, nhu cầu thích nghe nhạc Hàn, nhạc US-UK, nhạc Thái, nhạc Nhật, nhạc Trung với những ca khúc “tình yêu mãnh liệt” của nhiều em bây giờ là có thật.
Anh Ngô Văn Minh (41 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) than: “Đám nhỏ cấp 1 giờ cứ nghêu ngao hát gì mà Bình minh ơi dậy chưa, Rồi tới luôn, Đám cưới nha… với nhạc Hàn, nhạc Trung gì đâu không. Các bé hay được ba mẹ mở nhạc trên YouTube, TikTok cho nghe, nhảy múa theo, mà trên đó phải biết chọn lọc mới ổn. Tôi thấy không ít phụ huynh kỳ lắm, phó mặc con với cái điện thoại. Trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi phong cách nghe nhạc, thể loại nhạc của ba mẹ”.
Chị Nguyễn Thanh Thảo (39 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cho rằng, nhạc sĩ nổi tiếng gắn bó với dòng nhạc thiếu nhi hầu hết lớn tuổi. Trong khi đó, khoảng 10 năm trở lại đây, những bài hát hay dành cho thiếu nhi đang có xu hướng chững lại, không có nhiều đổi mới.
“Phần đông chúng tôi chẳng mấy ai biết tên các nhạc sĩ mới, và ca sĩ hát nhạc thiếu nhi mà phụ huynh, con nít nhớ mặt cũng chỉ vài người. Nhiều bài hát mới viết ra rồi lại chìm nghỉm, hoặc viết ra mà không được phổ biến”, chị Nguyễn Thanh Thảo nói.
Trong số những người còn mặn mà với âm nhạc thiếu nhi có thể kể đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, vợ chồng nhạc sĩ Sa Huỳnh - Duy Hùng, nhạc sĩ Hoài An, nhạc sĩ Hoài Phúc… Cuối năm 2020, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung xác lập kỷ lục nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam với 300 bài hát. Anh nghiêm túc, miệt mài theo đuổi con đường này khi dùng 8 năm sáng tác và 2 năm để tự mình thực hiện các công đoạn hòa âm, thu âm, quay MV, in sách, phát hành, truyền thông…
Gia đình nhạc sĩ Sa Huỳnh - Duy Hùng và con gái Nguyễn Duy Đông Nhiên trong 2 năm qua đã sáng tác một số ca khúc thiếu nhi như: Hộp cơm từ thiện, Sắc màu tết Việt, Lời hay ý đẹp, Con gái viết thư gửi cha, Góc bếp chờ con, Chị Hằng Nga, Cá vàng tập kiếm ăn, Tình mẫu tử, Trường em thành bệnh viện… Riêng nhạc sĩ Sa Huỳnh từng có ca khúc Về ăn cơm được trẻ em yêu thích. Hai anh em nhạc sĩ Hoài An - Hoài Phúc cũng có dự án hơn 100 ca khúc thiếu nhi thực hiện từ năm 2019.
Vẫn còn một số nhạc sĩ theo đuổi mảng âm nhạc thiếu nhi và không phải không có bài hát mới, tuy nhiên những nỗ lực này chưa đủ để âm nhạc thiếu nhi “khắc cốt, ghi tâm” trong lòng người nghe.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết anh dự định triển khai dự án thiếu nhi hát nhạc thiếu nhi để vực dậy mảng này trong thời gian tới. Cụ thể, anh cố gắng đưa 300 tác phẩm của mình xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình, sân khấu thiếu nhi, đài phát thanh… Anh nói: “Tôi nặng lòng với nhạc thiếu nhi vì tôi có con, vì tôi thấu hiểu. Tôi nhận thấy lâu rồi có ít nhạc sĩ quan tâm mảng đề tài này, và đó là thiệt thòi cho thiếu nhi. Riêng tôi, tôi thấy mình cần sáng tác, dù tốn 8 năm hay nhiều hơn nữa. Tôi hiểu các bài hát thiếu nhi có giá trị cả một đời người”.
Vì âm nhạc thiếu nhi
Ai cũng hiểu tầm quan trọng của âm nhạc thiếu nhi tác động đến tâm lý, tình cảm trẻ em như thế nào. Thế nhưng, so với nhu cầu hưởng thụ âm nhạc của trẻ em thì ca khúc thiếu nhi hiện nay quá thiếu hụt, bị xem nhẹ. Không mấy nhạc sĩ còn mặn mà với việc sáng tác, số lượng đếm không hết đầu ngón tay, trong khi để đưa nhạc thiếu nhi trở lại đúng vị trí thì vai trò của đội ngũ sáng tác vô cùng lớn.
Bàn về khó khăn của thị trường âm nhạc thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói thẳng: “Không mấy người chọn hướng sáng tác này, đơn giản vì không mang lại tiền bạc hay danh tiếng. Các nhạc sĩ trẻ ưu tiên sáng tác ca khúc thị trường vì mang lại dấu ấn nhiều hơn. Tôi nghĩ, đến lúc nào đó, khi họ có gia đình, có con rồi cũng sẽ tự động nghĩ đến việc sáng tác cho thiếu nhi”.
Đầu tháng 6, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được Tổ chức Viet Kings (Kỷ lục gia Việt Nam) tuyên dương giải thưởng “Sống bằng sáng tạo”, với bộ tác phẩm 300 bài hát thiếu nhi. Nhưng anh chỉ là cá nhân hiếm hoi, bởi thực tế, thị trường nhạc thiếu nhi không rộng lớn, các nhạc sĩ cũng khó có nhiều “đơn đặt hàng” sáng tác và ít ai nổi lên vì ca khúc thiếu nhi.
Nhạc sĩ Sa Huỳnh cho rằng, thị trường bây giờ tập trung cho nhạc người lớn với ballad, rap, rock…, ít nghệ sĩ chọn hướng sáng tác này. Chị và nhạc sĩ Duy Hùng sáng tác nhạc thiếu nhi trước tiên để làm kỷ niệm cho con gái mình, và sau này mong muốn sáng tác cho các bé từ mầm non đến tiểu học. Trước giờ chị không quá áp lực việc phải làm cho các ca khúc trở nên phổ biến, nhưng trước những thiếu hụt mảng âm nhạc này, chị quyết tâm thực hiện một album thiếu nhi.
“Đó là mong muốn của chúng tôi trong tương lai. Album dự kiến có trên 10 ca khúc. Chúng tôi yêu trẻ con, hiểu được năng lượng các bé như thế nào. Viết nhạc cho trẻ hát, trẻ nghe phải thật hồn nhiên, trong trẻo”, Sa Huỳnh chia sẻ.
Để nỗ lực vì âm nhạc thiếu nhi, vai trò của nhạc sĩ cùng những nhà quản lý văn hóa rất quan trọng. Nhạc sĩ dành thời gian sáng tác, thay đổi tư duy sáng tác để bắt kịp với “gu” âm nhạc ngày càng hiện đại của thiếu nhi hiện nay. Còn nhà quản lý văn hóa phải có chiến lược động viên các nhạc sĩ sáng tạo. Nếu không có sự bắt tay đồng bộ thì thực trạng thiếu ca khúc thiếu nhi hiện nay sẽ khó khắc phục.
“Sáng tác không phải chỉ để đó, phải có sân khấu biểu diễn, phải sắp xếp khung giờ vàng phát nhạc thiếu nhi trên truyền hình, như vậy mới thúc đẩy nhạc sĩ sáng tạo”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ ý kiến.
T.T (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét