Những phản ứng trái chiều xung quanh hai bộ phim về Trịnh Công Sơn cho thấy: Làm phim chân dung nhân vật có thật là thách thức lớn với những người trong nghề. Dù vậy, đây là dòng phim thú vị, và còn nhiều dư địa khai thác vì ít ai làm.
Chưa làm đã gây tranh cãi
Bộ phim Em và Trịnh đến nay đã qua mười ngày công chiếu, những phản hồi trái chiều về phim vẫn chưa dứt. Đây là điều đã được dự báo trước. Không phải đợi đến khi phim chiếu, mà từ khi dự án được công bố cũng gây ra nhiều bàn tán. Hai phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể coi là những phim Việt tiên phong cho thể loại tiểu sử - dòng phim kể về cuộc đời, sự nghiệp của những nhân vật có sức ảnh hưởng sâu rộng.
Phim tiểu sử thú vị ở chỗ cho khán giả thấy được những góc nhìn đa chiều về nhân vật, đồng thời khám phá được thêm những điều chưa biết, những mảng màu sắc mới về họ. Ở nước ngoài, dòng phim này rất phổ biến. Nhiều phim trong số đó được phát hành ở Việt Nam được yêu thích như Rocketman, Bohemian Rhapsody, Sully…
Sau phim về Trịnh Công Sơn, nhiều dự án phim tiểu sử khác cũng đang triển khai như phim về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn (chưa có tên), Viên đạn cuối cùng (về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh), Trưng Vương (về Hai Bà Trưng), Quỳnh hoa nhất dạ (về thái hậu Dương Vân Nga).
Với điện ảnh Việt, từ trước đến nay, các nhân vật có thật tuy cũng được đưa lên phim, nhưng chỉ được khai thác như cá thể trong đường dây một câu chuyện có bối cảnh lịch sử, chứ chưa có một tác phẩm riêng xuyên suốt về cuộc đời, trừ các phim về Bác Hồ.
Được chọn làm phim, tất nhiên đó phải là những người có tầm, nên chỉ riêng việc đoàn phim chọn diễn viên đóng thôi đã được dư luận quan tâm. Bên cạnh yếu tố gương mặt, dáng dấp bị đặt lên bàn cân xem có nét tương đồng với nhân vật thật hay không, thì đời tư của người vào vai cũng bị “soi” không ít. Bởi không ai muốn xem một diễn viên từng dính xì-căng-đan hóa thân thành một nhân vật đáng kính. Đến khi phim công chiếu, diễn viên càng bị xét nét hơn về thần thái, cử chỉ, điệu bộ, giọng nói.
Tâm lý người xem khi thưởng thức phim tiểu sử luôn muốn nhân vật trên màn ảnh phải giống nhân vật thật nhiều nhất. Nếu không, dù có nét diễn tốt vẫn bị “ném đá”. Ngoài cái khó đó, các nhân vật đưa lên phim thường thuộc về quá khứ nên phần tái hiện bối cảnh, phục trang cũng được công chúng “mổ xẻ” tích cực. Như phim Quỳnh hoa nhất dạ mới tung hình ảnh trang phục của nữ chính đã bị những người am hiểu cổ phục bắt lỗi: Nhân vật sống ở thế kỷ X, nhưng mặc đồ mang âm hưởng Mãn Thanh.
Cân nhắc kể hay không kể
Những câu chuyện về người thật việc thật luôn có sức hấp dẫn với nhà làm phim và với công chúng. Cuộc đời của họ là nguồn chất liệu phong phú để dựng thành phim. Tuy nhiên, ưu thế này cũng làm khó nhà làm phim. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - nhà sản xuất của phim về Trịnh Công Sơn - thì cái khó của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và biên kịch Bình Bồng Bột, là chắt lọc được trong hàng ngàn tư liệu về cuộc đời Trịnh Công Sơn, để xây dựng góc nhìn của bản thân và kể về người nhạc sĩ.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ - người đang thực hiện phim Viên đạn cuối cùng - cũng đồng tình: “Thuận lợi khi làm phim về nhân vật có thật là có nhiều tư liệu, nhưng việc chọn lọc tư liệu nào để đưa vào phim là một vấn đề cần cân nhắc. Có những tư liệu thú vị vô cùng, nhưng nếu cố gắng đưa vào phim sẽ gây ra những phản ứng trái chiều, thậm chí ảnh hưởng đến hình tượng của nhân vật. Vì vậy, sự chọn lọc kể hay không kể cái gì phải được cân nhắc kỹ lưỡng, trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối nhân vật và gia đình họ”.
Với các nhà làm phim, mục tiêu làm phim tiểu sử ngoài sự tôn vinh nhân vật, vẫn phải hướng đến doanh thu. Vì vậy, chuyện “thêm mắm, dặm muối” để phim thêm kịch tính là điều đương nhiên. Chia sẻ vấn đề này, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng: “Khi đã làm phim về một nhân vật có thật, thì sự tôn trọng họ và gia đình họ phải được đặt lên hàng đầu. Bộ phim được làm ra có thể có nhiều tình tiết hư cấu, nhưng chắc chắn không được làm tổn thương hay tổn hại đến nhân vật và gia đình họ. Việc dung hòa chi tiết có thật và hư cấu là một quá trình rất dài. Về cơ bản cũng không quá khác biệt so với việc xây dựng một kịch bản phim về những nhân vật được hư cấu hoàn toàn. Bởi xét cho cùng, khi nhà làm phim đã có một cơ sở vững chắc về nhân vật mình muốn kể, những gì hư cấu sẽ không đi chệch khỏi bản sắc của nhân vật đó. Như vậy, một cách rất tự nhiên, yếu tố hư cấu và các chi tiết thật sẽ dung hòa với nhau dễ dàng”.
Hơn ai hết, những người làm phim có quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng về nguyên mẫu và những người liên quan đến nguyên mẫu, nên chắc chắn có sự am hiểu hơn người xem. Nhưng những gì trong phim chỉ là góc nhìn của biên kịch, đạo diễn, còn khán giả lại có góc nhìn riêng về nguyên mẫu, do đó dễ nảy sinh xung đột. Tuy vậy, người xem có lẽ cần bao dung hơn với dòng phim tiểu sử, bởi đây là hướng đi khó. Hơn nữa, việc được tiếp cận với nhân vật, hiểu thêm nhân vật ở một góc nhìn khác, cũng là điều thú vị.
Nhà sản xuất liều, khán giả khó chiều
Sau một tuần chiếu sớm, bộ phim Trịnh Công Sơn đã được nhà phát hành rút khỏi rạp chiếu vì lý do doanh thu kém. Dự tính ban đầu của đơn vị phát hành khi tung đồng thời hai phim về Trịnh Công Sơn là doanh thu sẽ “lọt sàng xuống nia”, xem như phá sản. Nhìn kỹ thì thấy thất bại này có phần nào liên quan đến dòng phim. Thể loại tiểu sử vốn đã dễ gây tranh cãi, nên khi một trong hai phim làm về Trịnh Công Sơn không nhận được phản hồi tích cực của người xem, tất yếu sẽ ảnh hưởng doanh thu phim còn lại. Cách làm chưa có tiền lệ - chiếu cùng lúc hai phim về Trịnh Công Sơn có chung một kịch bản, một đạo diễn - trong trường hợp này không khác gì chơi dao hai lưỡi, mà người nắm đằng cán là khán giả.
Hương Nhu (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét