Phim và nhạc Việt theo xu hướng NFT

“Em và Trịnh” là dự án phim điện ảnh đầu tiên ứng dụng xu hướng NFT và Metaverse trong kế hoạch quảng bá: Tặng NFT cho khách tham dự sự kiện ra mắt và mở triển lãm online trên vũ trụ ảo (metaverse). Trước đó, một số nhạc sĩ cũng đã áp dụng thành công cách làm mới mẻ này.

Bộ phim tiên phong

NFT là xu hướng đầu tư mới nổi và phổ cập vào Việt Nam chưa lâu. Nhiều người vẫn còn khá lạ lẫm với khái niệm tài chính này.

NFT là viết tắt của “non-fungible tokens” (tài chứng không thể đổi ngang), đại diện cho các loại tài sản kỹ thuật số trong nhiều lĩnh vực như gaming, nhận dạng kỹ thuật số, giấy phép, nghệ thuật, v.v. NFT có thể là tài sản ảo hoặc phiên bản mã hóa của tài sản trong thế giới thực, mang tính độc nhất và không thể hoán đổi cho nhau.

Việc ứng dụng blockchain sẽ đảm bảo tính minh bạch về quyền sở hữu cũng như khả năng chuyển đổi, chuyển nhượng của các loại tài sản số.

Sau khi thông báo “sẽ có hai bộ phim về Trịnh Công Sơn ra rạp cùng lúc”, nhà sản xuất “Em và Trịnh” lại bồi thêm cho khán giả một ngạc nhiên khác khi cho biết: bộ phim sẽ sử dụng ứng dụng Blockchain tặng NFT cho khách mời đến sự kiện ra mắt.

Theo đó, tối đa sẽ có 1500 NFTs được phát hành với những hình ảnh đáng nhớ từ phim, 2 poster chính của phim “Trịnh Công Sơn x Em và Trịnh”, và đặc biệt duy nhất một phiên bản poster phim chưa từng ra mắt hứa hẹn dành riêng cho vị khách may mắn nhất.

Đây được coi là chuyện chưa từng có bởi trước nay tất cả hình ảnh của phim đều thuộc sở hữu của nhà sản xuất. Nhưng với NFT, khán giả có cơ hội sở hữu cho riêng mình những hình ảnh, khoảnh khắc ấn tượng nhất của phim và thậm chí có cả quyền mua bán trên những hình ảnh đó.

Ngoài ra, nhà sản xuất cũng chính thức mở truy cập vào một phòng triển lãm online trên nền tảng Metaverse trưng bày hình ảnh 10 di vật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhiều hình ảnh đến từ phim điện ảnh “Em và Trịnh”. Trong không gian ảo, khán giả gần như có thể biết “mọi chuyện về Trịnh Công Sơn” cũng như trò chuyện trực tiếp với những khán giả khác trong không gian triển lãm.

“Người trẻ chắc chắn sẽ thích tiếp cận “Em và Trịnh” ở định dạng NFT bởi trước đó họ đã khá quen với khái niệm này. Nhưng giới trung niên – đối tượng khán giả trung thành của Trịnh ca thì có vẻ hơi khó khăn. Nhưng không sao, chuyện gì rồi cũng sẽ phải có mở đầu. Chúng tôi tin rằng dần dần mọi người sẽ chấp nhận NFT như một kênh đầu tư nghệ thuật phổ biến”, đại diện nhà sản xuất “Em và Trịnh” cho biết.

Âm nhạc đón gió NFT

NFT vào thị trường Việt Nam trước hết ở lĩnh vực mỹ thuật (nhưng đó là một câu chuyện dài và chúng tôi sẽ trở lại vào dịp khác). Đầu năm nay, rapper Binz đã phát hành bộ sưu tập NFT cho ca khúc “Don’t Break My Heart” trên nền tảng blockchain. Sự kiện này thu hút sự chú ý cực lớn trong cộng đồng tiền điện tử bởi Binz là ca sĩ Việt Nam đầu tiên tham gia vào lĩnh vực này.

Ngay sau đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng tung dự án “Cổ phần hóa kênh YouTube Nguyễn Văn Chung Music theo công nghệ số NFT5”, chính thức trở thành nhạc sĩ đầu tiên ghi tên mình trên thị trường số hóa tài sản sáng tạo.

Chỉ sau thời gian ngắn, giữa tháng 5, anh thông báo tất cả các NFT phát hành trong dự án đã bán hết. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết sẵn sàng công khai nguồn thu từ kênh YouTube, tác quyền âm nhạc, chia sẻ cơ hội đầu tư với người yêu nghệ thuật.

“Đây là xu hướng rất mới, lạ tại Việt Nam. Trên thế giới hiện đã có rất nhiều nghệ sĩ đã làm. Sau khi khảo sát, nhận định, đánh giá…, tôi thấy đây là phương pháp kết hợp rất có lợi cho việc quảng bá sản phẩm của nghệ sĩ cũng như kêu gọi đầu tư từ công chúng yêu âm nhạc”, Nguyễn Văn Chung nhận định.

Được biết, kênh YouTube của Nguyễn Văn Chung được xây dựng khoảng 4 năm, mang lại nguồn thu ổn định hàng tháng, hiện có hơn 256.000 người theo dõi. Kênh được định giá trị trong khoảng thời gian 5 năm, dựa trên dữ liệu nguồn thu hiện tại. Lợi nhuận sẽ được chia thành 2 phần, trong đó 1 phần được phát hành như cổ phiếu trên thị trường và mỗi tháng được chia sẻ cho khán giả tương ứng cổ phần họ sở hữu.

H.Đ (HNS)

Nhận xét