Mozart là ai? Bí ẩn 'Khúc cầu hồn' cuối cùng của thiên tài âm nhạc Áo

Mozart được xem là nhạc sĩ thiên tài. Và giống như mọi thiên tài, cuộc đời Mozart ẩn chứa nhiều bí ẩn, và tác phẩm cuối cùng của ông là một trong số đó.

1. Tiểu sử Mozart

Mozart luôn được xem là "thiên tài của các thiên tài". Vậy rốt cuộc Mozart là ai? Tại sao tài năng của ông lại được đánh giá cao đến vậy?

1.1. Mozart là ai

Chân dung Mozart. Nguồn: Wikimedia

Mozart (1756 – 1791) là một nhà soạn nhạc nổi tiếng người Áo, và được xem là một trong những nhà soạn nhạc "vĩ đại nhất" mọi thời đại. Suốt cuộc đời mình, ông đã sáng tác được hơn 600 tác phẩm, trải dài ở nhiều thể loại nhạc khác nhau, từ giao hưởng, hòa tấu, opera, nhạc thính phòng đến độc tấu piano. Dù đã hơn 2 thế kỷ trôi qua nhưng những sáng tác của ông vẫn rất được yêu thích.

1.2. Cuộc đời Mozart

Wolfgang Amadeus Mozart sinh ngày 27/01/1756 tại Salzburg (nay thuộc Áo). Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã bộc lộ tố chất của một thiên tài âm nhạc. Năm 4 tuổi, Mozart đã bắt đầu chơi harpsichord (một nhạc cụ bộ dây phím cổ). Năm 5 tuổi, ông đã bắt đầu sáng tác các tác phẩm của riêng mình.

Một năm sau, cha ông bắt đầu đưa ông và chị gái đi biểu diễn khắp châu Âu cho hoàng gia và giới quý tộc. Thiên tài Mozart có thể chơi nhiều nhạc cụ khác nhau như violin, organ, piano và harpsichord.

Mặc dù còn rất nhỏ nhưng nhà soạn nhạc người Áo đã nắm rất vững các phong cách âm nhạc phổ biến ở các thành phố khác nhau ở Châu Âu. Trong thời gian này, nhạc sĩ Mozart cũng đã xuất bản những tác phẩm âm nhạc đầu tiên của mình. Tác phẩm xuất bản đầu tiên của ông là một bản sonata gồm 4 phần dành cho đàn violin, được ông sáng tác tại Paris năm 1764 (khi ông mới 8 tuổi).

Sau một thời gian lưu diễn khắp châu Âu, năm 1773, nhạc sĩ Mozart quay lại Salzburg làm việc trong một vài năm. Nhà soạn nhạc người Áo bắt đầu ở vị trí trợ lý nhạc trưởng và được trả một khoản lương nhỏ. Trong thời gian này, ông bắt đầu làm việc với nhiều thể loại nhạc khác nhau và sáng tác nhiều bản giao hưởng tuyệt vời trước khi ông 21 tuổi.

Dù đã có những thành công nhất định, nhưng thiên tài Mozart cảm thấy đã đến lúc rời khỏi quê hương để làm điều gì đó vĩ đại hơn.

Cuối năm 1781, Mozart chuyển đến Vienna - thành phố được mệnh danh là trái tim âm nhạc cổ điển của châu Âu. Ông đã thành công và nổi tiếng ở đây với tư cách là một nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc. Trong khoảng thời gian này, ông cũng gặp một nhà soạn nhạc nổi tiếng khác tên là Joseph Haydn và hai nhà soạn nhạc đã trở thành bạn của nhau.

Mozart kiếm được khá nhiều tiền từ những buổi hòa nhạc của mình nhưng ông thường chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được nên thường xuyên gặp khó khăn về tài chính. Những khoản nợ này ngày càng gia tăng và đeo bám ông đến hết cuộc đời.

Trong những năm cuối đời, ông đã viết một số bản giao hưởng và nhạc kịch vĩ đại nhất của mình. Những vở opera nổi tiếng nhất của ông bao gồm Le nozze di Figaro (Cuộc hôn nhân của Figaro), Don Giovanni, và Die Zauberflöte (Cây sáo thần).

1.3. Cái chết bí ẩn

Năm 1791, nhà soạn nhạc Mozart bắt đầu sáng tác một tác phẩm cho lễ cầu siêu của một người đã chết, được gọi là Khúc cầu hồn. Nhưng ông đã ngã bệnh và qua đời trước khi hoàn thành nó.

Nhạc sĩ Mozart mất ngày 05/12/1791 tại Vienna, ở tuổi 35. Nguyên nhân cái chết vẫn chưa được sáng tỏ do giới hạn của việc chẩn đoán tử thi thời bấy giờ.

Theo hồ sơ chính thức, Mozart chết do sốt kê nặng (một bệnh sốt phát ban trên da trông giống như hạt kê). Kể từ đó, nhiều suy đoán về nguyên nhân cái chết của nhà soạn nhạc Mozart đã được đưa ra.

Một số người cho rằng đó là do sốt thấp khớp, căn bệnh mà ông đã mắc phải nhiều lần trong đời. Số khác lại cho rằng ông chết do bị đầu độc.

Một trong những giả thuyết phổ biến nhất là Mozart bị đối thủ của mình là Antonio Salieri đầu độc - nổi lên nhờ sự nổi tiếng của bộ phim "Amadeus". Giả thuyết này được ủng hộ bởi thực tế là người nhạc sĩ thiên tài này đã trải qua giai đoạn trầm cảm trước khi qua đời, mắc chứng hoang tưởng và sợ hãi hiện sinh.

Bản thân Mozart cũng nghi ngờ nguyên nhân khiến sức khỏe sa sút của mình là do bị đầu độc trong thời gian dài. Tuy nhiên, rất có thể đây chỉ là cái nhìn chủ quan của ông.

Quan tài của Mozart được chở đến nghĩa trang. Nguồn: Wikimedia

Đám tang của nhà soạn nhạc Mozart được tổ chức kín đáo với rất ít người tham dự, và ông được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể. Tuy nhiên, những buổi hòa nhạc được tổ chức sau đó để tưởng nhớ ông luôn thu hút đông đảo người hâm mộ.

1.5. Di sản của nhà soạn nhạc thiên tài

Ở thời điểm khi qua đời, thiên tài Mozart đã được xem là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông đã để lại một di sản đồ sộ, với hơn 600 tác phẩm, bao gồm: 41 bản giao hưởng, 16 vở opera, 27 bản concerto cho piano, 5 bản concerto cho violin, 25 bản tứ tấu dây, và hàng trăm tác phẩm thuộc mọi thể loại phổ biến ở thời đại của ông.

Có thể kể đến một số tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc Mozart như: The Magic Flute; Don Giovanni; Marriage of Figaro; Piano Concerto No.27 in B-flat, K.595; Piano Concerto No.21 in C, K.467; Symphony No.39 in E flat, K.543…

Âm nhạc của ông không chỉ được công chúng yêu mến mà còn ảnh hưởng rất lớn đến những nhà soạn nhạc vĩ đại sau này, tiêu biểu nhất là Beethoven.

Cùng với người bạn của mình là Joseph Haydn, nhạc sĩ Mozart đã định hình và hoàn thiện các hình thức tuyệt vời của nhạc giao hưởng, opera, hòa tấu dây, và các bản concerto đánh dấu thời kỳ cổ điển. Đặc biệt, những vở opera của ông thể hiện một cái nhìn sâu sắc về tâm lý, độc nhất vô nhị đối với âm nhạc thời bấy giờ, và tiếp tục gây sức hút đặc biệt cho các nhạc sĩ và những người yêu âm nhạc ngày nay.

2. Bí ẩn về Khúc cầu hồn - Tác phẩm cuối cùng của Mozart

Khúc cầu hồn - tác phẩm cuối cùng của nhà soạn nhạc Mozart là một khúc nhạc dang dở. Và xung quanh khúc nhạc này tồn tại rất nhiều bí ẩn.

2.1. Người lạ mặt bí ẩn

Vào một đêm đầu tháng 7 năm 1791, một người lạ mặt, mặc đồ xám xịt xuất hiện trước cửa nhà soạn nhạc người Áo - Mozart. Ông ta nói mình đại diện cho chủ nhân và đưa cho nhạc sĩ một bức thư. Trong thư, chủ nhân của ông ta đề nghị Mozart soạn giúp ông một Khúc cầu hồn với điều kiện Mozart không cố gắng tìm hiểu danh tính của người bảo trợ.

Ban đầu, Mozart không muốn nhận lời vì không cảm thấy hứng thú với thể loại này. Do đó, ông cố tình đưa ra một mức giá cao bất thường với ý định khiến người này cảm thấy nản lòng mà từ bỏ ý định. Mozart ra giá 60 ducat (một đơn vị tiền cổ của Châu Âu) và sẽ mất khoảng 2 - 3 tháng để hoàn thành.

Hôm sau, người lạ mặt quay trở lại với 30 ducat trên tay đưa cho Mozart và nói rằng 3 tháng nữa, ông ta sẽ quay lại để lấy khúc nhạc và đưa nốt 30 ducat còn lại.

Vậy là Mozart không còn lựa chọn nào khác, đành phải viết Khúc cầu hồn.

2.2. Khúc cầu hồn cho chính mình

Thời điểm nhận lời viết khúc nhạc này, thiên tài Mozart đang ở tình trạng sức khỏe rất xấu. Nhưng ông vẫn phải cố gắng nỗ lực hoàn thành tác phẩm của mình vì đã trót nhận tiền. Khi tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi, Mozart tin rằng mình đang bị nguyền rủa khi nhận lời viết khúc nhạc này vì ông biết mình sắp chết.

Mozart cố gắng hoàn thành tác phẩm cuối cùng của mình trên giường bệnh. Nguồn: Statnews

Theo lời vợ ông kể lại, trong thời gian sáng tác khúc nhạc này, Mozart thường xuyên lẩm bẩm: "Tôi sợ rằng tôi đang viết Khúc cầu hồn cho chính mình".

Quả thực không có gì thay đổi, vào ngày 05/12/1791, Mozart qua đời ở tuổi 35 mà chưa kịp hoàn thành tác phẩm cuối cùng của mình. Theo lời kể của bạn bè và người thân, trước khi mất trên giường bệnh, ông đã nhắc đi nhắc lại rằng: "Chẳng phải tôi đã nói trước rằng tôi viết Khúc cầu hồn này cho chính mình sao?".

2.3. Hoàn thành khúc nhạc còn dang dở

Vì đã nhận khoản tiền ứng trước, nên Constanze - vợ của Mozart lo sợ rằng nếu khúc nhạc không được hoàn thành, người bảo trợ sẽ đòi lại tiền. Bởi vậy, bà đã nhờ 2 nhà soạn nhạc Joseph Eybler và Xaver Süssmayr, 2 người học trò cũ của chồng giúp hoàn thành khúc nhạc.

Cuối cùng, Süssmayr là người được chọn do có phong cách viết nhạc khá giống người thầy của mình. Constanze đưa cho Süssmayr bản thảo và những ghi chú của Mozart. Dựa vào những ghi chú này, Süssmayr đã hoàn thiện rất xuất sắc tác phẩm cuối cùng của người thầy.

Sau khi hoàn thành, Süssmayr đã sao chép lại toàn bộ khúc nhạc bằng chữ viết tay của mình, sau đó giả mạo chữ ký của Mozart và đưa khúc nhạc cho người bảo trợ bí ẩn.

2.4. Danh tính của người bảo trợ bí ẩn

Vậy người bảo trợ bí ẩn này là ai? Liệu có phải là Antonio Salieri, đối thủ không đội trời chung với Mozart như trong Amadeus - bộ phim đoạt giải Oscar đã thêu dệt? Câu trả lời là không.

Người bảo trợ thực sự là Bá tước Franz von Walsegg-Stuppach. Ông muốn đặt viết một Khúc cầu hồn để tưởng nhớ người vợ trẻ đã mất của mình. Tuy nhiên, ông ta có tiếng xấu là thường xuyên đánh cắp tác phẩm của người khác như là của mình. Phải mất một thập kỷ sau đó, vợ của Mozart mới có thể thuyết phục Walsegg thừa nhận Mozart là nhà soạn nhạc thực sự của Khúc cầu hồn.

2.5. Kiệt tác gây tranh cãi

Tác phẩm Khúc cầu hồn của Mozart. Nguồn: Wikimedia

Bởi vì Süssmayr đã sao chép lại toàn bộ khúc nhạc bằng chữ viết tay của mình nên người ta không thể biết được thực sự Mozart đã viết bao nhiêu phần trong tác phẩm cuối cùng của mình.

Thậm chí, nhiều học giả còn cho rằng Süssmayr đã nhờ cậy nhiều nhà soạn nhạc khác để hoàn thành tác phẩm này bởi ông không có đủ tài năng và trí tưởng tượng.

Mặc dù vậy, nhìn chung Khúc cầu hồn vẫn được đánh giá là một kiệt tác, giống như lời nhận xét của nhà soạn nhạc Beethoven: "Nếu Mozart không viết khúc nhạc đó thì người viết nó chính là Mozart".

Có thể nói Mozart là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại. Bất chấp việc ra đi ở độ tuổi còn rất trẻ, ông đã để lại một di sản đồ sộ, đóng góp rất lớn cho lịch sử âm nhạc thế giới. Dù trải qua bao nhiêu thế kỷ đi nữa thì nhân loại vẫn sẽ phải nhắc đến tên ông.

C.K (HNS)

Nhận xét