Bí ẩn nơi đảo hoang - vở xiếc trên mặt nước đầu tiên thành công ngoài mong đợi. Đợt diễn dự tính chỉ một tháng đã kéo dài tới ba tháng, với các suất diễn dày hơn.
Càng bất ngờ hơn vì Bí ẩn nơi đảo hoang không nằm trong ba vở diễn “đinh” của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam trong năm, nên chi phí đầu tư không nhiều. Điểm đặc sắc nhất của vở diễn này là toàn bộ kỹ thuật xiếc được thực hiện trên mặt nước. Hơn 20 nghệ sĩ đã đưa người xem từ thích thú, phấn khích đến hồi hộp, đôi lúc nghẹt thở khi độ khó tăng dần.
Việc làm mới không gian biểu diễn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của Bí ẩn nơi đảo hoang. Sân khấu xiếc quốc tế đã khá phổ biến các hình thức xiếc trên băng, cát, lửa… nhưng với điều kiện hiện tại, xiếc Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn để tạo ra các môi trường biểu diễn này.
Từ thành công của Bí ẩn nơi đảo hoang, nhà hát nghệ thuật Phương Nam đã bắt tay dàn dựng Cha rồng mẹ tiên, dự kiến ra mắt vào tháng Mười tới. Đạo diễn Nguyễn Phi Sơn - Phó Giám đốc nhà hát - cho biết: “Thành công nào cũng trở thành áp lực cho người đi sau. Nhưng chúng tôi luôn tin trong cái khó sẽ ló cái khôn. Chúng tôi sẽ có nhiều phép thử với mong muốn sẽ có nhiều tác phẩm hay, mới lạ phục vụ công chúng”.
Ông Lê Diễn - Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam - cho biết thực tế hiện nay, để tồn tại, các tác phẩm phải đáp ứng nhu cầu thị trường, và đa dạng để mang lại cho khán giả nhiều sự lựa chọn. Là đơn vị nghệ thuật công lập hiếm hoi có doanh thu tốt trong thời điểm này, nhà hát có khoản dư để tái đầu tư. Ngoài những vở diễn được nhà nước đầu tư, nhà hát đã chủ động cân đối kinh phí để có thêm tác phẩm phục vụ công chúng. Với phương châm “mùa nào thức đó”, nhà hát xây dựng kế hoạch dựng vở có chủ đề theo từng thời điểm trong năm. “Quy mô dàn dựng dù liệu cơm gắp mắm, nhưng vẫn phải đảm bảo chỉn chu, chất lượng”, ông Lê Diễn khẳng định.
Ngoài yếu tố mới lạ, thành công lần này còn nhờ việc nhà hát tăng cường quảng bá trên mạng xã hội, bán vé online. Hầu hết các suất diễn, chỉ một phần nhỏ vé được bán trực tiếp tại rạp. Nhà hát cũng hướng đến phương thức kết hợp với các đơn vị phân phối vé chuyên nghiệp để có thể tiếp cận nhiều khán giả hơn.
Các tác phẩm của nhà hát phần lớn nhắm vào đối tượng thiếu nhi, gia đình nên câu chuyện đều được thể hiện đơn giản. Kỹ thuật xiếc, âm thanh, ánh sáng, màu sắc là những yếu tố được chú trọng nâng cao khi nhu cầu thưởng thức của khán giả nhí ngày càng cao. Dẫu điều kiện vật chất, kỹ thuật còn những hạn chế nhất định, nhưng lợi thế của nhà hát là dàn nghệ sĩ có năng lực, sẵn sàng lăn xả với nghề, với những thăng trầm, khó khăn của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, từ khi còn là đoàn xiếc TP.HCM.
T.L (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét