Chương trình “Bình dân học nhạc” mùa ba của Câu lạc bộ Cầm Ca khai giảng trong không khí háo hức với sự tham gia của các học viên, những người yêu thích nhạc cụ dân tộc truyền thống. Chỉ sau khoảng thời gian rất ngắn làm quen, bỡ ngỡ tiếp cận, nhận biết từng loại nhạc cụ, học nhạc lý, nốt nhạc, làm quen việc đeo những chiếc móng gảy đến vị trí đặt ngón tay lên từng dây đàn, những âm thanh mộc mạc của đàn bầu, réo rắt tiếng sáo, trong trẻo vui tươi của đàn tranh… đã bắt đầu vang lên trong lớp học.
Đúng như tên gọi “Bình dân học nhạc”, khóa học diễn ra trong gần hai tháng với mục tiêu phổ cập kiến thức âm nhạc cơ bản cho những người yêu thích và muốn tìm hiểu nhạc cụ dân tộc truyền thống. “Bình dân học nhạc” là một chương trình khai mở, giúp mọi người vượt qua những khó khăn ban đầu của bộ môn nghệ thuật, để từ đó khi đã đam mê, mỗi học viên lại tìm tiếp hành trình phù hợp để theo đuổi, học tập chơi nhạc cụ dân tộc truyền thống mà mình lựa chọn.
Qua ba năm duy trì hoạt động, Câu lạc bộ Cầm Ca ngày càng thu hút đông đảo học viên, tạo điều kiện cho bất cứ ai, ở bất cứ đâu đều có thể học nhạc, thế nên ở “Bình dân học nhạc” mùa ba, độ tuổi tham gia đa dạng, từ các em học sinh tiểu học đến những người đang đi làm. Mùa ba này còn có sự đồng hành của Câu lạc bộ âm nhạc cổ điển Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), với sự kết hợp khéo léo một số nhạc cụ phương Tây như guitar, piano, trống… cùng nhạc cụ dân tộc truyền thống để thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết cho người học.
Tìm hiểu và mong muốn bảo tồn di sản âm nhạc truyền thống là con đường đi chung của các thành viên và hội viên Câu lạc bộ Cầm Ca. Vượt qua những khó khăn của dịch Covid-19 trong mùa hai, tiếp tục chặng đường mới mùa ba, Chủ tịch Câu lạc bộ Cầm Ca Lê Hà Thu cho biết: Cầm Ca là câu lạc bộ nghệ thuật thứ 40 của Trường THPT Hà Nội-Amsterdam. Dù xuất hiện muộn nhưng sức ảnh hưởng của Cầm Ca không nhỏ với sứ mệnh bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đến nay, Câu lạc bộ Cầm Ca đã có chi nhánh tại một số trường đại học, với số lượng thành viên ngày càng đông.
Giảng viên của Cầm Ca đều là những bạn trẻ, đang là sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và một số trường đại học khác. Trần Trúc Quân, giáo viên đàn nhị; Nguyễn Công Khánh giáo viên sáo trúc; Trần Bảo Khánh, giáo viên đàn bầu…
Nhóm giảng viên Cầm Ca thường xuyên được sự chỉ bảo chuyên môn của các giảng viên, nghệ sĩ đàn dân tộc để hoàn thiện giáo trình giảng dạy học sinh. Bản thân là người trực tiếp giảng dạy đàn bầu, yêu thích cây đàn từ khi còn nhỏ, Lê Hà Thu cũng như các giảng viên trong câu lạc bộ đều mang nhiệt huyết truyền tải đam mê và năng lượng tích cực đến các học viên.
Phần lớn học viên của “Bình dân học nhạc” là người trẻ cho nên giáo trình và cách phổ biến kiến thức về nhạc cụ truyền thống cũng được tiếp cận từ góc nhìn của người trẻ. Không chỉ dừng lại ở chơi những bản nhạc quen thuộc như Bèo dạt mây trôi, Chú Cuội, Lới Lơ..., nhóm còn làm mới cách thể hiện bài Trống Cơm bằng cách kết hợp giữa đàn bầu với tiết tấu beatbox, cover nhạc phim Mắt Biếc thu hút gần 4.000 lượt yêu thích (like), hơn 1.000 bình luận và 550 lượt chia sẻ trên fanpage chính thức của bộ phim. Những sản phẩm âm nhạc mới của các nghệ sĩ trẻ như Có không giữ mất đừng tìm, Chạy về khóc với anh… được thể hiện bằng các nhạc cụ dân tộc truyền thống mang đến sự tươi mới, cuốn hút cho giai điệu, được cộng đồng quan tâm, đón nhận, cổ vũ.
Sau thời gian bền bỉ tâm huyết, đến nay, Câu lạc bộ Cầm Ca trở thành khách mời và tham gia biểu diễn nhiều tiết mục trong các dự án, sự kiện như triển lãm sách khoa học-công nghệ, biểu diễn tại phố đi bộ, giới thiệu nhạc cụ dân tộc cho các em thiếu nhi tại trại hè kỹ năng, hướng nghiệp. Hình ảnh các thành viên của câu lạc bộ trong áo dài ngũ thân trở nên quen thuộc trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu âm nhạc gây quỹ. Chặng đường không dài nhưng Câu lạc bộ Cầm Ca đã góp một phần nhỏ trong truyền tải ý thức và lan tỏa tình yêu, đam mê về âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam.
Lựa chọn chủ đề Đồng tâm cho “Bình dân học nhạc” mùa ba, với mong muốn cùng một tâm hồn, cùng sự đồng điệu để kết nối nhau thông qua âm nhạc truyền thống, Câu lạc bộ Cầm Ca không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sân chơi cho người yêu thích nhạc cụ dân tộc, mà còn mong muốn mang đến cho các thành viên cơ hội được biểu diễn, được say sưa với cây đàn bầu, đàn nhị, đàn tranh hay sáo trúc, để những thanh âm này được gìn giữ và lan tỏa.
N.L (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét