Trở thành hiện tượng toàn cầu kể từ khi ra mắt, "Avatar" xứng đáng được vinh danh là một kiệt tác. Bộ phim gặt hái nhiều thành công, để lại ảnh hưởng lớn tới điện ảnh nhân loại.
13 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên ra mắt, Disney đã quyết định tái chiếu Avatar (2009) như một động thái chiến lược hòng hâm nóng khán giả trước khi phần phim tiếp theo phát hành. Việc “kiệt tác điện ảnh” này được đón nhận khi quay trở lại màn ảnh rộng là minh chứng rõ ràng cho thấy công nghệ hình ảnh đột phá có thể tồn tại lâu dài như thế nào.
Nhiều bom tấn với doanh thu phòng vé cao đã xuất hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử, nhưng rồi cũng sớm lui vào dĩ vãng. Duy chỉ có Avatar là một ngoại lệ, một bước ngoặt của ngành làm phim và hơn cả, là một di sản điện ảnh vĩ đại.
Thành công gây tranh cãi nhờ nước cờ đi trước thời đại
Ýtưởng của James Cameron về Avatar đã xuất hiện hơn một thập kỷ trước khi phim phát hành. Vị đạo diễn đã sử dụng phần lớn thời gian để trau dồi, nghiên cứu về thứ công nghệ tạo nên các hiệu ứng hình ảnh đặc sắc. Điều này đã giúp cho kiệt tác này trở nên chân thực, sống động hơn tất thảy những bộ phim từng ra mắt trước đó.
Cụ thể, Cameron ban đầu lên kế hoạch thực hiện phim từ năm 1999. Tuy nhiên tại thời điểm ấy, kỹ xảo điện ảnh mà ông muốn sử dụng khiến kinh phí sản xuất bị đội lên tới 400 triệu USD, và không hãng phim nào dám rót vốn thực hiện. Dự án Avatar phải nằm yên trên giấy thêm 8 năm, mãi cho tới năm 2007, khi 20th Century Fox quyết định đầu tư, quá trình làm phim mới bắt đầu lăn bánh.
Không ngoài dự đoán, khi vừa ra mắt, Avatar nhanh chóng trở thành hiện tượng phòng vé trên toàn cầu. Đứa con tinh thần của đạo diễn James Cameron đã lập nên thành tích vô tiền khoáng hậu, chễm chệ ở vị trí dẫn đầu trong danh sách những bom tấn ăn khách nhất mọi thời đại. Cho tới nay, phim thu về 2,905 tỷ USD doanh thu phòng vé. Trong đó, bản tái chiếu phát hành cuối tháng 9 năm nay đã đóng góp hơn 30 triệu USD.
Không chỉ thành công về mặt thương mại, Avatar còn được xem là một trong những tác phẩm khoa học viễn tưởng kinh điển nhất lịch sử với hàng loạt giải thưởng danh giá. Chỉ trong vòng 1 năm, phim đã gặt hái hơn 30 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ, trong đó có 3 tượng vàng Oscar và 2 giải Quả Cầu Vàng. Chưa dừng lại ở đó, thông điệp về tình yêu và bảo vệ môi trường mà tác phẩm truyền tải còn đem về giải thưởng Bộ phim thân thiện với môi trường của Hiệp hội Truyền thông vì môi trường (EMA).
Dẫu vậy, đối với một số khán giả, Avatar lại không phải là bộ phim xuất sắc. Họ cho rằng, tác phẩm của đạo diễn James Cameron cố gắng sử dụng công nghệ đề “đánh lừa” người xem, khỏa lấp những lỗ hổng thiếu sót của một kịch bản đơn giản. Đó là lý do khiến cho suốt một khoảng thời gian dài sau khi ra mắt, Avatar khiến khán giả lẫn giới phê bình tranh cãi liên tục vì sự bất đối xứng giữa công nghệ và nội dung phim.
Để kể lại câu chuyện, James Cameron cũng sử dụng nhiều mô-tip quen thuộc trong các phim điện ảnh tiền nhiệm, đơn cử như Dances with Wolves (1990) hay The Last Samurai (2003),... Công nghệ xuất sắc, đi trước thời đại nhưng cốt truyện lại tỏ ra đơn giản và có phần cũ kỹ, thiếu sức sáng tạo. Thành công của “gã khổng lồ phòng vé” này bị một số khán giả khó tính đánh giá là đơn thuần chỉ nhờ vào may mắn.
Bất chấp những ý kiến trên, cho tới nay, câu chuyện về hành tinh Pandora kỳ diệu dưới bộ óc quái kiệt của Cameron dường như chưa từng có dấu hiệu phai mờ trong tâm trí các thượng đế màn ảnh. Sau hơn một thập kỷ, sự trở lại của Avatar vẫn được người xem đón nhận nồng nhiệt và không khỏi trầm trồ trước sự vĩ đại mà bộ phim có thể tạo nên. Đây chính là bằng chứng thuyết phục nhất, đẩy lùi những định kiến và lời đàm tiếu tiêu cực xung quanh tác phẩm này.
Những tác động mạnh mẽ lên điện ảnh nhân loại
Nhắc tới Avatar, người ta không quên đề cập tới sức ảnh hưởng lâu dài của bộ phim đối với ngành công nghiệp điện ảnh đương đại. Bom tấn của James Cameron vạch ra hướng phát triển tiên phong của công nghệ đa chiều và ghi lại chuyển động theo cách thức chưa từng thấy.
Thành tựu kỹ thuật này không những truyền cảm hứng cho mô hình phát hành rạp 3D sau đó mà còn đặt ra một chuẩn mực mới cho Hollywood. Đồng thời, nó đã chứng minh rằng những bộ phim có quy mô khổng lồ hoàn toàn có thể được thực hiện bằng kỹ thuật số.
Cụ thể, nhờ Avatar, “phù thủy điện ảnh” James Cameron cho thấy một tầm nhìn vượt thời đại. Công nghệ CGI đột phá trong phim của ông tạo nên hướng đi mới với dòng phim khoa học viễn tưởng, giúp mô phỏng chi tiết chuyển động cơ thể, đồng thời thể hiện những cảm xúc nhỏ nhất trên khuôn mặt diễn viên.
Đặc biệt, tác phẩm này đã mở ra cánh cổng cho định dạng 3D đổ bộ màn ảnh. “Điện ảnh có thể làm thay đổi suy nghĩ của con người và mục tiêu mà Avatar hướng đến là giới thiệu triển vọng của công nghệ làm phim 3D. Và tôi đã quyết định thực hiện bộ phim mà không một ai có thể thờ ơ”, Cameron từng tuyên bố như vậy.
Nhờ có kỹ xảo điện ảnh đột phá, hành tinh Pandora được hiện lên sống động tới kỳ lạ. Khán giả có thể cảm nhận được từng cảnh quan, sinh vật như đang ẩn hiện ngay trước mắt. Độ nổi khối, chiều sâu và mỗi đường nét chi tiết phim đều được đồ họa vi tính lột tả một cách tỉ mỉ, chân thực.
Khó có thể phủ nhận, nhiều phim 3D được phát hành là nhờ “ăn theo” tiếng thơm của Avatar. Hàng loạt hãng phim nhanh chóng lấy công nghệ mới làm lợi thế phát hành. Chắc chắn rằng, nếu không có những tiến bộ tiên phong của kiệt tác này, các bom tấn “sinh sau đẻ muộn” như Guardians Of The Galaxy, Avenger: End game hay Star War sẽ không thể thành công vang dội đến thế.
Ngoài ra, Avatar còn là bộ phim mở màn cho chiến lược ra mắt bom tấn tại thời điểm cuối năm thay vì mùa hè. Áp dụng ý tưởng này, rất nhiều hãng phim “ém hàng” con cờ siêu phẩm của mình cho đến tận cuối năm như loạt phim Stars War, Matrix, Venom hay thậm chí là Spiderman,...
Dẫu vậy, một đặc trưng mà ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood dường như không thể hoặc không muốn học hỏi từ James Cameron là quỹ thời gian thai nghén bộ phim. Thực tế, điều khiến cho CGI của Avatar trở nên không bị cũ kỹ, lỗi thời là do quá trình sản xuất đã dành thời gian đủ lâu để trau chuốt hình ảnh ấn tượng. Đó là nguyên nhân giải thích cho việc, một câu chuyện tưởng chừng không quá phức tạp lại có thể lập nên thành công chấn động như thế.
Tuy nhiên, danh sách các bộ phim có doanh thu cao nhất trong hàng thập kỷ qua của Hollywood lại hiếm có cái tên nào đáp ứng được tiêu chí này. Thời gian hoàn thiện chúng đều khá nhanh chóng, thông thường chỉ khoảng một cho tới vài năm.
Cuối cùng, ảnh hưởng mà Avatar đã để lại còn tạo áp lực cho chính phần phim tiếp theo. Bản thân đạo diễn James cameron cũng thừa nhận rằng, thách thức lớn nhất với ông trước khi Avatar: The Way of Water ra mắt sẽ là vượt qua khoảng cách giữa 2 phần phim của mình.
Một câu hỏi được đặt ra là định nghĩa "thành công" của phần phim mới là gì, hay dưới một góc độ khác, làm thế nào để nó vượt qua cái bóng quá lớn từ tác phẩm tiền nhiệm. Đây chắc hẳn là bài toán hóc búa cho vị đạo diễn tài hoa. Bởi nếu chẳng may Avatar 2 có doanh thu kém hơn phần phim đầu tiên, điều này đồng nghĩa với việc đứa con mới của James dễ bị khán giả gán cho cái mác thất bại.
T.K (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét