Một bài hát đương nhiên trước hết phải có giai điệu (phần nhạc) hay. Bản thân từ “giai điệu” đã nói lên điều đó (“giai”: đẹp, “điệu”: nhạc). Nhưng lời ca cũng rất quan trọng, sẽ nâng thêm giá trị của bài hát. Giới ca sỹ mà tiếp nhận được những bài có ca từ hay thường sẽ thêm phần hào hứng khi thể hiện.
Ca từ hay cũng như lời thơ hay. Trước hết phải giàu hình tượng, phải là những chữ nghĩa đắt, giàu sức biểu cảm chứ không thể dễ dãi như khẩu ngữ đời thường (parlando). Ngay cả nói năng hàng ngày ông cha còn khuyên là cần “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Và đạt được sự tinh tế thì càng tốt. Tất nhiên đây là một chuẩn mực cao hơn.
Cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là một trong những nhạc sỹ rất nổi tiếng và có ca từ hay trong nhiều bài. Trong bài hát bất hủ “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, ông có một câu rất hay: “Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa. Thương con đò cắm sào đứng đợi…”.
Hình ảnh con đò cắm sào đứng đợi mang tính ẩn dụ đắt, đã diễn tả sự thủy chung, chờ đợi của những người phụ nữ dành cho người mình thương yêu. Nhưng sự chờ đợi đó không dễ bình yên mà có thể bị sóng xô khiến con đò chòng chành, phiêu dạt bất cứ lúc nào. Nhưng đò vẫn đó, vẫn cắm sào sâu xuống lòng sông để chờ đợi. Sự chờ đợi này có thể là vô vọng vì biết đâu cuối cùng đợi mãi mà chẳng thấy gì. Nhưng em vẫn tin, vẫn cắm sâu sào. Sào mà cắm sâu thì khi buộc đò vào sẽ chắc chắn, sóng to gió cả khó lòng bứt tung ra được.
Người Hà Tĩnh vốn dĩ sâu nặng nghĩa tình, phụ nữ Hà Tĩnh lại càng nặng lòng hơn. Chỉ một câu mà tác giả đã khái quát được phẩm chất của người Hà Tĩnh thật sâu sắc.
Cũng trong bài này, Nguyễn Văn Tý còn thể hiện một sự tinh tế nữa trong việc đặt lời ca. Trong rất nhiều thứ ở quê hương Hà Tĩnh có thể khiến người đi xa quê nhớ: “Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La, nhớ biển rộng quê ta…”, thì ông nói đến “những cánh đồng muối trắng”. “Muối mặn, gừng cay” là một thành ngữ quen thuộc diễn tả những gì thật sâu sắc, gắn bó, trải bao thăng trầm của cuộc đời dâu bể con người ta sẽ không bao giờ có thể quên. Cũng còn có nghĩa nữa là lòng người Hà Tĩnh rất mặn mòi mà lại thanh khiết như “những cánh đồng muối trắng” vậy.
Nếu ông tinh tế, dụng công làm ca từ trong bài này bao nhiêu thì ở một bài khác cũng rất nổi tiếng là “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa”, lại có những chi tiết thiếu điều đó. Một câu cần lưu ý: “Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc quần nhau với giặc”. “Quần nhau” là một động từ diễn tả cuộc chiến đấu với giặc Mỹ ở trên không của quân dân ta luôn rất gian khổ, khó khăn, cả hai bên đều muốn giành giật chiến thắng không dễ dàng. Nhưng nói như vậy có vẻ rất khẩu ngữ, nôm na, ít chất văn học, chỉ có thể cùng lắm xuất hiện ở trong thơ mà không thể là ca từ để hát lên.
Một chi tiết nữa: “Tấm áo ấy con quý hơn cơm gạo”. Tấm áo rách của chiến sỹ được bà mẹ Hà Bắc vá thì đúng là rất có ý nghĩa, rất nặng nghĩa sâu tình. Nhưng đề cao điều đó lên trên cơm gạo thì không ổn. Bởi ông cha ta trước nay chưa bao giờ đặt thứ gì lên trên cơm gạo, vì đây là thứ nuôi sống con người và để làm ra được phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, vì “cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”. Chính vì vậy nên mới “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Nhằm đề cao thứ này mà lại đặt lên trên một thứ khác vốn dĩ không thể đặt dưới thứ gì là điều bất ổn.
Có một bài hát hay, rất nổi tiếng được nhiều người ưa thích là “Tình ta biển bạc đồng xanh” của nhạc sỹ quê Quảng Bình Hoàng Sông Hương. Nhưng tôi cứ băn khoăn mãi về câu sau đây: “Em hỏi rằng vì sao anh ra khơi, bám biển ngày đêm để màu da anh nắng sạm. Hỏi mà chi sao em cứ bông đùa?”. Cả bài không có chi tiết nào thể hiện cô gái “bông đùa” với chàng trai. Một bài song ca nam nữ rất tình cảm. Em thương anh ra khơi, bám biển ngày đêm khiến màu da anh sạm nắng thì sao lại bị anh cho rằng em “bông đùa”?
Tôi nghe nhiều lần rất rõ hai tiếng này nhưng vẫn không tin ở tai mình, bèn tìm bằng được văn bản thì đúng như vậy. Có lẽ một dịp nào đó phải hỏi tác giả xem vì sao ông lại hạ một từ rất lạc lõng vào một bài hát rất hay như vậy. Mà cứ cho là trước đó, cô gái đã trêu, bông đùa với chàng trai đi thì từ này cũng không thể đưa vào ca khúc một cách rất tự nhiên chủ nghĩa như thế (“tự nhiên chủ nghĩa” chứ không phải “chủ nghĩa tự nhiên” – naturalisme).
Có một dạo, trong giới trẻ lan truyền một bài hát có tên “Con gái bây giờ” có những lời ca như sau: “Biết yêu là phũ phàng. Biết yêu là ngỡ ngàng. Sao ta cứ cắm đầu vào yêu?”. Chẳng những ca từ như khẩu ngữ hàng ngày nôm na mà còn rất thô thiển, kém tế nhị. “Cắm đầu vào yêu” – nói bình thường đã là thô huống hồ đưa vào một tác phẩm nghệ thuật. Quá phản cảm!
Nhạc sỹ quân đội Văn An là tác giả nhiều bài hát nổi tiếng, trong đó có bài tình ca đặc sắc “Nhịp cầu nối những bờ vui”. Bài này nhạc sỹ phổ thơ của Phan Văn Từ. Bài thơ dung dị, phô diễn tình yêu mộc mạc, chân thành của chàng trai sau khi đi bộ đội về quê hương đã thổi sáo trúc, giãi bày tình cảm với cô gái mình yêu.
Khi bài hát đã trở nên phổ biến, một lần tôi xin phép trao đổi với Văn An một chi tiết liên quan đến câu: “Anh lại về đây sau ngàn ngày chiến đấu, ngồi trên cầu thổi sáo đón em”. Tôi đề nghị tác giả âm nhạc sửa “trên cầu” thành “bên cầu” cho tinh tế hơn.
“Trên cầu” thì quá cụ thể, tức là chàng trai đứng ở trên cầu, có thể ngay trên đầu cô gái (vì cô giặt áo ở dưới chân cầu). Còn “bên cầu” thì có thể ở ngay đầu cầu, có thể cách xa hơn một chút – vài chục mét gì đó, thậm chí đứng xa tới vài trăm mét, tiếng sáo vẳng lại. Sự không xác định rõ vị trí chàng đứng trong từ “bên cầu” sẽ hay hơn, lãng mạn, tinh tế hơn. Ấy là chưa nói “trên cầu” dễ khiến người giàu trí tưởng tượng nghĩ tới hành vi… Kiểu như là người nói thì vô tình, kẻ nghe lại hữu ý.
Một lần, Hội Người mù Việt Nam tổ chức mời một tốp nhạc sỹ đến thăm một số cơ sở lao động của họ (như làm tăm, chổi đót, tẩm quất…) để sáng tác bài hát. Toàn các nhạc sỹ nổi tiếng, có nhiều bài hát quen biết. Nhưng phần nhiều các bài ra đời trong đợt này không được họ đón nhận. Bài sáng tác xong, các nhạc sỹ cũng cho thu đĩa CD. Đều là các ca sỹ “xịn” hát. Nhưng cuối cùng cũng chẳng ai nghe và những bài này đã vĩnh viễn nằm trong kho tự liệu của họ.
Duy có một bài họ rất thích, sau đó trở nên nổi tiếng trong giới khiếm thị. Hội diễn của họ thì có nhiều người cùng đưa lên sân khấu. Đó là bài Khúc hát tình đời: “Tuy không thấy hình nhau mà chỉ nghe giọng hát. Giọng hát thiết tha say đắm tình quê nhà….”. Khi tôi hỏi một số người khiếm thị rằng vì sao lại rất thích bài hát này? Họ cho biết ngoài giai điệu đẹp, thiết tha, sâu lắng, phần lời ca rất hay và đặc biệt là rất tế nhị thể hiện tác giả có trái tim rất đa cảm và tinh tế.
Tôi đề nghị họ nói rõ thêm, nhất là từ “tinh tế”. Họ nói: “Trong cả bài, không có một từ “mù” nào mà người nghe vẫn nhận biết rõ bài hát dành cho những người khiếm thị. Tác giả quả là rất tế nhị, không muốn chạm đến nỗi buồn lớn của đối tượng mình đề cập. Thậm chí còn không có cả từ “mắt”.
Vậy nhưng tác giả đã viết: “Tuy không thấy hình nhau mà chỉ nghe giọng hát” rồi “Em ơi! Dẫu ta không nhìn bao nhiêu sắc màu”. Như vậy rõ là người khiếm thị rồi. Họ còn rất thích cái câu kết của bài: “Ta dắt tay nhau thanh thản đi giữa đời”. Tuy cuộc sống của họ kém may mắn, còn nhiều khó khăn không dễ vượt qua nhưng họ giàu lòng tự trọng, không muốn cầu lụy, phiền hà ai và còn rất tự tin, thanh thản vì có tình yêu động viên họ cùng bước tiếp trên đường đời.
Trong khi đó thì các bài khác đều có từ “mù”. Có bài còn nhắc đi nhắc lại từ này nhiều lần. Một bài của một nhạc sỹ có lời như sau: “Từ hai hố mắt sâu thẳm của anh vụt lên luồng ánh sáng…”. Họ nói với tôi: “Ôi! Nghe ghê chết! Hóa ra mắt chúng tôi là hai cái hố, hai cái giếng hay sao? Tác giả tưởng rằng như vậy là ca ngợi nhưng chúng tôi lại thực sự rất tủi thân và thấy rùng rợn…”. Quả là một lời tâm sự chân thành và thẳng thắn về sự thiếu tế nhị của người sáng tác khi đặt lời ca.
Tuy vai trò chính vẫn là ở phần âm nhạc, nhưng lời ca hay hoặc dở cũng góp phần đáng kể đến sức thuyết phục hoặc hạn chế của ca khúc. Trong đó, sự tinh tế của người sáng tác là yếu tố không thể thiếu khi viết ca từ vậy.
N.Đ.S (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét