Tchaikovsky và vở ballet huyền thoại Hồ Thiên Nga

Nói tới văn hóa Nga, không ít người sẽ nghĩ ngay tới nghệ thuật ballet của Nga, và đã nhắc đến ballet Nga thì người ta không thể không nghĩ tới vở ballet được gọi là “ballet của những vở ballet“, đó là “Hồ thiên nga” của nhà soạn nhạc lừng danh Tchaikovsky. Có lịch sử từ hơn một trăm năm trước, Hồ Thiên Nga ra đời vào năm 1877, nhưng cho đến nay vẫn là niềm say mê của những ai yêu thích môn nghệ thuật này.

Không phải ngẫu nhiên mà vở ballet “Hồ Thiên Nga” lại nổi tiếng trong suốt chiều dài lịch sử như vậy. Vở ballet này đã gắn với những tên tuổi như nhà soạn nhạc Pie Tchaikovsky và những nhà biên đạo múa Petin, Ivanov, Grigorovich.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó diễn tả được những tâm tư cháy bỏng trong mỗi con người: tình yêu thánh thiện, ước mơ cao cả, nỗi thất vọng và sự cám dỗ của đời thường.

Tchaikovsky với Hồ Thiên Nga

Hồ Thiên Nga là vở ballet đầu tay của Tchaikovsky. Với suy tưởng, ballet cũng là một bản giao hưởng, và ông đã đưa những ý tưởng của mình vào vở ballet này. Tchaikovsky đã làm thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ về các vở ballet, ông đã đưa nghệ thuật giải trí này lên thành một nghệ thuật trìu tượng, sâu sắc, mang được những nét thầm kín trong tư duy.

Vào thời Tchaikovsky sáng tác vở “Hồ thiên nga”, ở xứ Bavaria thuộc nước Ðức bấy giờ, có vị Vua Đức tên là Ludwig đệ nhị nổi tiếng lãng mạn, say mê nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Vua Ludwig đệ nhị đã cho xây một tòa lâu đài thần tiên tuyệt đẹp gọi là lâu đài Neuschwanstein (Lâu đài Thiên Nga), đứng trên sườn núi trông ra khu hồ cũng mang tên là hồ Thiên nga hết sức thơ mộng.

Với cảnh quan của Tòa lâu đài và hồ Thiên nga, vị vua lãng mạn đến khác thường này đã tạo niềm cảm hứng cho Tchaikovsky sáng tác vở “Hồ Thiên Nga” tuyệt tác, một vở ballet được xếp vào loại bi thương và trữ tình nhất trong lịch sử âm nhạc. Có lẽ chính vì vậy Tchaikovsky đã quyết định đặt tên cho hoàng tử, nhân vật chính trong vở ballet một cái tên Ðức, cho dù Tchaikovsky là người Nga.

“Hồ Thiên Nga” ra mắt khán giả lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1877. Sau sáu năm trình diễn thì vở ballet phải tạm ngưng. Ðối với thời kỳ đó, sáu năm diễn cho một vở ballet đã là rất dài, vì nghệ thuật múa vào thời điểm đó vẫn chưa đạt được đúng tầm của nó và chưa diễn tả được hết ý tưởng của âm nhạc Tchaikovsky.

Hồ Thiên Nga chỉ thành danh, chỉ thực sự được biết đến sau khi Tchaikovsky đã qua đời gần 20 năm sau. Vào năm 1895, Hồ Thiên Nga được dàn dựng lại và từ đó người ta mới cảm nhận được cái đẹp của Tchaikovsky, cái hồn lãng mạn của “Hồ Thiên Nga”, cái dịu dàng, quyến rũ của những vũ điệu ballet.

Hồ Thiên Nga và những cách nhìn

Cho đến nay Hồ Thiên Nga vẫn có hai trường phái dàn dựng khác nhau, nhưng cả hai đều rất được hâm mộ và mỗi trường phái đều diễn tả câu chuyện Hồ Thiên Nga theo một khía cạnh khác nhau.

Trong khi các nhà hát ballet ở Saint Petersburg thể hiện vở ballet này theo sự dàn dựng của nhà soạn nhạc Ricardo Drigo cùng với sự biên đạo múa của hai nhà đạo diễn nổi tiếng là Petin (người Ðức) và Ivanov (người Nga) thì tại Moskva các Nhà hát ballet lại thể hiện vở Hồ Thiên Nga theo đúng tinh thần và hồn nhạc của Tchaikovsky qua sự biên đạo múa của Grigorovich.

Trở ngược dòng thời gian tại Saint Petersburg, vở Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky được nhạc sĩ Ricardo Drigo dàn dựng và cho ra đời lần đầu tiên vào năm 1895. Nhạc sĩ Ricardo Drigo đã không lấy toàn bộ những giai điệu của Tchaikovsky sáng tác cho Hồ Thiên Nga mà ông chỉ lấy những đoạn trích từ những sáng tác khác nhau của Tchaikovsky để đưa vào Hồ Thiên Nga, trong đó có cả những đoạn mà Ricardo Drigo tự viết nhạc.

Hồ Thiên Nga trong sự chuyển thể của Drigo mang nhiều nét cổ tích, mang nhiều nét huyện thoại hơn và Hồ Thiên Nga đã trở thành một huyền thoại thật đẹp, thật cảm động về tình yêu. Nhà biên đạo múa người Ðức Petin đã mang đến cho vở diễn không khí tưng bừng của những vũ điệu, vẻ hào nhoáng của những buổi lễ hội nơi cung đình, còn nhà biên đạo múa Ivanov đã làm cho vở ballet Hồ Thiên Nga mang được bóng dáng tâm hồn Nga. Những cảnh thiên nga yểu điệu rập rờn nối đuôi nhau bên bờ hồ phủ sương, những mái đầu nghiêng nghiêng mềm mại, làm người ta hình dung được những đàn thiên nga bên bờ hồ phương bắc. Những bước chân mềm mại, những cánh tay uyển chuyển theo dòng nhạc trữ tình làm người ta như thấy những cánh chim nhè nhẹ đong đưa theo những tiếng hát buồn da diết của đàn thiên nga. Đó là với trường phái Hồ Thiên Nga ở Saint Petersburg.

Với trường phái ở Moskva, năm 1969, nhà biên đạo múa nổi tiếng của Nhà Hát Thành Phố Moskva, ông Grigorovich, người hết sức đam mê âm nhạc Tchaikovsky đã quyết định trả lại cho Hồ Thiên Nga cái hồn ban đầu của nó.

Ông đã dàn dựng lại vở diễn theo đúng ý tưởng của Tchaikovsky, một dòng nhạc đầy cảm xúc, đầy kịch tính, nhưng cũng thật lãng mạn.

Hồ Thiên Nga trong cách nhìn của Grigorovich, không còn là một câu chuyện cổ tích về tình yêu nữa mà đã là một thế giới nội tâm đầy mơ mộng nhưng cũng thật sóng gió. Một thế giới của thực-hư, hư-thực, của trắng-đen, một khoảnh khắc thật gần nhau, thật khó phân biệt. Thế nhưng trớ trêu thay, dưới thời Liên Xô còn tồn tại thì sự dàn dựng của Grigorovich đã phải thay đổi rất nhiều, đặc biệt là đoạn kết trong vở diễn. Những nhà lãnh đạo văn hóa Liên Xô thời đó đã không cho phép nàng Odetta, biểu tượng của niềm tin, của cái đẹp được chết trong tay của số phận. và phải chờ mãi tới năm 2000, vở Hồ Thiên Nga mới được sửa lại theo đúng kịch bản của Grigorovich, một kịch bản theo sát ý tưởng khởi đầu của Tchaikovsky.

Hoàng Tử Digfrid và giấc mơ đi tìm sự tuyệt đối

Trong kịch bản của Drigo, Hồ Thiên Nga là một câu chuyện tình yêu thật đẹp.

Hoàng tử xứ Ðức Digfrid vừa tròn 18 tuổi. Vương triều lúc đó đã tổ chức chúc mừng chàng thật linh đình, những vũ điệu vui nhộn của khắp xứ Âu châu được mang ra trình diễn trong Hoàng cung, từ những vũ điệu vui nhộn của xứ Tây Ban Nha tới những điệu Valse lôi cuốn của Hungari và Ba Lan.

Vào buổi chiều, bạn bè rủ Hoàng tử vào rừng đi săn và họ dừng chân nghỉ lại bên bờ hồ yên tĩnh. Trong ánh trăng bàng bạc, Hoàng tử được chứng kiến một quanh cảnh thật kỳ lạ. Bầy thiên nga mềm mại, trắng muốt từ từ thoát khỏi lốt thiên nga và biến thành những cô gái thật kiều diễm, yêu kiều.

Odetta, bà chúa của bầy thiên Nga đã làm cho Hoàng tử Digfrid bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp yêu kiều của mình. Odetta kể cho Hoàng tử nghe về số phận của mình và các nàng thiên nga khác. Các nàng bị lão phù thủy độc ác Rotbart phù phép, biến thành những con thiên nga. Chỉ đến đêm, họ mới được trở lại lốt người. Ma thuật của lão phù thủy chỉ biến mất nếu nàng Odetta gặp được một người hết lòng yêu thương và chung thủy với nàng. Bên bờ hồ thiên nga, Hoàng tử Digfrid đã thề sẽ mãi mãi giữ trọn tình yêu với nàng Odetta.

Khi hoàng tử Digfrid trở về hoàng cung, thì cha mẹ của chàng lại tổ chức yến tiệc linh đình để kén vợ cho chàng. Tất cả các tiểu thư không làm chàng mềm lòng. Nhưng phù thủy Rotbart vô cùng thâm độc. Hắn cải trang cho cô con gái Odillia của mình mang dáng vẻ của bà hoàng thiên Nga Odetta và đã làm cho Hoàng tử tưởng lầm. Chàng vui mừng định công bố Odillia là vợ chưa cưới của mình, nhưng rồi chàng chợt thấy hình bóng của Odetta hiện về. Hoàng tử chợt bừng tỉnh và hiểu rằng chàng đã bị phủ thủy Rotbart đánh lừa.

Bên bờ hồ thiên nga các nàng thiên nga hồi hộp chờ đợi bà chúa Odetta của mình được giải thoát. Nhưng nàng Odetta buồn bã cho biết hoàng tử đã phụ bạc lại lời thề thủy chung của mình. Hoàng tử cũng chạy đến xin tha thứ vì sự nhầm lẫn của mình. Nhưng lời thề của Hoàng tử đã không còn linh nghiệm nữa. Ðể cứu người yêu và bầy thiên nga, vị Hoàng tử đã quyết định tìm đến cái chết. Kết cục nàng Odetta và Hoàng tử đã cùng chết bên nhau trong lòng hồ thiên nga và tình yêu của họ từ đó đã trở thành bất tử.

Trong kịch bản của Grigorovich, Hồ Thiên Nga không còn là một huyền thoại về tình yêu nữa, mà nó đã mang đầy tính suy tưởng, đầy tính triết lý.

Những cánh thiên nga kiều diễm bên bờ hồ, không còn là những nàng tiên bị phù phép, mà là thế giới của những cái đẹp, của những mơ ước trong thế giới nội tâm của Hoàng tử Digfrid. Nàng tiên thiên Nga Odette chính là hình ảnh của tình yêu, của sự dịu dàng tuyệt đối mà chàng được số phận cho nhìn thấy.

Nhưng số phận là một vị thần thật nghiệt ngã, chẳng cho người ta được êm ấm, dễ dàng đạt được mơ ước của mình. Số phận mách bảo cho Hoàng tử sự hiện diện của nàng Odette, nhưng cũng là thông điệp cho Hoàng tử và nàng Odillia để thử thách.

Odillia thật giống Odetta về hình thức, và Hoàng tử đã bị nàng mê hoặc. Chỉ đến khi nhận nàng là vợ chưa cưới, Hoàng tử mới biết mình bị nhầm lẫn. Nhưng số phận không cho phép chàng rút lời. Khi chàng không còn giữ được sự trong trắng trong chính tâm hồn mình, thì giấc mơ trong trắng của chàng cũng chết. Khi chàng đã phản bội lại niềm tin, thì tình yêu tuyệt đối cũng không thể sống nổi, dù chàng được tha thứ. Và nàng Odetta đã bị chết trong tay của số phận nghiệt ngã ngay khi ngày mới bắt đầu.

Cho tới ngày nay, dù vở ballet Hồ Thiên Nga được dựng theo trường phái nào, theo huyền thoại, hay theo triết lý thì Hồ Thiên Nga cũng đã làm cho khán giả mê đắm bởi vẻ đẹp của mình, bởi những giai điệu thật đặc sắc, khiến không ít người đã phải suy tư về tình yêu, về niềm tin và về cuộc đời.

H.H (HNS)

Nhận xét